Thế Giới Tuần Qua (Dec. 18, 1999)
1999.12.17
Lời giới thiệu: Chúng ta còn gần hai tuần nữa là sẽ mừng năm 2000 và gần hai tháng nữa là mừng Tết Bính Thìn. Vẫn biết là trong giòng miên viễn của đất trời, đây chỉ là những thời điểm do con người đặt ra, và về thực tế, thì đến năm 2001 nhân loại mới bắt đầu một thế kỷ mới trong thiên niên kỷ mới, nhưng, các thời điểm tâm lý nói trên cũng tác động đến sự hành xử của con người. Vì vậy, từ tuần này cho đến Tết Nguyên Đán, mục Thế giới tuần qua sẽ lần lượt kiểm điểm những biến cố ý nghĩa nhất của thời sự thế giới suốt năm 1999. Một cách chủ quan, chúng tôi xin tạm định nghĩa biến cố có ý nghĩa là sự việc làm thay đổi tình hình thời sự trong lâu dài, và giữa bao biến cố như vậy, chúng tôi xin ưu tiên chọn riêng những gì có ảnh hưởng tới châu Á và Việt Nam. Do nhiều cây bút phụ trách với phần biên tập của Thành Chung, Thế giới Tuần qua sẽ trình bày trước hết bức tranh toàn cảnh của Á châu trong năm qua... Nếu hai năm 1997 và 1998 là hai năm khủng hoảng của các nước Á châu, khởi đi từ biến động tài chánh và hối đoái tại Thái Lan vào tháng Bảy năm 1997, thì năm 1999 sắp hết có thể coi là năm phục hồi kinh tế châu Á. Năm nước bị khủng hoảng, thường được gọi tắt là A-5, gồm có Đại Hàn, Thái Lan, Philippines là Phi Luật Tân, Malaysia là Mã Lai Á và Indonesia là Nam Dương. Trong năm 99 này, nhóm A-5 tương đối ổn định được sự suy sụp kinh tế, như Nam Dương và Mã Lai Á, hoặc đạt mức tăng trưởng cao hơn, như Thái Lan và Phi Luật Tân. Phục hồi mãnh liệt nhất trong nhóm A-5 này là Đại Hàn, hiện có tỷ lệ tăng trưởng sản xuất cao nhất và thu góp lại số dự trữ ngoại tệ là hơn 70 tỷ đô la nên đã từ chối sử dụng nốt ngân khoản cấp cứu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF và Ngân hàng Thế giới. Không phải ngẫu nhiên nếu Đại Hàn cũng là quốc gia đã áp dụng kế hoạch chấn chỉnh quyết liệt nhất sau khi bị khủng hoảng. Bên cạnh nhóm A-5, chúng ta có một số quốc gia khác lại không hoặc chưa bị khủng hoảng trực tiếp và kịch liệt như vậy. Không bị khủng hỏang một cách trực tiếp là trường hợp của các nước có cơ chế kinh tế chính trị dân chủ hơn như Đài Loan, hoặc liêm khiết và công minh hơn như Tân Gia Ba, tức là Singapore. Trong năm qua, hai xứ này đã vượt qua hiệu ứng khủng hoảng lây lan từ các lân bang và còn chứng minh rằng khủng hoảng không xảy ra vì hiện tượng toàn cầu hóa, mà vì một số nhược điểm nội tại trong từng quốc gia. Có lẽ điều đó được thấy rõ nhất tại Trung Quốc và Việt Nam, là hai nước vẫn chưa thoát sóng gió của khủng hoảng vì nhược điểm nội tại của mình. Cả hai đều chưa mở ngỏ kinh tế như các xứ kia, nên không bị trực tiếp chấn động, nhưng cả hai đều tiếp tục theo đuổi đường lối kinh tế có sự chỉ đạo của nhà nước, và vai trò quá nặng của hệ thống quốc doanh. Vì vậy, trong năm 1999, khi các nước Đông Á đều hồi phục và bắt trớn tăng trưởng thì kinh tế Hoa lục và Việt Nam vẫn suy thoái, với đà tăng trưởng ngày một thấp hơn, dù họ đã có lợi thế về xuất cảng là các thị trường lân cận đã hồi phục nên nhập cảng nhiều hơn hai năm trước. Kinh tế Trung Quốc, và trường hợp Việt Nam không khác bao nhiêu, đang bị giảm phát, hàng bán không chạy và các biện pháp kích thích số cầu để kích thích sản xuất, như tăng chi, giảm tiền lời ngân hàng và cho vay dễ dãi hơn, v.v... đều chưa có tác dụng. Sản lượng kinh tế Hoa lục có thể sẽ sụt dưới 7%, và mỗi phần trăm bị mất sẽ là hơn ba triệu người mất việc. Năm qua tình hình Việt Nam còn bi đát hơn, với đà tăng trưởng chỉ hơn 4% thay vì 7-8% như các năm trước và đầu tư nước ngoài chỉ bằng 25% thời 1996-1997. Vì sợ hãi và thiếu am hiểu kinh tế, trong năm qua nhà cầm quyền Hà Nội còn muốn làm chậm nhịp cải cách để khỏi mất uy quyền, khiến kinh tế năm tới còn suy sụp hơn so với năm nay, và qua năm 2001, có lẽ chỉ đạt mức tăng trưởng là 3%một năm thôi. Trong vùng Á châu, cường quốc kinh tế số một là Nhật Bản cũng trải qua năm 1999 này với chiều hướng gọi là ổn định, tức là không suy sụp thêm. Và, ngược với dự đoán vào mùa Thu năm ngoái, chính phủ liên hiệp do thủ tướng Keizo Obuchi lãnh đạo đã không bị đổ mà còn thừa hưởng kết quả của các biện pháp cấp cứu đã được ban hành trước đây. Tới cuối năm, sản xuất đã bắt trớn tăng trưởng và tâm lý dư luận tương đối có tin tưởng hơn. Nhưng Nhật Bản vẫn tiếp tục phải đối phó với khó khăn tài chánh của hệ thống ngân hàng và doanh nghiệp ngập nợ và khó khăn xã hội của việc sa thải công nhân viên để cải tổ doanh nghiệp. Tuy nhiên, đây vẫn chưa là vấn đề lớn nhất của chính quyền Obuchi, nếu chúng ta kể thêm một số biến cố quốc tế đã xảy ra trong năm 1999 này. Quả vậy, khi tổng kết tình hình Á châu năm qua, ta cũng phải nhấn mạnh tới sự tương phản, là trong khi kinh tế nói chung có phục hồi thì an ninh lại suy đồi hơn. Âm ỉ mà sẽ có hậu quả lớn lao nhất là sự bất ổn chính trị tại Hoa lục, nơi mà ngay từ đầu năm, các phong trào đấu tranh cho dân chủ bị triệt hạ và lãnh đạo bị bỏ tù. Mặc dù chủ tịch Giang Trạch Dân đã củng cố quyền lực riêng và khéo đẩy xu hướng cải tổ của thủ tướng Chu Dung Cơ vào thế thủ để đưa tay chân của mình vào bộ máy kinh tế, hệ thống lãnh đạo Bắc Kinh hiện đang thấy bất an vì các làn sóng ngầm đang đe dọa uy quyền của họ. Vì muốn có lợi thế của kinh tế thị trường mà không cải tổ hệ thống chính trị, Bắc Kinh đang tự tạo ra nhiều khó khăn xã hội mà họ chưa thể khắc phục. Việc chế độ phải hấp tấp và quyết liệt đàn áp giáo phái Pháp luân công chỉ là phần nổi của tảng băng ngầm bên dưới mà thôi. Như kinh nghiệm lịch sử cho thấy, khi Trung Quốc gặp nội loạn là họ lại có xu hướng tìm kiếm ngoại thù để hoán chuyển sự chú ý và bất mãn của dư luận. Trong năm 1999, họ đã có cơ hội xác định kẻ thù nhờ vụ Hoa Kỳ can thiệp vào Nam Tư và bắn lầm vào sứ quán Bắc Kinh, và nhờ việc tổng thống Lý Đăng Huy đòi hỏi là Đài Loan phải được đối thoại ngang bằng với Trung Quốc. Những biến cố đó đã khiến dư luận e ngại là quan hệ Mỵ-Hoa sẽ thêm tồi tệ và có thể khơi dậy mâu thuẫn thời chiến tranh lạnh. Và sự e ngại đó không phải là không có cơ sở khi an ninh tại eo biển Đài Loan và bán đảo Triều Tiên đã có lúc lâm vào cảnh báo động. Nguy cơ bất ổn tại Triều Tiên lẫn Đài Loan là mối lo đáng kể cho Nhật Bản, vốn sinh sống nhờ tự do giao lưu hàng hải trên vùng Đông Á. Vì cả khủng hoảng kinh tế lẫn bất ổn chiến lược ở chung quang, trong năm qua, ta có thấy bùng phát tinh thần quốc gia Nhật, nhẹ thì ta gọi là một ý thức quốc tế cao độ hơn, nặng thì là tinh thần tái võ trang để tự vệ. Trong các năm tới đây, vai trò của Nhật trong quan hệ giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ sẽ là điều cần được theo dõi vì sẽ là thời sự, và xuất phát từ các biến cố xảy ra trong năm nay. Nhưng, thực ra, biến cố Á châu có nhiều ảnh hưởng nhất cho các nước cũng vẫn là tình hình Indonesia trong năm 1999. Xét về nội bộ, trong năm nay, Indonesia đã bầu ra quốc hội và tổng thống mới, nhưng chưa thực ổn định về chính trị, và nếu không khéo xử, tân tổng thống Abdurrahman Wahid có thể tạo cơ hội cho quân đội ra khỏi trại lính để trở về chính trường. Ông khó tránh được điều đó sau khi Đông Timor được độc lập thì nhiều địa phương khác đòi noi theo, khiến Nam Dương có thể bị phân hóa. Nếu tại Âu châu, sự phân hóa được gọi là "Nam Tư hóa" thì, tại Á châu, "Nam Dương hóa" có thể xảy ra khi các địa phương, sắc tộc hay tôn giáo đều đòi độc lập. Và để ngăn ngừa, quân đội mà lại lên nắm quyền thì bạo loạn có khi tái phát và tai hại hơn vụ Đông Timor gấp trăm. Chính là vì e sợ tình trạng Nam Dương hóa như vậy mà lãnh đạo Bắc Kinh mới tiêu diệt và triệt phá mọi hy vọng dân chủ hay tự do độc lập, từ Tân Cương tới Tây Tạng hay cửa Thiên an môn. Ngoài ảnh hưởng tới Trung Quốc, vụ Đông Timor còn được coi là biến cố đáng ghi nhất châu Á vì nó phơi bày sự thụ động của các xứ châu Á khi phải giải quyết vấn đề nội bộ. Các nước Á châu đều muốn có quyền quyết định nhiều hơn về vận mệnh riêng, nhưng lại thiếu điều kiện kinh tế và cơ chế quốc tế hòa giải các vấn đề an ninh hay chiến lược trong nội bộ. Trong năm qua, điều tiêu cực nhất của Á châu là sau khi im lặng nhìn dân Đông Timor bị tàn sát và hành hung, các nước trong vùng mới miễn cưỡng chấp nhận sự tham gia của Liên hiệp quốc và Úc châu, và che dấu sự yếu kém của họ đàng sau khẩu hiệu bài bác Liên hiệp quốc và Tây phương. Sau này, nếu một vấn đề tương tự xảy ra, ở một mức độ nguy ngập hơn, thí dụ như tại Đài Loan hay Trường Sa, thì các nước Á châu sẽ xử trí ra sao... là một câu hỏi đáng ngại nhất của năm 1999 này được gửi cho thế kỷ tới...