NỀN KINH TẾ VIỆT NAM SẼ CÒN NGUY NGẬP HƠN NẾU KHÔNG DỨT KHOÁT ĐỔI MỚI
1998.10.27
Lời giới thiệu: Thưa quý thính giả. Nền kinh tế Việt Nam đang trong thời nguy ngập nhưng không phải không có giải pháp. Nhật báo Hoa kỳ có uy tín về kinh doanh, là tờ Wall Street Journal, ấn bản Á Châu, vừa có bài nhận định của các nhà kinh tế tài chính hàng đầu trên thế giới về những dấu hiệu cụ thể của tình trạng nguy hiểm đó, với những số liệu thiết thực, đồng thời nêu lên một số giải pháp có thể được thực hiện để cứu nguy nền kinh tế nước ta ngày nay. Bài báo được phổ biến hai ngày trước khi Thủ Tướng Phan Văn Khải báo cáo trước Quốc hội Việt Nam về những biện pháp đối phó của chính phủ. Việt Long tóm lược bài viết có giá trị nói trên như một đối chiếu với những giải pháp thủ tướng Khải vừa đề nghị để quý thính giả am tường và nghiên cứu. Anh thợ máy Trần văn Tùng ngồi uống bia trước cổng doanh nghiệp sản xuất ô tô, một công ty liên doanh với nước ngoài tại Hà Nội. Anh còn dư thì giờ uống thêm bia, chờ đợi thời cơ. Anh Tùng là một trong 400 công nhân phải nghỉ việc vì kế hoạch cắt giảm chi phí của công ty Vietnam Motor Corporation, liên doanh với những cổ đông người Nhật Bản và Phi-Líp-Pin. Trước tình trạng khủng hoảng kinh tế ngay tại các xứ đó, các cổ đông chi phối này phải cắt giảm những kế hoạch sản xuất rộng lớn, nên sa thải 41% nhân viên. Tình cảnh thất nghiệp của các công nhân như anh Tùng chỉ là một dấu hiệu của nhiều ảnh hưởng tai hại từ cuộc khủng hoảng kinh tế Á Châu đối với Việt Nam. Ngoài thất nghiệp, còn nhiều chỉ dấu khác nữa. Theo số liệu đáng tin cậy của các công ty vận chuyển quốc tế, thì cứ mỗi người Việt hải ngoại về nước đầu tư thì lại có 12 người Việt hải ngoại khác bỏ cơ sở mà họ đã đầu tư ở Việt Nam để ra đi. Các trường học quốc tế còn trơ hằng trăm dãy bàn trống. Hằng chục bin đinh trống rỗng như buồn rầu nhắc nhở thời kỳ vàng son đã chấm dứt, là thời kỳ các nhà đầu tư đổ xô đến tranh nhau thuê kín hết các văn phòng. Việt Nam quả không bị ảnh hưởng trực tiếp của cuộc khủng hoảng như nhiều quốc gia Á Châu khác, nhưng không phải không bị thấm đòn, với tình trạng thất nghiệp gia tăng, xuất khẩu trì trệ, và đầu tư nước ngoài giảm sút. Được Nhà nước kiểm soát chặt chẽ, đồng bạc Việt Nam không mất giá ghê gớm như tiền tệ nhiều nước khác, nhưng điều đó lại khiến những tài sản chính yếu của Việt Nam, là lao động rẻ mạt và hàng xuất khẩu thấp giá, đã không còn giữ được thế cạnh tranh tốt như trước. Điều nguy hại hơn nữa, Việt Nam đã mất những khách hàng nhập khẩu quan trọng nhất, là các quốc gia châu Á. Trước khi khủng hoảng xảy ra từ năm ngoái, hơn 60% nguồn hàng xuất khẩu của Việt Nam đi sang Á Châu, nhưng từ đầu năm đến tháng Chín, mức gia tăng xuất khẩu chỉ còn 4,5%, so với tỉ lệ 25% cách đó 1 năm. Lý do chính yếu là nhu cầu nhập khẩu của Nhật và Nam Hàn giảm sút mạnh. Thêm vào đó là tình trạng đầu tư nước ngoài đã sút giảm, và trong có 6 tháng đầu năm nay đã giảm tới 20%. Trong tháng Bảy, không thấy có ghi nhận về một giấy phép đầu tư nào được cấp phát, đây là lần đầu tiên sự kiện đó xảy ra trong thập niên 90 này. Singapore, Đài Loan, Hồng Kông, Nhật Bản và Nam Hàn chiếm tỉ lệ 65% nguồn đầu tư ở Việt Nam, nhưng năm nay mức đầu tư có thể xuống chỉ còn 500 triệu đô la, theo như Ngân Hàng Phát Triển Á Châu cảnh báo. Năm ngoái, mức đầu tư là 2 tỉ 400 triệu, và con số do Nhà nước Việt Nam dự đoán cho năm nay là 1 tỉ đô la đầu tư ngoại quốc. Năm ngoái, đầu tư nước ngoài đã lên tới 17% so với tổng sản lượng nội địa GDP, theo công ty tài chính ING Baring International. Mức đầu tư sút giảm lại khiến dự trữ ngoại tệ bị hao hụt, và đây là một vấn đề nguy ngập khác. Giới quan sát cho hay lượng ngoại tệ dự trữ của Việt Nam hiện ở mức quá thấp, chỉ còn chừng 1 tỉ đô la, tức chỉ đủ chi cho nhu cầu nhập khẩu trong 4 hoặc 5 tuần. Dù dự trữ ngoại tệ bị nhà cầm quyền che dấu vì cho là bí mật quốc gia, nhưng cách đây 1 năm, con số chính thức của chính quyền cho biết là lượng ngoại tệ dự trữ chỉ tương đương với 9 tuần nhập khẩu mà thôi. Theo đại diện của Ngân hàng Phát triển Châu Á tại Hà Nội, ông Jean Pierre Verbiest, đà tăng trưởng kinh tế sẽ càng chậm hơn nữa, nếu Việt Nam không thoát được tình trạng này. Trong khi đó, tỉ lệ tăng trưởng của GDP đã sút giảm rõ rệt. Chính Nhà nước Việt Nam cũng phải hạ giảm chỉ tiêu tăng trưởng từ 9% -cho 6 tháng đầu năm- xuống còn 6%, trong khi các kinh tế gia quốc tế dự đoán con số này sẽ là từ 3 đến 5% cho cả năm nay. Kinh tế trưởng của Chương Trình Phát Triển Liên Hiệp Quốc UNDP ở Hà Nội, ông Robert Glofchesky, cho rằng nếu Việt Nam không đẩy mạnh đổi mới kinh tế, thì mức tăng trưởng sẽ còn tụt giảm nữa trong dăm ba năm tới, cho đến khi chỉ còn là một con số dương rất nhỏ. Điều này hết sức tai hại, vì theo như chính Nhà nước Hà Nội cho biết, mức tăng truởng GDP hiện nay đã không đủ để thu dụng hết lực lượng 1 triệu 400 ngàn nhân công hằng năm đến tuổi gia nhập thị trường lao động, do đà gia tăng tự nhiên của dân số. Tuy nhiên rõ rệt là mức tăng trưởng kinh tế của Việt Nam vẫn còn khá hơn so với một số nước láng giềng. Được như vậy là nhờ Việt Nam đến nay vẫn áp dụng những biện pháp hạn chế thị trường, như đặt hàng rào quan thuế và chế độ kiểm soát tiền tệ nghiêm ngặt, nên kinh tế chưa lập tức bị suy sụp. Tuy nhiên theo quan điểm của ADB, những hạn chế về mậu dịch như tiết giảm nhập khẩu chỉ là những viên thuốc giảm đau tạm thời. Các doanh nghiệp cần được tự do hơn trong việc nhập khẩu nguyên vật liệu để chế biến. Thêm nữa, làn sóng những loại hàng lậu rẻ hơn nhiều nhờ tiền các nước khác mất giá, đã trám chỗ cho nhập khẩu và đánh gục các nhà sản xuất nội địa về mặt hàng tiêu thụ. Giới kinh tế quốc tế khuyến cáo là, để chống đỡ với nguy cơ khủng hoảng sâu xa lâu dài hơn, Việt Nam cần phải thực hiện những cải tổ căn bản. Nguy cơ khủng hoảng sẽ tác động vào kinh tế Việt Nam một cách sâu rộng, lâu dài và tai hại hơn nhiều, vì thu nhập bình quân của người dân còn quá thấp và nạn nghèo đói sẽ lan rộng, theo báo cáo của ông Edouard Wattez, đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam. Về những giải pháp cứu vãn, theo viên kinh tế trưởng của UNDP là ông Glofcheski, Việt Nam vẫn có thể học kinh nghiệm của Thái Lan, Indonesia và Nam Hàn, và nhờ đi sau về kinh tế nên Việt Nam có thể tránh những khiếm khuyết mà các nước đó đã phạm. Biết bao nhiêu điều có thể rút ra được từ kinh nghiệm của họ; nào là sự thiếu minh bạch trong kinh doanh và tài chính, nào là hệ thống ngân hàng yếu kém, cho đến cách lượng giá quá cao tài sản kinh tế của quốc gia. Giải pháp kế tiếp được đề nghị bởi kinh tế gia Ari Kokko của Trường kinh tế Stockholm, là Việt Nam nên khởi sự đối phó với khủng hoảng bằng việc chấm dứt sách lược thay thế nhập khẩu, tức là chấm dứt việc bảo vệ những mặt hàng nội hóa, đã kém về chất lượng mà còn đắt về giá cả. Các mặt hàng như thép, đường, phân bón có thể mua rẻ hơn từ các nước khác, trong khi việc dùng nội hoá thay thế nhập khẩu chỉ làm hao hụt vốn đầu tư vào những ngành kém năng suất và gây lệch lạc trong cơ cấu kinh tế vì các loại thuế quan. Gỉai pháp khác nữa có liên quan đến các xí nghiệp quốc doanh. Cho tới gần đây, trong các diễn văn và bài viết trên hệ thống truyền thông chính thức, giới lãnh đạo tỏ vẻ hiểu rằng đổi mới là việc sống còn, lá con đường không thể tránh được, và còn tỏ ra nôn nóng đổi mới. Thái độ này thể hiện qua việc giải tỏa dần những hạn chế trong lãnh vực đầu tư, việc giảm giá đồng bạc Việt Nam đến 16% hay 17% từ đầu năm đến nay, và kế hoạch tự do hóa lãnh vực xuất khẩu, theo nhận định của nhân vật đứng đầu phòng nghiên cứu Đông Dương của công ty tài chính ING Barings International tại Bangkok. Tuy nhiên việc đổi mới mạnh mẽ hơn lại vấp phải vấn đề xí nghiệp quốc doanh: Nhà nước Việt Nam nhắc đi nhắc lại việc cổ phần hóa công ty quốc doanh, dù mới chỉ từng phần, mà đến nay mới chỉ có 29 công ty trong số 6 ngàn công ty quốc doanh là được cổ phần hóa mà thôi. Đồng thời, có đẩy mạnh đổi mới hay không thì Việt Nam vẫn phải đối phó với sự thể là hệ thống ngân hàng Việt Nam bị ngập nợ, kinh tế thiếu hụt ngoại tệ, và cán cân chi phó bị mức thâm hụt tương đương với 5% tổng sản lượng nội địa GDP. Về vấn đề chi phó này, Ngân Hàng Phát Triển Á Châu lưu ý rằng, với mức thâm hụt như vậy, khó có nền kinh tế nào có thể đứng vững lâu dài mà không bị trôi vào khủng hoảng. Việt Long