Quá trình xin phép và thủ tục thành lập trường đại học tư thục tại Việt Nam
2007.10.14
Mặc Lâm, phóng viên đài RFA
Để đối phó với tình trạng số lượng sinh viên vào đại học mỗi năm một cao khiến cho nhiều trường lâm vào tình trạng quá tải thì giải pháp mở thêm các trường ngoài công lập đã được nhà nước chú ý và chấp thuận cho phép. Tuy nhiên, việc thành lập một hồ sơ đúng tiêu chuẩn của Bộ Giáo Dục và Đào Tạo cho phép không phải là việc dễ dàng.

Mặc Lâm phỏng vấn nhà văn Nguyên Ngọc, nguyên tổng biên tập của báo Văn Nghệ, và hiện đang là một sáng lập viên của trường đại học tư thục Phan Chu Trinh về việc này mời quý vị theo dõi.
Mặc Lâm: Thưa ông, chúng tôi được biết ông đã có được giấy phép của Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng ký cho phép thành lập trường đại học tư thục Phan Chu Trinh tại tỉnh Quảng Nam, xin ông vui lòng cho biết quá trình xin phép và những thủ tục mà ông đã trải qua như thế nào?
Nhà văn Nguyên Ngọc: Cái thông báo của Thủ Tướng là cho phép tỉnh Quang Nam được thành lập một trường mà trong nguyên văn là chất lượng cao, quy mô thích hợp và làm mẫu cho những trường khác sau này.
Trên cơ sở của thông báo này chúng tôi thành lập ban sáng lập trong đó có các ông như giáo sư Hoàng Tụy, Giáo sư Phan Dình Diệu hay giáo sư Phạm Duy Hiển...Cái thông báo này được gửi đến chúng tôi và đồng thời với Bộ Giáo Dục, và có đề nghị Bộ Giáo Dục và Đào Tạo giúp chúng tôi làm cái trường đó.
Mặc Lâm: Trong thông báo này có đề cập đến trường Đại Học Phan Chu Trinh sẽ theo mô hình công lập hay tư thục thưa ông?
Nhà văn Nguyên Ngọc: Chúng tôi có đề nghị cho làm trường tư thục vì chúng tôi nghĩ rằng muốn tạo nên một cái mô hình mới mà làm trường công thì sẽ phụ thuộc rất nhiều vào cái cơ chế đang có của Bộ Giáo Dục và Đào Tạo thì sẽ rất khó.
Mặc Lâm: Về thủ tục xin phép như thế nào. Có dễ dàng hay không?
Nhà văn Nguyên Ngọc: Chúng tôi phải làm cái bước gọi là đề án tiền khả thi, và cũng nói thật tôi không ngờ phức tạp và lâu như thế. Cái đề án này chúng tôi làm 1000 trang và mỗi lần ra làm việc với Bộ Giáo Dục nộp cái đề án đó thì người ta lại bảo chỗ này chưa đúng hay chỗ kia chưa đúng. Hóa ra là có những điều lệ về trường đại học và điều lệ về trường đại học tư đã được nhà nước công bố.
Cái thông báo của Thủ Tướng là cho phép tỉnh Quang Nam được thành lập một trường mà trong nguyên văn là chất lượng cao, quy mô thích hợp và làm mẫu cho những trường khác sau này.
Mặc Lâm: Thưa ông, trong những điều lệ này có điều lệ nào quá khó khăn hay không phù hợp với tình hình hiện nay hay không?
Nhà văn Nguyên Ngọc: Tôi có nói với ông Bộ Trưởng Nguyễn Thiện Nhân rằng những điều lệ này có nhiều điều không đúng, lạc hậu. Ví dụ như quy định rằng những người tham gia sáng lập của trường thì phải đóng tiền. Tôi cho rằng một cái trường như vậy có thể có những nhà văn hóa, những nhà khoa học là những người không có nhiều tiên nhưng bắt những người bày đóng tiền vào thì dễ dẫn đến việc nhà trường sẽ trở thành chỗ buôn bán mà thôi.
Mặc Lâm: Vậy thì bộ trưởng trả lời ra sao thưa ông?
Nhà văn Nguyên Ngọc: Ông Nhân ông ấy bảo cái này sẽ rút kinh nghiệm! thế nhưng chúng tôi vẫn phải tuân theo, nên cái ban sáng lập của chúng tôi sau đó phải thay đổi, tại vì có những người không thể góp tiền. Và cái thủ tục này hóa ra mất ba năm! Chúng tôi cũng hết sức kiên trì theo dõi, làm đi làm lại bao nhiêu lần.
Mặc Lâm: Theo chỗ chúng tôi được biết thì nhiều dự án sau khi đã có giấy phép của cơ quan chủ quản rồi đến khi bắt tay vào việc thì lại phát sinh ra những đòi hỏi phải có nhiều loại giấy phép khác nữa, trường Phan Chu Trinh có gặp cảnh này hay không thưa ông?
Nhà văn Nguyên Ngọc: Quy định của Bộ Giáo Dục và Đào Tạo là sau khi đã có quyết định của Thủ Tướng, thì lại phải đi xin những giấy phép con, và cái quá trình đi xin cũng khó khăn phức tạp: xin quyết định chiêu sinh, xin quyết định mà người ta gọi là mở mã ngành. Hóa ra có giấy phép lớn rồi phải có giấy phép con nữa!
Mặc Lâm: Xin cám ơn nhà văn Nguyên Ngọc đã dành thời giờ cho cuộc phỏng vấn ngày hôm nay.
Những bài liên quan
- Học tiếng Anh ở trường chỉ để… thi
- Không để học sinh, sinh viên phải nghỉ học vì không có tiền đóng học phí
- Chương trình học tiếp tục gây áp lực cho học sinh
- Ý kiến của sinh viên trong nước về việc được vay tiền với lãi suất ưu đãi
- Sáng kiến: Nên đưa môn học chống tham nhũng vào trong nhà trường
- Ý kiến của thầy Đỗ Việt Khoa về sách giáo khoa
- Ý kiến của phụ huynh, học sinh và giáo viên về giáo trình sách giáo khoa
- Phú Yên: Hơn 7.000 học sinh không có sách vở đến trường
- Môn Lịch sử trong hệ thống trường học Việt Nam, làm sao cải tiến?