Giái pháp nào cho những người lao động VN bị hành hung ở Jordan?
2008.03.05
Mặc Lâm, phóng viên đài RFA
Trong tuần lễ vừa qua, việc người lao động Việt Nam tại Jordan bị cảnh sát nước này hành hung vì đã đình công đòi quyền lợi đã gây xúc động lớn cho người Việt trong và ngoài nước. Chính phủ Việt Nam đã gửi tham tán ngoại giao tại Ai cập sang Jordan để tìm hiểu vấn đề hầu có giải pháp thỏa đáng.

Mặc Lâm có cuộc phỏng vấn với Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, ông Nguyễn Thanh Hòa để tìm hiểu thêm những hành động mà bộ này sẽ đưa ra trong những ngày tới để giải quyết vụ việc.
Mặc Lâm: Thưa Thứ Trưởng, xin được cảm ơn ông đã dành thời gian rất bận rộn của ông để chúng tôi có thể có cuộc phỏng vấn ngắn ngày hôm nay. Thưa ông, qua vụ việc người lao động Việt Nam bị cảnh sát Jordan hành hung vì đã đình công đòi quyền lợi, Thứ Trưởng dã có thông tin gì về vấn đề này thưa ông?
Ông Nguyễn Thanh Hoà: Là do cái cách tình toán lương giữa chủ lao động và người lao động không thống nhất làm cho người lao động không hiểu và dẫn đến vụ đình công. Và trước tình hình trên thì về phía nhà nước đã chỉ đạo các doanh nghiệp mà đưa lao động đi là phối hợp với người sử dụng để giải quyết vụ việc này.
Mặc Lâm: Thưa đó là biện pháp trong nước còn cụ thể trong trường hợp tại Jordan thì Bộ đã có những chỉ đạo nào, thưa Thứ Trưởng?
Ông Nguyễn Thanh Hoà: Chính phủ cũng đã chỉ đạo đại diện Đại Sứ Quán Việt Nam tại Ai Cập cử một đồng chí - ông tham tán sang trực tiếp phối hợp với các cơ quan của bạn để giải quyết và hiện nay thì đại diện Sứ Quán Việt nam tại Ai Cập đang phối hợp với các cơ quan chức năng của Jordanie và cùng với người lao động và đại diện các doanh nghiệp để giải quyết việc này.
Và về phía trong nước thì Bộ Ngoại Giao và Bộ Lao Động - Thuơng Binh và Xã Hội sẽ cử một nhóm công tác sang để phối hợp cùng với đại diện sứ quán tiếp tục xử lý việc này trên tinh thần là làm sao phải đảm bảo, bảo vệ tốt nhất quyền lợi chính đáng của người lao động.
Mặc Lâm: Việt Nam không có đại sứ quán tại Jordan như vậy liệu có trở ngại nào không khi hai bên ngồi lại để giải quyết trên tinh thần ngoại giao giữa hai nước, thưa ông?
Ông Nguyễn Thanh Hoà: Chúng ta chưa có đại diện thường trú tại Jordanie nhưng mà chúng ta có đại sứ kiêm nhiệm cho nên việc quan hệ pháp lý ngoại giao không có vấn đề gì trở ngại. Đại diện đại sứ quán ta tại Ai Cập đã sang và phối hợp với các cơ quan chịu trách nhiệm ở Jordanie rồi.

Mặc Lâm: Thưa Thứ Trưởng, theo thông tin chúng tôi có được thì rất nhiều công nhân Việt Nam trong vụ này tha thiết muốn trở về nhà và họ không muốn tiếp tục làm việc cho dù giới chủ nhân có thỏa mãn cho những yêu cầu của họ đi chăng nữa, liệu Bộ Lao Động - Thương Binh và Xã Hội có chấp nhận nguyện vọng chính đáng này hay không?
Ông Nguyễn Thanh Hoà: Trên tinh thần là nếu mà ai, trên tinh thần là bây giờ sử dụng và đáp ứng các điều kiện đã ký kết với người lao động đảm bảo quyền lợi chính đáng của người lao động, và theo cái tinh thần đó mà nếu như người nào muốn tiếp tục ở lại làm việc thì phải tạo điều kiện để làm sao cho người ta ở lại làm việc tiếp theo cái hợp đồng của người ta, còn những người nào không muốn làm việc nữa, có nguyện vọng muốn xin về nước, thì cũng sẽ phối hợp với các cơ quan của Jordanie để giúp cho người lao động về nước.
Mặc Lâm: Xin được hỏi ông câu hỏi cuối, qua kinh nghiệm lần này thì Bộ Lao Động - Thương Binh và Xã Hội sẽ có những biện pháp nào nhằm tránh lặp lại những việc tương tự có thể gây thiệt hại cho cả hai phía là người lao động và đối tác thu nhận lao động Việt Nam?
Ông Nguyễn Thanh Hoà: Cái này thì đây cũng không phải lần đầu xảy ra những cuộc lãng công, đình công của lao động Việt Nam ở nước ngoài. Tôi cũng đã có nhiều kinh nghiệm xử lý trong việc này. Đây nó có một khó khăn mà vừa qua nó để kéo dài một chút là do chúng ta không có cơ quan đại diện thường trú tại đấy, chứ còn ở những địa bàn mà hiện nay chúng tôi có cơ quan đại diện và có ban quản lý lao động và những việc như thế thường là giải quyết kịp thời ngay.
Mặc Lâm: Vâng. Xin một lần nữa xin cám ơn Thứ Trưởng đã dành thời gian trả lời chúng tôi trong ngày hôm nay.
Ông Nguyễn Thanh Hoà: Vâng. Cảm ơn anh.
Theo dòng thời sự:
- 176 công nhân Việt Nam ở Jordan vẫn chưa trở lại làm việc
- 176 nữ công nhân Việt Nam ở Jordan bị chủ bỏ đói, bị hành hung
- IOM tìm cách cứu giúp các nữ công nhân Việt Nam ở Jordan
Các tin, bài liên quan
- Vì sao nhiều công nhân Việt Nam ở Malaysia bị tử vong?
- 176 công nhân Việt Nam ở Jordan vẫn chưa trở lại làm việc
- Công nhân xuất khẩu sang Malaysia bị lừa gạt, ức hiếp
- Nữ công nhân Việt Nam ở Jordan bị ngược đãi vì đình công
- 176 nữ công nhân Việt Nam ở Jordan bị chủ bỏ đói, bị hành hung
- Tìm thấy thêm 6 xác nạn nhân vụ chìm tàu trên sông Mekong
- Tâm sự của người lao động Việt Nam tại Malaysia
- Thực trạng đời sống công nhân xuất khẩu Việt Nam ở Malaysia
- Hội nghị Sáng Kiến Toàn Cầu Chống Buôn Người tổ chức ở Thái Lan
- Tại sao ít người đến Trung tâm hỗ trợ kết hôn để được giúp đỡ?
- Hiện trạng về vấn đề cô dâu Việt Nam ở nước ngoài
- Việt Nam ra quy định mới về tiền ký quỹ lao động xuất khẩu
- Hội nghị ở California về tệ nạn buôn người