Khám phá mới trên dòng Mekong

Buổi Hội thảo Sinh vật Đa dạng của Liên Hiệp Quốc sẽ diễn ra vào trung tuần tháng Mười tại Nagoya, Nhật Bản.
Khoa Diễm, phóng viên RFA
2010.10.11
mekong-vn-rfa-305.jpg Một khúc sông Mekong thuộc địa phận Việt Nam
RFA photo

Kêu gọi sự quan tâm của thế giới

Trong tinh thần đó, Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên, hay còn gọi là WWF, cho ra bản thông cáo về nhưng loài sinh vật mới được phát hiện trong năm vừa qua, nhằm kêu gọi sự quan tâm cũng như ủng hộ về tài chánh của thế giới để bảo đảm cho việc lớn mạnh và an toàn cho các sinh vật trong khu vực hạ lưu dòng Mekong.

Dòng nước này chảy qua các quốc gia Lào, Cambodia, Thái Lan, Miến Điện, Việt Nam và tỉnh Vân Nam của Trung Quốc. Trong năm 2009-2010, có 145 loài sinh vật mới đã được phát hiện như loại cá Mặt quỷ, được tìm thấy tại một con sông nhỏ tại Miến Điện.

Ông Stuart Chapman, Giám đốc Khu vực Bảo tồn tại vùng hạ lưu Mekong của WWF chia sẻ thêm với Đài Á Châu Tự Do:

“ Thật đặc biệt và bất ngờ khi chúng tôi tìm thấy được 145 loại sinh vật mới khác nhau tại khu vực này trong năm qua. Vùng hạ lưu dòng Mekong là một miền đất đa dạng trong sinh học, nó chỉ đứng nhì sau vùng Amazon. Trong những loài này, tôi thấy đặc biệt nhất là loại cá có hai chiếc răng nanh và chúng tôi gọi chúng là cá Mặt quỷ, trong dòng họ cá chép tìm thấy được tại Miến Điện. Hay loài ếch có tiếng kêu như tiếng dế hoặc một loại cây cao đến 7 mét với những túi để bẫy các loại kiến hay sinh vật khác dùng làm thức ăn tại phía Nam Cambodia.” 

Chúng tôi muốn các nhà tài trợ lớn nhận thấy rằng đây là một khu vực đáng cho họ quan tâm và số tiền họ bỏ ra để bảo quản sự sinh tồn của các sinh vật này.

Ông Stuart Chapman - WWF


Ông Stuart Chapman cho biết thêm, những khám phá của dòng Mekong không nơi nào trên thế giới có thể sánh được vì địa lý và khí hậu, đi từ độ cao của vùng núi đến khu rừng rậm, tạo nên những sinh vật nước ngọt đa dạng nhất thế giới.

Tuy nhiên, dù vùng Greater Mekong thật đa dạng nhưng cũng là khu vực bị đe dọa nặng nề với nhiều loài sinh vật có nguy cơ bị tuyệt chủng như loài hổ, voi Á châu, cá heo Mekong, và cá trê khổng lồ Mekong nếu như chính phủ của các quốc gia trong vùng hạ lưu sông Mekong khởi sự xây dựng các đập thủy điện như chương trình xây đập Sayabouly của Lào.   

Với con số các sinh vật mới được phát hiện ngày một nhiều, ông Chapman cũng cho biết lý do chính tổ chức WFF cho ra đời bản báo cáo này là dùng nó để kêu gọi sự quan tâm của thế giới, đặc biệt là các nhà tài trợ cho những chương trình bảo tồn các động vật hiếm quý cũng như môi trường sinh thái do người dân trong khu vực.

Ông nói:

“Chúng tôi muốn đưa dòng sông Mekong lên bản đồ của thế giới trong vấn đề bảo tồn. Nó quá đa dạng và đặc biệt nhưng lại ít có ai biết đến và các nhà tài trợ cho những chương trình bảo tồn thì hầu như là không có. Chúng tôi muốn các nhà tài trợ lớn nhận thấy rằng đây là một khu vực đáng cho họ quan tâm và số tiền họ bỏ ra để bảo quản sự sinh tồn của các sinh vật này.

Tôi cũng xin nói đến một điều nữa là trên những lãnh vực như lương thực và nước uống, kể cả mức sinh hoạt của hàng triệu người sống bằng nghề đánh cá trong khu vực phụ thuộc rất nhiều vào dòng sông này, thành ra tất cả mội điển biến tích cực hay tiêu cực xảy ra cho dòng Mekong đều ảnh hưởng trực tiếp đến những người dân này.”

Bảo vệ tài nguyên thiên nhiên

giadinh24h.com-200.jpg
Loài Cá Mặt Quỷ. Photo courtesy of giadinh24h.com
Loài Cá Mặt Quỷ. Photo courtesy of giadinh24h.com
Ngoài những nhà bảo trợ, ông Chapman cũng nhắc đến chính phủ của các quốc gia trong vùng. Ông cho biết, chính phủ Lào, Thái Lan, Cambodia, Miến Điện, Việt Nam và ngay cả Trung Quốc cũng có những thông tin rất sát thực về tình trạng hiện tại của vùng hạ lưu sông Mekong. Tuy nhiên, mỗi chính phủ đều có cái nhìn riêng của họ nhất là trong các chương trình liên quan đến kinh tế cho người dân và đất nước.

Do đó ông Chapman cho biết ông mong rằng các quốc gia này hiểu được tầm quan trọng của việc giữ gìn những tài nguyên trong lòng dòng sông cũng như bên bên bờ sông vì cái lợi trước mắt có khi lại là mối nguy hại khó có thể sửa chữa được trong tương lai.

Ông Chapman giải thích:

“Chúng tôi có những chương trình cho chính phủ của các quốc gia trong khu vực hạ lưu sông Mekong từ mười mấy hai mươi năm qua. Chúng tôi cũng có những dự án và kế hoạch như bản báo cáo này. Do đó tôi hoàn toàn tự tin khi nói rằng mỗi chính phủ của từng quốc gia hiểu rất rõ về sự đặc biệt của vùng đất họ đang sở hữu. Tôi cũng hiểu là họ đang có những cơ hội đầu tư về thiết bị máy móc hay các công nghệ dồi dào về tài chính.

Tôi hoàn toàn tự tin khi nói rằng mỗi chính phủ của từng quốc gia hiểu rất rõ về sự đặc biệt của vùng đất họ đang sở hữu. Tôi cũng hiểu là họ đang có những cơ hội đầu tư về thiết bị máy móc hay các công nghệ dồi dào về tài chính.

Ông Stuart Chapman - WWF


Chúng tôi nghĩ rằng họ vẫn có thể bắt đầu hay tiếp tục những chương trình này nhưng nên thận trọng hơn và cố gắng để bảo đảm cho môi trường sinh thái của các sinh vật đặc biệt cũng như người dân nơi đây được tiếp tục một cách suông sẻ.”

 Cộng đồng khoa học thế giới đang dành rất nhiều sự quan tâm cho vùng hạ lưu sông Mekong không phải vì mối lợi tài chánh nhưng do từng ngọn cây, cọng cỏ cũng như mỗi con thú trong khu vực đều đem lại sự đa dạng sinh thái và môi trường này đặc biệt rất ích lợi cho tương lai của trái đất.


Theo dòng thời sự:

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.