Việt Nam trong bản phúc trình của Hoa Kỳ về Nạn buôn người
2007.06.13
Lê Dân, phóng viên đài RFA
Hôm thứ Ba 12-6, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ công bố bản phúc trình về tệ nạn buôn người trên khắp thế giới trong năm 2006. Không giống với những bản phúc trình về nhân quyền và tự do tôn giáo, về phòng chống nạn buôn người Washington ghi nhận Việt Nam năm qua đã đạt một số thành tựu đáng kể. Lê Dân lược thuật như sau.
Trong buổi lễ công bố bản phúc trình tại Washington, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Condoleeza Rice cho biết một trong những mục tiêu của nỗ lực hàng năm này là nhằm nâng cao sự cảnh giác của tòan thế giới về các tai hại do nạn buôn người gây nên.
Các quốc gia có nạn buôn người được xếp thành 3 nhóm trong danh sách và năm nay Việt Nam đứng trong 'tier 2' tức nhóm thứ nhì.
Trong phần nhận định từng quốc gia, bản phúc trình của bộ Ngoại giao Hoa Kỳ viết rằng "Việt Nam là nguồn xuất phát và cũng là điểm đến của những nạn nhân đàn ông, đàn bà và trẻ em trong mục đích khai thác tình dục và cưỡng bức lao động.
Nhiều người bị lừa gạt, cưỡng ép
Phụ nữ và thiếu nữ Việt Nam bị buôn bán qua Cambodia, Trung Quốc, Thái Lan, Hồng Kông, Macao, Malaysia, Đài Loan, Anh và Cộng hòa Czech cho kỹ nghệ tình dục.
Bọn buôn người thường ngụy trang nạn nhân của chúng thành những du khách hoặc lao động xuất khẩu để đưa "hàng" của chúng qua Hồng Kông, Đài Loan hay Malaysia. Chúng còn tuyển mộ thiếu nữ có nhan sắc qua những trung tâm tìm việc rồi bán nạn nhân cho các băng đảng Trung Quốc và Malaysia. Nhiều khi chúng còn tìm nạn nhân qua những 'chat room' trên mạng Internet.
Vẫn còn những báo cáo khả tín cho biết một số phụ nữ Việt Nam muốn kết hôn qua trung gian của các môi giới quốc tế đã bị bán hay lạm dụng. Con số nạn nhân Việt Nam qua kết hôn với người Đài Loan đã sút giảm trong thời gian gần đây nhờ quy chế di trú của đảo quốc này đã được siết chặt, trong khi số nạn nhân là cô dâu người Việt tại Hàn Quốc lại tăng lên gần gấp đôi trongvòng 5 năm qua".
Bản phúc trình của bộ Ngoai giao Hoa Kỳ chỉ rõ là "phụ nữ và thiếu nữ Việt Nam thường bị khuyến dụ bởi những hứa hẹn về việc làm hậu hỉ rồi bị gạt vào cảnh bị khai thác tình dục, cưỡng bách lao động và hôn nhân tại Đài Loan.
Cũng có những trường hợp trẻ em Việt Nam bị buốn bán sang làm việc cho bọn buôn lậu ma túy tại Anh Quốc. Lại có các trường hợp đàn ông, đàn bà Việt Nam bị buôn bán sang Malaysia, Đài Loan, Thái Lan, Ảrập Xê-út và vùng Trung Đông để bị cưỡng bách lao động làm người giúp việc nhà, công nhân xí nghiệp hoặc trong kỹ nghệ xây dựng.
Hiện tượng đó từng được nhiều nhân viên các tổ chức ngoài chính phủ tại Việt Nam nhận biết: “Thật ra nhiều người đi xuất phát là đi tự nguyện, đi tìm các cơ hội kinh tế tốt hơn, có thể là lên thành phố tìm việc hoặc đi các nơi khác. Trong quá trình đấy, hoặc là sau đó mới bị lừa bán hoặc bị ép buộc.”
Đánh giá cao các nỗ lực của Việt Nam
Bản phúc trình của bộ Ngoại giao Hoa Kỳ ghi một điểm son "năm 2006 Chính phủ Việt Nam đã thông qua Luật Lao động Xuất khẩu mới nhằm giám sát chặt chẽ hơn các doanh nghiệp xuất khẩu lao động và quy định các hợp đồng cùng lệ phí xuất khẩu lao động phải minh bạch hơn".
Việt Nam tuy chưa hoàn toàn tuân thủ với tiêu chuẩn quốc tế tối thiểu nhằm loại bỏ nạn buôn người, nhưng đã có nhiều nỗ lực đáng kể về mặt này. Việt Nam đã có tiến triển khích lệ phòng chống nạn buôn người cho kỹ nghệ tình dục trong năm vừa qua bằng cách gia tăng ngân sách và đẩy mạnh việc áp dụng Chương trình Hành động Quốc gia 2004-2010.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng chính thức cộng tác song phương chống nạn buôn người với các chính phủ Cambodia và Đài Loan.
Trong nước, chính phủ Việt Nam đã gia tăng các biện pháp bảo vệ và trợ giúp nạn nhân. Các nạn nhân đó được khuyến khích giúp nhà chức trách điều tra và truy tố những cá nhân và tổ chức buôn người.
Các đoàn thể thanh niên và phụ nữ tiếp tục gia tăng nỗ lực phòng chống tệ nạn buôn người qua việc tuyên truyền, vận động dân chúng cảnh giác hơn. Một nhân viên tổ chức ngoài chính phủ tại Hà Nội đưa ra lời khuyến cáo các người có nhu cầu tìm việc làm tốt, hoặc kết hôn với người nước ngoài là: “Cơ bản nhất là các em phải tìm hiểu những thông tin về chủ làm việc, hay nơi làm việc, các thứ…”
Các tổ chức quốc tế và ngoài chính phủ tiếp tục trợ giúp Việt Nam qua các cuộc huấn luyện và trợ giúp kỹ thuật cho các cơ quan Nhà nước cũng như tiếp tay trong những chiến dịch vận động quần chúng cảnh giác.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Condoleeza Rice cho biết đó cũng là phương hướng hành động mà Washington nhắm tới để phòng chống và tiêu diệt tệ nạn buôn người. Bà nói: “Ngày càng có thêm nhiều nước nhận ra nạn buôn người là hình thức hiện đại của nạn nô lệ đang phá hủy gia đình và cộng đồng trên khắp thế giới.”
Bản phúc trình của bộ Ngoại giao Hoa Kỳ về nạn buôn người khuyến nghị chính phủ Việt Nam nên tiếp tục các nỗ lực đã có qua việc gia tăng truy cứu trách nhiệm và truy tố các người nước ngoài đến Việt Nam vì du lịch tình dục.
Các tin, bài liên quan
- Quỹ Châu Á được tài trợ để chống nạn buôn bán phụ nữ và trẻ em
- FPT bị công ty Việt Mỹ kiện đòi bồi thường thiệt hại 1 triệu đôla
- 3 lao động Việt Nam tại Malaysia bị trả về nước
- Thảm cảnh của phụ nữ Việt quê mùa chất phác đi giúp việc nhà ở Đài Loan
- Nạn buôn bán trẻ em, phụ nữ Việt Nam tăng cao
- Đâu là thực tế của vấn đề Lao động Xuất khẩu?
- Công nhân nước ngoài tại Hoa Kỳ làm việc “Gần Như Nô Lệ”
- Giấc mộng đi Mỹ, một phương thức lừa đảo xuất khẩu lao động
- Tòa án Phnom Penh kết án 2 người Đức về tội ấu dâm trẻ em Việt Nam