Chủ trại chăn nuôi gà vịt hoang mang và chuẩn bị tìm nghề mới


2005.04.20

Nam Nguyên, phóng viên đài RFA

Người chăn nuôi gà vịt vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long hoang mang và chuẩn bị tìm nghề mới, trước tin nhà nước nhìn nhận là chỉ có thể khống chế dịch cúm gia cầm vào năm 2007 và bằng vào các biện pháp mạnh.

Người nông dân đang đưa đàn vịt ra đồng. AFP PHOTO

Trong số các giải pháp được đưa ra tại hội nghị tổng kết phòng chống dịch cúm gia cầm tổ chức ngày 18-4 tại Hà Nội, có việc từ nay vĩnh viễn ngăn cấm chăn nuôi thuỷ cầm vịt ngan ngỗng theo phương thức tự do, nông dân gọi là nuôi chạy đồng. Điều này phá vỡ truyền thống lâu đời của vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long.

Không theo nghề được nữa

Tối 18-4 một chủ trại ấp vịt giống ở Miền Tây cho chúng tôi biết, ông chuẩn bị giải nghệ tìm nghề khác làm ăn, do chính quyền tạm dừng đến cuối năm hoạt động ấp trứng sản xuất con giống, và nuôi mới đàn vịt ngan ngỗng chim cút: “ Tôi đang kiếm công chuyện làm ăn khác, nghề này không theo được nữa…Năm ngoái tới năm nay lỗ nhiều lắm.”

Ông chủ trại thêm rằng, dù dịch bệnh có hết đi chăng nữa nhưng vĩnh viễn cấm nuôi vịt chạy đồng thì cũng không có ai mua vịt giống nữa. Nông gia này giải thích do đâu mà người chăn nuôi vùng đồng bằng sông Cửu Long lại có truyền thống nuôi thả tự do gọi là nuôi chạy đồng:

Tôi đang kiếm công chuyện làm ăn khác, nghề này không theo được nữa…Năm ngoái tới năm nay lỗ nhiều lắm.

“ Nuôi chạy đồng là chăn thả tới các vùng lúa chín, để ở đó cho tới khi ‘ đẻ hột’…nuôi cách này đỡ tốn tiền thức ăn cho vị, thì mới có lời.”

Tiêu huỷ toàn bộ đàn thuỷ cầm

Theo hãng thông tấn Reuters, hội nghị tổng kết kéo dài một ngày ở Hà Nội hôm thứ hai dưới sự chủ trì của Phó Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng, đã không đưa ra quyết định được trông đợi, đó là tiêu huỷ toàn bộ đàn thuỷ cầm nhiễm H5 dương tính ở vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Vẫn theo tin này một nữ phát ngôn nhân của Bộ Nông Nghiệp Phát Triển Nông Thôn cho biết, tổng đàn thuỷ cầm ở miền tây khoảng 20 triệu con, chính phủ giao quyền quyết định lại cho các nhà khoa học, đối với khả năng tiêu huỷ toàn bộ đàn vịt mang vi rút H5 dương tính.

Theo Vn Express, Nguyễn Văn Khang, giám đốc Sở Nông nghiệp Phát Triển Nông Thôn Tiền Giang, đề nghị biện pháp mạnh là tiêu huỷ toàn bộ đàn vịt như cách làm của TP.HCM. Nhưng ông băn khoăn là người dân không chấp nhận mức đền bù 5 ngàn đồng một con vịt hay gà như hiện nay.

Kinh phí và mức đền bù

Kinh phí là của địa phương, cho tới nay đền bù thấp hơn mức nông dân mong đợi…nên khó lắm…kinh phí hết sức khó khăn.

Nông gia ở miền tây nói rằng giá thị trường nhiều gấp 9 tới 10 lần giá đền bù: “Giá đó thì con vịt đen còn tạm được, nhưng con vịt trắng nặng 3 kí, 3kí 2. Giá thị trường tới 45 ngàn một con…”

Thực tế về vấn đề kinh phí và mức đền bù cho người chăn nuôi, cũng được ông Nguyễn Bá Thành, Giám Đốc Thú Y Vùng Cần Thơ phụ trách 11 tỉnh thành phố miền Tây giải thích với chúng tôi: “Kinh phí là của địa phương, cho tới nay đền bù thấp hơn mức nông dân mong đợi…nên khó lắm…kinh phí hết sức khó khăn.”

Mặc dù, chưa có quyết định huỷ diệt toàn bộ đàn thuỷ cầm ở miền Tây bất kể có dương tính vi rút H5 hay không, như phương cách của TP.HCM, tận diệt nguồn gốc gây bệnh. Nhưng một báo cáo đưa ra trong hội nghị 18-4 tại Hà Nội làm các chuyên gia phải giật mình.

Dịch bệnh có thể bùng phát bất cứ lúc nào

Theo đó tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng, trưởng bộ môn vi rút Viện Thú Y VN xác nhận là nay tỷ lệ nhiễm H5 dương tính ở đàn thuỷ cầm vùng đồng bằng sông Cửu Long lên tới 80%, theo ông vịt là ổ dự trữ vi rút H5N1 để gây bệnh lâu dài, do chúng vẫn mang vi rút trong người mà không phát bệnh.

Ông Dũng cho rằng, loài vịt có thể làm dịch bùng phát bất cứ lúc nào, ông ví von, cái khó là vi rút H5N1 tấn công vào đàn gia cầm giống như đánh du kích vì nhỏ lẻ. Do vậy người đại diện của Viện Thú Y nói phải cấm triệt để việc chăn thả tự do nuôi chạy đồng. Theo ông nếu còn cho nuôi vịt thì phải nuôi nhốt tức nuôi trong chuồng trại.

Theo báo cáo chính thức trong hội nghị ngày 18-4 tại Hà Nội, trong ba đợt dịch từ ngày 26-11-2003 đến nay, VN tiêu huỷ gần 46 triệu gia cầm, thiệt hại chung khoảng 3.500 tỷ đồng. Ngoài ra nhà chức trách y tế ghi nhận 71 trường hợp người nhiễm vi rút cúm gà H5N1, 36 ca tử vong. Trong ba tháng đầu năm 2005 có 44 ca mắc bệnh với 16 người thiệt mạng.

Tuy vậy ông Hans Troedson, đại diện Cơ Quan Y Tế Thế Giới tại Hà Nội, lo ngại vi rút cúm gia cầm có thể biến đổi thành một chủng khác có khả năng truyền nhiễm từ người này sang người khác. Khi ấy một đại dịch toàn cầu sẽ xảy ra với số người tử vong từ 50 tới 100 triệu, theo sự ước tính của người đại diện cơ quan Y Tế Thế Giới.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.