Hội nghị ở California về tệ nạn buôn người


2007.08.28

Nhã Trân, phóng viên đài RFA

Hôm thứ Bảy 25 tháng 8 tại khu vực Little Saigon, nơi được mệnh danh là thủ đô của người Việt tị nạn, diễn ra một hội nghị thường niên về nạn buôn bán phụ nữ, trẻ em và nô lệ lao động Việt Nam do Hiệp Hội Cử tri Việt Mỹ chủ xướng, đồng tổ chức với Liên minh Việt Nam chống Nạn buôn người và Mạng lưới Nhân Quyền Việt Nam. Nhã Trân trực tiếp tham dự và ghi nhận.

HumanTraffickingConfCali200.jpg
Hội nghị ở California về tệ nạn buôn người. Hình do Lộc Nguyễn cung cấp.

Hội nghị thường niên lần thứ 2 về vấn đề buôn người, với cái nhìn qua các khía cạnh khác nhau như luật pháp và nhân quyền, khai mạc vào lúc 9 giờ sáng - giờ Cali - tại đại học Chapman, quận Cam.

Trong số khoảng 150 quan khách hiện diện, mà giới trẻ chiếm đa số, là đại diện một số đoàn thể người Việt hải ngoại, đại diện Bộ Ngoại giao và Bộ Tư pháp của Hoa Kỳ và giới truyền thông Việt Nam như đài Á Châu Tự Do, nhật báo người Việt và đài Little Sàigòn Radio ở quận Cam.

Nguyên nhân và diễn tiến

Ông Mark Taylor, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, mở đầu chương trình với báo cáo cập nhật về tệ nạn. Ông nhắc lại nguyên nhân, trình bày diễn tiến và nhận định về mức can thiệp của giới thẩm quyền.

Được chú ý nhất là phần liên quan đến Châu Á và Việt Nam. Đại diện Bộ Ngoại giao Mỹ cho hay châu lục này tập trung đến gần 90% số nạn nhân của tệ nạn và các chương trình phòng chống tiến hành chậm chạp. Nói về Việt Nam, ông Taylor cho biết lâu nay kế hoạch đối phó của chính quyền Hà Nội kém hiệu quả và không đều đặn.

Trả lời câu hỏi của phóng viên đài Á Châu Tự Do về số nạn nhân phụ nữ và trẻ em Việt Nam của hình thức buôn bán nô lệ hiện đại này, ông Taylor nói:

Chúng ta cũng nên để ý đến vấn đề di dân kinh tế, tác động tới Việt Nam. Ngày càng có nhiều phụ nữ và cả thanh niên ra nước ngoài làm việc ở những nước phát triển hơn, vì muốn cải thiện cuộc đời. Họ đến những nơi có nền kinh tế khá hơn như Đài Loan, Malaysia.

“Con số này không giảm, mà có bằng chứng cho thấy có lẽ còn tăng. Một số người cho biết nó thật sự tăng.

Chúng ta có thể thấy rõ là rất nhiều phụ nữ và các em gái vị thành niên bị dụ dỗ vào kỹ nghệ tình dục ở Đông Nam Á, miền Viễn Đông Á, một số quốc gia Châu Ậu và cả Hoa Kỳ. Chúng ta cũng nên để ý đến vấn đề di dân kinh tế, tác động tới Việt Nam. Ngày càng có nhiều phụ nữ và cả thanh niên ra nước ngoài làm việc ở những nước phát triển hơn, vì muốn cải thiện cuộc đời. Họ đến những nơi có nền kinh tế khá hơn như Đài Loan, Malaysia.

Số nạn nhân của nạn buôn người trên khắp thế giới [hiện nay], không kể những người ra nước ngoài làm việc, được ước lượng vào khoảng 8 trăm ngàn, không kể những người rời nước để sang làm việc ở nước khác. Tôi nghĩ rằng sự thật còn nhiều hơn thế, có lẽ phải đến cả triệu, nhưng chúng tôi chưa có một con số thật chính xác”

Các bài nói chuyện khác xoay quanh một số vấn đề liên hệ đến tệ nạn. Ngoài đại diện của Vietnam Human Rights Network tức Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam còn có một số đoàn thể như Vietnamese Professionals Society tức Hội Chuyên gia Việt Nam, Taiwan ACT, đại diện Bộ Tư pháp Hoa Kỳ và giáo sư Cianciarulo, đại học Chapman.

Bên cạnh các nhận định, phân tích về bản chất phi nhân, phạm pháp của nạn buôn người là giới thiệu về các chương trình hỗ trợ nạn nhân. Thông báo cho hay các bộ của Hoa Kỳ như Lao động, Tư pháp, Quốc phòng, Y tế và Phục vụ Con người… có những chương trình phòng chống tệ nạn này và Trung tâm Tham khảo về Buôn người Quốc gia sẵn sàng đón nhận thông tin về các đường dây tội phạm.

Cử toạ cũng được nhắc nhở là Đạo luật Bảo vệ Nạn nhân của Nạn Buôn Người tức Trafficking Victims Protection Act, ban hành từ năm 2000, có những dịch vụ giúp đỡ các trẻ nạn nhân về mọi mặt, từ sức khỏe, nơi ăn chốn ở an toàn đến các thủ tục nhập cư hợp pháp tại Mỹ.

Khía cạnh luật pháp

Một trong những đề tài được nhiều lưu tâm là tường trình về khía cạnh luật pháp, liên quan đến vấn đề buôn người và nô lệ lao động. Ông Robert Moossy, Bộ Tư pháp Hoa Kỳ, cho biết đến nay luật của hầu hết các tiểu bang đều trừng phạt hành vi buôn người.

Mức phạt dành cho những kẻ chủ động hình thức nô lệ kiểu mới này đã được tăng lên, nhẹ nhất là 10 năm tù và nặng nhất là chung thân. Đại diện Bộ Tư pháp Mỹ cũng cho hay chương trình hỗ trợ nạn nhân đã được thực hiện nhằm cố vấn về luật pháp, giải tỏa quan ngại về di trú, giúp tiếp cận quyền lợi tị nạn và cung cấp chỗ ở, thực phẩm.

Tại Quốc hội Mỹ tôi có bàn luận về những đề tài, như là 3 cái P mà Bộ Ngoại giao đưa ra, đó là Prevention tức là ngăn ngừa, Protection tức bảo vệ và Prosecution tức truy tố. Đây là 3 cái tiêu chuẩn để đánh giá một quốc gia, xem việc chống nạn buôn người ở nước họ đã tiến triển như thế nào.

Trao đổi bên lề hội nghị với Nhã Trân của đài Á Châu Tự Do, bà Jackie Bông Wright, chủ tịch VAVA tức Hiệp Hội Cử Tri Việt Mỹ và cũng là người khởi xướng việc tổ chức hội nghị thường niên vệ tệ nạn này, nói về mức đánh giá đang được chính phủ Hoa Kỳ áp dụng cho việc phòng chống nạn buôn người, đồng thời nói về chiều hướng của nạn buôn người trong thời gian tới:

“Tại Quốc hội Mỹ tôi có bàn luận về những đề tài, như là 3 cái P mà Bộ Ngoại giao đưa ra, đó là Prevention tức là ngăn ngừa, Protection tức bảo vệ và Prosecution tức truy tố. Đây là 3 cái tiêu chuẩn để đánh giá một quốc gia, xem việc chống nạn buôn người ở nước họ đã tiến triển như thế nào.

Có tier one [cấp 1], tier 2 và tier 3. Tier 1 là những nước đã làm rất nhiều để giúp các nạn nhân và quốc gia mình qua khỏi tệ nạn này. Việt Nam là tier 2, có tham gia và có làm một vài hoạt động. Còn những quốc gia tier 3 là những quốc gia không làm gì nhiều về các vấn đề này.

Tệ nạn này tôi thấy không biết tới bao giờ mới chấm dứt được, là tại vì đây là một công việc làm ăn rất lớn lao. Tệ nạn này năm 2006 có thể lên tới 22 tỉ Mỹ kim trên thế giới. Cho nên đây là một việc rất khó chấm dút. Chẳng những vậy mà còn càng ngày càng bành trướng thêm chứ không bớt”

Những trăn trở

Trong Ban Tổ Chức và hoạt động hăng hái từ nhiều tháng để chuẩn bị cho hội nghị, cô Vân Lê hân hoan trước thành công của cuộc hội thảo, và ghi nhận sự đóng góp của các bạn trẻ:

“Em rất cảm động vì mọi người rất nhiệt tình và tham gia vào công cuộc này, vì thấy được tệ nạn. Rất cảm ơn những người đã cùng làm việc cũng như những người tham dự”

Trong đông đảo quan khách tham dự hội nghị có nhiều đại diện của cộng đồng người Việt tại Mỹ. Ông Hoàng Thế Dân, thay mặt cộng đồng người Việt miền Bắc Cali, chia sẻ suy nghĩ của ông về tệ nạn buôn người mà nạn nhân là phụ nữ, trẻ em:

“Tôi vừa tham dự hội nghị liên quan đến vấn đề lợi dụng. Tôi đi Á Châu nhiều và thấy được nhiều cảnh não lòng. Chúng ta khó mà tưởng tượng được rằng ở vào thời đại văn minh này mà vẫn còn những trường hợp nô lệ tình dục. Phụ nữ Việt Nam bị đày đọa quá nhiều.

Trẻ thơ và thanh niên bị bóc lột rất nhiều ở nhiều công trường, nông trường như ở Đài Loan và Trung Hoa lục địa. Tôi từ San Jose đến đây và rất hoan hỉ được cùng lắng nghe tiếng nói của những người quan tâm đến kiếp người Việt, đến giờ này vẫn bị đày đoạ. Hôm nay tôi về đây tham dự hội nghị, đại diện cho người Việt tại vùng Bắc California”

Sau một ngày nghe tường trình về nạn buôn bán phụ nữ, nô lệ và lao động Việt Nam, suy tư lớn nhất của nhiều người là làm sao để ngăn chặn tệ nạn, chấm dứt đau khổ của hàng trăm ngàn người bất hạnh.

Tiêu biểu cho trăn trở này anh Mai Hữu Bảo, một thành viên của Đoàn Thanh Niên Phan Bội Châu có mặt tại hội nghị:

“Em thấy được rằng người Việt mình đã bị sỉ nhục rất nhiều, rất nhục nhã ở những nước mà họ bị buôn bán tới. Tại sao người mình lại phải bị nhục như vậy? Điều đó sỉ nhục dân tộc mình. Cái sỉ nhục này đối với em sẽ cần nhiều thế hệ mới rửa được.

Cho nên thật sự chính quyền VN phải lo cho dân. Nếu họ không lo, mình phải nhờ thế giới và ngay chính bản thân của mình, thay đổi tình hình để người Việt không còn bị buôn bán, để phụ nữ Việt không còn phải làm cô dâu cho người khác.”

Hội nghị kết thúc vào khoảng 5 giờ chiều cùng ngày. Nhã Trân tường trình từ Quận Cam, California.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.