Tại sao ít người đến Trung tâm hỗ trợ kết hôn để được giúp đỡ?
2007.09.29
Trường Văn, phóng viên đài RFA
Hiện nay, để đáp ứng với nhu cầu cần được tư vấn của các cô gái muốn lấy chồng nước ngoài, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã thành lập 9 Trung tâm hỗ trợ kết hôn tại 9 tỉnh, thành phố trên cả nước.
Tuy nhiên thống kê của Hội cho thấy các cô gái ít đến các Trung tâm này để nhờ giúp đỡ khi có ý định lấy chồng nước ngoài và các Trung tâm môi giới bất hợp pháp vẫn phát triển ngày càng tăng. Tại sao như vậy? Mời quý thính giả theo dõi phần trình bày sau đây của Trường Văn:
Trước những thảm cảnh mà nhiều cô dâu Việt Nam lấy chồng Nam Hàn hay Đài Loan phải gánh chịu trong thời gian vừa qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã thành lập các Trung tâm hỗ trợ kết hôn tại 9 tỉnh, thành phố để làm giảm bớt phần nào những nguy hiểm rủi ro, những điều bất hạnh mà các cô dâu Việt Nam có thể gặp phải nơi đất lạ quê người.
Những Trung tâm này có nhiệm vụ phân tích những mặt tốt, mặt xấu về quyết định chọn chồng là người nước ngoài. Nếu các cô gái sau khi được tư vấn vẫn quyết định lấy chồng ngọai quốc, Trung tâm sẽ hướng dẫn các thủ tục cũng như hồ sơ kết hôn. Ngoài ra các cô dâu tương lai còn được hướng dẫn về phong tục tập quán bên chồng cũng như được học về ngôn ngữ của chồng.
Không đủ phương tiện vật chất
Tuy nhiên trên thực tế, các Trung tâm này không có đủ phương tiện vật chất cũng như nhân sự đủ khả năng để hoàn thành các nhiệm vụ kể trên.
Bà Cao Hồng Vân, Trưởng ban gia đình và xã hội của trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam giải thích:
Có những Trung tâm họat động rất nhiều nhưng cũng có Trung tâm mới thành lập cũng chưa họat động được bao nhiêu và những họat động đó chủ yếu là tư vấn việc kết hôn với người nước ngoài và hướng dẫn làm hồ sơ kết hôn với người nước ngoài.
“Có những Trung tâm họat động rất nhiều nhưng cũng có Trung tâm mới thành lập cũng chưa họat động được bao nhiêu và những họat động đó chủ yếu là tư vấn việc kết hôn với người nước ngoài và hướng dẫn làm hồ sơ kết hôn với người nước ngoài.
Những trung tâm đó ví dụ như tại thành phố Hồ Chí Minh là thí điểm đầu tiên thì họ cũng đang làm các họat động đó. Các tỉnh khác mới thành lập theo nhu cầu tư vấn kết hôn thôi chứ còn những khóa học như học ngôn ngữ, khóa học về thông tin, về luật pháp, về văn hóa thì chưa làm được.”
Bà Hà Thị Tựa, giám đốc Trung tâm Hỗ trợ kết hôn tỉnh Tây ninh cũng nói lên những thiếu sót của Trung tâm:
“Nói chung các trung tâm chỉ dừng lại ở chức năng tư vấn hướng dẫn hồ sơ, thủ tục khi các cô gái có đối tượng chứ còn làm khâu giới thiệu kết bạn trước rồi sau đó để hướng dẫn từng bước đi đến hôn nhân thì Trung tâm chưa làm được...”
Thiếu thông tin
Bà Nguyễn Thị Bạch Tuyết, giám đốc Trung tâm Hỗ trợ kết hôn thành phố Hồ Chí Minh, một Trung tâm đầu tiên của Việt Nam ra đời từ năm 2003 đề nghị Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Bộ Tư pháp sớm ban hành qui chế họat động, tạo hành lang pháp lý để các Trung tâm hỗ trợ họat động đúng pháp luật và có điều kiện phát triển hơn.
Cán bộ tư vấn thiếu thông tin về nước nơi cô dâu Việt Nam đến kết hôn và sinh sống ở đó nên một trong những mục tiêu cụ thể của dự án này là tập trung nâng cao năng lực cho các cán bộ của Trung tâm qua hai con đường.
Vào hạ tuần tháng 8 vùa qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã được chính phủ đồng ý cho tiếp nhận “Dự án hỗ trợ hôn nhân quốc tế” do Trung tâm văn hóa phụ nữ Việt Nam tại Nam Hàn tài trợ với kinh phí lên đến 3 triệu năm trăm ngàn đô la thực hiện trong năm năm từ năm 2007 đến 2011.
Bà Cao Hồng Vân, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam giải thích thêm về dự án này: “Cán bộ tư vấn thiếu thông tin về nước nơi cô dâu Việt Nam đến kết hôn và sinh sống ở đó nên một trong những mục tiêu cụ thể của dự án này là tập trung nâng cao năng lực cho các cán bộ của Trung tâm qua hai con đường.
Thứ nhất là tập huấn cho các cán bộ làm việc tại các Trung tâm. Thứ hai là hỗ trợ những điều kiện họat động cho các Trung tâm đó thí dụ như là thiết kế xây dựng những cơ sở phần mềm để quản trị các dữ liệu của Trung tâm....Từ việc cán bộ Trung tâm được đào tạo lại , người ta cũng sẽ tổ chức lại các họat động khác của các cô gái Việt Nam.”
Như vậy với dự án hỗ trợ hôn nhân quốc tế do Nam Hàn tài trợ, hy vọng những cô dâu Việt Nam trong tương lai sẽ được chuẩn bị chu đáo trước khi bước chân lên máy bay về nhà chồng, tránh những khó khăn trỏ ngại mà những người đi trước đã phải gánh chịu.
Các tin, bài liên quan
- ECPAT: Nhiều trẻ em người Việt bị đưa sang Anh Quốc để trồng cần sa cho các băng đảng tội phạm
- Vai trò của Hội Liên Hiệp Phụ Nữ VN trong dự án trợ giúp các cô dâu Hàn Quốc
- Phá vỡ đường dây lừa bán gần 100 phụ nữ Việt qua biên giới Lào
- Hiện trạng về vấn đề cô dâu Việt Nam ở nước ngoài
- Việt Nam ra quy định mới về tiền ký quỹ lao động xuất khẩu
- Campuchea triệt phá một đường dây buôn người
- Trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi Việt ở Cambodia
- Tệ nạn buôn bán phụ nữ và trẻ em, hình thức nô lệ mới
- Hội nghị ở California về tệ nạn buôn người