Dân có thể làm hư đăng kiểm viên?
2023.01.18

Trong một phát biểu với báo chí nhà nước hôm 12 tháng 1 năm 2023, Phó cục trưởng Cục Đăng kiểm Nguyễn Tô An cho rằng, việc tiêu cực xảy ra trong lĩnh vực đăng kiểm có một phần từ tâm lý một số người dân đưa xe đi kiểm định chỉ mong đạt để lưu hành, thậm chí biết có khiếm khuyết nhưng vẫn chi tiền hối lộ làm hư đăng kiểm viên để không cần phải sửa chữa các lỗi kỹ thuật.
Cùng ngày, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thái Học thông tin với báo chí rằng, vụ án xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam và một số trung tâm đăng kiểm không phải là tham nhũng vặt, mà có hệ thống, tổ chức, quy mô rất lớn.
Mỗi lần sắp hàng là mấy tiếng đồng hồ mới tới mình. Bất cứ chuyện gì nó cũng bắt lỗi. Nó có quyền bắt lỗi mình chứ đâu phải mình có quyền bắt lỗi nó. Cứ để 200 ngàn vô chỗ cần số, cần thắng. Tụi nó (đăng kiểm viên) lên lượm là ok hết. Số tiền không nhiều nhưng mỗi ngày nó xét mấy trăm xe, ăn biết nhiêu tiền. - Ông Bé, một tài xế
Ông Bé, một tài xế từng nhiều lần đem xe đi đăng kiểm, nói với RFA sáng 18 tháng 1 năm 2023:
“Tại tụi nó chứ không phải tại dân. Nó đổ thừa dân chứ bây giờ nó muốn ăn, nó muốn kiếm tiền thì dân bắt buộc phải ‘ói’ ra. Bây giờ mình bị lỗi nhỏ, nó muốn ăn thì nó đẩy ra đằng sau thì mình phải bỏ ra 100, 200 ngàn để đi cho lẹ chứ ai mà ngồi đó chầu chực hoài.
Mỗi lần sắp hàng là mấy tiếng đồng hồ mới tới mình. Bất cứ chuyện gì nó cũng bắt lỗi. Nó có quyền bắt lỗi mình chứ đâu phải mình có quyền bắt lỗi nó. Cứ để 200 ngàn vô chỗ cần số, cần thắng. Tụi nó (đăng kiểm viên) lên lượm là ok hết. Số tiền không nhiều nhưng mỗi ngày nó xét mấy trăm xe, ăn biết nhiêu tiền”.
Ông Minh Đức, người vừa đi đăng kiểm xe cách đây mấy tuần, nêu quan điểm của ông với RFA về phát ngôn của ông Nguyễn Tô An:
“Đừng có nói dân làm hư cán bộ. Nói như thế là phát ngôn theo kiểu bao biện, vô trách nhiệm.
Ở Việt Nam, cứ đến đường cùng là bắt đầu đổ bậy. Họ phát ngôn như người ở trên mây. Mặc dù đó là dịch vụ phải nộp phí nhưng nó liên quan đến giao thông nên liên quan đến việc sinh nhai, sinh tồn của người dân. Trong khi đó, cái cơ chế xin-cho, cái tư tưởng hách dịch, cửa quyền từ những người có quyền chức ban phát cho dân những dịch vụ đó. Về phía người dân thì từ lâu nay họ vẫn cảm giác đó là những cửa ải thì họ phải ‘bôi trơn’ bằng cách đó thôi chứ sao bây giờ.”
Một số tài xế mà RFA trò chuyện cho rằng, để việc đăng kiểm nhanh chóng, bỏ qua một số lỗi sai phạm - dù nhỏ - thì ngoài các khoản phí, lệ phí theo quy định, các chủ xe phải đưa thêm vài trăm ngàn cho đăng kiểm viên. Bằng cách nào thì cả chủ xe và đăng kiểm viên đều biết. Chuyện này đã xảy ra từ rất nhiều năm, không hiểu vì sao bây giờ mới bị phanh phui.
Đại diện Phòng Kiểm định xe cơ giới lý giải với báo chí nhà nước rằng, trước đây số lượng trung tâm đăng kiểm được khống chế, song từ khi có Nghị định 139/NĐ-CP về xã hội hóa hoạt động đăng kiểm thì các trung tâm đăng kiểm mở tràn lan cạnh tranh không lành mạnh.
Ông Bằng, từng làm trong ngành Giao thông Vận tải nói với RFA sáng 18 tháng 1 rằng, nếu trung tâm đăng kiểm không ăn tiền thì chủ xe sẽ đem qua chỗ khác làm cho nhanh. Phải làm sao để tất cả các trung tâm đều không ăn tiền thì mới giải quyết được tận gốc vấn đề. Ông nói thêm:
“Thật ra, cả người đi đăng kiểm lẫn đăng kiểm viên đều ngồi xổm trên luật pháp vì có tiền là qua hết. Nhưng như ông bà mình nói, ‘trâu không muốn uống nước thì không ai ghì đầu trâu xuống được’, nên không thể nói là tại dân làm hư họ được. Còn nếu luật nghiêm minh thì đâu ai dám vi phạm.
Họ có cách né tội nhận lộ. Người đi đăng kiểm để tiền trên ghế. Đăng kiểm viên lên kiểm tra rồi lấy bỏ túi. Tự họ hiểu nhau hết. Nếu bị bắt thì họ nói tui để quên tiền trên ghế chứ đâu có đưa hối lộ. Mà không đưa hối lộ thì đâu có ai nhận hối lộ. Lấy gì làm bằng chứng?
Mà nếu cán bộ không ăn thì không cách gì dân làm hư cán bộ hết. Cái gì họ cũng ăn được, cứ quy ra tiền là xong. Cái xã hội bây giờ nó là như vậy”.
Điểm c khoản 3 điều 21 nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định, hành vi đưa tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác hoặc lợi ích phi vật chất hối lộ cho người thi hành công vụ sẽ bị phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng.
Theo thông tin từ công an TP.HCM, đến nay đã có 80 giám đốc, phó giám đốc, nhân viên đăng kiểm bị bắt, khởi tố về các tội: “Đưa hối lộ, nhận hối lộ, môi giới hối lộ và giả mạo trong công tác”. Hơn 30 trung tâm đăng kiểm trên cả nước bị tạm dừng hoạt động do nhiều vi phạm khác nhau.
Thật ra, cả người đi đăng kiểm lẫn đăng kiểm viên đều ngồi xổm trên luật pháp vì có tiền là qua hết. Còn nếu luật nghiêm minh thì đâu ai dám vi phạm. Mà nếu cán bộ không ăn thì không cách gì dân làm hư cán bộ hết. Cái gì họ cũng ăn được, cứ quy ra tiền là xong. Cái xã hội bây giờ nó là như vậy. - Ông Bằng
Phát biểu tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2022, triển khai kế hoạch năm 2023 vào chiều 13 tháng 1 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: “Xảy ra sai phạm với đăng kiểm ô tô là do cơ chế nên sinh ra tiêu cực. Giờ cán bộ bị bắt rất khổ, mất nhiều thời gian, công sức, nhưng không bắt thì không được. Mất người, mất uy tín của Bộ.
Bộ Giao thông vận tải cần rút kinh nghiệm từ vụ việc này, xem xét, tổ chức lại hoạt động đăng kiểm để tạo ra cái bình thường, thay vì cái bất bình thường. Không để ô tô xếp hàng cả đêm chờ đăng kiểm. Cùng với đó, cần kiểm điểm sâu sắc, xử lý nghiêm sai phạm, đồng thời phải có tư duy và cách làm mới, không để xảy ra việc tương tự nữa”.
Theo Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng, sai phạm trong đăng kiểm thực chất là ‘căn bệnh ung thư di căn’ nhiều năm, nên dù rất đau xót nhưng đã là tội phạm thì kể cả thay 100% người vẫn phải làm.