Vì sao Hà Nội chê công nghệ của Nhật?
2019.12.03
Thông báo của Tổ chức Xúc tiến Thương mại - Môi trường Nhật Bản (JEBO) ngày 3/12/2019 cho biết sẽ đầu tư 100% chi phí xây dựng hệ thống xử lý ban đầu cho toàn bộ sông Tô Lịch, Hồ Tây bằng giải pháp xử lý nước thải tại chỗ từ các cống xả bằng công nghệ Nano - Bioreactor Nhật Bản. Nếu thành công, JEBO sẽ cho Hà Nội thuê.
Trước đó, vào ngày 29/11, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, ông Lê Văn Dục khi phát biểu với báo giới trong nước đã nhận xét phương pháp xử lý ô nhiễm sông Tô Lịch của chuyên gia Nhật Bản chưa thực sự hiệu quả và Hà Nội đang phải tìm phương án khác để giải quyết vấn đề này.
Nhận xét về phát biểu này, Thạc sĩ Hồ Long Phi, Giám đốc Trung tâm Quản lý nước và biến đổi khí hậu Đại học Quốc gia TPHCM cho rằng:
Việc vừa qua xảy ra tại Hà Nội tôi cho rằng hình như Việt Nam không muốn tiếp cận. Tôi cho rằng Việt Nam cần chấn chỉnh cách phối hợp thực hiện, cách tiếp nhận một dự án miễn phí của nước ngoài. - GS. Đặng Hùng Võ
“Tôi cho rằng công nghệ đó hoàn toàn có thể áp dụng được bởi vì đã qua thử nghiệm rồi. Nói không hiệu quả phải nói rõ không hiệu quả về cái gì chứ nói không hiệu quả về kỹ thuật là không đúng. Có thể không hiệu quả là vì mắc quá, lâu quá hay vì một lý do gì đó cần phải giải thích rõ. Tôi cho rằng phát ngôn như vậy nó không thận trọng.”
Đáp trả nhận định của giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, trong cùng ngày, Chủ tịch của JEBO – Tiến sĩ Tadashi Yamamura lên tiếng cho rằng lời đó là lời nhận định “vô căn cứ, không hiểu mục tiêu”.
Tiến sĩ Tadashi Yamamura đồng thời khẳng định đại diện của Chính quyền Hà Nội không thể phát ngôn một cách vô trách nhiệm về dự án tài trợ thí điểm như thế khi mà Hà Nội chưa mất một đồng chi phí nào.
Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên - Môi trường cũng đồng ý với cách phản ứng của người đứng đầu JEBO:
“Không biết câu chuyện này nội tình như thế nào tức là có chỉ đạo hay một sự tự ý mà không có ý kiến của Ủy ban, sự tự ý của Sở Xây dựng sự thật mà nói tôi không có thông tin. Nên tôi nhìn vào hiện tượng mà bình luận đây là điều mà Việt Nam phải tự rà soát xem vấn đề nằm ở đâu mà lại để xảy ra hiện tượng không đẹp về mặt nỗ lực giải quyết những vấn đề về môi trường đô thị. Mặt thứ hai là không đẹp về quản lý, với thiện chí của những chuyên gia Nhật tôi đánh giá rất cao: không phải trả phí, họ đưa người sang, đưa vật liệu sang, thậm chí tôi thấy chuyên gia Nhật phải lội bì bõm ở sông Tô Lịch, một đoạn sông rất ô nhiễm. Nói thật là tôi rất cảm động.”
Vào ngày 9/7 vừa qua, sự cố xả nước hồ Tây bất ngờ khiến toàn bộ kết quả thí điểm bị cuốn trôi, khiến Công ty CP Cải thiện Môi trường Nhật- Việt phải triển khai lại và lùi hạn công bố kết quả đến ngày 17/10.
Dưới góc nhìn của một người dân, Thầy giáo Đỗ Việt Khoa hiện đang sinh sống tại Hà Nội nhận định:
“Qua theo dõi tôi thấy những khuất tất bất thường mà người dân mình ai cũng thấy. Phía Nhật Bản có kết quả khẳng định thành công mà phía mình lại bảo rằng không thành công. Phía Việt Nam mấy ông bà lãnh đạo liên quan muốn dành khoảng tiền để họ làm, không muốn số tiền đầu tư cho công ty nước ngoài, nhất là Nhật vì nếu Nhật làm thì hầu như họ không sơ múi được, không hưởng được lợi nhuận nào nên họ nghĩ ra cách để chiếm bằng được dự án.”
Theo Giáo sư Đặng Hùng Võ, Việt Nam cần phải rất nỗ lực để đưa các công nghệ mới của các nước tiên tiến vào để giải quyết vấn đề môi trường, đặc biệt môi trường đô thị. Tuy nhiên thực tế lại không như ông mong đợi:
“Qua việc Nhật Bản tài trợ miễn phí cho Việt Nam để thử nghiệm tẩy rửa sông Tô Lịch nhưng người ta đang thực hiện thì Việt Nam bơm nước từ Hồ Tây vào sông Tô Lịch để phá kết quả thử nghiệm của những người Nhật, tôi cho rằng đấy là việc chúng ta phải xem lại cách tiếp cận của Việt Nam: muốn tiếp cận hay không muốn tiếp cận? Việc vừa qua xảy ra tại Hà Nội tôi cho rằng hình như Việt Nam không muốn tiếp cận. Tôi cho rằng Việt Nam cần chấn chỉnh cách phối hợp thực hiện, cách tiếp nhận một dự án miễn phí của nước ngoài.”
Nước thải phải được qua nhà máy xử lý chứ không nên thải xuống sông rồi từ đó có một giải pháp khác để xử lý lại, hiện nay trên thế giới không có nơi nào làm vậy hết. - ThS. Hồ Long Phi
Các chuyên gia Nhật Bản đánh giá trước khi có công nghệ Nano - Bioreactor, ở Việt Nam chỉ nghĩ đến việc nạo vét sông, hồ và đợi đến khi nào có đủ tiềm lực tài chính mới có thể hoàn thiện toàn bộ hệ thống cống bao, thu gom, tách nước thải từ nguồn để đưa về các nhà máy xử lý nước thải tập trung. Và như cách của Việt Nam sẽ mất 50 đến 100 năm mới hoàn thiện được hệ thống này.
Thạc sĩ Hồ Long Phi đồng ý giải pháp phía Nhật Bản đưa ra hoàn toàn có thể áp dụng được do phương pháp này có thể giải quyết được ô nhiễm hữu cơ. Trong khi đó, đa số ô nhiễm nước của Việt Nam là ô nhiễm hữu cơ vì nước từ nước thải dân dụng ra lắng xuống bùn. Tuy nhiên, cách giải quyết của công nghệ Nano – Bioreactor cũng chỉ là giải pháp tạm thời. Ông giải thích:
“Thực ra mà nói cái hiệu quả nhất là ta phải tách nước từ nguồn giống các nước đang làm: nước thải riêng, nước mưa riêng. Nước thải phải được qua nhà máy xử lý chứ không nên thải xuống sông rồi từ đó có một giải pháp khác để xử lý lại, hiện nay trên thế giới không có nơi nào làm vậy hết. Hiện nay chẳng đặng đừng hệ thống cũ đang còn tồn tại mà mình chưa có tiền để cải tiến thì phải chấp nhận vậy. Thành ra không nên bàn nhiều về cái này. Đây chỉ là giai đoạn tạm bợ kéo dài 5, 10 năm, dần dần biến thành chính quy tách nước thải thu gom về nhà máy xử lý. Đó mới là cái cần bàn chứ những giải páp có xả nước sông hay có xử lý bùn tại chỗ thì cũng chỉ là giải pháp tạm bợ.”
Dự án thí điểm làm sạch sông Tô Lịch được triển khai từ ngày 16/5.
Trong buổi trao đổi với báo giới ngày 29/11, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Lê Văn Dục cho biết chính quyền thành phố Hà Nội đã nghiên cứu 3 phương án làm sạch sông Tô Lịch.
Trong đó đầu tiên là thu gom tại chỗ tất cả các điểm xả thải, tuy nhiên phương án này không thực hiện được vì dọc bờ sông có quá nhiều điểm xả thải.
Phương án thứ hai là dùng công nghệ Nano - Bioreactor của công ty Việt Nhật mà theo lời người đứng đầu Sở Xây dựng Hà Nội là “đã thất bại”.
Ngoài ra, Công ty Thoát nước Hà Nội cũng thí điểm dùng hoá chất làm sạch sông Tô Lịch. Tuy nhiên, người đứng đầu Sở Xây dựng không nói đến kết quả việc thí điểm này.