Bảo tàng sinh thái Tre ở Bình Dương
2013.03.04
Đối với nhiều thế hệ người dân Việt Nam, tre là một hình ảnh thân thuộc cả trong đời sống hằng ngày lẫn văn chương - nghệ thuật… Từ năm 2008 đến nay một khu vực chuyên nghiên cứu, bảo tồn các giống tre, đặc biệt là tre Việt Nam và khu vực được hình thành. Đó là Bảo tàng sinh thái Tre tại xã Phú An, huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương.
Người đưa ra ý tưởng hình thành một ‘làng tre’ như thế là tiến sĩ Diệp Thị Mỹ Hạnh, giảng viên Đại học Khoa học Tự Nhiên ở Sài Gòn.
Trong chuyên mục Khoa học - Môi trường kỳ này, Gia Minh hỏi chuyện tiến sĩ Diệp Thị Mỹ Hạnh về những thành quả đạt được trong thời gian qua cũng như những thông tin liên quan hoạt động bảo tồn và phát triển cây tre nhằm góp phần phục vụ cuộc sống và giúp phục hồi môi trường sinh thái cho Việt Nam.
Định danh cây tre
Mở đầu cuộc nói chuyện, bà cho biết về những công việc thực hiện được trong thời gian qua.
TS Diệp Thị Mỹ Hạnh: Từ năm 2008 đến giờ chứng tôi vẫn cứ đi tìm thêm những giống tre nào mà mình chưa có tại làng tre Phú An ở Bình Dương. Sau một thời gian, đến nay chúng tôi tìm được khoảng hơn 350 specimens (mẫu). Công việc định danh đã định danh hơn 100 loài khác nhau và nay đang tiếp tục.
Gia Minh: Trong thời gian hoạt động qua, tiến sĩ thấy đâu là những thuận lợi và đâu là những khó khăn?
Chúng tôi tìm được khoảng hơn 350 specimens (mẫu). Công việc định danh đã định danh hơn 100 loài khác nhau và nay đang tiếp tục. TS Diệp Thị Mỹ Hạnh
TS Diệp Thị Mỹ Hạnh: Thuận lợi của công việc chúng tôi là được làm việc với các chuyên gia Pháp, Anh. Về mặt chuyên môn, chúng tôi làm rất thuận lợi: có sự trao đổi để tìm ra nguyên tắc để định danh cây tre. Cũng có những khó khăn chẳng hạn về đất trồng chẳng hạn. Hiện nay do diện tích ở Bình Dương quá nhỏ, chúng tôi không còn đất để trồng những giống mới tìm thêm về. Một khó khăn nữa là không có kinh phí để lo chăm sóc bảo tồn những giống đó. Chúng tôi phải tự lo. Về mặt để tìm nguồn kinh phí, một người vừa làm nghiên cứu không thể tự đi tìm làm ra tiền được.
Gia Minh: Những mẫu tre tìm được ở những vùng của Việt Nam hay còn có ở những vùng khác nữa?
TS Diệp Thị Mỹ Hạnh: Lúc trước chúng tôi làm trong vùng Việt Nam thôi; nhưng sau này với dự án của Swisse Ester Plan chúng tôi tìm thêm các giống ở bên Kampuchia và Lào. Ở những vùng khác nhau có những giống tre rất lý thú.
Gia Minh: Tại hai nơi đó, các giống tre được tìm thấy có những gì tương đồng và khác biệt với những giống tre tại Việt Nam, thưa tiến sĩ?
TS Diệp Thị Mỹ Hạnh: Ví dụ ở phía Kampuchia, có những giống tre gai mà ‘cơm’ của nó rất dày; hoặc có một loại giống cây tầm vông của Việt Nam, nhưng cây to hơn và ‘cơm’ dày gần như đặc vậy. Bên Lào cũng vậy có những giống tre rất lớn, kích thước lớn hơn so với những giống tre ở Việt Nam. Chúng tôi đi tìm với các bạn đồng nghiệp thì thấy có những khác biệt rất lý thú. Hiện nay đang tìm cách định danh hết tất cả những loài này.
Gia Minh: Trong tình hình công nghiệp hóa, đô thị hóa khiến đất rừng bị thu hẹp, sự tồn tại của các giống đó ra sao?
TS Diệp Thị Mỹ Hạnh: Đứng trên phương diện công nghiệp hóa, có nhiều khi người ta gọi là rừng nghèo, người ta chặt phá rừng nghèo để trồng những giống cây công nghiệp chẳng hạn. Điều đó làm cho những giống tre bị đẩy lùi. Chính vì công việc đó, hoạt động bảo tồn của chúng tôi giúp lưu giữ những giống tre (bị chặt phá) này.
Hiện nay chúng ta chưa tìm ra được hết giá trị sử dụng của từng loại tre, nên việc lưu giữ chúng có một giá trị rất quan trọng.
Bảo tồn các loài tre
Gia Minh: Về vấn đề ứng dụng, công dụng; nếu người ta không thấy được ứng dụng tốt, thậm chí có nhiều người cho rằng tre ‘ăn đất, phá hoại đất’ nên người ta đốn phá đi. Vậy theo tiến sĩ những công dụng, ứng dụng cần phải lưu ý để bảo tồn và phát triển các loài tre là gì?
TS Diệp Thị Mỹ Hạnh: Điều mà anh vừa nói là một quan niệm hồi xưa. Nhưng chúng tôi nghiên cứu và thấy điều đó không đúng. Lý do là chỗ trồng tre hay nơi nào mà tre mọc thì không có cây nào khác mọc lên được. Chính vì thế mà người ta nói tre ‘độc’; nhưng không phải thế. Thực sự vì cây tre quá mạnh, nó có bộ rễ phát triển tốt. Nó che hết ánh sáng, không để một loại cây nào có thể cạnh tranh nổi với nó.
Cây tre còn đặc điểm như ông bà nói ‘tre già, măng mọc’. Nếu chúng ta trồng tre và khai thác đúng mức,hợp kỹ thuật thì có thể khai thác lâu dài. TS Diệp Thị Mỹ Hạnh
Về phương diện sinh học đất, nếu nói tre ‘ăn đất’ hay phá hỏng cơ cấu chất dinh dưỡng của đất; điều đó không có. Cây tre mà chúng tôi làm tại vùng đất rất ‘nghèo’ là đất vùng Bình Dương; sau một thời gian chúng tôi trồng tre và phân tích chất dinh dưỡng trong đất thì thấy không giảm đi mà còn tăng lên. Do lá tre rụng xuống, che lấp ánh mặt trời, làm cho các loài vi sinh trong đất tăng lên. Đặc biệt một tác nhân quan trọng là con trùn đất xuất hiện. Trùn đất là một kỹ sư nông nghiệp thiên nhiên, giúp cho đất được phì nhiêu chứ không ‘ăn đất’. Đó là về phương diện canh tác; còn về phương diện kinh tế, giá trị của cây tre; ngày xưa người ta nói cây tre là cây của người nghèo, nhưng hiện nay cây tre được sử dụng trong rất nhiều khía cạnh, ví dụ như sử dụng làm vật dụng flafond, ván sàn, những thứ có thể đem lại nguồn lợi kinh tế. Nhưng tất cả những thứ đó phải tổ chức sản xuất công nghiệp để mang lại giá trị kinh tế có hiệu quả.
Ngoài ra hiện nay chúng tôi còn thấy cây tre có giá trị trong sinh thái môi trường. Tức là cây tre có thể sử dụng để xử lý nước, chẳng hạn. Bên Pháp người ta làm rất nhiều bãi xử lý nước trồng tre. Rồi xử lý những chất từ những nơi sản xuất, ví dụ nơi sản xuất rượu nho thải ra nhiều chất hữu cơ, người ta trồng những bãi tre như thế, và nước xử lý rất tốt.Cây tre là cây có đặc điểm sức sinh trưởng, phát triển rất nhanh, và sinh khối tro. Chính nhờ đặc điểm này, theo chúng tôi nghĩ, cây tre có giá trị rất quan trọng trong việc phủ xanh đất trống, đồi trọc… giúp chống xói mòn, cản lũ, chống gió bão. Hiện nay mọi người đang nói đến vấn đề cấu trình carbon, thì cây tre là một ứng viên lý thú để làm công việc này.
Ngoài ra, cây tre còn đặc điểm như ông bà nói ‘tre già, măng mọc’. Nếu chúng ta trồng tre và khai thác đúng mức,hợp kỹ thuật thì có thể khai thác lâu dài. Ví dụ như một khu rừng, sau khi chặt phải trồng lại. Nhưng đối với tre, sau năm năm trồng, người ta có thể khai thác, khai thác, không phải trồng lại, và cây tre có thể cho thân gỗ mà mình có thể khai thác để sử dụng trong nhiều sản phẩm như tôi vừa kể trên.
Gia Minh: Việc ứng dụng tại Việt Nam các công dụng của cây tre theo tiến sĩ được đến đâu?
TS Diệp Thị Mỹ Hạnh: Ở Việt Nam hiện nay, người ta cũng sử dụng cây tre làm ván sàn, flafond, các thứ… nhưng theo tôi biết đó là những cơ sở công ty nước ngoài làm; còn phía Việt Nam chỉ làm bàn ghế, chứ chưa làm những thứ như của người ta được.
Gia Minh: Ngoài nơi nghiên cứu mà tiến sĩ đang thực hiện, thì tại Việt Nam có những nơi nào trồng tre để làm nguyên liệu chưa?
TS Diệp Thị Mỹ Hạnh: Hiện nay, đa số những xí nghiệp làm việc liên quan đến cây tre, họ khai thác, sử dụng những cây tre có sẵn hoặc trong khu vực nào đó hay tại nhà dân. Chưa có chương trình trồng một vùng nguyên liệu lớn, mà tôi thấy điểm này là điểm cần thiết phải chú ý: sau khi khai thác để phục vụ nhu cầu nhà máy, và có sự khai thác bất hợp lý, dần dần nguồn tài nguyên ban đầu sẽ bị cạn kiệt. Nếu không có trồng lại thích hợp thì dần sẽ thiếu nguồn nguyên liệu. Ở phía bắc có vùng tự nhiên cây luồng ở Thanh Hóa, có chương trình trồng qui mô, nhưng ở phái nam chưa có chương trình nào trồng qui mô để phát triển nguồn nguyên liệu. Đây là điểm cần chú ý để phát triển thêm.
Gia Minh: Chân thành cám ơn tiến sĩ.
Tạp chí Khoa học - Môi trường kỳ này tạm dừng tại đây. Hẹn gặp lại quí vị và các bạn trong chương trình kỳ tới.
Gia Minh chào tạm biệt.