Cơ sở nào giúp hiện thực hóa được khát vọng xây dựng VN hùng cường?

RFA
2020.09.30
000_1UE6VH Ảnh minh họa: Nông dân trồng lúa hôm 1/7/2020.
AFP

Nhận định với báo chí về khả năng hạn hán, xâm nhập mặn trong mùa khô 2020 – 2021 ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), ông Vũ Đức Long, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia cho biết, đỉnh lũ năm 2020 tại đầu nguồn sông Cửu Long ở mức thấp và sẽ xuất hiện muộn vào giữa tháng 10. Do đó ĐBSCL có thể sẽ có mùa lũ thấp nhất trong vòng 10 năm qua.

Vắng lũ khiến dân ĐBSCL lao đao!

Hôm 30/9, RFA liên lạc ông Hai Lúa, một nông dân ở Cần Thơ, và được ông cho biết tình hình thực tế tại địa phương:

“Lũ đâu mà lũ, giờ này mà khô rang trên thượng nguồn An Giang, bên Đồng Tháp cũng chưa lên gì hết trơn. Còn thua con nước bình thường nữa, còn thua mọi năm, Trung Thu rồi mà không thấy nước nhiều gì mấy. Năm ngoái nó còn lên ngập đầu cầu nhà tui, bây giờ thì không có lên gì hết, cũng có nước nhưng không như mấy năm trước, mội năm cứ xuống thấp, xuống thấp...”

Lũ đâu mà lũ, giờ này mà khô rang trên thượng nguồn An Giang, bên Đồng Tháp cũng chưa lên gì hết trơn. Còn thua con nước bình thường nữa, còn thua mọi năm, Trung Thu rồi mà không thấy nước nhiều gì mấy.
-Ông Hai Lúa

Do mùa mưa năm 2020 đến trễ, cộng với thời tiết nắng nóng kéo dài, thêm vào đó, từ đầu tháng 6 năm 2020 đến nay, tổng lượng mưa trên lưu vực sông Mê Kông ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm, dẫn đến tổng lượng dòng chảy các trạm trên dòng chính sông Mekong thiếu hụt so với trung bình nhiều năm.

Để tìm hiểu về thực trạng này, RFA hôm 30/9 liên lạc PGS.TS Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu - Trường Đại học Cần Thơ, và được ông giải thích:

“Tôi theo dõi các số liệu thủy văn trên thược nguồn sông Mekong thì thấy là những năm sau này, lượng mưa trên thượng nguồn càng ngày càng ít dần. Và cộng thêm áp lực thủy điện ở thượng nguồn họ tích nước khá nhiều, nên khả năng nước về đồng bằng càng ngày càng ít dần. Nếu so sánh 10 năm gần đây với 20 năm trước đó thì lũ nhỏ và trung bình tăng, nhưng lũ lớn giảm rất nhiều. Năm nay chúng tôi cũng lo ngại nước lũ không về Biển Hồ, nên có thể dự đoán năm tới ĐBSCL sẽ đối diện tình trạng khô hạn nghiêm trọng như năm rồi. Hiện nay chúng tôi nghiêng về giả thuyết liên quan biến đổi khí hậu, cái này một số nhà khoa học cũng đã nhận thấy hiện tượng mưa ít dần đang diễn ra ở khu vực sông Mekong này.”

Vài năm gần đây, người dân ĐBSCL không còn được ‘sống chung với lũ’ mỗi năm nữa. Lũ không về, không chỉ làm thất thu nguồn lợi thủy sản, giảm thu nhập của nông dân mà còn có thể gây ra nhiều hậu quả khác. Mặc dù, đối với các nơi khác lũ là thiên tai, nhưng đối với vùng ĐBSCL, hiện tượng ‘mất lũ’ đã dần trở thành một thiên tai…

Nông dân có khát vọng xây dựng Việt Nam hùng cường?

Trong khi người nông dân còn đang lo lắng với những khó khăn trước mắt, thì vào ngày 28/9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong cuộc gặp đối thoại với 300 nông dân được cho là xuất sắc, tiêu biểu đại diện cho khoảng 14 triệu hộ nông dân của Việt Nam lại cho rằng ‘Xây dựng Việt Nam hùng cường là khát vọng của người nông dân’...

Ảnh minh họa: Nông dân dọn đồng hôm 4/6/2020.
Ảnh minh họa: Nông dân dọn đồng hôm 4/6/2020.
AFP

Người dân ai mà không muốn đất nước của mình hùng mạnh, vì nếu đất nước giàu có thì đương nhiên đời sống người dân cũng khấm khá. Nhưng liệu khi còn phải lo cơm áo gạo tiền thì khát vọng trước mắt của người nông dân sẽ là gì?

Ông Hai Lúa cho biết ý kiến của mình:

“Khát vọng lớn nhất của nông dân hiện nay là làm sao nhà nước nói với Trung Quốc mở cửa đập trên đó, cho có nước cho dân cày cấy... chứ để khô hạn, xâm nhập mặn thì cây vườn chết hết thì đâu có kinh tế gì đâu. Năm nay còn vậy, thì qua năm còn tệ hơn nữa. Tệ hơn như kinh tế nghèo nàn hơn, lúa thì hẹp diện tích lại, hồi đó mấy triệu hecta giờ còn triệu ngoài, cây trái ở Bến Tre thì chết hết... Nhà nước cũng không có hướng hỗ trợ gì như đào kênh, chứa nước ngọt... mà có chứa thì cũng chỉ dùng tạm chứ không sử dụng trọn vẹn mùa khô được. Mùa khô 6 tháng mà làm vài ba tháng hết nước thì cũng như không.”

Theo Tiến sĩ Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn, muốn nông nghiệp Việt Nam phát triển, đời sống nông dân bớt khó khăn, thì ngoài yếu tố cơ cấu đất nông nghiệp, nguồn vốn cho nông dân, khoa học công nghệ phải rất là mạnh... các cơ quan, viện nghiên cứu, trường đại học cũng phải thay đổi, coi nông dân, doanh nghiệp là khách hàng, đưa ra các khoa học kỹ thuật tiến bộ hiện đại. Ông nêu lên vấn đề vướng mắc nhất đối với nông nghiệp Việt Nam hiện nay:

“Khâu đang vướng mắc nhiều nhất, đó là sản xuất phải kết nối với thị trường, phải hình thành các chính sách chung. Doanh nghiệp phải nắm vững luật chơi quốc tế, phải có thương hiệu, phải có tiêu chuẩn… Các tham tán thương mại Việt Nam phải giúp cho người dân Việt Nam liên kết với thị trường quốc tế. Các cơ quan công quyền phải tạo điều kiện thuận lợi về hải quan, kiểm dịch, ngoại giao… để nông sản Việt Nam đi vào thị trường thế giới với giá và chi phí thấp nhất.”

Còn theo Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, đối với tình hình mùa nước nổi càng ngày càng ít dần, khô hạn và xâm nhập mặn xảy ra ở ĐBSCL, người nông dân phải chấp nhận chuyển đổi sản xuất, không thể như ngày xưa nữa. Muốn như vậy, cần phải có hỗ trợ của nhà nước:

Hướng là phải giảm diện tích lúa, vì cây lúa là cây cần nhiều nước ngọt, phải chuyển sang cây trồng cần ít nước hơn hay chuyển sang nuôi trồng thủy sản nước lợ hay nước mặn như nuôi tôm.
-TS. Lê Anh Tuấn

“Hướng là phải giảm diện tích lúa, vì cây lúa là cây cần nhiều nước ngọt, phải chuyển sang cây trồng cần ít nước hơn hay chuyển sang nuôi trồng thủy sản nước lợ hay nước mặn như nuôi tôm. Hay mô hình lúa -tôm, mùa mưa trồng lúa, mùa khô nuôi tôm. Đây là mô hình tương đối phù hợp điều kiện hiện nay, nhưng người nông dân gặp khó khăn cần nhà nước hỗ trợ là cân nguồn kinh phí để chuyển đổi sản xuất lúa qua nuôi tôm chẳng hạn. Thứ hai là phải huấn luyện cho họ, vì họ không có kiến thức nuôi trồng thủy sản, họ đang trồng lúa giờ chuyển sang nuôi tôm thì phải đào tạo, huấn luyện và hỗ trợ."

Ngoài ra, theo Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, chính phủ phải có hỗ trợ về dự báo thay đổi thời tiết, thay đổi dòng chảy để kịp thời thay đổi canh tác và đồng thời phải hỗ trợ chứa nước như đào ao, lấp bạt, dụng cụ chứa nước để nông dân đối phó khô hạn.

Vậy trên thực tế hiện nay, người nông dân có được giúp đỡ gì, nhất là lúc này kinh tế đang khó khăn do ảnh hưởng chung của dịch COVID-19.

Ông Hai Lúa, một nông dân ở Cần Thơ, nói tiếp:

“Theo cá nhân tui thì nhà nước nói dóc không à, không có hỗ trợ gì hết. Nhưng dịch cúm này, sáu mươi mấy ngàn tỷ mà rút cuộc có được tới dân gì đâu? Chính tui cũng có được đồng nào đâu mà nói hỗ trợ cho nông dân, không có đâu, nói để mà nói thôi.”

Mục tiêu thu nhập 5.000 USD/người vào năm 2025!

Vào ngày 29/9, khi kinh tế Việt Nam chưa thoát khỏi khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, thì Bộ Kế hoạch và Đầu tư lại công bố thông tin: Việt Nam đặt mục tiêu thu nhập 5.000 USD/người vào năm 2025, tức gần gấp đôi so với mức 2.750 USD hiện nay. Liệu mục tiêu này có khả thi?

Khi trao đổi với Đài Á Châu Tự Do, liên quan vấn đề này, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương, nhận định:

“Việc đặt ra các mục tiêu như vậy có thể là điều khích lệ, nhưng điều cơ bản là phải xây dựng những phương án cụ thể và những chính sách và biện pháp để bảo đảm mục tiêu đó được thực hiện. Cho đến nay, chúng ta đặt ra mục tiêu nhưng chúng ta chậm và ít xây dựng các phương án, và thực thi các phương án đó, các chính sách cũng chưa đạt hiệu quả như chúng ta mong muốn."

Theo Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, muốn trở thành nước có thu nhập trung bình cao, với thu nhập bình quân đầu người 5.000 USD/năm thì phải tăng trưởng bình quân ít nhất là trên 7 %. Theo ông, đó là mức tăng trưởng mà Việt Nam chỉ đạt trong thời gian ngắn, lúc bắt đầu đổi mới, nhưng những năm sau đó cho đến nay, thì Việt Nam không đạt được tốc độ tăng trưởng như vậy.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.

Nhận xét

Anonymous
30/09/2020 22:58

Tại sao, vì sao...

Việt Nam sản xuất, xuất cảng lúa gạo nhiều như thế mà người nông dân Việt Nam lại nghèo như thế?

Tài phiệt nào đang độc quyền làm giàu, bóc lột sức lao động của nông dân ta?

Tài phiệt của đảng độc tài, độc đảng, độc quyền, phong kiến Việt Cộng.

Anonymous
01/10/2020 05:46

Cơ sở nào giúp hiện thực hóa được khát vọng xây dựng VN hùng cường?

Cần 2 thứ, thật ra chỉ là 1; Khẩu hiệu thật kêu & niềm tin . Đảng cần sáng tạo ra thật nhiều khẩu hiệu thật kêu, trong khi trí thức cần tái tạo lại niềm tin của dân đ/v Đảng qua việc khuếch trương các khẩu hiệu rổn rảng như thùng thiếc í .