SJC không mua lại vàng do chính mình sản xuất để gây sức ép với nhà nước?
2024.08.05
Đầu tháng 8 năm 2024, các cửa hàng bán vàng của Công ty SJC không mua lại vàng miếng SJC một chữ, vàng miếng SJC bị móp méo, cong vênh... Vàng miếng SJC một chữ là mẫu mã vàng được Công ty SJC sản xuất giai đoạn từ năm 1992 đến năm 1996.
Kiểm soát người mua vàng
Công ty SJC là doanh nghiệp kinh doanh vàng 100% vốn Nhà nước trực thuộc UBND TP.HCM. Công ty có mạng lưới phân phối hàng trăm cửa hàng, hàng chục đại lý được phép giao dịch vàng miếng SJC. Công ty SJC được Ngân hàng Nhà nước chọn là thương hiệu để sản xuất vàng miếng.
Bà Hồng Lan, chủ một tiệm vàng ở Quận Bình Thạnh nói với RFA:
“Trước đây khi SJC được tự do mua bán thì SJC mua lại vàng của chính họ sản xuất cho dù vàng cũ, móp méo, bung bao bì…chỉ có trừ tiền thôi. Và theo quy định của nhà nước, khi SJC mua về 1000 cây thì nhà nước sẽ cho SJC dập khuôn để gia công ra mã hàng mới. Bây giờ nhà nước đang siết SJC nên không cho gia công trở lại, nên SJC không thu mua vàng móp méo là một hình thức gây sức ép lại nhà nước. Và họ đã thành công bởi ngay sau đó, Ngân hàng Nhà nước cấp hạn mức gia công đối với số vàng mà SJC đang tồn kho.
Bây giờ lãi suất ngân hàng xuống thấp, bất động sản đóng băng, kinh tế thì suy thoái nên người ta đâu có đầu tư vào. Do đó, lượng tiền dư còn một kênh an toàn để trú ẩn và có lợi, đó là vàng. Chính vì vậy nên người dân đầu tư vào vàng rất nhiều, nhà nước không kiểm soát được hết.”
Đây không phải lần đầu Công ty SJC ngưng mua vàng miếng móp méo từ khách hàng. Năm 2012, Công ty SJC cũng đã từng ngưng mua vàng miếng móp méo với lý do được nói là máy móc thiết bị gia công vàng miếng của công ty đã thuộc quản lý của Ngân hàng Nhà nước sau Nghị định 24 nên công ty không thể dập lại các miếng vàng SJC bị móp méo nên mua vào cũng chỉ để cất trong kho.
Bây giờ nhà nước đang siết SJC nên không cho gia công trở lại, nên SJC không thu mua vàng móp méo là một hình thức gây sức ép lại nhà nước. Và họ đã thành công bởi ngay sau đó, Ngân hàng Nhà nước cấp hạn mức gia công đối với số vàng mà SJC đang tồn kho. - Bà Hồng Lan
Báo nhà nước mới đây dẫn lời đại diện Công ty SJC cho hay, trong khoảng gần hai tháng qua, công ty đã thu mua vào khoảng 1.000 lượng loại một chữ và móp méo. Số vàng này mua với giá bán vàng bình thường nhưng không được bán ra lưu thông trên thị trường. Đại diện Công ty SJC khẳng định, công ty đang chờ đợi Ngân hàng nhà nước cấp phép cho gia công trở lại số vàng móp méo, một chữ.
Tại Việt Nam, hoạt động sản xuất, kinh doanh vàng phụ thuộc hoàn toàn vào Nghị định 24/2012/NĐ-CP được ban hành năm 2012. Tại khoản 2 và 3 Điều 4 quy định: “Ngân hàng Nhà nước là cơ quan thay mặt Chính phủ thống nhất quản lý các hoạt động kinh doanh vàng theo quy định tại Nghị định này. Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, xuất khẩu vàng nguyên liệu và nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng”. Có thể hiểu, không có tổ chức, cá nhân nào được sản xuất vàng miếng, kể cả Công ty SJC.
Tiến sĩ Ngô Trí Long từng nêu quan điểm của ông với RFA về Nghị định này:
“Nghị định 24 có rất nhiều cái bất cập. Thứ nhất, Ngân hàng Nhà nước là ngân hàng trung ương mà lại độc quyền sản xuất và kinh doanh vàng miếng, trong khi Nhà nước chỉ có chức năng quản lý thôi chứ không có chức năng kinh doanh. Thứ hai là Nhà nước chỉ lấy một thương hiệu vàng SJC là thương hiệu quốc gia. Chính vì sự độc quyền như thế làm cho giá vàng trong nước tăng cao so với giá vàng thế giới. Họ chuẩn bị sửa nghị định 24 và chắc chắn phải sửa vì Quốc Hội đã từng chất vấn tại sao chỉ có một thương hiệu vàng SJC.”
Còn theo bà Hồng Lan, bây giờ nhà nước yêu cầu khách hàng mua vàng SJC phải đăng ký online để họ kiểm soát lượng bán và cả người mua.
Đâu là rào cản của nền kinh tế thị trường?
Đầu tháng 6 năm 2024, trang web của Ngân hàng Nhà nước ra thông báo cho hay, có bốn ngân hàng quốc doanh là Agribank, BIDV, Vietcombank và VietinBank được bán trực tiếp vàng miếng cho người dân, không thực hiện mua vàng miếng SJC từ khách hàng. Riêng Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) được phép thực hiện giao dịch mua và bán vàng miếng với khách hàng.
Để mua được vàng miếng SJC thì người mua vàng phải có tài khoản tại các ngân hàng thương mại của nhà nước. Theo tôi, nhà nước đang săm soi, muốn quản lý túi vàng của từng người dân. Cách làm này của nhà nước là độc quyền quản lý vàng. Nó đi ngược lại quy luật của nền kinh tế thị trường mà Việt Nam đang muốn được Hoa Kỳ công nhận. - Người dân Sài Gòn
Thông tin cũng nêu rõ, khách hàng đăng ký mua vàng miếng SJC trực tuyến phải có tài khoản thanh toán mở tại các ngân hàng trên, và tài khoản phải đang hoạt động. Trường hợp khách hàng muốn mua vàng miếng SJC mà chưa có tài khoản thanh toán tại các ngân hàng trên thì khách hàng có thể mở tài khoản online hoặc đến chi nhánh, phòng giao dịch gần nhất để mở tài khoản.
Một người dân Sài Gòn nói với RFA:
“Để mua được vàng miếng SJC thì người mua vàng phải có tài khoản tại các ngân hàng thương mại của nhà nước. Theo tôi, nhà nước đang săm soi, muốn quản lý túi vàng của từng người dân. Cách làm này của nhà nước là độc quyền quản lý vàng. Nó đi ngược lại quy luật của nền kinh tế thị trường mà Việt Nam đang muốn được Hoa Kỳ công nhận.
Vàng SJC do nhà nước độc quyền quản lý, nên việc không mua lại vàng mẫu mã cũ hay miếng vàng móp méo là cách làm việc không chuyên nghiệp. Chính Nhà nước đã phá bỏ quan hệ mua bán bình thường, phá vỡ quy luật thị trường khiến người dân bất an. Nhà nước đã can thiệp thô bạo vào thị trường vàng. Đây là rào cản của nền kinh tế thị trường”.
Tháng 3 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đề xuất bỏ cơ chế Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, thực hiện cấp phép sản xuất vàng miếng cho một số doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện. Trao đổi với báo chí nhà nước, Phó Thống đốc Ngân hàng nhà nước Phạm Thanh Hà cho biết, việc xóa bỏ cơ chế Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng sẽ phù hợp với kinh nghiệm quốc tế, tăng cung vàng miếng trên thị trường, giải quyết được vấn đề chênh lệch giá.