“Tư duy trả ơn nông dân” có tồn tại trong chính sách nông nghiệp?

RFA
2023.03.14
“Tư duy trả ơn nông dân” có tồn tại trong chính sách nông nghiệp? Ảnh minh họa: Một người trồng lúa ở Việt Nam trên mảnh ruộng khô cằn của mình.
AFP PHOTO

Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn mới đây cho rằng cần phải có tư duy trả ơn nông dân. Ông Lê Minh Hoan - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn, phát biểu như vừa nêu khi thăm và làm việc tại Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp WASI hôm 12/3/2023.

Nhiều năm qua, chính sách nông nghiệp của Việt Nam dù có nhiều thay đổi được cho là tích cực, nhưng người nông dân có được hưởng lợi gì từ những thay đổi này? Ông Hai, một nông dân ở Cần Thơ cho RFA biết thực tế hôm 14/3/2023:

“Nhà nước không giúp gì hết, ví dụ như nông dân cần vốn thì nhà nước không cho vay, để nông dân phải đi vay tiền lãi suất nóng… Khi đi vay làm thủ tục rất khó, phải có cái gì để vô cho nhà nước mới tin, như sổ đỏ, nhà cửa gì đó… Mấy công ty lớn thì nhà nước giúp, còn người nông dân mình muốn vay vốn phải có cái gì thế chấp nhà nước mới cho vay…”

Nhà nước không giúp gì hết, ví dụ như nông dân cần vốn thì nhà nước không cho vay, để nông dân phải đi vay tiền lãi suất nóng…
-Ông Hai

Khi những lúc sản phẩm nông nghiệp rơi vào tình trạng ‘được mùa mất giá’, ông Hai cho biết không được giúp gì nhiều từ nhà nước:

“Nông dân ôm chịu thôi, nhà nước không giải quyết được vấn đề đó… Một hai lần như dưa hấu lên đài, thanh niên làm những mô hình để gọi là giúp đỡ, để quay truyền hình thôi… chứ thực ra dân phải chịu, bán được chút nào hay chút nấy… cũng như là ‘của đổ hốt lại’ vậy đó…”

b6dc8c66-0602-45b4-b3c9-c7f818f80325.jpeg
Ảnh minh họa: Người trồng lúa ở Việt Nam. AFP.

Nông dân Việt Nam tùy vùng miền hàng năm phải đối mặt những khó khăn lập đi lập lại như được mùa mất giá, hạn hán, mặn xâm nhập, bão lũ, ùn ứ hàng nông sản ở cửa khẩu... Chính sách nông nghiệp của Việt Nam đã làm được gì để giúp người nông dân bớt khó khăn?

Giáo sư Võ Tòng Xuân, một chuyên gia nông nghiệp và từng là Hiệu trưởng trường Đại học Cần Thơ, hôm 14/3/2023 nhận định:

“Mục tiêu chính của mình là làm sao cho người nông dân hưởng lợi nhiều hơn. Hồi đó vào năm 1947, bác Hồ đã nói nông dân phải giàu, thì đất nước sẽ giàu. Bác Hồ nói như thế nhưng qua các trào chính phủ và đảng, ai cũng nói như thế nhưng thật sự trong thực tế làm chưa được. Trong quá trình làm, từ chính sách đầu tiên muốn giữ cho an ninh lương thực đến trước khi có nghị quyết 120 của chính phủ vào năm 2017, thì tất cả nông dân và cán bộ lãnh đạo các địa phương đều phải tập trung trồng lúa.”

Vì vậy theo Giáo sư Võ Tòng Xuân, do muốn cho nông dân trồng có năng suất cao để nhà nước có được lượng lúa gạo nhiều, nên người nông dân rất tốn kém vì phải bón nhiều phân hóa học, điều đó làm cho hệ sinh thái trong đất trở nên rất nghèo nàn. Giáo sư Võ Tòng Xuân nói tiếp:

“Đến năm 2017 có nghị quyết 120 của chính phủ, người nông dân mới thấy rằng vùng mặn thì mùa mưa trồng lúa, mùa nắng lấy nước mặn vô nuôi tôm. Làm theo kinh tế nông nghiệp tức là làm sao cho có lời chứ không phải làm lúa thật nhiều mà không có lời. Làm theo nghị quyết 120 thì nông dân có khá hơn, tuy nhiên việc tạo điều kiện cho nông dân thực hiện nghị quyết 120 thì còn rất là nhiêu khê. Tại vì khi nuôi tôi trong mùa nắng thì cần phải có thủy lợi để lấy nước mặn, mà cái này nhà nước đầu tư rất ít, thành ra nông dân phải tự phát làm.”

Giáo sư Võ Tòng Xuân cho rằng, nếu nông dân tự làm thủy lợi sẽ gặp nhiều khó khăn, vì khi thải nước mặn ra thì các hộ nuôi tôm khác có thể dùng lại nước bẩn, làm cho bệnh của con tôm sẽ lây lan từ vùng này sang vùng khác. Theo ông Xuân, nếu làm khoa học hơn, nhà nước đầu tư nhiều hơn, thì hiệu quả sẽ cao hơn.

Việc tạo điều kiện cho nông dân thực hiện nghị quyết 120 thì còn rất là nhiêu khê. Tại vì khi nuôi tôi trong mùa nắng thì cần phải có thủy lợi để lấy nước mặn, mà cái này nhà nước đầu tư rất ít.
-Giáo sư Võ Tòng Xuân

Vào ngày 17/11/2017, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam khi đó là ông Nguyễn Xuân Phúc đã ký ban hành Nghị quyết số 120, đề ra tầm nhìn mục tiêu tới năm 2050, về định hướng chiến lược phát triển ĐBSCL, các giải pháp tổng thể và các nhiệm vụ cụ thể... Tuy nhiên cho đến nay, nhiều chuyên gia cho rằng vẫn còn nhiều bất cập trong nghị quyết này.

Các nhà báo, nhà trí thức, chuyên gia trong và ngoài nước ngay sau đó đã cùng ký bản kiến nghị có tên ‘Hãy Cứu Lấy Đồng Bằng Sông Cửu Long’, yêu cầu chính phủ sớm có hành động cấp thiết đối với Đồng Bằng Sông Cửu Long trước khi quá muộn. Các chuyên gia này cũng cho rằng, Nghị Quyết 120 về ĐBSCL không toàn diện, không mang tầm chiến lược.

Việt Nam đưa ra nhiều Chính sách nông nghiệp với mục đích cải thiện hiệu quả của ngành này, nhưng nhiều chính sách không thống nhất bị cho là làm khổ nông dân!

Đơn cử tại Hội nghị tổng kết 10 năm đề án An ninh lương thực Quốc gia vào năm 2020, Thủ tướng Việt Nam đã chỉ thị phải 'chốt cứng' diện tích trồng lúa và sản lượng lương thực hàng năm. Tuy nhiên, điều này bị giới chuyên môn cho là không phù hợp với Nghị Quyết 120 của chính phủ trước đó, nhằm giúp người nông dân thích ứng với tình trạng biến đổi khí hậu.

Giới chuyên gia nông nghiệp trả lời RFA khi đó cho rằng, nếu 'chốt cứng' diện tích trồng lúa và sản lượng lương thực như lời ông Thủ tướng thì làm sao các cấp và người nông dân có thể thực hiện tốt Nghị quyết 120. Trong đó yêu cầu giảm điện tích trồng lúa, thay đổi cây trồng, thay đổi công thức luân canh, các giải pháp kỹ thuật như nghiên cứu các giống cây trồng chịu hạn, chịu mặn, có các giải pháp về công trình như xây dựng cơ bản, về các chính sách thay đổi cơ cấu kinh tế...

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.

Nhận xét

Duy Hữu, USA
16/03/2023 09:37

Bo oi... me oi ... ong ba co noi... ong ba co ngoai oi ...!

Tại sao, tại sao... dân ta phải mang ơn, phải nhớ ơn, phải có hiếu... với " Bác và Đảng " ta ?
Tai sao, tại sao... " Bác và Đảng " ta... không phải mang ơn, không phải nhớ ơn, không phái có hiếu... với dân ta ?

Tại vì, tại vì... dân ta phải viết chữ hoa... " Bác và Đảng "... phải viết chữ thường... " dân" ta.
Không phải thế... nhưng tại vì " Bác và Đảng " có công sinh thành... ra dân ta... có công dạy dỗ dân ta... thành người... Việt Cộng.

Thế à, thế thì... bố mày, mẹ mày ! Ông bà cố nội, cố ngoài mày ! Mẹ, bố chúng mày ! Ông bà cố nội... cố ngoại chúng mày !
... không đẻ chúng mày ra à ?

Lão nông dân
16/03/2023 15:52

Ôi ông ts Xuân ơi…bác của ông từ lúc làm tay sai cho csqt đã gạt gẫm dân mình rồi,từ lúc đó lận ông à!!!
Cỡ như ông mà còn u mê như vậy thì không trách được dân cứ ăn bánh vẽ dài dài…!!!