Việt Nam có kinh tế thị trường hay không: Hoa Kỳ nói gì, Việt Nam biện hộ ra sao?

RFA
2024.07.10
Việt Nam có kinh tế thị trường hay không: Hoa Kỳ nói gì, Việt Nam biện hộ ra sao? Một nữ công nhân làm việc trong một xưởng may tư nhân ở Hà Nội, tháng 1 năm 2021 (ảnh minh họa.)
REUTERS

Trong chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Joe Biden đến Việt Nam vào tháng 9/2023 để nâng cấp quan hệ hai nước lên “đối tác chiến lược toàn diện”, Việt Nam đã gửi yêu cầu Hoa Kỳ công nhận mình có kinh tế thị trường. Trong tuyên bố chung của hai nước, Tổng thống Biden khẳng định sẽ xem xét yêu cầu này. Rất nhanh chóng, ngày 30/10/2023, Bộ Thương mại Hoa Kỳ khởi xướng quá trình đánh giá lại tình trạng “nền kinh tế phi thị trường” của Việt Nam. Hoa Kỳ chỉ định Việt Nam là  “nền kinh tế phi thị trường” vào năm 2001 để chống bán phá giá và trợ cấp. 

Kết quả sẽ được Bộ Thương mại Hoa Kỳ công bố trước ngày 26/7/2024. Có rất nhiều câu hỏi được đặt ra xoay quanh câu chuyện này. 

Hoa Kỳ xác định sáu tiêu chí để xem xét một quốc gia có “kinh tế thị trường” hay không. Một là tiền tệ của quốc gia đó có thể hoán đổi với các đồng tiền khác không. Hai là người lao động có quyền thương lượng mức lương với chủ lao động hay không. Ba là doanh nghiệp trong nước có được phép liên doanh với nước ngoài hoặc doanh nghiệp nước ngoài có quyền đầu tư hay không. Bốn là chính phủ có kiểm soát phương tiện sản xuất hay không. Năm là chính phủ có kiểm soát việc phân bổ nguồn lực cũng như các quyết định về giá cả và sản lượng hay không. Và cuối cùng là Bộ Thương mại có thể xem xét các yếu tố khác mà Bộ cho là phù hợp.

Ngoại trừ tiêu chí cuối cùng còn chưa rõ ràng, liệu Việt Nam có đáp ứng được đầy đủ năm tiêu chí đầu tiên hay không? 

Hà Nội cũng đã đưa ra 6 lập luận để biện hộ cho “nền kinh tế thị trường” của mình. Trao đổi với RFA, GS Nguyễn Văn Chữ, nguyên Trưởng khoa Kinh tế Đại học Houston at Downtown, cho rằng những lý lẽ mà Việt Nam đưa ra để biện hộ rằng mình có “kinh tế thị trường” đều thất bại phần lớn. 

Việt Nam cho rằng đồng tiền của Việt Nam được chuyển đổi sang đồng tiền của các nước khác một cách minh bạch dựa trên nguyên tắc thị trường, công bằng và không phân biệt đối xử. Bộ Tài chính Mỹ cũng đã khẳng định Việt Nam không thao túng tiền tệ. Tuy vậy, theo GS Nguyễn Văn Chữ, Việt Nam vẫn thặng dư thương mại hơn 130 tỷ USD với Hoa Kỳ và thặng dư tài khoản vãng lai 5,8% GDP. Do đó, nước này vẫn nằm trong danh sách cần theo dõi xem có thao túng tiền tệ hay không. 

Hà Nội cũng cho rằng mức lương ở Việt Nam được xác định thông qua thương lượng tự do giữa người lao động và người chủ. Mức độ tham gia của Chính phủ vào việc đàm phán tiền lương là hạn chế. 

Về vấn đề này, GS Nguyễn Văn Chữ chỉ ra là Việt Nam đã cam kết với Hoa Kỳ và EU là sẽ tuân thủ Công ước 87 của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) về Tự do lập hội và Bảo vệ quyền thành lập tổ chức công đoàn độc lập vào cuối năm 2023. Nhưng nay đã đến giữa năm 2024 nước này vẫn chưa tuân thủ. Mới đây, Hà Nội bắt ông Nguyễn Văn Bình, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội. Ông Bình được cho là đang vận động phê chuẩn Công ước 87 của ILO, nhằm đảm bảo cho người lao động quyền thành lập công đoàn độc lập. 

GS Chữ nhận xét rằng vụ bắt giữ ông Nguyễn Văn Bình đánh dấu lần đầu tiên một nhà cải cách của Chính phủ bị giam giữ trong những năm gần đây.

Một nhà hoạt động khác vì quyền của lao động là ông Vũ Minh Tiến, Trưởng phòng Chính sách, Pháp luật của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, cũng bị bắt vào tháng 4 năm 2024. Ông cũng được cho là người vận động phê chuẩn Công ước 87 của ILO. GS Nguyễn Văn Chữ cho biết đó là chưa kể đến nhiều nhà hoạt động khác vì quyền lợi của người lao động bị vu oan, phải trốn khỏi Việt Nam hoặc bị bắt, bỏ tù với mức án dài hạn.

Và cho đến nay, Việt Nam vẫn không cho phép thành lập tổ chức công đoàn độc lập trong nước.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (TLĐLĐVN) trực thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, là tổ chức ngoại vi của ĐCSVN. GS Nguyễn Văn Chữ chỉ ra là Chủ tịch TLĐLĐVN Việt Nam hiện nay là ông Nguyễn Đình Khang - Ủy viên Trung ương Đảng khóa XIII, Bí thư Đảng đoàn Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam nhiệm kỳ 2015–2020. TLĐLĐVN thay mặt các thành viên tiến hành thương lượng tập thể theo hình thức “xin cho”. 

Hà Nội cũng cho rằng Việt Nam lâu nay trở thành điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Hà Nội có thể dễ dàng nêu điều này để cho thấy Việt Nam thỏa mãn yêu cầu thứ ba về kinh tế thị trường mà Hoa Kỳ đặt ra. Tuy vậy, GS Chữ chỉ ra là Hoa Kỳ có thể “cau mày” nhìn vào danh sách các lĩnh vực kinh doanh có điều kiện và hạn chế đối với nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam mà Hà Nội ban hành cho năm 2024. 

Hà Nội cũng cho rằng họ không sở hữu hoặc kiểm soát ở mức độ đáng kể các phương tiện sản xuất. Nhưng GS Chữ chỉ ra là thị trường xăng dầu, điện lực là thị trường độc quyền của nhà nước. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam độc quyền nhập khẩu và bán vàng. Thị trường điện lực và dầu khí có ảnh hưởng đáng kể đến chi phí sản xuất, do đó, chính phủ Việt Nam có quyền kiểm soát đáng kể về giá cả thông qua kiểm soát các ngành này.

Trao đổi với RFA, TS kinh tế Nguyễn Huy Vũ cho biết, về mặt luật pháp, các tiêu chí về “kinh tế thị trường” đã được Mỹ nêu ra trong luật thuế quan từ 1930. So với các tiêu chí này thì Việt Nam có thể được xem là nước có kinh tế thị trường. Nhưng vấn đề công nhận Việt Nam có kinh tế thị trường hay không lại phụ thuộc nhiều vào nội tình nước Mỹ. Ông nói:  

“Nói một cách thẳng thắn thì Việt Nam so với nhiều nước khác gần như đã đáp ứng các tiêu chuẩn của một nền kinh tế thị trường. Nhiều đối tác lớn khác như Nhật, Úc, Anh cũng đã công nhận Việt Nam là một nền kinh tế thị trường. Việc Mỹ công nhận Việt Nam có kinh tế thị trường có lẽ là chuyện sớm muộn thôi. 

Nhưng vấn đề là ở thời điểm hiện nay, nếu Hoa Kỳ công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường thì việc Mỹ áp đặt thuế quan lên một số mặt hàng xuất siêu vào Mỹ sẽ trở nên khó hơn. Điều đó làm cho hàng hóa Việt Nam bán Mỹ càng nhiều hơn, gây khó khăn cho các nhà sản xuất Mỹ. Hiện nay ông Tổng thống Biden đối diện với một áp lực lớn. 

Nếu ông Biden thông qua việc công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường thì sẽ mất lòng giới công đoàn trong khi cuộc bầu cử đã đến gần. Còn nếu ông Biden không thông qua thì Việt Nam có thể đưa chuyện này ra báo chí. Việt Nam có thể đặt câu hỏi tại sao chúng tôi đạt được việc này việc kia nhưng không được công nhận là kinh tế thị trường. Điều đó có thể gây khó cho ông Biden là chính quyền của ông đã hành xử không hợp lý, không đúng với luật mình đề ra.

Đó là lý do hiện nay là thời điểm nhạy cảm, có nhiều khúc mắc trong chuyện Việt Nam ép Mỹ công nhận mình có kinh tế thị trường."   

Trao đổi với RFA, GS Nguyễn Văn Chữ ở Đại học Houston at Downton cho rằng khái niệm “kinh tế thị trường” đã biến đổi liên tục qua nhiều thế kỷ. Bây giờ, không còn một cách hiểu thống nhất về “kinh tế thị trường”. Cho nên cách ứng xử đối với thị trường ở mỗi thời, mỗi nước cũng khác nhau. Ông nói:      

“Bây giờ khái niệm kinh tế thị trường là một cái tương đối khó khăn để nói. Danh từ này đã phổ biến, in sâu vào mọi người, đến nỗi ai cũng nói được, cũng như từ “yêu” vậy. Ai cũng biết nhưng nếu được hỏi “yêu là gì?” thì khó mà nói được. Bây giờ khi nói về “kinh tế thị trường, mọi người sẽ đồng hóa với Adam Smith, trong khi đó, cái “kinh tế thị trường” đó thực ra không còn nữa.” 

Giải thích thêm về vấn đề trên, GS Nguyễn Văn Chữ cho biết giả thuyết của Adam Smith (1723 - 1790) về khả năng tự điều tiết của thị trường đã trở nên phổ biến từ thế kỷ 18. Nhưng sang đến thế kỉ 20, ngay cả ở các nước tư bản tự do, không còn một thị trường thuần túy tự do mà không có sự can thiệp của chính phủ nữa. 

Câu hỏi đặt ra ra là một khi các quốc gia đều can thiệp vào thị trường, đâu là cơ sở để Hoa Kỳ xác định nước này có kinh tế thị trường, nước kia không có? Ở phần tiếp theo, các chuyên gia sẽ thảo luận về vấn đề nêu trên. 

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.