Ông Nguyễn Thiện Nhân lại lo phụ nữ không chịu sinh con
2020.01.08
Tại một hội nghị của chính quyền thành phố hôm 6/1, Bí thư Thành ủy Thành phố HCM, ông Nguyễn Thiện Nhân bày tỏ lo ngại về việc phụ nữ thành phố không chịu sinh con. Ông cho biết tỷ lệ sinh sản tại TPHCM là 1,3 con/ phụ nữ, được xem là thấp nhất so với mức sinh thay thế của cả nước là 2,1 con/phụ nữ.
Kinh tế hay lối sống hiện đại
Ông Nhân đưa ra nguyên nhân phụ nữ “lười” sinh đẻ ở Thành phố HCM là do lao động nữ phải làm quá nhiều nên không có thời gian cho gia đình dẫn đến việc không muốn sinh hoặc sinh thêm.
Dẫn thống kê năm 2017, ông Nhân so sánh bình quân người lao động Việt Nam làm 44 giờ/tuần (tức khoảng 5 ngày rưỡi) nhưng riêng TPHCM là tới 54 giờ/tuần (tức khoảng 6 ngày rưỡi), điều này có nghĩa hơn cả nước một ngày. Theo ông, đây là nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng như hiện nay.
Tiến sĩ Phạm Quỳnh Hương, một nhà nghiên cứu tâm lý xã hội học chia sẻ nhận định với RFA rằng, chuyện phụ nữ ngày càng ít sinh con cũng là xu thế chung của thế thới chứ không riêng Việt Nam.
“…phụ nữ người ta càng không có nhu cầu sinh đẻ nhiều nữa và ngày càng giảm đi, đó là quy luật xã hội thôi. Xã hội ngày càng phát triển thì người phụ nữ thì càng có nhu cầu cần nhiều vì khi xã hội đáp ứng được bao nhiêu thì người phụ nữ cần bấy nhiêu, nhu cầu của con người là vô tận. Đó là một câu hỏi khó vì nó khó đối với những nước đang già hóa dân số và tỷ lệ tăng dân số nó giảm đi so với trước đây nên tôi nghĩ VN cũng chẳng thoát ra được quy luật chung của những nước đang phát triển.”
Theo Bộ Lao động Thương binh và Xã Hội, Việt Nam hiện đang phải đối mặt với tình trạng già hoá dân số. Dự báo, Việt Nam sẽ bước vào thời kỳ dân số già vào năm 2035 khi tỷ lệ người cao tuổi tăng lên tới 20% với khoảng 20 triệu người cao tuổi so với tỷ lệ 11,9% hiện nay, tức khoảng 11 triệu người.
Chị Thanh một người dân sống tại khu vực quận 2 chia sẻ với chúng tôi rằng khó khăn về kinh tế khiến người phụ nữ thành phố hiện nay ngại sinh nhiều con.
“Cuộc sống bây giờ không như ngày xưa không phải có tiền là đủ, cơm áo gạo nhà cửa, đủ thứ chuyện mưu sinh nhưng bây giờ mưu sinh lại hơi khó khăn hơn xưa. Thứ hai sống theo vật chất nhiều quá chạy theo để mà lo kiếm tiền, khi sanh con phải cho con học như thế nào, khó khăn đủ thứ về nơi ở. Ngày xưa thì dù gì cũng có thể lo được cái nhà nhỏ còn giờ như công nhân thì làm gì có thể có nhà ở, toàn đi mướn không thôi nên thành ra họ không dám sanh. Sanh ra trong cái xã hội như thế này rồi hút chích, làm bậy rồi sợ nên không phải người ta lười mà do kinh tế hơi bị khó. Ngày xưa người ta hay nói trời sinh voi sinh cỏ còn giờ thì không có đâu. Sanh ra là phải lo tới nơi tới chốn nếu không mình tự hại mình.”
Một phụ nữ khác sống tại Sài Gòn không muốn nếu danh tính đồng ý với kết luận của Bí thư Nguyễn Thiện Nhân. Chị cho rằng người phụ nữ làm việc ngoài xã hội về nhà còn phải lo việc nhà, vì vậy công việc một người phụ nữ làm có thể gấp đôi đàn ông. Ngoài ra, chị cũng cho rằng quan điểm của người phụ nữ ở Việt Nam giờ đã khác xưa:
“Theo cuộc sống thời buổi công nghệ tiên tiến hiện nay thì mọi người có thể tiếp cận với các nước phát triển nên nhiều khi tư tưởng người ta được giải phóng và thoáng hơn trước kia. Người phụ nữ cũ thì vì gia đình có thể sinh con còn phụ nữ ngày nay thì họ có thể tự sống một mình và tự làm bà mẹ đơn thân và không cần đàn ông nên không nhất thiết là vì công việc như ông Nguyễn Thiện Nhân nói. Và một điều nữa không nhất thiết phải sinh nhiều chỉ cần 1, 2 cháu mà nuôi thành tài là được chứ không nhất thiết phải sinh nhiều.”
Lo ngại thiếu hụt nguồn lao động
Bí thư Nguyễn Thiện Nhân trước đây cũng nói đến vấn đề phụ nữ sinh ít con. Vào ngày 14/9/2019 tại một buổi tọa đàm về phát triển đô thị thông minh tại TPHCM, ông Nhân nói rằng nếu người phụ nữ không sinh được hai con thì đất nước đó sẽ càng ngày chao đảo.
Tại Việt Nam, tỷ lệ sinh đang ở trong khoảng từ 2 – 2,09 trên phụ nữ, duy trì trong 18 năm nay. Nhưng ông Nhân cho rằng vẫn chưa thể yên tâm vì nếu làm không tốt, tỷ lệ này sẽ bị tụt xuống và một khi như vậy, sẽ rất khó để tăng trở lại.
Nhận định về vấn đề này chuyên gia kinh tế Tiến sĩ Ngô Trí Long cho rằng, dân số ảnh hưởng tác động đến kinh tế xã hội rất mạnh mẽ nên nếu hạn chế sinh con thì sẽ dẫn đến nguồn lực dân số bị hạn chế.
“Trong bối cảnh tình hình hiện nay thì có một vấn đề là giới có điều kiện, tri thức, thu nhập trung bình thì họ cũng ngại việc sanh con vì ảnh hưởng cuộc sống rất là lớn, phải mưu sinh. Thứ hai là đối mặt với điều kiện kinh tế vật chất phải làm sao cho đủ thỏa mãn cho nên hiện nay có xu hướng đặc biệt là TPHCM nhiều gia đình trẻ chỉ sinh 1 con thôi còn tại khu vực nông thôn thì người ta vẫn sinh bình thường.
Trong bối cảnh kinh tế thị trường đang rất là sôi động như thế này thì người ta tìm kiếm mọi cách để tăng nguồn thu để nâng cao đời sống vật chất nên thành ra người ta hạn chế việc sinh đẻ, mà hạn chế điều này chắc chắn hạn chế nguồn lực mà thiếu nguồn này là điều quan trọng cho sự phát triển kinh tế.”
Sau nhiều thập kỷ thực hiện chính sách kế hoạch hóa gia đình, mỗi nhà chỉ có từ 1 đến hai con, Việt Nam giờ đây đang phải đối mặt với tình trạng thiếu người lao động và đang phải điều chỉnh lại kế hoạch này. Tuy nhiên việc điều chỉnh về mặt chính sách nhất là ở thành phố chưa hẳn đã có tác dụng đối với người dân giờ đã quen với cuộc sống hiện đại khác xưa.
Người dân cần gì?
Chính sách hỗ trợ cho các gia đình, công nhân sinh thêm con được cho là điều kiện cần. Chị Thanh nhận xét
“Ngày xưa khoảng năm 80 mấy thì chị đẻ còn được mỗi tháng lãnh sữa rồi này kia giờ họ bỏ lâu rồi, giờ không có đâu mạnh ai nấy lo thôi chứ không được trợ cấp gì đâu, người ta (chính quyền –pv) mong cho đừng đẻ nữa và nhất là TPHCM vì đời sống cao quá, tiền xài nhiều quá mà lương không có bao nhiêu. Nếu công nhân thì cần tạo phúc lợi xã hội cho họ, bán trả góp cho họ, nếu họ nghỉ thì phải có chế độ sinh đẻ cho họ chứ không thôi đang làm tự nhiên nghỉ đẻ cái họ cho nghỉ luôn, rồi đang có bầu mà nghỉ mất tiền thưởng này kia nữa công đoàn bây giờ không còn được như xưa nữa, không khuyến khích như xưa đâu.”
Còn theo ý kiến của người phụ nữ tại Sài Gòn thì để đảm bảo người nữ sẵn sàng sinh con thì chính quyền phải đảm bảo quyền lợi cho con cái họ, đủ đảm bảo cuộc sống gia đình họ như miễn toàn bộ các khoảng chi phí học phí hay các loại phụ phí khác cho con em đến năm 18 tuổi.