Du lịch sinh thái – xây khó, phá dễ
2012.12.24
Thế nên những lúc có dịp, hầu hết mọi người đều muốn tìm đến với thiên nhiên. Và các khu du lịch sinh thái ngày càng hình thành nhiều ở Việt Nam nhằm đáp ứng cho nhu cầu đó.
Ngoài những khu nghỉ dưỡng có tiếng lâu nay tại Việt Nam như Đà Lạt, Sapa, Tam Đảo, Bạch Mã, Núi Chúa… trong những năm qua tại Việt Nam xuất hiện những khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng ở khắp ba miền đất nước. Những nơi có không gian cây xanh, hồ trong, thác nước, hay biển đẹp đều được nhắm đến để hình thành nên các khu sinh thái nghỉ dưỡng.
Tuy vậy, vừa qua có một khu du lịch - sinh thái đang phát triển tốt đẹp đã bị cơ quan chức năng cho đóng cửa vì lý do chính trị.
Trong chuyên mục Khoa học - Môi trường kỳ này, Gia Minh mời quí vị cùng đến với khu du lịch sinh thái không may đó.
Khu du lịch không may
Chúng tôi thấy cảnh rất đẹp nên thỉnh Thầy từ Bình Định vào thiết kế những công trình xây dựng trên đá rất đẹp mắt mà không đụng chạm gì đến môi trường, mà còn giữ vững môi trường.Ô. Nguyễn Thái Bình
Khu du lịch sinh thái mà chúng tôi muốn đề cập đến trong chương trình này đó là khu du lịch sinh thái Núi Đá Bia tại ngoại ô thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên.
Hẳn nhiều người tại Việt Nam chưa biết đến địa danh Núi Đá Bia đó, nhưng với người dân tại Tuy Hòa, Phú Yên thì nơi đó không phải xa lạ gì như trình bày của một cư dân địa phương từng đi du lịch đến các danh thắng của tỉnh nhà cho biết:
“Từ Tuy Hòa đến đó khoảng chừng 30 cây, đó là một thắng cảnh của Phú Yên. Trên Núi Đá Bia, cao lắm đi bộ lên, trên đó có bài thơ của Vua Trần Thánh Tông có lên đó khắc bài thơ.”
Theo như lời giới thiệu của cô gái dân Phú Yên vừa rồi, thì tại địa danh Núi Đá Bia, có một khu du lịch sinh thái do Công ty Du Lịch sinh Thái Quỳnh Long xây dựng, quản lý.
Bà Võ Thị Thanh Thúy, một thành viên trong công ty này, trình bày sơ lược lại việc ra đời của khu du lịch sinh thái Núi Đá Bia như sau:
“Đầu tiên là thầu rừng, qua quá trình anh em thấy nơi đó có khung cảnh rất đẹp nên mời ông xã tôi vào để tham gia công trình trồng rừng và sinh thái vì phong cảnh nơi đó rất đẹp. Từ đó ông Trần Công vào cùng với anh em mở du lịch sinh thái dưới tán rừng được sự đồng ý của các ban ngành, của địa phương, của tỉnh. Tất cả đều ký cho làm, không có gì sai trái pháp luật hết.”
Theo bà này cho biết thì công ty Quỳnh Long được cơ quan chức năng giao 48 héc ta đất để tiến hành trồng rừng trong vòng 50 năm. Công ty đã thực hiện việc tái tạo rừng tại một khu vực từng bị bom đạn cày phá trước đây, cũng như do dân chúng đốt rừng lấy than, củi sau này. Dưới tán rừng khôi phục lại, toàn bộ nhân viên của Công ty Du lịch Sinh Thái Quỳnh Long xây dựng những công trình trên những khu đất đá sỏi, cũng như biến những hào hố bị bom đạn cày xới thành những hồ nước trong xanh phục vụ hoạt động du lịch sinh thái.
Kết luận điều tra chưa thuyết phục
Ông Nguyễn Thái Bình, một người tích cực tham gia công tác xây dựng khu du lịch sinh thái Núi Đá Bia, bản thân từng là Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam và là một bộ đội xuất ngũ, cho biết rõ hơn về khu du lịch sinh thái mà ông từng góp sức để hình thành nên:
Anh em mở du lịch sinh thái dưới tán rừng được sự đồng ý của các ban ngành, của địa phương, của tỉnh. Tất cả đều ký cho làm, không có gì sai trái pháp luật hết.Võ Thị Thanh Thúy
“Đầu năm 2004, chúng tôi có công ty mẹ tại Dak Nông xin chuyển về đây để trồng rừng, trong thời hạn 50 năm. Địa điểm là tại cầu Suối Lớn, Đèo Cả, xả Hòa Xuân Nam, huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên. Chúng tôi trồng cây sao. Tại khu đó chúng tôi thấy cảnh rất đẹp nên thỉnh Thầy từ Bình Định vào thiết kế những công trình xây dựng trên đá rất đẹp mắt mà không đụng chạm gì đến môi trường, mà còn giữ vững môi trường.”
Theo ông Nguyễn Thái Bình thì trước đó người dân địa phương vào đốt than phá rừng nhưng từ khi công ty đến nhận trồng rừng thì đã tạo nên được một cảnh quan rất xinh tươi. Ông trình bày tiếp những công trình tạo dựng được để biến vùng đất hoang sơ, bị tàn phá thành khu du lịch sinh thái Núi Đá Bia như sau:
“Khi chúng tôi về đó là một bãi hoang tàn do người dân phá rừng, đốt than, cây không lớn nổi. Cây lên một hai mét đều bị chặt để đốt than hết. Khi chúng tôi về nhận đất trồng rừng thì chúng tôi trồng cây sao, cây mai, cây tràm phủ xanh đồi núi trọc.
Thấy địa thế đẹp, chúng tôi phá đá gồ ghề để lấy mặt bằng làm con đường rộng 11-12 mét vào khu du lịch. Chúng tôi xây dựng được khu du lịch như khu nhà nghỉ Hoa Thủy Tiên… có hồ, có động. Dân Phú Yên vào rất khâm phục. Công trình này không có plan nào cả. Mùa hè khách du lịch đến rất nhiều. Chúng tôi không có dịch vụ ở lại đêm mà chỉ phục vụ ngày mà thôi. Ngày nghỉ chúng tôi xây dựng. Việc xây dựng rất cực… bằng sức lực con người, chứ không dùng máy móc để phát. Thầy chúng tôi gọi công trình đó là ‘hai hạt, hai giọt’- giọt muối giọt mồ hôi… Chúng tôi muốn làm công trình để muôn đời sau…”
Ông cho biết về tiến trình thành lập công ty và chuyện bị đình chỉ hoạt động, cũng như những chấp hành mọi qui định của luật pháp trước khi bị bắt:
“Đến năm 2008, chúng tôi xin phép thành lập và đến tháng 2 năm 2012 thì bị bắt. Hiện tại cơ quan an ninh điều tra đang giữ công ty chúng tôi, không ai vào được đó. Họ chuyển hết mọi vật chất của chúng tôi ra Cơ quan Điều tra Công an tỉnh Phú Yên. Hiện khu vực bị phong tỏa không ai được vào hết. Một đội cơ động giữ trong đó.
Chúng tôi có đăng ký, có giấy phép kinh doanh, có nộp thuế tiền vé cho cơ quan Nhà Nuớc.
Cuối năm 2011, chúng tôi có dự án 65 hạng mục công trình được 9 cơ quan ban ngànhh tại Phú Yên duyệt cho chúng tôi, gần hoàn tất, nhưng đến đầu năm 2012 chúng tôi bị bắt.”
Chuyện khu du lịch sinh thái Núi Đá Bia do Công ty Quỳnh Long quản lý nay không được phép đến tham quan, cũng được cô thiếu nữ Phú Yên cho biết:
“Hồi trước có khu du lịch nhưng đến nay đóng cửa rồi.Lý do chính phủ đóng cửa không biết.”
Theo thông báo của Công an tỉnh Phú Yên trong lần họp báo hồi ngày 6 tháng 2, thì những người xây dựng khu du lịch sinh thái Núi Đá Bia nằm trong vụ án gọi là ‘Hội đồng Công Luật Công án Bia Sơn’. Theo công an thì những người trong vụ này có âm mưu lật đổ chính quyền. Có hơn 20 người bị bắt. Cơ quan điều tra của công an nói đang tiến hành điều tra về vụ việc. Trong khi đó thì những người trong cuộc một mực kêu oan, cho rằng mọi hoạt động của họ chỉ để tu thân, làm đẹp cho đất nước, cho cuộc đời.
Một số người tại Phú Yên biết chuyện khi được hỏi đều tỏ ra hết sức sợ hãi về cáo buộc mà cơ quan công an buộc đối với những người tham gia phát triển khu du lịch sinh thái Núi Đá Bia. Do sợ hãi nên họ không muốn phát biểu về những gì mà họ từng chứng kiến tại khu du lịch sinh thái ở quê hương của họ.
Lâu nay, truyền thông trong nước loan tin về nhiều vụ phá rừng ở khắp các nơi tại Việt Nam. Lực lượng kiểm lâm bị lâm tặc tấn công và không đủ sức chống đỡ; thậm chí có những nơi kiểm lâm đồng lõa với việc phá rừng.
Ai cũng thừa nhận phá rất dễ dàng, còn việc xây dựng nên một khu như khu du lịch sinh thái Núi Đá Bia do Công ty Quỳnh Long tiến hành từ năm 2004 đến nay không phải là chuyện dễ dàng, đơn giản.
Nay có thể nói một phần công trình của khu du lịch sinh thái Núi Đá Bia đã cơ bản đã hình thành, nhưng công việc bị chặn lại để điều tra mà đến nay kết luận đưa ra vẫn chưa thuyết phục được người trong cuộc. Trong khi đó rất nhiều người cần có môi trường thiên nhiên để đến thư giãn sau thời gian lao động cực nhọc đang phải mất đi một khu như khu du lịch sinh thái Núi Đá Bia ở Phú Yên.
Mục Khoa học - Môi trường kỳ này tạm dừng tại đây. Hẹn gặp lại quí vị và các bạn trong chương trình kỳ tới. Gia Minh chào tạm biệt.
Theo dòng thời sự:
- Vụ án "Hội đồng Công Luật công án Bia Sơn"
- 22 người liên can vụ "công án Bia Sơn" bị cáo buộc lật đổ chính phủ
- Hội đồng Công luật Công án Bia Sơn bị cáo buộc âm mưu lật đổ chính quyền
- Tu đạo - Du lịch sinh thái đến ‘phản động’?
- Ân Đàn Đại Đạo: bị kết tội âm mưu lật đổ chính quyển
- Thêm 4 người bị bắt về tội âm mưu lật đổ chính quyền
- Tác động của biến đổi khí hậu
- Cảnh báo về biến đổi khí hậu và các hiện tượng thời tiết cực đại
- Biến đổi khí hậu đe dọa Vùng Đồng bằng Sông Cửu Long
- Úc giúp Việt Nam đối phó với biến đổi khí hậu
- ADB giúp VN đối phó hậu quả biến đổi khí hậu
- USAID hỗ trợ VN đối phó tác động biến đổi khí hậu