Có đúng 90% người dân Việt ăn gạo ‘bẩn’?
2020.09.08
Thế nào là gạo ‘bẩn’?
Ông Phạm Thái Bình - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An tại cuộc trao đổi ‘Xuất khẩu sang Châu Âu từ lợi thế EVFTA, hàng Việt cần gì?’, đã phát biểu ý kiến của ông cho rằng hiện nay có tới 90% người dân Việt ăn gạo bẩn.
Công ty Trung An là doanh nghiệp kinh doanh chế biến xay xát gạo hiện có 6 nhà máy tại Cần Thơ.
Trao đổi với RFA vào tối 8/9, Tiến sĩ Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp - Nông thôn đưa ra nhận xét đối với phát ngôn của Tổng giám đốc Công ty Trung An như sau:
“Tôi chưa rõ ý định nghĩa thế nào là gạo bẩn của tác giả. Không biết bẩn ở đây là gạo sản xuất không vệ sinh hay có dư lượng hóa chất hay các tài nguyên như đất, nguồn nước để sản xuất lúa gạo không chuẩn. Thật sự nếu nói một cách khái quát như thế thì sợ rằng khó ai hình dung được. Nhưng nếu phát biểu như thế tôi thấy có vẻ chưa chặt chẽ và không thuyết phục lắm tại vì nhìn chung mà nói thì sản xuất nông nghiệp trong Việt Nam thời gian qua phải vượt lên rất nhiều để đạt các tiêu chuẩn, nhưng thường tôi thấy vấn đề Việt Nam phải đương đầu với vệ sinh an toàn thực phẩm chủ yếu ở rau, quả, hoặc trường hợp một số cây công nghiệp, thủy sản. Ít khi thấy mọi người phàn nàn hoặc chưa bao giờ thấy có hiện tượng trả lại hoặc hủy các đơn hàng lúa gạo về vấn đề vệ sinh an toàn.”
Theo ý kiến cá nhân, ông Hai Lúa ở Cần Thơ cho biết trước đây ông cũng đã từng trồng lúa thời Việt Nam Cộng Hòa, dù bây giờ không còn trồng lúa, nhưng ông vẫn có thể phân biệt được gạo sạch hay bẩn. Do đó, ông không đồng tình với phát biểu của ông Phạm Thái Bình:
“Gạo bẩn là gạo của Trung Quốc thôi chứ Việt Nam này tôi ở miền Tây tôi ăn gạo miền Tây thì đâu thấy có gạo bẩn. Có thể ở miền Bắc, các tỉnh Lào Cai, Lạng Sơn ở ngoài đó thì có chứ ở đây ăn gạo trắng nước trong chứ có gạo bẩn gì đâu. Ông nào nói sao gạo bẩn thì phải khoanh vùng nào ăn chứ nói chung đất nước Việt Nam vậy thì đâu có được. Ví dụ như vùng 1, vùng 2, Hà Nội… chứ tôi ở miền Nam tôi không thấy gạo bẩn gì hết, tôi ăn gạo ký hàng ngày. Người dân ở đây ăn gạo tốt tùy theo túi tiền. Ví dụ 15.000-20.000 thì gạo tốt, còn 9.000-10.000 thì gạo trung bình, ăn được, dân nghèo thì ăn gạo đó thôi.”
Còn theo lời chị Nguyên, quản lý đại lý gạo ở Phan Thiết hiện đang nhập gạo của công ty Phước Thành 4, một trong những công ty xuất khẩu gạo mạnh nhất Việt Nam, có thể có gạo bẩn do các chỗ bán trộn lại để bán giá cao, kiếm thêm phần lời. Hoặc có thể hóa chất, phân bón, thuốc trừ sâu còn đọng lại trong gạo chưa được rửa kỹ. Tuy nhiên, chị Nguyên cho rằng với con số 90% người Việt ăn gạo bẩn mà ông Phạm Thái Bình đưa ra là không chính xác.
Nhiều người bị bệnh một phần do ăn gạo ‘bẩn’?
Theo lời ông Phạm Thái Bình được báo trong nước đăng tải cho hay nhiều năm trở lại đây tỷ lệ người bị ung thư, tiểu đường… ngày càng tăng, mà nguyên nhân có sự góp phần của gạo bẩn, của thuốc bảo vệ thực vật tích tụ trong gạo.
Trả lời với truyền thông trong nước, ông Nguyễn Như Cường - Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho rằng đây là thông tin hoàn toàn sai sự thật và không có căn cứ.
Theo lý giải của ông Cường, hiện Việt Nam đã tham gia hầu hết các hiệp định thương mại tự do đơn phương, đa phương và các nước đều có hàng rào phi thuế quan để bảo vệ thị trường nội địa. Vì vậy, để gạo Việt Nam khi xuất khẩu sang rất nhiều quốc gia có hàng rào kỹ thuật như vậy, vệ sinh an toàn thực phẩm tất nhiên phải được bảo đảm.
Bên cạnh đó, Cục trưởng Cục Trồng trọt cũng nói với báo chí nhà nước rằng tất cả đều sản xuất chung, phần để ăn và phần để xuất khẩu, không có vùng sản xuất riêng cho xuất khẩu.
RFA có liên lạc với ông Nguyễn Như Cường để tìm hiểu thêm nhưng nhận được từ chối:
“Cái này thì nếu em có vấn đề gì thì anh phải xin ý kiến lãnh đạo Bộ anh mới phát biểu được.”
Nông nghiệp Việt Nam có tiến bộ!
Với kinh nghiệm từng giữ chức Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp - Nông thôn, Tiến sĩ Đặng Kim Sơn cho biết dù vẫn đang có những khó khăn nhất định, nhưng người nông dân trồng lúa có những tiến bộ khá quyết liệt. Ông nói:
“Trong một thời gian khá dài người dân Việt Nam đã chuyển lên làm tốt cả trong khâu sản xuất những tiêu chuẩn mới, đáp ứng nhu cầu các phong trào như ‘1 phải, 5 giảm’, ‘3 giảm, 3 tăng’, chủ yếu để giảm vật tư đầu vào, nhất là giảm rất tốt phần thuốc. Thời gian gần đây, công tác cơ chế hóa sản xuất lúa tăng, giảm bớt chi phí lao động. Trong suốt mười mấy, hai chục năm qua thì chế biến cũng được cải thiện tốt hơn nên có thể nói trong các loại nông sản Việt Nam thì lúa gạo đã một bước tiến vững chắc, kể cả việc đảm bảo vệ sinh an toàn.”
Vẫn theo Tiến sĩ Đặng Kim Sơn, Việt Nam có những bước tiến khá xa, nhất là các giống lúa thời gian gần đây được công nhận là lúa ngon nhất thế giới.
Ông cho rằng gạo Việt Nam đáp ứng thị trường rất đa dạng từ chất lượng thấp đến chất lượng cao, từ gạo đục ngắn hạt đến gạo dài hạt, hạt trong, đến phù hợp với thị hiếu khá cao cấp của người trong nước cũng tương đối tốt.
Theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Việt Nam đang là nước có sản lượng và giá trị xuất khẩu gạo cao thứ 2 thế giới dù đang trong thời gian chống chọi với SARS-CoV-2.
Cụ thể, xuất khẩu gạo 7 tháng đạt được 2 tỷ đô la Mỹ với gần 4 triệu tấn, dù có giảm khoảng 1,5% về khối lượng so với cùng kỳ nhưng lại tăng khoảng 11% giá trị thu về.
Tiến sĩ Đặng Kim Sơn cho hay hiện tại diện tích lúa gạo hiệu quả kém đã được chuyển sang cách sản xuất khác như thủy sản và cây ăn trái.
“Có thể nói lúa gạo Việt Nam vừa giảm bớt sản xuất về quy mô, diện tích nhưng bắt đầu chuyển sang nâng cao chất lượng, hiệu quả.”
Giáo sư Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ, chuyên gia về lúa gạo, trong trả lời phỏng vấn Báo Dân Việt trong nước cho rằng chưa có nghiên cứu cụ thể nào về nhận định 90% người Việt Nam ăn gạo bẩn to tồn dư thuốc thực vật trong gạo. Tuy nhiên ông thừa nhận một số nơi vẫn phát hiện gạo có tồn dư hàm lượng thuốc thực vật.