Cục Di sản văn hóa là tác giả của truyền thuyết Sơn Tinh Thủy Tinh?
2023.11.15
PGS.TS Trần Văn Hải (Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội) đề xuất nhà làm phim Sơn Tinh, Thủy Tinh phải có nghĩa vụ trả tác quyền là phí khai thác, sử dụng di sản văn hóa cho cơ quan đại diện cho chủ sở hữu là Cục Di sản văn hóa.
Ông Hải đưa ra đề xuất này tại hội nghị - hội thảo góp ý cho dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức ngày 13 tháng 11 tại Hà Nội.
Tư duy “ao làng”…
Phát biểu của ông Hải lập tức bị cư dân mạng chế diễu. Có Facebooker để lại bình luận trên mạng tự nhận mình là con cháu của Sơn Tinh, Thủy Tinh… để được chia tiền tác quyền; một số Facebookers khác còn kêu gọi các “nhánh” con cháu “Sơn tộc, Thủy tộc” gửi danh sách phả hệ để chính danh xác nhận di sản các chuyện kể lịch sử của tổ tiên, tránh chuyện “bọn nhận vơ, cướp bản quyền của cha ông mình”…
Một khi xã hội rộ lên những điều kỳ quái như vậy, nó cũng giới thiệu cho thấy sự hỗn tạp của một đời sống bị kiểm soát bằng mệnh lệnh, và tình trạng hạ cấp tư duy một cách hèn mọn, chỉ để giới thiệu sự quy phục hệ thống. - Nhạc sĩ Tuấn Khanh
Nhạc sĩ Tuấn Khanh nêu quan điểm của ông với RFA về sự việc trên:
“Phát ngôn của tiến sĩ Trần Văn Hải nằm chung trong làn sóng rộ lên gần đây của các quan chức, trí thức xã hội chủ nghĩa (XHCN) Việt Nam, đang có những phát ngôn làm xã hội ngỡ ngàng. Hết lần này đến lần khác, người dân Việt Nam vẫn cứ bàng hoàng về trình độ tri thức và hiểu biết luật pháp của những người đang cầm nắm xã hội Việt Nam.
Nhưng không chỉ vậy. Trọng tâm của làn sóng những phát ngôn bất cần luân lý như vậy, đang thể hiện một xã hội đang hào hứng chạy theo phục vụ cho một nhà nước tập quyền, dâng hiến những ý tưởng giải quyết vấn đề xã hội bằng sức mạnh tập quyền mà không cần luật pháp, hiến pháp, hay bất kỳ một định chế xã hội nào.
Một khi xã hội rộ lên những điều kỳ quái như vậy, nó cũng giới thiệu cho thấy sự hỗn tạp của một đời sống bị kiểm soát bằng mệnh lệnh, và tình trạng hạ cấp tư duy một cách hèn mọn, chỉ để giới thiệu sự quy phục hệ thống.”
Một facebooker ở Hà Nội không muốn nêu tên, chia sẻ suy nghĩ của mình vào sáng 15 tháng 11 với RFA:
“Một người có học vị PGS-TS như ông Trần Văn Hải mà không hiểu gì về khái niệm di sản văn hóa; không biết gì về Luật di sản văn hóa của Việt Nam. Ông ta phát biểu một cách vô tội vạ. Thời gian gần đây tôi thấy hiện tượng này phổ biến chứ không còn là cá biệt nữa. Cứ mở miệng ra là nói bậy làm trò cười cho thiên hạ.
Điều đó cho thấy hệ thống đào tạo, hệ thống giáo dục của Việt Nam có vấn đề về bản chất. Có hiện tượng chạy điểm, chạy học hàm học vị để có một cái chức vụ nào đó. Và điều chắc chắn rằng, cái gọi là PGS.TS của ông Trần Văn Hải đã phản ánh chân thực quá trình "học tập" của ông ta. Dựa vào đâu mà PGS.TS Trần Văn Hải đưa ra ý kiến nhà làm phim phải nộp phí tác quyền cho Cục Di sản Văn hóa?”
Theo quy định tại Điều 23 của Luật Sở hữu trí tuệ đã được Quốc hội thông qua ngày 29/11/2005, và đã được hợp nhất vào Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, được Quốc hội thông qua ngày 16/6/2022, có hiệu lực từ ngày 1/7/2022, thì tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian là sáng tạo tập thể trên nền tảng truyền thống của một nhóm hoặc các cá nhân nhằm phản ánh khát vọng của cộng đồng, thể hiện tương xứng đặc điểm văn hoá và xã hội của họ, các tiêu chuẩn và giá trị được lưu truyền bằng cách mô phỏng hoặc bằng cách khác.
Tổ chức, cá nhân khi sử dụng tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian phải dẫn chiếu xuất xứ của loại hình tác phẩm đó và bảo đảm giữ gìn giá trị đích thực của tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian”.

Và những điều không tưởng!
Góp ý cho dự án Luật Di sản văn hóa, ông Hải nhấn mạnh rằng, Luật Sở hữu trí tuệ hiện nay chưa quy định người khác khai thác di sản văn hóa phải trả phí khai thác, sử dụng cho cộng đồng sở hữu di sản. Do đó, theo ông Hải, cần phải sửa đổi điều luật, quy định cộng đồng nơi di sản văn hóa được sáng tạo, thực hành và lưu truyền chính là chủ sở hữu của di sản văn hóa đó và phải được hưởng quyền tài sản với di sản văn hóa bên cạnh quyền nhân thân.
Ông Hải cũng đồng thời đề xuất quyền hưởng lợi nhuận từ việc cho phép người khác làm tác phẩm phát sinh từ di sản văn hóa với ví dụ nhà sản xuất chuyển thể thần thoại Sơn Tinh, Thủy Tinh thành tác phẩm điện ảnh.
Sau khi nghe những đề xuất của ông Hải, đạo diễn Trần Văn Thủy, người nổi tiếng với phim Chuyện Tử Tế, Hà Nội Trong Mắt Ai, nói với RFA suy nghĩ của ông sáng 15 tháng 11:
“Nếu chuyện đó mà có thật thì nó là điều cực kỳ vô lý. Không ai tin được. Truyền thuyết đó là một câu chuyện dân gian lâu đời rồi. Bây giờ dù ai viết, làm kịch, làm thơ, làm phim thì sử dụng tài sản đó là của chung mọi người chứ không riêng của ai cả. Bây giờ lại có một cơ quan nào đó, dù với danh nghĩa gì, lý do gì mà đòi tiến tác quyền hay bản quyền là điều cực kỳ vô lý không nghe được.
Nếu giả dụ tôi có đụng đến đề tài đó, tôi có làm dưới bất kỳ hình thức nghệ thuật nào như thơ, văn, phim ảnh hay sân khấu thì tôi cũng tự làm và không ai có quyền can thiệp việc đó. Tôi có thừa tiền tôi cũng không bao giờ nộp cho họ một xu.
Chỉ có điều, sau cùng khi sản phẩm tôi làm ra thì về nguyên tắc phải qua một hội đồng duyệt. Đấy là quyền quyết định của hội đồng duyệt phim xem phim hay hay dở, đúng hay sai. Thế thôi chứ chuyện (trả tác quyền - NV) như thế là điều không tưởng tượng được.”
Nếu chuyện đó mà có thật thì nó là điều cực kỳ vô lý. Không ai tin được. Truyền thuyết đó là một câu chuyện dân gian lâu đời rồi. Bây giờ dù ai viết, làm kịch, làm thơ, làm phim thì sử dụng tài sản đó là của chung mọi người chứ không riêng của ai cả. Bây giờ lại có một cơ quan nào đó, dù với danh nghĩa gì, lý do gì mà đòi tiến tác quyền hay bản quyền là điều cực kỳ vô lý không nghe được. - đạo diễn Trần Văn Thủy
Đạo diễn Song Chi hiện đang ở Anh quốc cũng đưa ra nhận định về vấn đề này:
“Nếu bộ phim được chuyển thể từ một cuốn truyện cụ thể nào đó, từ một tác phẩm nào đó có tên tác giả thì nó hợp lý. Còn đằng này, truyền thuyết Sơn tinh Thủy tinh là của nhân dân Việt Nam. Nó có từ ngàn xưa. Bây giờ nhân danh cái gì mà Cục di sản văn hóa đòi tác quyền? Họ là tác giả à?
Tôi có cảm giác họ đang tìm mọi cách để moi tiền dân. Trong khi đó có những việc quan trọng hơn nhiều liên quan di sản văn hóa, chẳng hạn như vụ vịnh Hạ Long, vụ sách cổ Viện Hán Nôm mà TS. Nguyễn Xuân Diện lên tiếng lâu nay, vụ hàng trăm cuốn sách phong vàng bạc bị bán sang tận Trung Quốc qua những trang web thì không lo, mà lo những chuyện tào lao như vậy?”
Khoảng cuối tháng 12 năm 2022, Viện Nghiên cứu Hán Nôm ra thông báo về việc mất hoặc thất lạc 25 cuốn sách cổ do đơn vị này quản lý. Tháng 3 năm 2023, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện, Phó Phòng Nghiên cứu Văn học & Lịch sử- Viện Nghiên cứu Hán Nôm thông tin trên trang facebook cá nhân của mình rằng, Viện Nghiên cứu Hán Nôm Việt Nam lại mất thêm hơn 110 cuốn sách; ngoài ra gần 880 cuốn khác trong kho bị mủn nát, không thể phục chế.