Lại ca điệp khúc: 'Cần có cuộc cách mạng trong nông nghiệp'
2022.02.04
Lãnh đạo ngành nông nghiệp mới đây lại tiếp tục cho rằng: 'Cần có cuộc cách mạng trong nông nghiệp'... mới tránh việc ùn ứ nông sản ở biên giới Trung Quốc.
Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan phát biểu như vừa nêu khi trả lời báo chí nhà nước hôm 1/2/2022.
Theo ông Hoan, cần có một cuộc cách mạng trong từng địa phương, đồng ruộng, người nông dân. Phải xây dựng đề án chuẩn hóa vùng nguyên liệu để xuất khẩu qua từng thị trường, phải thành lập liên minh của những doanh nghiệp xuất khẩu nông sản sang các thị trường để cùng ngồi lại, thảo luận chiến lược xuất khẩu nông sản...
Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói như vậy khi bị chất vấn về việc những tháng trước Tết, hàng nghìn xe container chở nông sản đi Trung Quốc đã ùn ứ tại các cửa khẩu ở Lạng Sơn. Có thời điềm, tại các cửa khẩu Tân Thanh, Hữu Nghị và Chi Ma ở Lạng Sơn có đến hơn 4.500 xe chở hàng hóa, nông sản xếp hàng chờ qua biện giới Trung Quốc.
Cơ quan chức năng Việt Nam khi đó cho rằng, do phía Trung Quốc thắt chặt việc quản lý, kiểm soát dịch COVID-19 khiến hàng nghìn xe container chở nông sản ùn ứ tại các cửa khẩu ở Lạng Sơn. Tuy nhiên, từ trước khi dịch COVID-19 xuất hiện, tình trạng này vẫn thường xuyên xảy ra do phía Trung Quốc gây khó dễ, kéo dài thời gian kiểm soát... và đến nay ông Hoan lại nói: 'Cần có cuộc cách mạng trong nông nghiệp'.
Việt Nam có những bước tiến nhưng chưa đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của phía Trung Quốc.
-Tiến sĩ Lê Đăng Doanh
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên là Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng, Trung Quốc hiện nay đang chuyển sang nhập khẩu chính ngạch, đòi hỏi những thông tin khai báo chi tiết từ nguồn gốc, rồi điều kiện cây trồng và các thông tin khác. Xuất khẩu chính ngạch này thì giá cao hơn, và nếu đáp ứng được những tiêu chuẩn đó thì có thể ký được những hợp đồng ổn định. Tuy nhiên ông nói tiếp:
“Nhưng tiếc rằng Việt Nam có những bước tiến nhưng chưa đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của phía Trung Quốc. Còn xuất khẩu tiểu ngạch, tức là xuất khẩu trên cơ sở các điều kiện dễ dàng hơn, thì hiện nay phía Trung Quốc đã có giảm bớt, vì vậy xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc hiện gặp khó khăn.”
Tổng kim ngạch xuất khẩu nông, thủy sản của Việt Nam sang Trung Quốc năm 2020 đạt 8,1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 16,6 % trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang thị trường này. Mặc dù lâu nay Trung Quốc vẫn là một trong những thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, nhưng khi xuất khẩu sang nước này, các doanh nghiệp, thương lái Việt Nam vẫn thường phải chấp nhận nhiều rủi ro, chưa kể giá bán cũng rẻ hơn khi xuất sang các quốc gia khác.
Giáo sư, Tiến sĩ Võ Tòng Xuân, một chuyên gia nông nghiệp, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học An Giang, trong một trả lời RFA gần đây nhận định:
“Chính là Nhà nước, mà cụ thể là Bộ Nông nghiệp và Bộ Công thương cứ để cho nông dân tự phát, họ muốn trồng gì họ trồng, họ muốn chặt gì họ chặt... Rất ít công ty Việt Nam qua Trung Quốc ký hợp đồng với các bạn hàng bên đó. Cho đến thời điểm này thì vẫn còn lệ thuộc thương lái bên mình và thương lái Trung Quốc, và bán qua ngả Lạng Sơn hoặc Cao Bằng... tức là mình giao thương với họ qua con đường tiểu ngạch, chứ có rất ít doanh nghiệp của mình xuất khẩu chính thức. Chính cái chỗ làm tiểu ngạch nên mình rất lệ thuộc vào Trung Quốc.”
Vào ngày 17/11/2017, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam khi đó là ông Nguyễn Xuân Phúc đã ký ban hành Nghị quyết số 120, đề ra tầm nhìn tới năm 2100, mục tiêu tới năm 2050, về định hướng chiến lược phát triển ĐBSCL, các giải pháp tổng thể và các nhiệm vụ cụ thể... Tuy nhiên cho đến nay, nhiều chuyên gia cho rằng vẫn còn nhiều bất cập trong nghị quyết này.
Vào tháng 5 năm 2020, các nhà báo, nhà trí thức, chuyên gia trong và ngoài nước đã cùng ký bản kiến nghị có tên ‘Hãy Cứu Lấy Đồng Bằng Sông Cửu Long’, yêu cầu chính phủ sớm có hành động cấp thiết đối với Đồng Bằng Sông Cửu Long trước khi quá muộn. Trả lời RFA khi đó, ông Lê Thân, Chủ nhiệm Câu Lạc Bộ Lê Hiếu Đằng, nói:
“Năm 2017 ông thủ tướng đã có Nghị Quyết 120 về ĐBSCL nhưng nó không toàn diện, không mang tầm chiến lược như kiến nghị anh em chúng tôi viết ra. Bản kiến nghị nêu tất cả mọi vấn đề mang tính giải pháp, tính chiến lược, những điều từ trước tới giờ không làm hoặc làm chưa tốt, thì bây giờ phải điều chỉnh lại.”
Phó Giáo sư - Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, Phó viện trưởng Viện biến đổi khí hậu Đại học Cần Thơ thì cho rằng bất cập của Nghị quyết 120 về phát triển bền vững ĐBSCL là liên kết vùng còn kém do xung đột lợi ích, địa phương nào cũng muốn bức phá:
“Mặc dù có nhiều diễn đàn, các hội thảo, các địa phương cũng cam kết sẽ liên kết với nhau để thực hiện các vấn đề... bởi vì đây là vấn đề của cả đồng bằng chứ không phải là của một địa phương nào. Tuy nhiên, những cam kết liên kết đó đến bây giờ cũng chưa được rõ ràng lắm.”
Các địa phương cũng cam kết sẽ liên kết với nhau để thực hiện các vấn đề... bởi vì đây là vấn đề của cả đồng bằng chứ không phải là của một địa phương nào. Tuy nhiên, những cam kết liên kết đó đến bây giờ cũng chưa được rõ ràng lắm.
-Phó Giáo sư - Tiến sĩ Lê Anh Tuấn
Hàng năm, lãnh đạo Việt Nam thường đưa ra con số mục tiêu sản lượng lương thực... Nhưng giới chuyên gia nông nghiệp cho rằng nếu 'chốt cứng' diện tích trồng lúa và sản lượng lương thực, thì làm sao các cấp và người nông dân có thể thực hiện tốt Nghị quyết 120 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.
Nghị quyết 120 được đưa ra nhằm giúp vùng Đồng bằng sông Cửu Long “phát triển bền vững”, “thích ứng với các tác động của biến đổi khi hậu”. Trong đó yêu cầu giảm điện tích trồng lúa, thay đổi cây trồng, thay đổi công thức luân canh, các giải pháp kỹ thuật như nghiên cứu các giống cây trồng chịu hạn, chịu mặn, có các giải pháp về công trình như xây dựng cơ bản, về các chính sách thay đổi cơ cấu kinh tế...
Trả lời RFA liên quan vấn đề này, Tiến sĩ Đặng Kim Sơn, nguyên viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp và Nông thôn, nói:
“Trước kia chúng ta chốt cứng 3,8 triệu hecta để sản xuất lúa. Còn bây giờ chốt cứng nó giảm đi 600 ngàn hecta rồi, tức là chốt cứng với mức độ diện tích lúa đã giảm hơn trước rất nhiều. Tuy nhiên theo tính toán của chúng tôi, của các cơ quan nghiên cứu, là vẫn có thể giảm hơn nữa.”
Theo Tiến sĩ Đặng Kim Sơn, nông nghiệp Việt Nam hiện đối mặt nhiều khó khăn. Thứ nhất là nguồn đất canh tác nông nghiệp hạn hẹp trong khi khoảng 48% lao động của Việt Nam nằm trong lĩnh vực nông nghiệp. Cơ sở hạ tầng phục vụ nông nghiệp chưa được phát triển, ngay cả ở những vùng trọng điểm nông nghiệp như đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên hệ thống giao thông, thủy lợi, tưới tiêu còn rất hạn chế.
Ngoài ra ông Sơn còn cho biết, hiện tại mức đầu tư vào nông nghiệp của Việt Nam rất thấp chỉ khoảng 5-6%. Với mức này, việc tiếp thu áp dụng các công nghệ cao vào sản xuất là rất khó. Thêm vào đó, các biến động về giá cả, thị trường và biến đổi khí hậu cũng như những rủi ro về bệnh dịch, thiên tai, cháy rừng,… cũng là những nhân tố chính tác động mạnh đến nền nông nghiệp Việt Nam.
Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia nghiên cứu độc lập về sinh thái ĐBSCL, trong một trả lời RFA gần đây cho biết thêm những vấn đề ngành nông nghiệp ở ĐBSCL đang phải đối mặt:
“ĐBSCL đang đối diện rất là nhiều vấn đề, trong đó có hai nhóm. Một nhóm ảnh hưởng đến sản xuất sinh hoạt, như xâm nhập mặn, hòa nhập đô thị, ô nhiễm... Nhưng có một loại khác là đe dọa đến sự tồn tại của ĐBSCL, đó là sạt lở, mất đất và sụt lún... Sụt lún thì tốc độ rất nhanh, trung bình 1cm/một năm, trong khi nước biển dâng có ba mm, sụt lún gấp ba bốn lần, có nơi mười mấy hai chục lần, 5,7cm là cao nhất.”
Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện cho biết, để chống sụt lún, Chính phủ có ra nghị định 167 phân làm năm vùng hạn chế khai thác, giao cho từng tỉnh để thực hiện. Nhưng khi triển khai ở từng tỉnh thì đã phát sinh nhiều vấn đề... Theo ông Thiện, nghị định 167 là nỗ lực tốt, nhưng cần phải sửa đổi. Vì thứ nhất là dữ liệu không có để cho các tỉnh nghiên cứu chi tiết sụt lún liên quan nước ngầm tại địa phương, chỉ có cấp đồng bằng, không đủ để lên bản đồ. Chuyện thứ hai theo ông Thiện là giá nước ngầm rất rẻ so với giá nước mặt, vì giá nước mặt quá ô nhiễm... nhiều phân bón thuốc trừ sâu nên xử lý rất tốn kém.