Lộ Diêu: Dự án gang thép Long Sơn và nỗi lo môi trường của dân

Diễm Thi, RFA
2023.09.06
Lộ Diêu: Dự án gang thép Long Sơn và nỗi lo môi trường của dân Một người dân huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế với cá chết trên tay. Ảnh chụp ngày 21 tháng 4 năm 2016.
AFP

Ngày 3 tháng 4 năm 2023, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 48 phê duyệt Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Lãnh đạo tỉnh Bình Định đặt mục tiêu đến năm 2030 phải khai thác hợp lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên biển đảo để phát triển nhanh và bền vững các ngành kinh tế biển và khu vực ven biển, theo Nghị quyết 48 của Chính phủ.

Đến cuối tháng 5 năm 2023, lãnh đạo tỉnh Bình Định tụ tập người dân thôn Lộ Diêu đến để nghe quan chức và nhà đầu tư nói về đề xuất Dự án gang thép Long Sơn trị giá 2,6 tỷ USD dự kiến được xây dựng tại thôn Lộ Diêu, xã Hoài Mỹ, thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định. Đa số người dân tại cuộc họp phản đối dự án với lo ngại môi trường nơi đây sẽ bị hủy hoại, di sản văn hóa và ý nghĩa lịch sử sẽ mất đi. Người dân Lộ Diêu chỉ mong muốn một cuộc sống ổn định, bình yên, không hy sinh vì mục tiêu kinh tế.

Theo tôi thì chọn cả hai. Vừa phát triển kinh tế vừa bảo vệ được môi trường. Và đấy là chính sách mà Việt Nam đang muốn theo đuổi. Còn có một số công trình nào đấy, nếu phải tạm thời hy sinh môi trường để thu hút đầu tư lớn thì phải có phương án trong thời gian bao lâu sẽ khôi phục lại được môi trường, và phải có biện pháp bảo vệ môi trường như thế nào. - Tiến sĩ Kinh tế Lê Đăng Doanh

Tiến sĩ Kinh tế Lê Đăng Doanh nêu nhận định của ông với RFA về mối liên quan giữa môi trường và kinh tế:

“Theo tôi thì chọn cả hai. Vừa phát triển kinh tế vừa bảo vệ được môi trường. Và đấy là chính sách mà Việt Nam đang muốn theo đuổi. Còn có một số công trình nào đấy, nếu phải tạm thời hy sinh môi trường để thu hút đầu tư lớn thì phải có phương án trong thời gian bao lâu sẽ khôi phục lại được môi trường, và phải có biện pháp bảo vệ môi trường như thế nào.

Tôi nghĩ rằng, Việt Nam cũng đã có những bài học kinh nghiệm đầy đủ để có thể xem xét. Tôi rất hoan nghênh nếu như công luận có thể giúp xem xét nhiều khía cạnh về môi trường của nhà máy thép này.”

Tại cuộc họp với người dân Lộ Diêu cuối tháng 5 năm 2023, ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định nhắc lại, dự án chỉ tiến hành khi có sự đồng thuận của người dân. Tuy vậy, trao đổi với báo chí sau cuộc họp, ông Tuấn cho hay, sẽ “phải thuyết phục những người phản đối ủng hộ dự án bằng mọi cách”. Trước đó, Tỉnh Bình Định đã có quyết định thành lập Ban chỉ đạo thực hiện dự án khu liên hợp gang thép Long Sơn do ông Phạm Anh Tuấn làm trưởng ban.

Theo báo cáo của Bộ Công Thương về Chiến lược phát triển ngành thép Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, thép được coi là ngành có năng lực cạnh tranh hạn chế. Hầu hết các nguyên liệu đầu vào như quặng sắt, thép phế, than bitum, than chì đều phải nhập khẩu và giá cả phụ thuộc nhiều vào giá phôi thép thế giới. Cơ quan này cho rằng, cần có chính sách đặc thù để giúp phát triển hơn nữa ngành thép.

Chuyên gia môi trường Đặng Hùng Võ nêu quan điểm của ông:

“Giả sử bây giờ chủ trương xây một nhà máy luyện thép thì việc đầu tiên là phải tìm vị trí nào cho phù hợp để không gây ra tác hại cho môi trường biển. Còn nếu nói mạnh hơn nữa thì kể cả nhà máy Formosa ở Vũng Áng (Hà Tĩnh), nếu cần thiết phải địa điểm thì cũng phải giải quyết. Đối về vấn đề môi trường thì sai một ly đi một dặm.”

Nhắc đến Formosa, người ta nhớ tới thảm họa bắt đầu từ ngày 6 tháng 4 năm 2016, hiện tượng cá chết hàng loạt xảy ra tại vùng biển Vũng Áng, sau đó lan ra vùng biển Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế. 

Ngày 30 tháng 6 năm 2016, Chính phủ Việt Nam tổ chức họp báo, công bố nguyên nhân cá chết là do nhà máy Thép Formosa Hà Tĩnh đã xả thải hóa chất độc hại chưa qua xử lý ra môi trường biển. Thống kê được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn công bố sau đó cho thấy, hơn 33.000 chiếc tàu với khoảng 50.000 người bị ảnh hưởng trực tiếp và hơn 176.000 người phụ thuộc. Hậu quả về môi trường nước và thủy hải sản phải mất hàng chục năm mới có thể phục hồi phần nào. Công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa bồi thường chính phủ Việt Nam 500 triệu USD.

Điều đáng nói là vào ngày 25 tháng 4 năm 2016, khi người dân bốn tỉnh miền Trung còn bàng hoàng khi thấy cá chết hàng loạt, tài sản mất trắng, thì ông Chu Xuân Phàm, Giám đốc đối ngoại Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh phát biểu trên truyền thông nhà nước rằng: “Được cái nọ thì phải mất cái kia; muốn bắt cá tôm hay muốn xây một nhà máy thép hiện đại?; không thể có chuyện vừa có nhà máy thép mà biển nơi đây vẫn nhiều tôm cá”.

Tháng 12 năm 2016, hàng trăm người dân đã xuống đường biểu tình tại huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh, đòi bồi thường liên quan tới thảm họa môi trường ở miền Trung. Những người biểu tình mang theo băng-rôn với nội dung “Tôi cần biển, cần tôm, cần cá, không cần sắt thép”; “Formosa là thảm họa của đất nước”; “Khởi tố Formosa”….

Giả sử bây giờ chủ trương xây một nhà máy luyện thép thì việc đầu tiên là phải tìm vị trí nào cho phù hợp để không gây ra tác hại cho môi trường biển. Còn nếu nói mạnh hơn nữa thì kể cả nhà máy Formosa ở Vũng Áng (Hà Tĩnh), nếu cần thiết phải địa điểm thì cũng phải giải quyết. Đối về vấn đề môi trường thì sai một ly đi một dặm. - GS. Đặng Hùng Võ

Cho đến hôm nay, mỗi khi nghe đến việc xây dựng một nhà máy thép, dường như người dân không thể không sợ môi trường bị phá hủy.

Lo lắng của người dân được ông Phạm Anh Tuấn - Chủ tịch UBND tỉnh “trấn an” trong cuộc phỏng vấn với Báo Mới vào đầu tháng 3 rằng:

“Công nghệ sản xuất thép là công nghệ chung của thế giới chứ không phải của riêng quốc gia nào, giống như ô tô. Việc lặp lại như Formosa chắc chắn sẽ không xảy ra. Vì toàn bộ nước thải đều tuần hoàn, nhưng kiểu gì cũng có tác động tới môi trường. Xây dựng khách sạn hay khu resort cũng đều ảnh hưởng môi trường. Vấn đề là hạn chế tối đa, đảm bảo các tiêu chí, tiêu chuẩn đề ra.”

Liên quan tới thảm họa môi trường Formosa, nguyên Bộ trưởng Tài nguyên Môi trường Nguyễn Minh Quang và nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Võ Kim Cự bị kỷ luật xóa mọi chức vụ trong Đảng, vì các vi phạm liên quan đến dự án Formosa.

Về phía những người phản đối Formosa gây thảm họa môi trường, nhà hoạt động Hoàng Đức Bình bị kết án 14 năm tù giam và ông Nguyễn Nam Phong bị kết án 2 năm tù trong phiên xử sơ thẩm vào tháng 2 năm 2018 tại tòa án nhân dân thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.