Cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản: kê khai phải minh bạch

RFA
2022.03.30
Cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản: kê khai phải minh bạch Hình minh hoạ: Một nhân viên ngân hàng ở Hà Nội đang đếm tiền đô la Mỹ.
REUTERS

Đề án “Xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập” được Phó Thủ tướng Lê Minh Khái ký phê duyệt vào ngày 28/3/2022.

Được biết, đề án nhằm hiện đại hóa, chuyển đổi số công tác kiểm soát tài sản, thu nhập, thiết lập hạ tầng công nghệ thông tin để phục vụ việc hệ thống hóa, cập nhật, cung cấp thông tin kiểm soát tài sản, thu nhập theo quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng.

Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ tài nguyên - Môi trường, khi trả lời RFA hôm 30/3 cho rằng, muốn có một cơ sở dữ liệu minh bạch, thì Chính phủ phải buộc cán bộ giải trình được tài sản từ đâu mà có:

“Quốc hội cũng đã có ý kiến về giải trình tài sản, người ta có thể đi đăng ký nhưng phải giải thích nguồn gốc từ đâu, tiền ở đâu để mua... Trong khi đồng lương chỉ có mươi triệu mà sở hữu tài sản cả trăm tỷ, thậm chí cả ngàn tỷ. Chính vì vấn đề này mà một nhóm dân thì nghèo đi, trong khi các đại gia thì sở hữu tài sản hàng trăm, hàng ngàn tỷ không thể giải trình. Nó tạo ra một xã hội về hình thức là thiếu minh bạch, nhưng về bản chất thì là xã hội thiếu công bằng, khoảng cách giàu nghèo quá lớn. Đó không phải là mục tiêu phát triển của Việt Nam.”

Ttôi cho rằng trước áp lực cần phòng chống tham nhũng một cách triệt để, thì ngay cả những nước phát triển cũng bãi bỏ quyền riêng tư về tài sản. Đây là một thay đổi tư duy trong quan niệm về tài sản, mà Việt Nam buộc phải vượt qua, không có cách nào khác cả.
-Giáo sư Đặng Hùng Võ

Chính vì vậy Giáo sư Đặng Hùng Võ cho rằng phải làm tốt việc giải trình nguồn gốc tài sản, và đây là việc đương nhiên phải làm. Ông nói tiếp:

“Tất nhiên nhiều người ở Việt Nam có ý kiến cho rằng, quyền riêng tư về tài sản phải được bảo vệ. Nhưng tôi cho rằng trước áp lực cần phòng chống tham nhũng một cách triệt để, thì ngay cả những nước phát triển cũng bãi bỏ quyền riêng tư về tài sản. Đây là một thay đổi tư duy trong quan niệm về tài sản, mà Việt Nam buộc phải vượt qua, không có cách nào khác cả.”

Còn ông Lê Văn Triết, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại, khi trả lời Đài Á Châu Tự Do từ Sài Gòn về vấn đề này cho rằng khó mà làm tốt, nếu không xử lý nghiêm minh người che giấu nguồn gốc khi kê khai tài sản để nhập vào cơ sở dữ liệu quốc gia:

“Nói vậy chứ có làm được gì đâu, lâu lâu có chỗ nổi cộm thì lại lôi ra... rồi mở phiên tòa, rồi lại kết luận gây hậu quả nghiêm trọng do kém ý thức tổ chức... chứ có giải quyết gì đâu. Theo tôi muốn giải quyết vấn đề này phải nghiêm minh từ bên trong, từ trên xuống, nghiêm tức trong tổ chức thực hiện. Chứ không phải muốn nói gì thì cứ nói đại một cái, đưa ra văn bản này, văn bản nọ, nói thế thì ai nghe, ai làm, chả đi đến đâu.”

Theo nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Lê Văn Triết, nếu kê khai mà tài sản bị tẩu tán hay che giấu không khai sự thật, vi phạm quy định, nghị định về kê khai tài sản... thì phải bị xem xét để xử lý, như vậy mới công bằng trong xã hội, mới nghiêm minh trong việc kê khai tài sản và minh bạch trong việc sở hữu tài sản... từ đó mới có thể có một cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập đúng nghĩa.

bb14cf09-a5ee-4a0c-be61-9740a17f01e2.jpeg
Ảnh minh họa. AFP PHOTO.

Ông Vũ Minh Trí, trước khi về hưu giữ chức vụ Trung tá tại Tổng cục Tình báo quân đội - Tổng cục II, khi trả lời RFA cho rằng, có nghịch lý trong phòng chống tham nhũng tại Việt Nam:

“Có một nghịch lý, Việt Nam có Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng từ lâu rồi, nhưng hầu hết các vụ án lớn đưa ra xét xử thì hầu hết không phải tội tham nhũng. Mà chủ yếu là tội cố ý làm trái, vi phạm quy định... còn chỉ đích danh tội tham nhũng thì không.”

Theo cổng thông tin chính phủ, cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập sẽ được quản lý tập trung tại Thanh tra Chính phủ. Việc thực hiện sẽ được áp dụng trên phạm vi toàn quốc với các cơ quan quản lý nhà nước; các cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập. Những người có nghĩa vụ kê khai tài sản được áp dụng theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 và Nghị định số 130 vào năm 2020.

Nếu không làm được cơ sở dữ liệu này thì kể cả có đánh thuế bất động sản, thì cũng sẽ không thu được thuế khi cơ sở dữ liệu về tài sản không minh bạch, không rõ ràng, không giải trình được nguồn gốc.
-Giáo sư Đặng Hùng Võ

Nghị định số 130/2020 của Chính phủ về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức nhà nước ban đầu dự kiến có hiệu lực thi hành từ ngày 20/12/2020. Nhưng bị chậm trễ đến quý 1 năm 2021 mới thi hành. Những quy định mới trong Nghị định 130 sẽ cho phép ‘xác minh ngẫu nhiên với bất cứ người nào phải kê khai và không vì lý do gì’. Tuy nhiên nếu đã gọi là cơ sở dữ liệu quốc gia thì các chuyên gia cho rằng phải áp dụng với tất cả cán bộ công chức.

Trong khi theo Vụ trưởng Pháp chế Đinh Văn Minh, việc xác định cán bộ phải kê khai tài sản theo Nghị định 130, sẽ được thực hiện theo hình thức bốc thăm, chứ không phải tất cả cán bộ sẽ lần lượt phải kê khai tài sản. Điều này khiến dư luận lo ngại nghị định này cũng sẽ đi theo vết xe đổ của việc hô hào kê khai tài sản cán bộ trước đây.

Trở lại với Đề án xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập, Giáo sư Đặng Hùng Võ nhận định thêm:

“Tôi cho rằng đây là điều cần thiết và Việt Nam phải quyết tâm làm. Bởi vì trước hết đây là giải pháp làm cho cuộc sống minh bạch, đâu là nguồn thu nhập mang tính rửa tiền, tham nhũng... sẽ bị phát hiện. Có làm như vậy thì mới hy vọng phòng chống tham nhũng hiệu quả. Còn nếu không làm được cơ sở dữ liệu này thì kể cả có đánh thuế bất động sản, thì cũng sẽ không thu được thuế khi cơ sở dữ liệu về tài sản không minh bạch, không rõ ràng, không giải trình được nguồn gốc.”

Theo Giáo sư Đặng Hùng Võ, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập là việc đương nhiên phải làm. Tuy nhiên, nếu làm thật tốt thì mới giải quyết triệt để việc xây dựng một xã hội minh bạch, công bằng và có năng lực phát triển.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.