Mục sư Vàng Chí Mình (phần 4): Nỗ lực không ngừng để Chính quyền hiểu người Mông Tin Lành
2022.10.02
Ở ba phần trước, Mục sư Vàng Chí Mình đã kể cho chúng ta câu chuyện người Mông Việt Nam theo đạo Tin Lành để hiện đại hóa xã hội ra sao, nhưng rồi bị đàn áp và trục xuất khỏi bản làng như thế nào. Người Mông Tin Lành bị trục xuất khỏi địa phương đã phải chạy tị nạn sang các địa phương khác, chịu cuộc sống khổ ai trường kì trong rừng sâu. Ở phần này, Mục sư Vàng Chí Mình kể về những nỗ lực ông thực hiện giai đoạn 1993 - 1997 để giải thích cho chính quyền địa phương và trung ương hiểu về đạo Tin Lành trong xã hội, ngôn ngữ Mông nhưng hoàn toàn vô vọng. Kết quả của những nỗ lực tiếp xúc với chính quyền để giải thích này rất đáng buồn: Mục sư và nhiều người khác phải tị nạn ra nước ngoài.
1. Tuyên truyền của Nhà nước: người Mông Tin Lành theo Vàng Pao “lập quốc”
RFA: Chính quyền nói rằng đạo Tin Lành của người Mông thờ “Vàng Chứ”, là đạo do ông Vàng Pao lập ra bên Mỹ để chống Cộng và lập “nhà nước của người Mông”. Khi cuộc biểu tình Mường Nhé nổ ra năm 2011, Nhà nước Việt Nam cũng tuyên truyền như vậy. Năm ngoái, (2021), trang báo Kiểm Sát của Viện Kiểm Sát Nhân dân Tối cao vẫn tiếp tục nói như vậy. Xin Mục sư giải thích về điều này.
Mục sư Vàng Chí Mình: Kinh Thánh đạo Tin Lành đầu tiên dịch sang tiếng Mông là do người Mông gốc Lào ở Mỹ dịch. Trong tiếng Mông, người Mông gọi khái niệm “thiên” (trời) của người Kinh là “Vàng”. Những người dịch Kinh Thánh từ tiếng Anh sang tiếng Mông thì họ ban đầu không biết phải dịch “Chúa Trời” sang tiếng Mông như thế nào. Sau đó họ đồng ý với nhau là dùng từ “Vàng” để dịch. “Vàng” trong tiếng Mông là “thiên” (trời) trong tiếng Kinh.
Còn từ “chứ” trong tiếng Mông nghĩa là “chủ” trong tiếng Việt. “Vàng Chứ” có nghĩa là “ông chủ ở trên trời”, tức là ông chủ của trời đất, ông chủ tạo ra trời đất, giống như trong tiếng Kinh dịch “God” là “Đức Chúa Trời”. Đó là cách chúng tôi dịch khái niệm “Chúa Trời” sang tiếng Mông.
Trong tiếng Việt, khái niệm “Chúa” cũng phái sinh từ “Chủ”, có nghĩa là “ông chủ” hay “người có quyền lực nhất”, giống như “lord” trong tiếng Anh. Tiếng Anh cũng có khi gọi “Đức Chúa Trời” là “Lord”. Trong tiếng Việt, “Chúa đảo” là ông chủ của một hòn đảo, còn “Đức Chúa Trời” là ông chủ của vũ trụ hay là “Đấng tối cao” trên trời. Không chỉ tiếng Mông hay tiếng Kinh mà các tiếng khác cũng dịch khái niệm “God” theo cách đó. Trong tiếng Mông, “Vàng Chứ” là “Chúa Trời”, còn Đấng Christ (Jesus Christ) thì chúng tôi dịch là “Thiên Tò”.
Người Mông không biết tiếng Kinh. Nếu gọi “God” là “Đức Chúa Trời” trong tiếng Kinh thì họ không hiểu, phải dịch sang tiếng Mông là “Vàng Chứ” thì họ mới hiểu.
RFA: Thế còn cái tên “Vàng Pao” thì có liên quan không?
Mục sư Vàng Chí Mình: Người Mông còn có họ “Vàng”. Họ “Vàng” trong tiếng Mông là họ “Vương” trong tiếng Kinh (âm Hán Việt), không liên quan đến “Vàng” nghĩa là “trời”. Nếu nghiên cứu lịch sử người Mông sẽ thấy có ông vua Mèo (Mông) là Vương Chí Sình ở Hà Giang. Thực ra trong tiếng Mông thì đọc là Vàng Chí Sình. Họ “Vương” của người Kinh và họ “Vàng” của người Mông là cùng một tên gọi nhưng khác cách đọc thôi.
Còn ông Vàng Pao là ông tướng người Mông bên Lào thời chiến tranh Việt Nam. Ông Vàng Pao theo CIA chống lại người Cộng sản Việt Nam ở Lào. “Last name” (họ) của ông ấy là “Vàng”, tức là “Vương” trong âm Hán Việt.
Chính quyền Việt Nam cố tình hiểu sai cái từ đó. Họ nói ông Vàng Pao dùng đạo “Vàng Chứ” để dụ dỗ người Mông Việt Nam chống lại chính quyền, lập nước riêng. “Vàng Chứ” và “Vàng Pao” đều là “Vàng” cả, không khác gì nhau, trong khi một từ có nghĩa là “trời” còn từ kia là cái “last name” (họ.) Họ cố tình dùng cách hiểu sai từ vựng để tìm cớ đàn áp chúng tôi.
Người Mông Tin Lành chúng tôi không chống chính quyền. Không phải chính quyền không hiểu đâu. Họ hiểu chúng tôi nhưng họ cố tình tỏ ra không hiểu.
2. Giải thích cho công an huyện ở Hà Giang về đạo Tin Lành trong tiếng Mông
RFA: Làm sao Mục sư biết là Chính phủ Việt Nam hiểu đúng khái niệm “Vàng Chứ” trong tiếng Mông nhưng cố tình không hiểu?
Mục sư Vàng Chí Mình: Người Mông Tin Lành chúng tôi biết chắc chắn là Chính phủ Việt Nam hiểu. Bởi vì Kinh Thánh dịch ra tiếng Mông chúng tôi giống hệt bản Kinh Thánh dịch ra tiếng Việt. Hoàn toàn giống nhau. Giống nhau y xì, không thay đổi gì cả. Trước đây họ dùng cách hiểu gán ghép như thế để bắt chúng tôi bỏ đạo.
Chúng tôi đã đem cả hai bản Kinh Thánh tiếng Mông và tiếng Việt cho Nhà nước Việt Nam xem. Chúng tôi giải thích cho họ là hai bản giống hệt nhau. Bản tiếng Mông chúng tôi không khác gì bản tiếng Kinh, chứ không phải chúng tôi có ý đồ gì. Họ hiểu nhưng họ cố tình tỏ ra không hiểu để gán ghép cho chúng tôi.
RFA: Mục sư đã đem hai bản Kinh Thánh tiếng Mông và tiếng Kinh đi giải thích cho Nhà nước Việt Nam vào khi nào?
Mục sư Vàng Chí Mình: Lần đầu năm 1993. Đó là năm bản Kinh Thánh tiếng Mông đầu tiên được truyền đến Việt Nam. Chúng tôi đã photo ở Hà Nội để phát cho các hội thánh của người Mông. Lúc đó tôi vẫn đang sống ở tỉnh Hà Giang.
Năm 1993, tôi đem được quyển Kinh Thánh bản tiếng Mông và bản tiếng Việt về Hà Giang. Tôi đã đi gặp công an và bộ đội biên phòng. Xã Chí Cà chỗ chúng tôi sống ngay sát biên giới Trung Quốc thì luôn luôn có biên phòng ở cùng chỗ chúng tôi. Chúng tôi đã giải thích cho biên phòng rằng quyển này là tiếng Việt, quyển này là tiếng Mông, câu này tiếng Việt câu kia tiếng Mông, hoàn toàn giống nhau. Nhưng họ cố tình không hiểu. Khi nói chuyện với họ, tôi cảm thấy họ đã hiểu nhưng cứ cố tình tỏ ra không hiểu.
Sau đó tôi lên công an huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang. Tôi cũng đưa ra hai bản Kinh Thánh tiếng Mông và tiếng Kinh để đối chiếu chọ họ xem. Lúc đó người Mông Tin Lành chúng tôi đang bị bắt bớ rất là kinh khủng. Họ thu luôn hai quyển Kinh Thánh của tôi và nhốt tôi một tuần trong phòng giam ở công an huyện.
Họ quy tôi cái tội truyền đạo trái phép và phạt tôi 300 ngàn một quyển Kinh Thánh. Hai quyển thì họ phạt 600 ngàn. Hồi đó 600 ngàn giá trị lắm. Họ nhốt tôi 7 ngày 7 đêm vì lí do truyền đạo trong khi tôi đến để trình bày cho họ về hai quyển Kinh Thánh giống nhau thế nào. Họ hiểu hai quyển giống nhau chứ (Cười).
3. Giải thích cho Chủ tịch tỉnh và công an tỉnh ở Điện Biên
RFA: Bộ đội biên phòng và công an huyện là cấp quá thấp. Mục sư từng có cơ hội nào trình bày với Nhà nước Việt Nam ở cấp cao hơn không?
Mục sư Vàng Chí Mình: Có. Năm 1996, lúc đó tôi đã chạy sang Điện Biên Phủ. Tôi tiếp tục đi trình bày cho công an Điện Biên Phủ. Lúc đó tôi còn được gặp trực tiếp Chủ tịch tỉnh (RFA chú thích: Lúc đó còn đang thuộc tỉnh Lai Châu). Chủ tịch tỉnh lúc đó là người Mông. Tôi có giải thích cho ông Chủ tịch tỉnh mục đích của tôi: Ông là chủ tịch của chúng tôi, ông là người Mông và ông có tiếp xúc với cấp cao, tôi muốn ông hiểu chúng tôi để giải thích cho nhà nước hiểu. Tôi cũng đối chiếu hai quyển Kinh Thánh bản tiếng Việt và tiếng Mông cho ông ấy hiểu.
RFA: Ông Chủ tịch tỉnh có giúp được gì không?
Mục sư Vàng Chí Mình: Ông ấy chỉ tôi sang gặp Công an tỉnh Điện Biên. Tôi vào Phòng An ninh của Công an Điện Biên trình bày thì bị nhốt vào phòng giam hai đêm nữa. Còn hai quyển Kinh Thánh cũng bị tịch thu luôn (cười.)
4. Giải thích cho Ban Tôn giáo Chính phủ
RFA: Giải thích cho cấp huyện, cấp tỉnh không được thì Mục sư làm gì tiếp?
Mục sư Vàng Chí Mình: Năm 1997 thì tôi xuống Hà Nội tìm gặp lãnh đạo cộng đồng Tin Lành người Kinh. Gặp Mục sư Âu Quang Vinh, tôi thưa:
“Trước đây tôi trình bày cho Công an ở Hà Giang rằng quyển Kinh Thánh tiếng Mông giống hệt bản tiếng Việt thì bị nhốt 7 ngày 7 đêm. Bây giờ tôi trình bày như thế cho Công an Điện Biên thì bị nhốt 2 ngày 2 đêm. Tôi không viết tốt tiếng Việt. Tôi xin nhờ Mục sư viết giúp tôi một lá thư. Sau đó tôi viết lại lá thư đó bằng chính tay tôi. Tôi sẽ đem lá thư đến Ban Tôn giáo Chính phủ ở Hà Nội. Lá thư đó trình bày rằng quyển Kinh Thánh tiếng Mông chúng tôi và bản tiếng Việt hoàn toàn giống nhau, nhưng chính quyền ở địa phương cố tình dùng đánh đồng hai chữ “Vàng Chứ” với “Vàng Pao” để đàn áp chúng tôi.”
Tôi viết lại lá thư bằng chính tay tôi, rồi tự tay tôi ký. Mục sư Âu Quang Vinh hướng dẫn cho tôi đi nộp ở 12 cơ quan trung ương khác nhau ở Hà Nội. Tôi đã được gặp trực tiếp Ban Tôn giáo Chính phủ để trình bày với họ, xin họ giải thích lại với Nhà nước. Đó là khoảng tháng 3 năm 1997.
RFA: Lúc đó Ban Tôn giáo Chính phủ đã tiếp nhận những giải thích của Mục sư như thế nào?
Mục sư Vàng Chí Mình: Ban Tôn giáo Chính phủ cũng chỉ “ờ, ờ, ờ” thế thôi chứ chẳng làm gì cả, cũng không hứa gì. Không có gì thay đổi hết. À, có một thay đổi là tôi không bị Ban Tôn giáo bắt nhốt tù như khi trình bày cho công an ở Hà Giang và Điện Biên (cười.)
Cuộc đàn áp mà chúng tôi gánh chịu tiếp tục kéo dài mười mấy năm. Chính phủ không ngừng đàn áp mà cứ nói cái đạo này là “đạo của Mỹ”, “đạo của Vàng Pao”, “Vàng Pao tuyên truyền cho người Mông Việt Nam theo “Vàng Chứ” là để theo Vàng Pao”, “Vàng Chứ với Vàng Pao chẳng khác gì nhau”... Họ cương quyết không hiểu. Họ quyết tâm dùng cách nói đó để bắt chúng tôi phải bỏ đạo.
Đến tận gần đây (2021), trang báo “Kiểm Sát” của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao vẫn nói người Mông theo đạo Tin Lành thờ “Vàng Chứ” là do “Vàng Pao” lập ra.
5. Xin được thừa nhận nhưng phải đi tị nạn
RFA: Ngoài việc giúp Mục sư đến gặp 12 cơ quan trung ương trong đó có Ban Tôn giáo Chính phủ, hồi đó cộng đồng người Tin Lành người Kinh còn giúp chuyện gì khác nữa không?
Mục sư Vàng Chí Mình: Cộng đồng Tin Lành ở Hà Nội và Sài Gòn giúp chúng tôi đối thoại với Chính phủ, nhưng sau đó chúng tôi bị đàn áp mạnh hơn và phải chạy tị nạn ra nước ngoài.
Năm 2005, chúng tôi chọn ra lãnh đạo Tin Lành người Mông ở chín tỉnh phía Bắc, mỗi tỉnh ba người, cùng nhau tập trung ở Hà Nội để thảo luận xem chúng tôi phải làm thế nào, khi mà sự đàn áp đã kéo dài mười mấy năm không ngừng.
Chúng tôi có mời một ông mục sư ở Sài Gòn là Mục sư Đoàn Trung Tín, người thành lập "Hội Thánh truyền giảng Phúc Âm". Chúng tôi mời ông Mục sư Đoàn Trung Tín gặp các lãnh đạo Tin Lành người Mông để xin ông giải thích luật của Việt Nam như thế nào, tại sao chúng tôi bị đàn áp lâu như vậy. Ông góp ý cho chúng tôi:
“Tôi cũng không biết làm sao được. Tôi rất quan tâm đến các anh. Đến bây giờ sự đàn áp vẫn không ngừng thì chúng tôi chỉ có một cách là tôi sẽ soạn một bài, gửi vào Tổng hội Tin Lành cho các anh.”
Hồi đó Chính phủ Việt Nam không cho các hội thánh người Mông được tham gia Tổng hội Tin Lành của Việt Nam, không cho Tổng hội nhận người Mông vào trong đó. Họ đẩy người Mông ra ngoài. Mục sư Đoàn Trung Tín giúp chúng tôi bằng soạn một đơn xin gia nhập Tổng hội. Chúng tôi bầu cử lại lãnh đạo hội thánh của người Mông ở các tỉnh miền Bắc rồi lấy biên bản bầu cử, gửi cho Tổng hội, xin được gia nhập Tổng hội, để gửi cho Chính phủ.
Khi Chính phủ nhận được đơn của chúng tôi thì họ đi tìm bắt những người kí tên trong đơn.
Tôi là người đại diện kí tên cho Điện Biên, tôi thấy phải lánh nạn. Tôi thấy Chính phủ Việt Nam không chấp nhận chúng tôi, Tin Lành Việt Nam cũng không giúp được chúng tôi, không tiếp tục ở lại Việt Nam được nên lại chạy sang Lào. Ông mục sư đại diện của Lai Châu khi đó là bạn tôi, gần Trung Quốc nên phải chạy sang Trung Quốc chứ không sang Lào ngay được. Tôi ở Lào, phải sang Trung Quốc đón bạn qua Lào vì ở Trung Quốc thì không có nơi mà thoát được. Khoảng 6 tháng sau thì thì đón được bạn từ Trung Quốc, đưa sang Việt Nam rồi chạy qua Lào. Rồi từ Lào, chúng tôi chạy tị nạn sang Thái Lan.
Năm 2007 thì tôi được Văn phòng Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người Tị nạn phỏng vấn. Sau đó Đại sứ quán Mỹ tới phỏng vấn tôi khoảng tháng 6 năm 2007. Tháng 11 tôi có kết quả đi Hoa Kỳ. Tháng 1 năm 2008 ở Hoa Kỳ tôi bắt đầu đi học tiếng Anh trong hai năm.
Đài RFA xin trân trọng cảm ơn Mục sư Vàng Chí Mình dành cho độc giả của chúng tôi cuộc phỏng vấn này. Ở phần này, Mục sư Vàng Chí Mình phân tích khái niệm “Vàng Chứ” (“Đức Chúa Trời”) trong tiếng Mông, so sánh với tiếng Việt và tiếng Anh, để giúp độc giả hiểu đúng những khái niệm tôn giáo trong tiếng Mông. Mục sư cũng đã nỗ lực giải thích cho các cấp chính quyền từ địa phương (biên phòng Hà Giang, công an huyện Xín Mần tỉnh Hà Giang năm 1993; Chủ tịch tỉnh Lai Châu, Công an tỉnh Lai Châu năm 1996), đến chính quyền trung ương (12 cơ quan trung ương, trong đó có Ban Tôn giáo Chính phủ, năm 1997) để giải thích và bác bỏ những tuyên truyền của Nhà nước gán ghép “Vàng Chứ” với “Vàng Pao”, mô tả “đạo Vàng Chứ” như một công cụ chính trị nhằm “lập quốc” của “Vàng Pao”.
Nhưng những nỗ lực này hoàn toàn vô vọng. Cuối cùng, sau khi nỗ lực xin Nhà nước chấp nhận các hội thánh Tin Lành của người Mông, xin được gia nhập Tổng hội Tin Lành của Việt Nam vốn được Nhà nước công nhận, thì Mục sư và nhiều người khác bị tìm bắt và phải tị nạn ra nước ngoài. Ở phần tiếp theo, Mục sư Vàng Chí Mình sẽ kể những nỗ lực giúp đồng bào Mông Tin Lành trong nước khi tị nạn ở nước ngoài, bằng cách nhờ cộng đồng quốc tế giúp đỡ.
Tất cả các phần phỏng vấn: phần 1, phần 2, phần 3, phần 4, phần 5, phần 6, phần cuối