Mục sư Vàng Chí Mình (phần 7): Hướng đến tương lai
2022.10.05
Ở sáu phần trước, (phần 1, phần 2, phần 3, phần 4, phần 5, phần 6), Mục sư Vàng Chí Mình đã thuật lại lịch sử hơn 30 năm người Mông theo đạo Tin Lành (1989 đến nay). Kết thúc cuộc phỏng vấn này, Mục sư Vàng Chí Mình muốn gửi đến Nhà nước Việt Nam những thông điệp hướng tới tương lai.
1. Kiên trì đối thoại với Nhà nước
RFA: Mục sư đã rất nỗ lực trình bày cho các cấp chính quyền ở Việt Nam hiểu, từ cấp công an huyện, tỉnh, chủ tịch tỉnh đến tận cấp trung ương nhưng không có kết quả? Từ 1993 khi giải thích cho công an Hà Giang đến nay đã 30 năm rồi. Mục sư vẫn kiên trì chứ?
Mục sư Vàng Chí Mình: Vẫn kiên trì. Tháng 6 vừa rồi, tôi đi dự Hội nghị Thượng đỉnh Tự do Tôn giáo Quốc tế ở DC. Tôi muốn nhân dịp đó đi tìm gặp Đại sứ quán Việt Nam ở DC. Tôi đi kiếm mấy địa chỉ đều không gặp được ai.
Nhưng sau Hội nghị Thưởng đỉnh đó thì phía Đại Sứ quán có một vị tên là Cường gọi điện cho tôi, nói là muốn làm việc với một người Mông Việt Nam. Tôi nói “Anh Cường ơi, tôi rất vui vì các anh cần một người Mông Việt Nam. Tôi muốn trình bày một số vấn đề về người Mông Tin Lành ở Việt Nam để anh suy nghĩ rồi chúng ta nói chuyện khi gặp nhau.” Ông Cường nói “Anh Mình ơi anh đừng lo lắng về vấn đề tôn giáo, tôn giáo ở Việt Nam bây giờ thoải mái lắm.” Tôi trả lời là “Vâng đúng là tôn giáo ở Việt Nam bây giờ thoải mái rồi, nhưng tôi xin gửi cho anh mấy thông tin có những người Mông Tin Lành ở Nghệ An hiện nay bị địa phương họ đuổi khỏi bản làng vì theo Tin Lành để anh xem trước rồi chúng ta nói chuyện với nhau.” Nhưng ông Cường xem tin tức tôi gửi thì chỉ trả lời một câu “Sao mà lạ thế nhờ”, rồi từ đó mất liên lạc (Cười.)
Trong ước mơ của tôi, hi vọng của tôi, tôi mong muốn có một ngày nào đó, tôi gặp được Chính phủ Việt Nam hoặc là Đại Sứ quán Việt Nam, để trình bày cho Nhà nước Việt Nam hiểu dân tộc thiểu số chúng tôi cần cái gì, lý do chúng tôi bị tù, bị khổ lâu như vậy nhưng chúng tôi vẫn không chịu bỏ đạo.
Tôi muốn đất nước Việt Nam càng ngày càng tự do, không chỉ cho người Mông mà cho cả người Kinh, cho cả Việt Nam. Làm người ai cũng có đức tin, tin vào tôn giáo nào là tùy người nhưng đức tin thì ai cũng có. Chính phủ không nên động chạm vào đức tin.
Từ 2016, tôi đã trình bày bằng cả tiếng Mông và tiếng Việt về tên gọi “Vàng Chứ” mà chính quyền hay sử dụng để đàn áp chúng tôi. Thực ra tôi thấy họ cũng đã giảm, không còn nói nhiều chuyện “Vàng Chứ” với “Vàng Pao” như trước. Nhưng tôi biết một số chính quyền địa phương vẫn dùng cái đó để dọa những người theo đạo Tin Lành mới, chủ yếu là những người ở trên núi cao, vùng xa.
RFA: Còn người Mông Tin Lành ở vùng gần hơn, đã được cho phép sinh hoạt tôn giáo thì sao? Họ còn bị nói là “Vàng Chứ” là đạo của “Vàng Pao” không?
Mục sư Vàng Chí Mình: Ở những vùng đó, bây giờ nếu công an nói chúng tôi thờ “Vàng Chứ” là theo “Vàng Pao” thì chúng tôi nói lại ngay. Người dân cũng cố gắng chỉ dạy cho công an hiểu về tôn giáo của mình. Ở những vùng đã được sinh hoạt tôn giáo chính thức, có nhà nguyện rồi thì công an địa phương không còn đem “Vàng Chứ” với “Vàng Pao” để dọa nữa.
Nhưng với những người mới theo đạo ở vùng xa, các Mục sư ở đó còn yếu, không được đi học ở bên ngoài, chưa được đi Hà Nội bao giờ thì họ không biết nhiều. Ở một số địa phương như thế, công an địa phương vẫn dùng “Vàng Chứ”, “Vàng Pao” để dọa.
2. Tiếng nói gửi đến Nhà nước Việt Nam
RFA: Trang truyền thông tiếng Mông của Mục sư tập trung vào những vấn đề gì?
Mục sư Vàng Chí Mình: Tôi cố gắng giải thích cho cộng đồng người Mông Tin Lành hiểu luật pháp Việt Nam. Mình ở trong một chế độ Cộng sản, không phải thích làm gì cũng được. Mình phải biết cái gì làm được, cái gì không được làm. Mình phải theo đúng luật pháp. Mình phải tôn trọng Chính phủ.
Cái gì Chính phủ làm đúng thì chúng tôi ủng hộ. Cái gì Chính phủ làm không đúng thì chúng tôi phải phê phán để Chính phủ thay đổi cái chuyện đó.
RFA: Nhà nước Việt Nam có xem trang truyền thông của Mục sư không? Ngoài việc nói với cộng đồng Mông Tin Lành của mình, Mục sư có muốn nói gì với Nhà nước Việt Nam không?
Mục sư Vàng Chí Mình: Như ông Cường ở Đại Sứ quán mà mới gọi tôi mấy tháng trước đó, ông ấy cũng vào xem trang tin của tôi. Lúc gọi tôi, ông ấy nói “Anh Mình ơi, tôi thấy anh có một trang Hmong United for Justice phải không?” tức là ông ấy có xem. (Cười).
Tôi cũng dự định sau này sẽ tăng cường trang tiếng Việt để cho Chính phủ Việt Nam họ hiểu mà người Mông cũng hiểu. Tôi muốn người dân Mông Tin Lành hiểu quyền của mình và Chính phủ Việt Nam có tấm lòng yêu dân của họ.
Về chuyện người Mông Tin Lành bị tước bỏ hộ tịch, chứng minh thư, tức là mất căn cước quốc gia ngay trên đất nước mình thì tôi tin là Chính phủ Việt Nam rồi đây sẽ giải quyết hết được. Họ cần thời gian, làm từ từ sẽ xong. Cho đến khi nào chưa xong thì chúng tôi còn tiếp tục nói.
Về chuyện đất đai của người thiểu số nói chung, tôi muốn Nhà nước hiểu tập quán của họ. Đa số người thiểu số, người Mông, người Nùng, người Tày, người Dao… đều là người thiểu số trên núi cao. Họ ở đó từ xa xưa, đất đai do ông bà truyền lại lâu đời, không có sổ đỏ cho đất theo như quy định của Nhà nước. Họ chỉ biết đám ruộng nào là của họ, do ông bà truyền lại. Khi chính quyền địa phương vận động họ làm sổ đỏ thì họ không làm vì không biết luật Việt Nam thế nào. Ruộng đó của chúng tôi do ông bà truyền lại mà, tại sao phải có sổ. Nhưng khi chính quyền kiểm tra, thấy không có sổ đỏ thì lại tịch thu mỗi có chuyện. Nhiều người bị mất ruộng, vườn, nhiều gia đình không làm giấy tờ nhà thì còn bị phạt nữa. Tôi thấy nhà nước ít tuyên truyền về luật Việt Nam cho họ.
Là một con người trên thế gian này mà mất mảnh đất mình làm ăn thì không thể sống được. Tôi mong muốn Nhà nước Việt Nam tuyên truyền đúng và đầy đủ về Luật Việt Nam cho các địa phương và cộng đồng thiểu số.
Khi chính quyền làm không đúng thì chính quyền chịu, còn khi dân làm không đúng thì dân chịu. Nhưng bước đầu tiên là cả hai bên đều phải cùng hiểu và làm đúng theo luật. Việc cả hai bên không hiểu luật, không làm đúng theo luật đã khiến cho rất nhiều vấn đề đau đớn xảy ra.
3. Tự do tôn giáo: đã tiến bộ hơn trước
RFA: Còn vấn đề tôn giáo thì sao? Người Mông theo Tin Lành hiện nay còn bị cấm đoán và trục xuất khỏi bản làng như 30 năm trước nữa không?
Mục sư Vàng Chí Mình: Chính quyền các địa phương đã thay đổi rất nhiều, dù nhiều nơi vẫn còn cấm đoán. Nhà nước Việt Nam đồng ý cho cộng đồng Mông Tin Lành ở phía Bắc được sinh hoạt tôn giáo. Họ không cho chúng tôi gọi là nhà thờ mà là nhà nguyện, Điểm sinh hoạt tôn giáo. Từ 2010 đến giờ thì Nhà nước Việt Nam cho phép các nhà nguyện, Điểm sinh hoạt tôn giáo được hoạt động.
RFA: Năm 2011 mới có biểu tình ở Mường Nhé nhưng năm 2010 các nhà nguyện, Điểm sinh hoạt tôn giáo đã được hoạt động rồi?
Mục sư Vàng Chí Mình: Đúng rồi. Năm 2007, quốc tế can thiệp mạnh với Việt Nam về tự do tôn giáo nên từ 2010 thì các nhà nguyện của người Mông Tin Lành không còn bị phá nữa mà được đặt tên là “Điểm sinh hoạt tôn giáo”. Năm 2006 và 2007, khi tị nạn ở Thái Lan, tôi cũng lên tiếng nhiều vì các tổ chức quốc tế đến Thái Lan gặp tôi hỏi rất nhiều.
Sau cuộc biểu tình Mường Nhé năm 2011 để đòi lại đất đai bị tịch thu, đòi hộ khẩu, chứng minh thư thì Nhà nước nghĩ người ta biểu tình để đòi “lập quốc” cho người Mông. Khi đó các Mục sư phải nộp bài giảng hàng tuần cho công an kiểm tra.
Tôi mong Nhà nước Việt Nam hội nhập với thế giới văn minh, hiểu đúng và tuyên truyền đúng về người Mông Tin Lành, làm theo đúng luật do mình đặt ra để không còn xung đột, nghị kỵ lẫn nhau.
RFA xin trân trọng cảm ơn Mục sư đã giành cho độc giả chúng tôi cuộc phỏng vấn này.
Tất cả các phần phỏng vấn: phần 1, phần 2, phần 3, phần 4, phần 5, phần 6, phần cuối