Một cựu tù tiếp tục bị áp chế
2012.12.31
‘Cây muốn lặng mà gió chẳng đừng’
Sau thời gian mãn hạn tù bốn năm rưỡi hồi ngày 15 tháng 11 năm ngoái, ông Đoàn Văn Diên cho biết không tham gia những sinh hoạt đảng phái cũng như một số hoạt động đấu tranh mà ông từng làm để rồi bị kết án tù. Lý do được ông trình bày vì lo cho người con là Đoàn Huy Chương hiện đang phải thụ án 7 năm tù giam cũng vì tội tham gia công đoàn độc lập và đấu tranh mạnh mẽ cho quyền lợi của người công nhân hiện nay tại Việt Nam.
Ông Đoàn Văn Diên cho biết về điều đó cũng như tình hình bị an ninh và cơ quan chức năng địa phương o ép:
Cá nhân tôi từ ngày ra tù tôi muốn sống một cách thầm lặng vì tôi còn một người con trong tù nữa. Tôi từng ở trong tù nên tôi biết tình hình khó khăn vì thế tôi im lặng. Chính vì chỗ im lặng đó mà họ làm tới. Họ áp bức tôi đủ điều. Tự nhiên họ đến lấy xe của con tôi rồi buộc con tôi vào tội đá gà. Họ khống chế về mặt đi đứng, làm ăn… Mặc dù không nói ra, nhưng họ làm cho mình khủng hoảng, luôn nằm trong thế nghèo túng, tự thủ, tự xem xét thế nào. Rồi có cán bộ đến nói giúp đỡ. Nhưng thực tế ‘một người đấm, một người xoa, một người cắt xẻo’. Tôi bị áp chế rất nhiều về vấn đề kinh tế.
Tình trạng của một cựu tù nhân như ông Đoàn Văn Diên cũng không khác gì của những người từng bị giam giữ hay công khai lên tiếng đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền tại Việt Nam.
Cá nhân tôi từ ngày ra tù tôi muốn sống một cách thầm lặng vì tôi còn một người con trong tù nữa. Chính vì chỗ im lặng đó mà họ làm tới. Họ áp bức tôi đủ điều.
Ông Đoàn Văn Diên
Một trong những biện pháp của phía chính quyền mà những người trong cuộc cho biết là triệt đường làm ăn, sinh sống của những đối tượng không đồng quan điểm chính trị với nhà nước.
Tình trạng đó đối với gia đình ông Đoàn Văn Diên gần đây nhất được ông bức xúc trình bày như sau:
Vừa rồi họ bắt đứa con thứ ba của tôi là Đoàn Văn Kha, giải giao từ Đồng Nai lên Lâm Đồng vào ban đêm mà không có một miếng giấy lộn. Đồng thời tịch thu chiếc xe của Đoàn Triệu Hải, con trai tôi, mặc dù xe đó không có vấn đề gì, xe hoàn toàn hợp pháp. Thực tế họ không muốn để mình yên ‘thuyền muốn lặng, mà sóng chẳng yên’. Họ lấy xe con tôi, tôi cũng theo hệ thống Nhà Nước làm đơn thưa lên huyện. Tôi thưa một đường, huyện trả lời một nẻo. Trả lời theo cách của người ta nghĩ, người ta làm.
Tôi thưa với các cơ quan thông tấn báo chí trong cũng như ngoài nước biết hiện tại tôi khủng hoảng quá, tôi rất bức bách, không còn con đường sống nữa, tôi sẽ tự sát trước cơ quan đó. Dù tôi không tham gia tổ chức nào hết, nhưng vì bức bách tôi sẽ tự vận bằng thuốc nổ. Tôi không phải khủng bố, nhưng bức bách tôi quá, tôi phải là Đoàn Văn Vươn thứ hai.
Đấu tranh
Ông Đoàn Văn Diên bị bắt hồi ngày 15 tháng 11 năm 2006. Đầu tiên ông bị quy cho tội tuyên truyền chống Nhà Nước theo điều 88 Bộ Luật hình sự. Tuy nhiên ông cho biết không nhận mà nói rằng chỉ đấu tranh cho quyền lợi chính đáng của người nông dân và công nhân tại Việt Nam. Ông cũng từng lên tiếng kiện các quan chức tỉnh Đồng Nai về việc lấn chiếm lòng Hồ Trị An.
Cơ quan chức năng cũng buộc ông tội danh lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm hại an ninh quốc gia.
Ông Đoàn Văn Diên là một thành viên của tổ chức Hiệp hội Đoàn kết Công Nông, cũng như tham gia Đảng Vì Dân có trụ sở tại Hoa Kỳ. Ông nói về quá trình hoạt động đó như sau:
Trước đây tôi thành lập Hiệp Hội Đoàn kết Công nông, làm việc với ông Nguyễn Công Bằng. Sau này vì hiểu lầm nhau một chút về vấn đề giao tiếp, tôi nghĩ bên đó và tham gia bên anh Đỗ Thành Công- Đảng Dân chủ Nhân dân, tiếp tục đấu tranh cho công nhân và nông dân, tiếp tục rải truyền đơn. Tôi bị bắt cùng Phùng Quang Quyền và Trần thị Lệ Hồng cũng như Đoàn Huy Chương.
Con trai ông Đoàn Văn Diên là Đoàn Huy Chương cũng cùng tham gia trong Hiệp Hội Đoàn kết Công Nông. Trong dịp lên tiếng với Đài Á Châu Tự do, ông Đoàn Văn Diên cho biết một số thông tin mới nhất về người con Đoàn Huy Chương đang phải thụ án 7 năm tù giam:
Họ cứ bắt Đoàn Huy Chương nhận tội, nhưng Đoàn Huy Chương không nhận tội. Điều này được một số anh em trong tù về nói. Họ áp chế, và có những cách thức rất tinh vi với tù chính trị.
Ông Đoàn Văn Diên
Họ cứ bắt Đoàn Huy Chương nhận tội, nhưng Đoàn Huy Chương không nhận tội. Điều này được một số anh em trong tù về nói. Họ áp chế, và có những cách thức rất tinh vi với tù chính trị. Trước đây họ bắt tôi quả tang nên tôi nhận tội, còn Đoàn Huy Chương không nhận tội là đúng.
Anh Đoàn Huy Chương từng bị kết án tù một năm rưỡi hồi năm 2006. Anh bị bắt giam lại hồi đầu năm 2010, và trong phiên xử hồi ngày 26 tháng 10 năm 2010, cùng với Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, và Đỗ thị Minh Hạnh, Đoàn Huy Chương và Đỗ thị Minh Hạnh bị kêu án mỗi người 7 năm tù, riêng Nguyễn Hoàng Quốc Hùng là chín năm. Tội danh bị cáo buộc là phá rối an ninh do có những hoạt động tổ chức cho cả chục ngàn công nhân hãng giày Mỹ Phong ở Trà Vinh đình công, cũng như rải truyền đơn tại Đồng Nai. Phiên phúc thẩm hồi ngày 18 tháng 3 năm 2011 giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Xin được nhắc lại Hiệp hội Đoàn kết Công Nông ra đời hồi cuối tháng 10 năm 2006.
Vào trung tuần tháng 6 năm 2007, nhân dịp ông Nguyễn Minh Triết sang thăm Hoa Kỳ, người phát ngôn của Hiệp hội Đoàn Kết Công Nông Việt Nam lên tiếng kêu gọi tổng thống George W. Bush yêu cầu Hà Nội trả tự do cho các thành viên hiệp hội gồm có ông Trần Quốc Hiền, Trần thị Lệ Hồng, Đoàn Văn Diên và Đoàn Huy Chương. Ngoài ra Hiệp hội cũng đề nghị kêu gọi trả tự do cho các nhà bất đồng chính kiến tại Việt Nam vào lúc đó như linh mục Nguyễn Văn Lý, luật sư Nguyễn Văn Đài, luật sư Lê thị Công Nhân, luật sư Nguyễn Bắc Truyển, bác sĩ Lê Nguyên Sang, ký giả Huỳnh Nguyên Đạo…
Theo dòng thời sự:
- Gia đình tôi không còn gì để mất
- Công an xâm phạm thân thể một nữ blogger tại đồn
- Kết quả phiên xử phúc thẩm ba bloggers
- Bloggers tập trung trước tòa án Saigon
- VN vẫn chủ trương đàn áp biểu tình chống TQ
- Trấn áp trước phiên tòa xử ba Bloggers
- Phiên toà kết tội lòng yêu nước
- Nhiều người bị bắt trước phiên tòa xử các bloggers
- Vì sao Việt Nam gia tăng đàn áp blogger?
- Việt Nam gia tăng đàn áp các tiếng nói dân chủ
- Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ra lệnh xử lý nhiều trang blog
- Cuộc đua về bét: Myanmar và Việt Nam đi ngược chiều nhau về vấn đề nhân quyền
- Năm bloggers Việt Nam được trao tặng giải Hellman Hammett