Tách Tổng cục đường bộ thành hai Cục đường bộ: bình mới rượu cũ!
Từ ngày 1 tháng 10 năm 2022, Tổng cục Đường bộ Việt Nam chính thức tách thành Cục Đường bộ Việt Nam và Cục Đường cao tốc Việt Nam theo Nghị định số 56/2022/NĐ-CP.
Liên quan nhân sự, ông Nguyễn Xuân Cường, Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho hay, khi thực hiện chuyển đổi sẽ có 320 cán bộ đang được thực hiện quy trình bổ nhiệm, trong đó có 105 quyết định thuộc thẩm quyền của Cục trưởng. Ngoài ra, sau khi rà soát thì có 19 vị trí dôi dư, Cục Đường bộ Việt Nam sẽ sắp xếp các vị trí nhân sự dôi dư trong ba năm.
Chủ trương giảm biên chế cán bộ, công chức được Chính phủ nói đến từ nhiều năm qua và liên tục được nhắc lại. Liệu con số 320 cán bộ được bổ nhiệm có làm số biên chế tăng lên hay không?
Tôi chỉ băn khoăn một điều, tức là về ngữ nghĩa tiếng Việt, không hiểu Bộ giao thông và Chính phủ người ta hiểu như thế nào. Tôi nghĩ chỉ cần giảm tổng cục đường bộ xuống thành cục đường bộ như ngày xưa là đủ. Bây giờ họ chia thành hai cục, trong đó có đường cao tốc. Mà đường cao tốc cũng là đường bộ. - Cựu trung tá Vũ Minh Trí
Cựu trung tá Vũ Minh Trí nêu nhận định của ông với RFA:
“Về mặt chức vụ, từ tổng cục xuống cục thì ông tổng cục trưởng xuống thành cục trưởng, tổng cục phó bây giờ chỉ là cục phó thôi. Ở dưới có vụ tổ chức cán bộ thì bây giờ thành phòng tổ chức cán bộ. Tức là về mặt tổ chức nó đã thu gọn lại, đã hạ tầng xuống. Đấy là một.
Thứ hai, về chuyện bổ nhiệm thì đương nhiên khi giải tán tổng cục đường bộ cũ thì các ông ấy mất sạch các chức vụ cũ nên người ta phải có quyết định bổ nhiệm lại. Không phải bổ nhiệm chức cao hơn hoặc là thêm chân mới vì thực chất có khá nhiều người không còn chức cán bộ chủ trì chủ chốt nữa.
Mình phải hiểu dưới góc độ như thế thì nó chính xác hơn. Khi nghe bổ nhiệm 320 cán bộ thì thực chất 320 vị ấy đều bị hạ cấp công tác. Ví dụ trước đây họ làm vụ trưởng vụ tổ chức cán bộ của tổng cục đường bộ thì bây giờ họ chỉ là trưởng phòng, nhưng vẫn phải có quyết định bổ nhiệm họ thành trưởng phòng.
Tôi chỉ băn khoăn một điều, tức là về ngữ nghĩa tiếng Việt, không hiểu Bộ giao thông và Chính phủ người ta hiểu như thế nào. Tôi nghĩ chỉ cần giảm tổng cục đường bộ xuống thành cục đường bộ như ngày xưa là đủ. Bây giờ họ chia thành hai cục, trong đó có đường cao tốc. Mà đường cao tốc cũng là đường bộ.”
Bộ Giao thông - Vận tải khẳng định, những nhân sự thuộc Tổng cục Đường bộ Việt Nam sẽ tiếp tục làm việc theo đúng chuyên môn ở hai cục được tách ra.
Lên tiếng với truyền thông Nhà nước trước đó, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, dù ký đề án tổ chức lại Tổng cục Đường bộ nhưng bản thân ông không đồng ý tách Tổng cục thành Cục Đường bộ Việt Nam và Cục Đường bộ cao tốc Việt Nam. Lý do được ông Huyện nêu ra là nếu tách sẽ có bất cập vì hai cơ quan này đều quản lý đường bộ, trong khi đường cao tốc là một cấp kỹ thuật theo tiêu chuẩn đường bộ. Thêm vào đó, tách thành hai cục thì khi đi tuần kiểm cần hai đoàn để kiểm tra, quản lý, thay vì chỉ một như trước đây.
Một số ý kiến cũng cho rằng, việc tách ra thành hai đơn vị quản lý sẽ dẫn tới sự trùng lắp, chồng chéo bởi đường cao tốc cũng là một loại hình đường bộ, nó nằm trong khuôn khổ chung là giao thông đường bộ.
Điều này cũng được Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng nêu ra trong một buổi đối thoại với phóng viên báo Giao thông vào tháng 7 năm 2022 rằng: “Xét cho cùng thì vẫn là bình mới rượu cũ thôi. Nếu tinh giản dựa trên cơ sở cơ học thì không còn là tinh giản nữa, phải giảm về mặt số lượng con người và giảm số lượng đầu mối - đấy mới gọi là tinh giản… Bây giờ không quan trọng tổng cục hay cục mà quan trọng nhất là với một số lượng cán bộ công chức, người lao động nào đó phải thực hiện được đầy đủ các vị trí việc làm theo chức năng nhiệm vụ, quyền hạn của bộ máy đó.
Chúng ta phải căn cứ trên cơ sở từ việc để sắp xếp con người, chứ không phải từ người để đi tìm việc.”
Giáo sư Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường - nêu nguyên nhân phải tách một tổng cục thành hai cục đều là đường bộ:
“Chủ trương của Chính phủ Việt Nam bây giờ là muốn cải cách hệ thống quản lý. Thế thì tất cả những tổng cục hiện nay mà có tổ chức của mình đến tận địa phương, hay nói cách khác là họ quản lý theo ngành dọc, đều thuộc trung ương cả, thì được giữ tổng cục. Còn tất cả những tổng cục mà được bố trí theo ngành ngang, tức là các đơn vị ở dưới trực thuộc UBND các cấp thì không được là tổng cục mà phải là cục.
Do đó các nơi bây giờ đua nhau tách một tổng cục thành hai, ba cục để cho nó đúng chủ trương. Thì đấy là vấn đề thời sự trong cải cách hành chính của chính phủ Việt Nam.
Theo tôi, trước mắt chưa giảm được nhân sự mà đâu nó vẫn vào đấy, là bởi vì biên chế trong một tổng cục được thu xếp thành hai cục. Người ta đành phải đôi ra cục này là cái gì, cục kia là cái gì rồi chia nhiệm vụ ra để cho cục này là một thứ, cục kia là một thứ khác.”
Ông Đặng Hùng Võ kết luận, việc Tổng cục Đường bộ Việt Nam được tách thành Cục Đường bộ Việt Nam và Cục Đường cao tốc Việt Nam hoàn toàn mang tính hình thức để đáp ứng một chủ trương của Chính phủ. Nhân sự hiện tại chưa thấy tinh giản, không biết sau này ra sao!
Chủ trương của chính phủ Việt Nam bây giờ là muốn cải cách hệ thống quản lý. Thế thì tất cả những tổng cục hiện nay mà có tổ chức của mình đến tận địa phương, hay nói cách khác là họ quản lý theo ngành dọc, đều thuộc trung ương cả, thì được giữ tổng cục. Còn tất cả những tổng cục mà được bố trí theo ngành ngang, tức là các đơn vị ở dưới trực thuộc UBND các cấp thì không được là tổng cục mà phải là cục. - Giáo sư Đặng Hùng Võ
Tổng cục Đường bộ Việt Nam được thành lập ngày 22 tháng 4 năm 2008 và ra mắt ngày 26/3/2010 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, do Bộ Giao thông vận tải tổ chức.
Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải lúc đó là ông Hồ Nghĩa Dũng khẳng định, trước đòi hỏi phải tăng cường vai trò và trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành đường bộ thời gian hiện nay, Chính phủ đã quyết định thành lập Tổng cục Đường bộ Việt Nam.
Đến đầu tháng 6 năm 2022, Tổng cục Đường bộ đã trình Bộ Giao thông vận tải đề án tổ chức lại Tổng cục Đường bộ Việt Nam thành Cục Đường bộ Việt Nam và Cục Đường bộ cao tốc Việt Nam. Với số biên chế cơ quan hành chính năm 2022 của Tổng cục Đường bộ Việt Nam được giao là 728, sẽ điều chuyển 558 biên chế cho Cục Đường bộ Việt Nam (121 biên chế khối cơ quan, 437 biên chế khối chi cục) và 170 biên chế cho Cục Đường bộ cao tốc Việt Nam (65 biên chế khối cơ quan, 105 biên chế khối chi cục).