Quy định buộc giảng viên đại học phải có bằng tiến sĩ chuyên ngành sẽ khả thi?

Diễm Thi, RFA
2024.10.01
Quy định buộc giảng viên đại học phải có bằng tiến sĩ chuyên ngành sẽ khả thi? Sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội đang học thiết kế mạch tích hợp trong một lớp học ở Hà Nội. Ảnh chụp vào ngày 2 tháng 3 năm 2024.
AFP

Trường Đại học Công thương TP.HCM mới đây ra thông báo yêu cầu giảng viên nữ dưới 45 tuổi, nam dưới 50 tuổi đã có bằng thạc sĩ bắt buộc phải đi học để lấy bằng tiến sĩ.

Theo đó, nếu hết năm thứ nhất không đăng ký học tiến sĩ, giảng viên bị đánh giá kết quả công việc năm học đó chỉ hoàn thành nhiệm vụ. Hết năm thứ hai chưa đăng ký, giảng viên bị đánh giá kết quả công việc năm học đó không hoàn thành nhiệm vụ. Hết năm thứ ba chưa đăng ký, giảng viên tiếp tục đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ và thực hiện đánh giá lại việc sử dụng viên chức vì hai năm liền không hoàn thành nhiệm vụ.

Ngoài ra, Thông tư 01 ban hành chuẩn cơ sở giáo dục đại học của Bộ Giáo dục - Đào tạo có hiệu lực từ tháng 3 năm 2024 cho thấy, đối với cơ sở giáo dục đại học không đào tạo tiến sĩ, tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ không được dưới 20%, và từ năm 2030 không thấp hơn 30%. Đối với cơ sở giáo dục đại học có đào tạo tiến sĩ, tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ không được thấp hơn 40%, và từ năm 2030 không thấp hơn 50%.

Chính vì việc đặt nặng tỷ lệ phần trăm giảng viên đại học phải có bằng tiến sĩ đã tạo ra hiện tượng chạy điểm, chạy bằng để hợp thức hóa. Nhìn chung ở Việt Nam, khi đã có học vị tiến sĩ thì không ai nghiên cứu gì cả mà chỉ lo giữ ghế, giữ chức, tiếm quyền và làm ngơ mặt học thuật. - Giảng viên đại học Đinh Kim Phúc

Giảng viên đại học Đinh Kim Phúc nói với RFA quan điểm của ông:

Chuyện các trường đại học ở Việt Nam hiện nay quy định tỷ lệ nhất định các giảng viên phải có học vị tiến sĩ nó cũng phù hợp theo sự phát triển của học thuật trong các trường đại học ở Việt Nam. Nhưng phải nói rằng, trong thời gian vừa qua, vấn đề chạy điểm, chạy bằng để hợp thức hóa cái bằng tiến sĩ không phải là trường hợp cá biệt.

Có những người trình độ cử nhân về kinh tế nhưng luận án tiến sĩ lại về khoa học, giáo dục. Có những người trình độ đại học văn sử địa nhưng bằng tiến sĩ lại là bằng tiến sĩ kinh tế. Những ví dụ tôi đưa ra nói lên thực chất bằng cấp của Việt Nam.

Chính vì việc đặt nặng tỷ lệ phần trăm giảng viên đại học phải có bằng tiến sĩ đã tạo ra hiện tượng chạy điểm, chạy bằng để hợp thức hóa. Nhìn chung ở Việt Nam, khi đã có học vị tiến sĩ thì không ai nghiên cứu gì cả mà chỉ lo giữ ghế, giữ chức, tiếm quyền và làm ngơ mặt học thuật.

Do đó, trình độ tiến sĩ để tham gia giảng dạy đại học là rất cần thiết nhưng phải thực chất và được đánh giá qua quá trình dạy học và hiệu quả bài học mà các tiến sĩ đem lại”.

Cũng theo nhà giáo Đinh Kim Phúc, uy tín học thuật của các giảng viên thể hiện ở bề dày giảng dạy; phải là một nhà sư phạm bên cạnh kiến thức chuyên ngành của một tiến sĩ để đảm nhận được vai trò đạo tạo lực lượng trí thức hiện nay.

e5a935c6-ae95-496b-92a4-d27307e608b5.jpeg

PGS-TS Hoàng Dũng thì cho rằng:

“Nâng cao trình độ giảng viên đại học là điều ai cũng thấy cần. Nhưng bắt buộc phải có bằng tiến sĩ là điều cần cân nhắc, bởi bắt buộc có nghĩa nếu không có bằng tiến sĩ thì sẽ bị thải loại. Ngay cả những trường đại học nổi tiếng trên thế giới mà tôi từng tiếp xúc tôi thấy họ cũng không gay gắt đến mức như vậy. Nhưng cũng tùy theo vị trí. Không phải vị trí nào người ta cũng đòi có bằng tiến sĩ.

Có thể nói, rất nhiều tiến sĩ không lọt được vào trường đại học và nhiều người không có bằng tiến sĩ nhưng rất nhiều trường đại học nhận, và họ đảm nhận công việc một cách xuất sắc. Thành ra, chuyện bắt buộc giảng viên đại học phải có bằng tiến sĩ là một điều quá nặng nề về bằng cấp. Cái quan trọng nhất là họ phải bảo đảm cái năng lực của người thầy đó khi giảng dạy đại học hơn là cái bằng mà họ đạt được”.

Nâng cao trình độ giảng viên đại học là điều ai cũng thấy cần. Nhưng bắt buộc phải có bằng tiến sĩ là điều cần cân nhắc, bởi bắt buộc có nghĩa nếu không có bằng tiến sĩ thì sẽ bị thải loại. Ngay cả những trường đại học nổi tiếng trên thế giới mà tôi từng tiếp xúc tôi thấy họ cũng không gay gắt đến mức như vậy. Nhưng cũng tùy theo vị trí. Không phải vị trí nào người ta cũng đòi có bằng tiến sĩ. - PGS Hoàng Dũng

Cũng theo PGS Hoàng Dũng, sở dĩ Trường Đại học Công thương TP.HCM có một cái tiêu chí hình thức như vậy vì một phần là do người quản lý không tự tin, không tin vào đội ngũ của những người tuyển chọn nhân sự cho trường nên phải căn cứ theo bằng cấp.

--------------

Chất lượng luận án tiến sĩ những năm qua ra sao?

Ông Thích Chân Quang chưa tốt nghiệp trung học mà có bằng tiến sĩ theo cách nào?

---------------

Nhắc đến bằng tiến sĩ, dư luận gần đây nhắc đến trường hợp ông Vương Tấn Việt (Thượng tọa Thích Chân Quang). Ông Việt không có tên trong danh sách thi tốt nghiệp bổ túc văn hóa cấp 3 của Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh, nhưng lại có đến hai bằng cử nhân và một bằng tiến sĩ.

Ngoài chuyện bằng cấp thì luận án tiến sĩ cũng là điều xã hội quan tâm. Một số chuyên gia về giáo dục cho rằng, Việt Nam có rất nhiều luận án tiến sĩ không có giá trị nhưng vẫn được cho qua vì những luận án này là do các quan chức thực hiện.  

Tháng 6 năm 2010, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định 911/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án Đào tạo giảng viên có trình độ tiến sĩ cho các trường đại học, cao đẳng giai đoạn 2010 – 2020 với mục đích được nói  nhằm góp phần nâng cao chất lượng giáo dục đại học Việt Nam.

Tháng 6 năm 2022, Thứ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo Nguyễn Văn Phúc trong buổi làm việc với Bộ Khoa học - Công nghệ nhằm phát triển đội ngũ trí thức giai đoạn 2021-2030 đã phát biểu, cần phải “làm tiến sĩ thay vì học tiến sĩ như hiện nay”.

Truyền thông nhà nước từng có những bài viết như: Tổng rà soát bằng cấp "lò ấp" tiến sĩ- cần, nhưng siết chất lượng cần hơn; Bộ GD-ĐT đã xử lý như thế nào với 'lò ấp tiến sĩ'?; 'Lò ấp' tiến sĩ liệu có hồi sinh? Để nói về thực trạng đào tạo tiến sĩ ở Việt Nam.

Thật ra thì cái chính là phải căn cứ vào năng lực thực tế. Tôi nghĩ việc bắt buộc giảng viên đại học phải có bằng tiến sĩ nó không hoàn toàn đúng, bởi nó tùy từng lĩnh vực cũng như tùy từng người. - GS. Mạc Văn Trang

Nội dung bài viết dẫn kết luận của Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra cụ thể nhiều sai phạm tại Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và các đơn vị trực thuộc, như học viên đăng ký ngành này nhưng được cấp bằng ngành khác; một số đề tài không có đóng góp về khoa học. Đặc biệt giai đoạn 2015-2017, quy trình đào tạo thạc sĩ thiếu quy định chi tiết về đối tượng, điều kiện dự thi, điều kiện bảo vệ luận văn, thâm niên công tác, thiếu quy định về trình độ ngoại ngữ trước khi bảo vệ luận văn; không ban hành chương trình đào tạo trình độ tiến sĩ…

Nay với yêu cầu giảng viên đại học phải có bằng tiến sĩ, Giáo sư Mạc Văn Trang nhận định với RFA:

“Thật ra thì cái chính là phải căn cứ vào năng lực thực tế. Có người chỉ có bằng cử nhân nhưng họ nghiên cứu rất giỏi, có người chỉ có bằng thạc sĩ nhưng rất giỏi còn có người có bằng tiến sĩ nhưng chả ra gì. Nhưng ở Việt Nam, cái gì cũng tiêu chuẩn hóa một cách rất là hình thức. Tôi nghĩ việc bắt buộc giảng viên đại học phải có bằng tiến sĩ nó không hoàn toàn đúng, bởi nó tùy từng lĩnh vực cũng như tùy từng người.

Mỗi thời có tiêu chuẩn khác nhau nhưng không nên cứng nhắc vì phải tùy ngành nghề, tùy lĩnh vực chuyên môn. Khuyến khích thì được chứ bắt buộc một cách máy móc thì không nên”.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.