Cấp giấy phép cho nông dân không phải là cách hiện đại hóa nông nghiệp Việt Nam

RFA
2021.02.02
Cấp giấy phép cho nông dân không phải là cách hiện đại hóa nông nghiệp Việt Nam Ảnh minh họa chụp tại ngoại thành Hà Nội tháng 6/2020.
AFP PHOTO

Để hướng tới nền nông nghiệp chuyên nghiệp, Bộ Nông nghiệp - Phát triển Nông thôn (NN-PTNT) sẽ đi theo mô hình nước ngoài: ‘nông dân muốn sản xuất nông nghiệp phải có giấy phép’.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan đưa ra đề xuất vừa nêu tại buổi họp báo sau Đại hội Đảng lần thứ XIII mới đây.

Theo ông Hoan, phải xem nông nghiệp là một nghề chứ không phải dốt quá thì cho đi làm nông. Nền nông nghiệp mà để người dốt đi làm nông nghiệp thì làm sao phát triển được? Phải tri thức hóa người nông dân, chuyên nghiệp hóa người nông dân, xem đó là một nghề và được cấp chứng chỉ hành nghề hẳn hoi.

Bác Ba, một nông dân ở tỉnh Vĩnh Long khi trả lời RFA hôm 2/2, cho biết ý kiến của mình:

“Mình cũng chưa biết sao... người ta sao mình vậy... chắc cũng không cần thiết mấy vụ giấy phép đó đâu... tại vì một người chỉ có ít công ruộng... chứ đâu phải nhiều rồi mình kinh doanh đăng ký... còn ở đây mỗi người chỉ năm ba công, bảy tám công... vậy thôi. Mình cũng có đi tập huấn rồi, công ty xuống dạy về phân bón, thuốc men...”

Mình cũng chưa biết sao... người ta sao mình vậy... chắc cũng không cần thiết mấy vụ giấy phép đó đâu... tại vì một người chỉ có ít công ruộng... chứ đâu phải nhiều rồi mình kinh doanh đăng ký... còn ở đây mỗi người chỉ năm ba công, bảy tám công... vậy thôi.
- Bác Ba

Thứ trưởng Lê Minh Hoan cũng cho biết, hiện nay quán tính của người nông dân trong việc lạm dụng yếu tố đầu vào như thuốc bảo vệ thực vật quá mức quy định là vẫn tồn tại... vì vậy người nông dân cần được đào tạo. Ông Hoan cho biết, sắp tới Bộ NN-PTNT sẽ có chương trình để đánh giá những lợi ích khi chuyển đổi từ thuốc bảo vệ thực vật vô cơ sang thuốc sinh học. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia bày tỏ lo ngại như vậy có thể làm giảm năng suất, ảnh hưởng đời sống hộ nông dân cá thể.

Trở lại với việc đề xuất nông dân muốn sản xuất nông nghiệp sẽ phải có giấy phép, khi trao đổi với RFA hôm 2/2, anh Tuấn Kiệt, Giám đốc chi nhánh Kinh doanh gạo xuất khẩu và nội địa, thuộc Công ty Lương Thực XNK Miền Nam, nhận xét:

“Nếu như trong tương lai có giấy phép thì cũng càng tốt, nhưng mà chỉ nên là chứng chỉ tập huấn, để người dân hiểu và biết khi nào, giai đoạn nào...? Giống như Tập đoàn Lộc Trời tập huấn cho người nông dân mình là cánh đồng đó thời điểm nào nên xạ phân, thời điểm nào nên phun thuốc... chứ không phải người nông dân nào cũng phải có giấy phép, có chứng chỉ, giấy phép giống như người kinh doanh có giấy phép là không đúng.”

Theo anh Tuấn Kiệt, có lẽ việc nói về quy định giấy phép của nông dân là chỉ đối với ai trồng gạo hữu cơ, anh nói thêm:

“Chắc là có giấy phép khi trồng gạo chất lượng cao, gạo hữu cơ, vì tất cả gạo hữu cơ hiện nay bán đều phải có giấy chứng nhận, nói chung là như vậy. Chứ làm lúa gạo bình thường như người nông dân hiện nay đâu cần giấy phép. Giấy phép gạo hữu cơ là để tập huấn cho người nông dân hiểu biết phân bón, thuốc trừ sâu, cũng như mình đi bán dược phẩm phải có giấy chứng nhận.”

000_1Q9746.jpg
Người trồng lúa ở Việt Nam, ảnh minh họa chụp tháng 3 năm 2020. AFP PHOTO.

Ước mong Việt Nam trở thành một nền nông nghiệp tiên tiến như lời Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan, có lẽ người Việt ai cũng muốn. Nhưng vấn đề là chúng ta phải thay đổi như thế nào đối với một nền sản xuất dựa trên mở rộng diện tích, lấy sản lượng làm chính, lấy giá rẻ làm chính, khai thác tài nguyên của tự nhiên và lao động làm chính... Ngoài yếu tố cơ cấu đất nông nghiệp, nguồn vốn cho nông dân... thì câu hỏi được nhiều người quan tâm là làm sao đảm bảo cuộc sống cho người nông dân trong thời gian chuyển đổi, đặt biệt đối với người làm nông với quy mô nhỏ?

Tiến sĩ Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp và Nông thôn, khi trao đổi với RFA hôm 2/2, giải thích thêm:

“Định hướng chung của thế giới về nông nghiệp cũng như các ngành nghề khác là phải tính đến hướng công nghiệp hóa, đó là tất nhiên. Nghĩa là nông dân trong tương lai phải sử dụng được máy móc cơ giới, phải sử dụng computer, phải phân tích kinh tế, hiểu biết thị trường, biết cách sử dụng các hóa chất nông dược, biết cách bảo vệ môi trường... Nhưng mà tôi tin chắc ý kiến của Bộ Nông nghiệp lúc này nói về định hướng, nói về nâng cao trình độ người dân, chứ không phải đặt ra chính sách yêu cầu đăng ký hoặc là tiêu chuẩn hóa nông dân ngay từ lúc này, mà là định hướng lâu dài.”

Tôi tin chắc ý kiến của Bộ Nông nghiệp lúc này nói về định hướng, nói về nâng cao trình độ người dân, chứ không phải đặt ra chính sách yêu cầu đăng ký hoặc là tiêu chuẩn hóa nông dân ngay từ lúc này, mà là định hướng lâu dài.
-Tiến sĩ Đặng Kim Sơn

Theo Tiến sĩ Đặng Kim Sơn, Việt Nam hiện nay đang bước vào giai đoạn chuyển đổi cả về kinh tế lẫn về xã hội. Trong khi nông nghiệp chuyển từ sản xuất nhỏ, chủ yếu là hộ trồng nông lên sản xuất nông nghiệp lớn, trang trại, hợp tác xã... Một phần lớn nông dân hiện nay chiếm khoảng 1 nửa số lao động ở nông thôn, trong tương lai chắc là sẽ rút xuống còn 1/3 hay 1/4 con số hiện nay, và có thể còn thấp hơn. Quá trình này sẽ diễn ra trong vài chục năm tới, chứ không phải một sớm một chiều. Tiến sĩ Đặng Kim Sơn cho biết có thể xảy ra hai tình trạng như các nước trên thế giới trước đây:

“Một là nếu nông dân để mặc cho cơ chế thị trường vận hành, rồi nhà nước không giúp gì, chỉ tập trung vào công nghiệp, kinh tế đô thị... thì nông dân sẽ di cư ra đô thị, để lại nông thôn người già, phụ nữ, trẻ em... thì nông dân muôn đời vẫn sẽ chỉ là nghề cha truyền con nối ‘con trâu đi trước, cái cày đi sau’ và nông thôn sẽ bị bỏ lại so với đô thị... Tôi nghĩ đó không thể là mô hình của một đất nước hiện đại được. Còn tình trạng thứ hai là một số nước công nghiệp hóa thành công thì họ đã để lại tỷ lệ nông dân không cao, nhưng nông dân tương đối trẻ, có trình độ học vấn cao, có năng lực quản lý kinh tế, có năng lực kỹ thuật vận hành máy móc... và chắc chắn những nông dân này sẽ tập trung lại để làm kinh tế lớn nông trại, gia trại... họ sẽ liên kết với nhau trong hợp tác xã, hiệp hội, nghiệp đoàn nông dân."

Tiến sĩ Đặng Kim Sơn bày tỏ, ông hy vọng nông nghiệp Việt Nam sẽ tiến lên theo con đường này. Tất nhiên theo ông, nhìn xuất phát điểm của người nông dân lúc này, với những gì ông đặt ra cho mong muốn đấy là câu chuyện tính bằng hàng chục năm. Nhưng đó là con đường theo ông phải đi... tuy nhiên phải làm sao để nông dân hiểu, các cấp chính quyền hiểu vai trò trách nhiệm của mình, chứ không thể bắt buộc ngay vào lúc này, đồng thời không chỉ riêng ngành nông nghiệp mà cả nước phải phối hợp để làm chuyện này.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.

Nhận xét

Anonymous
04/02/2021 12:35

VN nằm trong Asean, hầu hết là các nước nông nghiệp trồng lúa nước (có lá cờ biểu tượng là bó lúa), cái gì VN chưa tốt, thì học tập họ, để cùng nhau phát triển.
Nhưng cái nông dân các nước Asean không có, mà VN có, đó là nông dân VN được Đảng CS của giai cấp Công - Nông lãnh đạo. Sự ưu viết ấy cũng nên phổ biến chọ họ học tập, và làm theo
Nghe đến "cấp giấy phép"... lo cho những nông dân bị cướp mất đất, không còn đủ đất để "hiện đại hóa" canh tác như nông dân Đồng Tâm ... liệu có được cấp giấy phép hay không?