Chuyện Uber và Grab: quản không được lại muốn cấm
2018.03.15
Vào sáng ngày 8 tháng 3 năm 2018, trong phiên họp Dự thảo Nghị định Quản lý về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô (Dự thảo nghị định thay thế Nghị định 86), Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể nói rằng nếu Uber, Grab không đáp ứng được yêu cầu pháp luật, trách nhiệm các bên, bảo vệ người sử dụng, nộp thuế đầy đủ… thì phải rời khỏi Việt Nam.
Nếu hai hãng này phải rời Việt Nam thì người sử dụng dịch vụ và giới Grab, Uber hẳn là những đối tượng chịu tác động trực tiếp.
Sức ép từ Bộ GTVT
Theo nguyên cố vấn văn phòng thủ tướng, Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, tuyên bố của Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đưa ra là để gây sức ép, buộc Grab và Uber phải chấp nhận một số điều kiện do Bộ Giao thông đưa ra:
Trước đây trong 2 năm thí điểm thì chưa đưa ra bất cứ điều gì. Bây giờ hết hai năm thí điểm lại đưa ra theo kiểu ép buộc, nhận thì nhận không nhận thì thôi.
- Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan
“Nhà nước yêu cầu nộp thuế thì nên nói rõ yêu cầu thuế thế nào và phải tuân thủ những điều kiện nào? Nếu họ thấy thỏa thuận chấp nhận được, họ sẽ tham gia, đóng góp như vậy.
Trước đây trong 2 năm thí điểm thì chưa đưa ra bất cứ điều gì. Bây giờ hết hai năm thí điểm lại đưa ra theo kiểu ép buộc, nhận thì nhận không nhận thì thôi. Vậy làm sao người ta có thể tán thành đề xuất của Bộ Giao thông.”
Cũng trong buổi họp Dự thảo nghị định thay thế Nghị định 86, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải có tuyên bố rằng “Hoạt động của Uber, Grab bản chất là vận tải taxi, chỉ áp dụng công nghệ để kết nối hành khách với phương tiện. Thậm chí Grab cũng gọi mình là Grab taxi, vậy tại sao lại không phải là taxi.”
Trả lời truyền thông trong nước, ông Jerry Lim, Giám đốc Grab Việt Nam nói rằng Grab là một công ty công nghệ, được sử dụng để hỗ trợ kết nối xe taxi, xe máy và ôtô gần nhất với khách hàng một cách hiệu quả, chứ không phải sở hữu xe hay bất cứ tài xế nào.
Ông Jerry Lim khẳng định: “Định danh Grab là công ty taxi không chỉ phủ nhận nỗ lực của chính phủ, nỗ lực của Grab trong việc thúc đẩy nền kinh tế kỹ thuật số ở Việt Nam, mà còn là một bước lùi của Việt Nam trong quá trình kiến tạo, xây dựng một quốc gia khởi nghiệp trong kỷ nguyên 4.0.”
Đồng tình với quan điểm này, Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng việc nếu cấm Uber và Grab làm chậm đi tiến trình phát triển kinh tế Việt Nam đang hướng tới:
“Việt Nam đang háo hức muốn tham gia vào cách mạng công nghiệp 4.0, tận dụng đội ngũ trẻ giởi công nghệ thông tin để phát huy xã hội. Tại sao lại ngăn cản những hình thức hoạt động mang tính chất sáng tạo như thế này?”
Taxi truyền thống đối lại Grab/ Uber
Trước khi Grab và Uber xuất hiện tại Việt Nam, taxi là phương tiện chủ yếu nếu người tiêu dùng cần vận chuyển bằng xe ô tô. Nhưng khi Grab và Uber được phép thí điểm, lượng khách sử dụng taxi giảm đi rõ rệt. Một tài xế hãng taxi Vinasun tại Sài Gòn cho biết:
“Người ta đi Grab nhiều thì tụi tui mất khách. Ngày xưa những tụ điểm tui hay chạy, ví dụ 100 cuốc thì bây giờ mất đi gần một nửa. Chỉ chạy được giờ cao điểm thôi.”
Uber và Grab tiện hơn vì book tại nhà được, định vị dễ hơn và biết được giá cước.
- Người tiêu dùng
Giải thích vì sao Grab và Uber được sử dụng nhiều hơn, một người tiêu dùng tại Sài Gòn nghĩ rằng:
“Uber và Grab tiện hơn vì book tại nhà được, định vị dễ hơn và biết được giá cước.”
Sau tuyên bố của Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể, gần đây, truyền thông trong nước, kể cả Đài truyền hình Việt Nam đã có những bài viết, phóng sự nêu ra những bất cập khi sử dụng Grab và Uber đơn cử như tin nói tài xế không hoàn trả lại đồ người dùng để quên trên xe…
Vấn đề được nhiều người nêu ra là liệu việc này có từng xảy ra trước đây chưa, hay chỉ khi Grab và Uber xuất hiện mới có? Một tài xế Uber tại Sài Gòn nói với RFA:
“Bên taxi khách nói rớt đồ, người ta gọi điện thoại lại hỏi thì tài xế nói là không nhận.”
Trả lời về việc này, một người tiêu dùng tại Sài Gòn lại cho rằng không thể đổ lỗi cho tất cả tài xế Grab và Uber:
“Tùy tâm tính mỗi người chứ không gộp chung được.”
Một tài xế Uber khác nghĩ rằng Uber có biện pháp giúp ngăn chặn tình trạng tài xế làm mất lòng khách hay không trung thực:
“Có ảnh hưởng gì tới tài sản hay tính mạng thì dễ tìm ra được tài xế đó.”
Hướng giải quyết
Việc cấm Uber và Grab hoạt động bị cho sẽ gây ra một số hệ lụy trước hết về mặt kinh tế. Lý do vì không chỉ công ty Grab và Uber chịu tổn thất, tài xế hai công ty này bị mất đi nguồn thu nhập chính; mà điều đáng nói là có nhiều tài xế phải vay mượn để mua xe, nay không sử dụng được nên nợ chồng thêm nợ.
Có ảnh hưởng gì tới tài sản hay tính mạng thì dễ tìm ra được tài xế đó.
- Tài xế Uber
Trong việc ban hành những quy định mới, nhà nước cần tham vấn ý kiến người liên quan, đặc biệt là những người trực tiếp bị ảnh hưởng bới quyết định đó. Cụ thể trong trường hợp cấm Grab và Uber hoạt động, ngoài ý kiến của những tài xế Grab – Uber, Bộ GTVT nên tham vấn người tiêu dùng trong nước vì họ là ngưởi sử dụng và chi trả cho dịch vụ vận chuyển. Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhận định:
“Có lần góp ý cho một nghị định của Bộ Giao thông đưa ra để quản lý ô tô, tôi đã nói là quên hoàn toàn đối tượng người tiêu dùng. Là khách hàng của các dịch vụ đó thì phải được quyền có ý kiến, lên tiếng bảo vệ lợi ích cho mình.”
Mô hình Grab và Uber lần đầu xuất hiện ở Việt Nam, nhưng đã có mặt ở nhiều nước khác trên thế giới từ trước. Do đó, Việt Nam có thể học theo cách giải quyết của các nước này. Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho biết:
“Hiệp hội taxi các nước cũng có những tiếng nói phản ứng, không đồng tình với Uber, Grab vì cho rằng Uber, Grab có những lợi thế cạnh tranh để cạnh tranh không lành mạnh. Thế thì nên học theo các nước xem người ta có cách thức nào để quản lý. Chứ không phải không quản lý được thì cấm.”
Một người tiêu dùng tại Việt Nam cũng có ý kiến trách nhiệm của chính quyền là tìm ra hướng hài hòa quyền lợi của các bên. Khi đó tất cả đều có lợi và đó là trách nhiệm của những người điều hành xã hội.