Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - ASEAN bị hoãn lại, bốn ngoại trưởng sang thăm Trung Quốc
Bốn ngoại trưởng Đông Nam Á sẽ có các chuyên công du Trung Quốc trong tuần này trong bối cảnh Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - ASEAN dự kiến diễn ra tại Washington dường như bị hoãn vô thời hạn. Việc này khiến truyền thông Nhà nước của Trung Quốc lên tiếng cho rằng: Đông Nam Á thích nói chuyện với Trung Quốc hơn là với Mỹ.
Hôm thứ hai, Bộ Ngoại giao Trung Quốc thông báo rằng ngoại trưởng của Indonesia, Thái Lan, Philippines và Myanmar “sẽ thăm Trung Quốc lần lượt từ ngày 31/3 đến ngày 3/4” theo lời mời của Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị.
Theo thông lệ, ít nhất một số ngoại trưởng sẽ phải tháp tùng nguyên thủ của họ tham dự hội nghị cấp cao được mong đợi từ lâu giữa các nhà lãnh đạo Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Tổng thống Mỹ Joe Biden. Hội nghị này vốn được lên kế hoạch vào hai ngày 28 - 29/3 nhưng đã không diễn ra do có vấn đề về lịch trình.
Một quan chức cấp cao của chính quyền Biden hôm thứ hai thừa nhận rằng: “Chúng tôi rất thất vọng vì đã không thể giải quyết vấn đề này”. Tuy vậy, họ [các quốc gia ASEAN] rất cam kết và sẵn lòng sắp xếp lại lịch trình, vị quan chức này cho biết.
“Chúng tôi hiểu rằng không còn nhiều thời gian và chúng tôi muốn cố gắng hoàn thành việc này. Chúng tôi đang liên lạc chặt chẽ với ASEAN để cố gắng đưa ra một thời điểm thích hợp để tổ chức hội nghị này” - vị quan chức này trao đổi với báo chí với điều kiện giấu tên, tuân thủ theo các quy tắc của chính quyền Mỹ.
Mặc dầu vậy, hôm qua (thứ ba), Tổng thống Mỹ Joe Biden vẫn có cuộc gặp tại Nhà Trắng với Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long - người thúc đẩy mối quan hệ chặt chẽ hơn giữa Mỹ và ASEAN và bày tỏ sự đánh giá cao đối với cam kết của Biden đối với khu vực.
"Điều đó giúp Mỹ hiện diện ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, làm sâu sắc hơn quan hệ với nhiều quốc gia bạn hữu và tăng cường lợi ích chiến lược của Mỹ trong khu vực”- ông Lý Hiển Long nói.
Tổng thống Biden tuyên bố rằng cuộc khủng hoảng Ukraine sẽ không làm Mỹ xao nhãng việc thực hiện chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Ông nói ông muốn đảm bảo rằng khu vực này vẫn "tự do và cởi mở."
So sánh giữa “táo và cam'
Tại Bắc Kinh, Trung Quốc đang dàn dựng một vở kịch của riêng mình để chứng tỏ sự những gắn kết của mình với Đông Nam Á.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Vương Văn Bân nói với các phóng viên hôm thứ hai rằng bốn quốc gia mà các bộ trưởng sẽ đến thăm “là các thành viên quan trọng của ASEAN, các nước láng giềng thân thiện của Trung Quốc và các đối tác quan trọng trong sáng kiến hợp tác Vành đai và Con đường chất lượng cao”. Sáng kiến mà ông Bân đề cập là một chương trình phát triển cơ sở hạ tầng mang tính toàn cầu của Trung Quốc.
Ông cho biết chuyến thăm “một lần nữa thể hiện mối quan hệ thân thiện và gần gũi giữa Trung Quốc với các nước láng giềng ASEAN và tầm quan trọng cao của tất cả các bên dành cho việc thúc đẩy hợp tác Trung Quốc - ASEAN”.
Hiện không có thông tin về việc Trung Quốc đã mời ngoại trưởng của sáu quốc gia ASEAN còn lại đến thăm hay không.
Báo nhà nước Global Times của Trung Quốc cho biết “việc đến thăm Trung Quốc trong khi trì hoãn cuộc gặp với Mỹ cho thấy ASEAN sẵn lòng nói chuyện với Trung Quốc hơn là với Mỹ”.
Tờ báo nổi tiếng với quan điểm dân tộc và chống Mỹ này dẫn lời chuyên gia Qian Feng nói rằng: Trong khi Trung Quốc “thực sự và chân thành” giúp các nước ASEAN thúc đẩy phát triển kinh tế và giải quyết các vấn đề thực tế thông qua hợp tác cùng có lợi, thì Mỹ không thực sự quan tâm đến tình hình hiện tại của ASEAN, chỉ muốn sử dụng họ để kiềm chế Trung Quốc mà không mang lại lợi ích cụ thể cho những nước này.
“Rõ ràng là các thành viên ASEAN biết điều đó" - Ông Qian, Giám đốc Bộ phận nghiên cứu của Viện Chiến lược Quốc gia tại Đại học Thanh Hoa – Trung Quốc cho biết.
Collin Koh, một nghiên cứu viên tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore cho rằng tờ báo Global Times của Trung Quốc “đang so sánh một cách khập khiễng như so sánh giữa táo và cam đồng thời cường điệu hóa vấn đề”.
Ông Koh cho rằng các chuyến thăm Bắc Kinh nói trên thuộc về một cấp độ khác so với hội nghị thượng đỉnh – sự kiện có sự tham gia của các nguyên thủ quốc gia.
Bị thúc giục để đứng về một phía?
Việc lên lịch cho hội nghị thượng đỉnh ASEAN - Mỹ gặp trục trặc khi Indonesia - quốc gia điều phối việc này - không thể thuyết phục tất cả các thành viên ASEAN thống nhất được ngày cụ thể cho hội nghị này.
Thủ tướng Hun Sen của Campuchia - nước Chủ tịch của ASEAN năm nay giải thích vào ngày 17/3 rằng trong số 10 thành viên của khối, "bốn quốc gia cho biết họ không thể tham dự cuộc họp cấp cao [vào ngày 28 - 29/3 ] trong khi một số nước khác yêu cầu tổ chức hội nghị thượng đỉnh này vào ngày 26 - 27/3 - ngày mà Mỹ cho biết không thể sắp xếp được.”
Chuyên gia về chính sách đối ngoại Thái Lan Kavi Chongkittavorn nói rằng các nhà lãnh đạo ASEAN “tỏ ra bực bội về cuộc họp được đề xuất”.
“Một nửa các nhà lãnh đạo ASEAN không hài lòng với Mỹ vì họ đã đề xuất một số ngày để nhóm làm việc của Tổng thống Biden xem xét nhưng phía Mỹ liên tục thay đổi lịch trình” - ông Kavi nói.
Và với cuộc khủng hoảng ở Ukraine, “ở một số thủ đô ASEAN [một số nước ASEAN] có nỗi lo sợ khá phổ biến rằng vũng lầy Nga-Ukraine có thể cướp đi hội nghị thượng đỉnh này” - chuyên gia Kavi cho biết.
Theo một nhà phân tích Việt Nam, một số nước ASEAN có những sự không thoải mái nhất định rằng họ sẽ bị áp lực phải đứng về phía nào trong cuộc chiến Ukraine. Nhà phân tích yêu cầu giấu tên khi trao đổi về vấn đề ngoại giao nhạy cảm này.
Ngày 24/3/2022, Việt Nam cùng với hai thành viên ASEAN khác là Brunei và Lào đã bỏ phiếu trắng cho một nghị quyết của Liên hợp quốc về các vấn đề nhân đạo là hậu quả của việc Nga xâm lược Ukraine.
Hà Nội cũng bỏ phiếu trắng trong một nghị quyết trước đó vào ngày 2/3/2022 lên án sự xâm lược của Nga và yêu cầu Mát-xcơ-va chấm dứt ngay các hoạt động quân sự ở Ukraine.