Thừa nhận bộ máy hành chính cồng kềnh, sao mãi không sửa được?
2024.11.01
Việt Nam có 705 đơn vị hành chính cấp huyện... nhưng chỉ có năm huyện là không phân chia thành các đơn vị hành chính cấp xã.
Tuy nhiên năm huyện này đều là các huyện đảo, gồm: huyện đảo Cồn Cỏ thuộc tỉnh Quảng Trị, huyện đảo Bạch Long Vĩ ở Hải Phòng, Hoàng Sa - Đà Nẵng, Lý Sơn thuộc Quảng Ngãi và Côn Đảo thuộc Bà Rịa – Vũng Tàu.
Trong khi toàn lãnh thổ Việt Nam có đến 10.598 đơn vị hành chính cấp xã, tính đến tháng 4 năm 2023.
Bộ máy cồng kềnh
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà khi phát biểu tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế- xã hội hôm 26/10/2024 đã cho rằng chưa có nước nào có đơn vị cấp xã, huyện, tỉnh nhiều như Việt Nam.
Bà Trà còn cho biết thêm, cũng chưa có đất nước nào mà chi thường xuyên cho tổ chức bộ máy và con người lớn như Việt Nam, khi chi thường xuyên cho tổ chức bộ máy và con người chiếm đến 62%.
Mức chi này được cho là quá mức, bởi “ở các nước phát triển, ngân sách chi thường xuyên cho hệ thống công chức chiếm khoảng 46% ngân sách quốc gia,” theo tiến sĩ Kinh tế Nguyễn Huy Vũ, do vậy ông cho rằng “việc chi tới 62% ngân sách cho hệ thống hành chính chứng tỏ một điều rằng hệ thống hành chính của Việt Nam rất phức tạp và cồng kềnh, và vì vậy có thể tinh giản.”
Việc chi tới 62% ngân sách cho hệ thống hành chính chứng tỏ một điều rằng hệ thống hành chính của Việt Nam rất phức tạp và cồng kềnh.
-Tiến sĩ Kinh tế Nguyễn Huy Vũ
Tinh giản biên chế được nói đến nhiều từ năm 2011, khi Chính phủ ban hành Nghị quyết về chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước đến năm 2020. Chương trình này được chia làm hai giai đoạn: Giai đoạn một từ năm 2011 đến năm 2015 và giai đoạn hai từ năm 2016 đến năm 2020. Nhưng đến nay bộ máy hành chính vẫn cồng kềnh như lời các vị lãnh đạo thừa nhận.
Theo con số thống kê của Bộ Nội vụ, năm 2023, ở Việt Nam có 2.257.182 cán bộ, công chức, viên chức, và chuyên viên hưởng lương nhà nước ở các cấp.
Một điểm khác biệt nữa giữa Việt Nam và các quốc gia phát triển thuộc nhóm Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), trong vấn đề bộ máy hành chính, nằm ở thể chế chính trị.
“Có một điều là hiện nay bà Bộ trưởng Bộ Nội vụ chưa nói là việc song hành bộ máy Đảng và Nhà nước. Nhà nước có bộ máy gì, cấp nào, Đảng cũng có bộ máy tương tự như vậy để quản lý giám sát nhà nước. Hơn thế nữa, Việt Nam còn có các tổ chức xã hội chính trị xã hội đó là công đoàn, thanh niên, phụ nữ, hội cựu chiến binh... những tổ chức này cũng được ngân sách Nhà nước trợ cấp, và cũng tổ chức từ cấp xã lên đến cấp Trung ương.” Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương từ năm 1993 đến năm 2002, nhận định với RFA.
Trong khi ngân sách nhà nước ở các quốc gia phát triển chỉ phải gánh các khoản chi của các cơ quan nhà nước, đúng theo tên gọi của nó, ở Việt Nam, ngân sách Nhà nước còn phải chi cho hoạt động của đảng cầm quyền, tức Đảng Cộng sản và các tổ chức thuộc quản lý của Đảng.
Chỉ tính riêng Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, một tổ chức không thuộc bộ máy nhà nước mà thuộc về đảng cầm quyền, nhưng ngân sách nhà nước vẫn phải chi 322,2 tỷ đồng để duy trì hoạt động cho năm 2019.
Theo Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, các bộ máy song hành của Đảng và Nhà nước nên tổ chức lại, để tinh gọn hơn và hoạt động có hiệu quả hơn.
---------------
Việt Nam vẫn loay hoay với việc sáp nhập và tinh giản
Bộ máy hành chính cồng kềnh là một ‘kênh’ để bảo vệ chế độ?
Giảm biên chế có giúp nâng chất lượng công nhân viên chức?
---------------
Các nước tổ chức bộ máy hành chính ra sao?
Các quốc gia trên thế giới đều tổ chức các đơn vị hành chính ở địa phương nhằm mục đích triển khai việc thực hiện quyết định của các cơ quan lãnh đạo nhà nước. Việc phân cấp cho địa phương nhằm giảm bớt công việc cho cấp chính phủ.
Tuy nhiên, khác với Việt Nam, ở các nước dân chủ, cộng đồng dân cư được phép tổ chức các công việc liên quan đến cộng đồng mình thông qua cơ quan tự quản địa phương do người dân trực tiếp bầu ra.
Đơn cử như việc tự quản địa phương ở Mỹ. Hệ thống các cơ quan tự quản địa phương ở Mỹ được thành lập trên cơ sở phân chia đơn vị hành chính lãnh thổ, theo Hiến pháp Mỹ năm 1789.
Việc phân chia đơn vị hành chính lãnh thổ và tổ chức các cơ quan tự quản địa phương là những vấn đề thuộc thẩm quyền của các bang. Theo đó, Hiến pháp của 50 bang ở Mỹ đã xác định cơ cấu tổ chức hành chính đa dạng và tương ứng là những mô hình tự quản địa phương khác nhau.
Đối với những thành phố và thị xã nhỏ, hội nghị của toàn thể dân cư quyết định vấn đề tự quản của địa phương.
“Đối với các nước tư bản khác thì tôi nghĩ họ không tổ chức trung ương, tỉnh, huyện, xã... Họ tổ chức trung ương, tỉnh và có một cấp gọi là quận, những cấp quận như vậy sẽ quản lý trực tiếp và làm việc với kinh tế số và chính phủ điện tử, thì họ hoàn toàn có thể quản lý rất hiệu quả, mà không cần phải có một cấp nào.” - Tiến sĩ Lê Đăng Doanh giải thích.
“Hiện nay chỉ còn có Cuba, Trung Quốc là có bộ máy giống như Việt Nam, còn Bắc Triều Tiên thì cách tổ chức của họ không thể so sánh được. Trung Quốc, tôi thấy họ đã có vận dụng chính phủ điện tử và có tinh giản bộ bộ máy một cách có hiệu quả.” - Ông nói thêm.
Vào năm 2021, Chính phủ Việt Nam ban hành Nghị quyết số 76/NQ-CP về Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030. Trong đó xác định cải cách hành chính phải tiếp thu những kinh nghiệm, những bài học thành công trong cải cách của các nước có nền hành chính phát triển.
Bộ Nội vụ sau đó nêu một số xu hướng cải cách hành chính thành công ở các quốc gia châu Âu, là phân định giữa hành chính và chính trị, giữa hoạch định chính sách và thực thi chính sách... và cho rằng có thể là những gợi mở cho Việt Nam thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính đạt hiệu quả.
Câu hỏi đặt ra là với thể chế độc đảng, cơ quan đảng song hành với cơ quan chính phủ từ địa phương lên đến trung ương... thì liệu có thể phân định giữa hành chính và chính trị?
Việt Nam nên tinh giản bộ máy thế nào?
Tổng Bí thư Tô Lâm khi phát biểu tại phiên thảo luận tổ ở Quốc hội hôm 31/10/2024 cho rằng, phải tiếp tục tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, giảm chi thường xuyên để dành nguồn lực đầu tư phát triển. Theo ông Tô Lâm, bộ máy cồng kềnh kìm hãm sự phát triển.
Một số nhà quan sát khi trả lời RFA từng cho rằng, Việt Nam rất khó để thu gọn bộ máy hành chính cồng kềnh, vì đây là ‘vành đai’ bảo vệ thể chế, bảo vệ chế độ.
Đối với một số lĩnh vực, thay vì duy trì lực lượng công chức, chính quyền có thể khoán hợp đồng cho tư nhân hoặc khuyến khích sự tham gia của tư nhân vào quá trình thi hành chính sách.
-Tiến sĩ Kinh tế Nguyễn Huy Vũ
Theo Tiến sĩ Vũ, Việt Nam muốn tinh giản bộ máy hành chính của mình thì thứ nhất là giảm lực lượng công an và an ninh.
Ông cho rằng so với các nước khác, số lượng công an và an ninh đủ mọi thể loại ở Việt Nam có quá nhiều. Nếu làm như các nước khác, Việt Nam chỉ cần có lực lượng cảnh sát địa phương và lực lượng cảnh sát đặc biệt của quốc gia là đủ. Các thể loại dân phòng, trật tự đô thị, thanh niên xung phong, v.v. nên cho giải ngũ để họ có thể tìm kiếm các công việc phù hợp làm tăng sự phát triển của quốc gia.
Đội ngũ tuyên truyền cũng là đối tượng cần loại bỏ nếu muốn tinh giản bộ máy, theo tiến sĩ Vũ “những lực lượng này không tồn tại ở các nước dân chủ. Đây là những lực lượng ăn lương nhà nước nhưng ngược lại chỉ làm mỗi việc là kéo nền văn minh của đất nước đi thụt lùi”.
Thứ ba, theo ông Vũ là bãi bỏ các trợ cấp cho các hội đoàn. Các hội đoàn muốn hoạt động phải tự bỏ tiền hoặc xin từ các nhà tài trợ. Thứ tư là bãi bỏ các cơ quan hành chính cấp xã và gộp lại các tỉnh thành các vùng. Mỗi chính quyền vùng phụ trách vài tỉnh. Chính quyền lúc này sẽ chỉ có ba cấp là quốc gia, vùng, và huyện.
Trong đó, chính quyền huyện chịu trách nhiệm giải quyết các thủ tục hành chính và đảm bảo các dịch vụ cơ bản của địa phương. Chính quyền vùng chịu trách nhiệm thực hiện các chính sách vĩ mô của vùng hoặc các chính sách được uỷ nhiệm bởi chính quyền quốc gia. Chính quyền quốc gia chịu trách nhiệm đề ra các chính sách, hỗ trợ các chính quyền vùng thực thi các chính sách, và giám sát việc thực thi chính sách của các chính quyền vùng. Tiến sĩ Kinh tế Nguyễn Huy Vũ nói tiếp:
“Thứ năm là tinh giản số lượng công chức bằng cách số hoá các hoạt động hành chính. Thứ sáu là đối với một số lĩnh vực, thay vì duy trì lực lượng công chức, chính quyền có thể khoán hợp đồng cho tư nhân hoặc khuyến khích sự tham gia của tư nhân vào quá trình thi hành chính sách.”
Ông Vũ nêu ví dụ chẳng hạn đối với các hoạt động chăm sóc cây xanh, quét dọn đường phố, v.v. chính quyền có thể khoán hợp đồng cho các công ty tư nhân.
Những giải pháp vừa nêu sẽ giúp cắt giảm việc chi cho hệ thống hành chính. Nhưng theo ông Vũ, việc thực thi nó đòi hỏi một quyết tâm lớn, một quyết tâm chống tham nhũng, lãng phí, và vì sự thịnh vượng của quốc gia.