Công đoàn đã làm gì trước và trong dịch COVID-19?
2021.07.30
Kiến nghị & thực tế
Tờ The Diplomat vào ngày 29/7 có đăng tải bài viết của tác giả Joe Buckley với tiêu đề tạm dịch là ‘COVID-19 đã biến điểm yếu lớn nhất của công đoàn Việt Nam thành điểm mạnh nhất’.
Trong bài viết, ông Joe Buckley nhận định rằng Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (TLĐLĐVN) trong hoàn cảnh bình thường đã hoạt động không hiệu quả trong việc đấu tranh cho người lao động để có mức lương và điều kiện tốt hơn.
Tuy nhiên, khi đại dịch COVID-19 bùng phát, tác giả Joe Buckley cho rằng TLĐLĐVN đủ năng lực để hỗ trợ người lao động thậm chí bảo vệ sức khỏe và sinh kế của họ.
Cụ thể, Tổng Liên đoàn đã trích 113 tỷ đồng từ ngân sách công đoàn để hỗ trợ đoàn viên bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Ngoài ra, các cơ quan công đoàn trên toàn quốc đã và đang hỗ trợ vật chất, tài chính, lương thực cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn vì phải cách ly và những người khác bị mất hoặc giảm thu nhập, điển hình như tại Vũng Tàu, Thanh Hóa, Đà Nẵng…
Ngay cả gói cứu trợ lần 2 của Chính phủ Việt Nam trị giá 26.000 tỷ vừa được công bố hôm đầu tháng 7 cũng có sự tham gia, tác động của TLĐVN. Đó là những điểm sáng của LĐLĐVN được tác giả Joe Buckley nêu ra trong bài viết của mình. Tuy nhiên, những điển hình “nổi bật” mà Joe Buckley nêu ra không nhận được sự đồng tình từ Luật sư Đặng Dũng, người từng công tác tại Sở Lao động - Thương binh - Xã hội TP.HCM và cũng là người nghiên cứu về các vấn đề luật pháp liên quan thành lập tổ chức công đoàn độc lập tại doanh nghiệp.
Công đoàn rõ ràng không bảo vệ quyền lợi của người công nhân trong thời gian trước khi có dịch bệnh, đến khi có dịch bệnh thì các công ty bị tình trạng như vậy thì sao công đoàn hoạt động tốt được. – LS. Đặng Dũng
Trong một trao đổi với RFA từ Sài Gòn vào tối 30/7, Luật sư Đặng Dũng, cho biết ý kiến của mình, ông nói:
“Họ có quyền kiến nghị nhưng cái quan trọng nhất là thực tế như thế nào? Công nhân bỏ việc, bỏ về nhà, công ty hoạt động không nổi nữa thì làm sao giải quyết chuyện gì cho công nhân? Không thể nào công đoàn hoạt động đạt được điều gì ngoài kiến nghị và kiến nghị.
Công đoàn rõ ràng không bảo vệ quyền lợi của người công nhân trong thời gian trước khi có dịch bệnh, đến khi có dịch bệnh thì các công ty bị tình trạng như vậy thì sao công đoàn hoạt động tốt được.
Thành ra bây giờ mà hỏi trực tiếp người công nhân thì người ta cũng không còn hồn vía để suy nghĩ rằng để yêu cầu công đoàn bảo vệ quyền lợi cho mình, vì người dân Việt Nam, nhất là công nhân Việt Nam không có yêu cầu về quyền lợi của họ. Người ta biết được tình hình công đoàn Việt Nam là thế nào nên người công nhân không biết đấu tranh để đòi hỏi những điều mà đáng lẽ theo luật pháp họ được hưởng.”
Một tổ trưởng sản xuất trong một công ty ở Khu công nghiệp Biên Hòa không muốn nêu tên, từng nhiều lần lên tiếng với công đoàn nêu ra quan điểm của ông:
“Công đoàn là bộ mặt, giống như bình phong giữa chính phủ, doanh nghiệp và người lao động. Thực chất tôi thấy Việt Nam an sinh xã hội không có, người lao động bỏ sức ra đi làm thì quyền lợi của họ đã đóng thuế vô đấy, bỏ sức vô đấy, tiền lương thấp xuống thì công đoàn lấy số nhỏ của tiền lương đó bao nhiêu phần trăm để hỗ trợ ngược lại thì cũng vào đó, cũng là của người lao động.
Nói chung phía công ty theo đường lối của chính phủ, UBND thành phố rồi UBND tỉnh ra công văn cho công đoàn của công ty. Người lao động bị thiệt nhiều lắm. Họ không có tiếng nói, giống như bị cỗ máy tầng lớp (điều) khiển.
Một công ty, tập đoàn lớn mấy chục ngàn công nhân thì số mà để công nhân có được hỗ trợ như vậy, phần quà này kia hoặc chu đáo hơn thì số đó quá ít. Công ty nhỏ thì họ không hỗ trợ được cho công nhân nhiều.”
Đừng trông mong vào Công đoàn
Theo Bộ Lao động, trong quý II/2021, Việt Nam có 12,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch COVID-19 bao gồm người bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập… Và, chỉ tính 5 tháng đầu năm 2021 đã có gần 60.000 doanh nghiệp trên cả nước phải đóng cửa, tạm dừng hoạt động, hoặc giải thể, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2020.
Hiện chính phủ Hà Nội áp dụng lệnh giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 tại 19 tỉnh thành phía nam khiến đời sống nhiều công nhân lâm vào bế tắc.
Chị Trịnh Thị Tuyết - một công nhân làm việc tại nhà máy ở Khu công nghiệp Bình Dương - đã kêu gọi hỗ trợ trên mạng xã hội từ mấy ngày qua. Nguyên nhân là do chồng chị đang mắc bệnh nặng. Cả hai vợ chồng đều là công nhân và bị mất việc do giãn cách xã hội. Tuy vậy, lời cầu cứu của chị đến nay vẫn chưa được hồi đáp của nhà nước, lãnh đạo công ty đến bộ phận công đoàn. Chị chia sẻ:
“Tới giờ em cũng không thấy công đoàn làm gì hết.
Gia đình bây giờ không đi làm được thì trụ cột là vợ chồng nuôi cha mẹ già và hai đứa con nhỏ, nói chung cũng khó khăn, chồng lại đang ốm nằm viện phẫu thuật.”
Xưa nay chị chưa bao giờ thấy công đoàn đứng về phía đòi hỏi quyền lợi cho công nhân. - Nữ công nhân
Một nữ công nhân không muốn nêu tên làm cho Công ty Pouchen ở Đồng Nai, cho hay hoàn cảnh của cô không đến nỗi khó khăn do sống chung với gia đình. Tuy vậy, cô khẳng định, người lao động đừng trông mong vào công đoàn. Cô nói:
“Xưa nay chị chưa bao giờ thấy công đoàn đứng về phía đòi hỏi quyền lợi cho công nhân.”
Trở lại bài viết của tác giả Joe Buckley, ông nhận định rằng, công đoàn nhà nước chưa bao giờ tổ chức đình công và thường đóng vai trò như một kênh thông báo cho người lao động về các chính sách của chính phủ và công ty.
Nguyên nhân được nói vì công đoàn do nhà nước lãnh đạo là liên đoàn công đoàn hợp pháp duy nhất của Việt Nam, trực thuộc Đảng Cộng sản cầm quyền, nằm trong bộ máy chung và là cánh tay nối dài của đảng-nhà nước, đồng thời được nhận được rất nhiều tài trợ từ ngân sách nhà nước.
Công đoàn Việt Nam vừa kỷ niệm 92 năm ngày thành lập vào ngày 28/7 vừa qua. Hiện chỉ có TLĐLĐVN được chính phủ Hà Nội xác nhận vai trò, những công đoàn độc lập khác không được công nhận.
Quốc hội Việt Nam vào ngày 20/11/2019 đã thông qua Bộ luật Lao động sửa đổi, và có hiệu lực từ ngày 1/1/2021. Trong đó, có quy định về quyền thành lập tổ chức đại diện của người lao động tại cơ sở, hay còn được hiểu là nghiệp đoàn. Tuy vậy, luật mới chỉ quy định khung về tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở, còn quy định chi tiết sẽ do Chính phủ ban hành.