Thị trường chứng khoán: ‘buông lỏng’ và ‘xiết chặt’

Việt Nam vừa yêu cầu các doanh nghiệp có niêm yết chứng khoán phải giải trình khi giá cổ phiếu tăng giảm mạnh năm phiên liên tiếp trở lên. Yêu cầu này có hợp lý?
RFA
2022.05.23
Thị trường chứng khoán: ‘buông lỏng’ và ‘xiết chặt’ Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HoSE).
AFP

Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội dẫn văn bản chỉ đạo của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đưa ra yêu cầu vừa nêu hôm 21/5/2022.

Cụ thể, theo Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội, trong thời hạn 24 giờ kể từ khi giá cổ phiếu tăng trần hoặc giảm sàn từ năm phiên liên tiếp trở lên phải báo cáo, công bố thông tin liên quan đến công ty có ảnh hưởng đến biến động giá cổ phiếu.

Chuyên gia kinh tế, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh, thuộc Học viện Tài chính Việt Nam, khi trả lời RFA hôm 23/5, nhận định:

“Khi cổ phiếu xuống nhiều hay tăng giá mà cứ vài phiên liên tiếp là tăng kịch trần, thì rõ ràng là không bình thường. Nó không phản ánh đúng thực tiễn hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Tất nhiên đầu tiên thì những người có trách nhiệm phải thực hiện việc phân tích hoạt động của doanh nghiệp đó, ví dụ như các công ty môi giới, các công ty xếp hạng tín nhiệm hay công ty kiểm toán… phải kiểm tra giám sát. Nếu không lý giải được thì lúc đó các cơ quan công an điều tra sẽ phải điều tra kỹ hơn, rõ ràng đó sẽ là công việc phức tạp và phiền toái hơn cho bản thân doanh nghiệp cũng như cho các nhà điều tra.”

Tất nhiên đầu tiên thì những người có trách nhiệm phải thực hiện việc phân tích hoạt động của doanh nghiệp đó, ví dụ như các công ty môi giới, các công ty xếp hạng tín nhiệm hay công ty kiểm toán… phải kiểm tra giám sát. Nếu không lý giải được thì lúc đó các cơ quan công an điều tra sẽ phải điều tra kỹ hơn.
-PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh

Theo PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh, trên thị trường tài chính quốc tế cũng có tình trạng làm giá và được gọi là hiện tượng thao túng thị trường chứng khoán. Thực tế có thể có hai dạng:

“Một là bản thân doanh nghiệp có cổ phiếu đó họ tìm cách đẩy giá cổ phiếu lên bằng cách này hay cách khác để thu lợi, vì giá cổ phiếu càng tăng thì giá trị của doanh nghiệp càng tăng. Thứ hai có thể là do các căn nhà đầu tư thao túng giá cổ phiếu để thu lợi. Như vậy là có hai nhóm đối tượng có thể thao túng và làm giá cổ phiếu này.”

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh hôm 23/5 cho báo chí trong nước biết, trên thị trường chứng khoán đã xuất hiện các hiện tượng tăng vốn khống, thao túng giá, làm giá ngày càng tinh vi; một số cổ phiếu/nhóm cổ phiếu có biến động giá bất thường, không gắn với kết quả kinh doanh của doanh nghiệp, gây tổn thất trực tiếp cho nhà đầu tư và ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường.

Một nhà đầu tư chứng khoán cá nhân không muốn nêu tên vì lý do an toàn, cho biết ý kiến của mình:

“Những hành vi gian lận chứng khoán, làm giá chứng khoán, thao túng chứng khoán… ảnh hưởng không nhỏ đến quyền lợi của hàng vạn nhà đầu tư. Nguyên nhân từ khâu thanh tra giám sát thị trường chứng khoán của Việt Nam hiện nay còn quá yếu.”

Thời gian qua, nhiều doanh nhân đã bị bắt và khởi tố vì bị cho là thao túng giá cổ phiếu. Đơn cử như trường hợp tỷ phú Trịnh Văn Quyết bị khởi tố và bắt tạm giam hôm 29/3/2022 với cáo buộc có hành vi “Thao túng thị trường chứng khoán” và “Che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán” xảy ra vào ngày 10/1/2022. Khi đó, ông Quyết bán ra 74,8 triệu cổ phiếu FLC nhưng không báo cáo về việc dự kiến giao dịch. Sau đó vào ngày 18/1/2022, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước - SSC đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với ông Trịnh Văn Quyết với mức phạt tiền 1,5 tỉ đồng. Việc này khi đó bị các luật sư cho là vi phạm nguyên tắc ‘không ai bị kết tội hai lần cho một hành vi vi phạm’. Đến ngày 6/4/2022 Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước mới thông báo huỷ bỏ quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Quyết.

Một tuần sau vụ bắt giữ tỷ phú Trịnh Văn Quyết, công an Việt Nam cũng bắt Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh - Đỗ Anh Dũng cùng sáu người khác với cáo buộc ‘lừa đảo chiếm đoạt tài sản’ vì đã phát hành trái phiếu trái quy định để huy động tiền của nhà đầu tư hơn 10 ngàn tỷ đồng nhưng không dùng vào mục đích kinh doanh.

d93ae202-6d5f-4f7a-b0af-d47fd1c2f063.jpeg
Ông Trinh Văn Quyết (chủ tịch FLC) và Đỗ Anh Dũng (chủ tịch Tân Hoàng Minh). RFA edited.

Phó Giáo Sư, Tiến Sĩ Ngô Trí Long, nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu Thị trường Giá cả thuộc Bộ Tài Chính, khi trao đổi với Đài Á Châu Tự Do hôm 23 tháng 5 năm 2022 liên quan vấn đề này, nhận định:

“Phải nói thẳng ở đây chính là do cơ quan quản lý, do sự thao túng, sự làm giá cũng như sự buông lỏng quản lý của cơ quan Nhà nước. Chính vì vậy thời gian vừa qua sụt giảm rất nhiều và có những lúc lên rất mạnh trong một thời gian rất ngắn. Vừa qua cơ quan Nhà nước đã chỉ ra hàng loạt sai phạm lãnh đạo của cơ quan chứng khoán Nhà nước. Điều đó biểu hiện sự quản lý hoạt động thị trường chứng khoán còn rất nhiều vấn đề bất cập, điều đó đã được chứng minh rõ ràng.”

Theo Phó Giáo Sư - Tiến Sĩ Ngô Trí Long, để quản lý tốt hơn thì dù luật Việt Nam ban hành cụ thể rõ ràng, nhưng những người lãnh đạo cơ quan chứng khoán phải công tâm khách quan, làm đúng luật… đó là điều cơ bản.

Vừa qua cơ quan nhà nước đã chỉ ra hàng loạt sai phạm lãnh đạo của cơ quan chứng khoán nhà nước. Điều đó biểu hiện sự quản lý hoạt động thị trường chứng khoán còn rất nhiều vấn đề bất cập, điều đó đã được chứng minh rõ ràng.
-Phó Giáo Sư, Tiến Sĩ Ngô Trí Long

Những tuần vừa qua, truyền thông Nhà nước nhiều lần đăng bài cho biết Chính phủ Việt Nam đang có quyết tâm ‘làm trong sạch thị trường chứng khoán’…

Ngay sau đó hàng loạt quan chức lãnh đạo cơ quan chứng khoán đã bị kỷ luật, thậm chí có người bị khởi tố bắt giam. Đơn cử như trường hợp Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Việt Nam, ông Trần Văn Dũng, bị Bộ Tài Chính cách chức hôm 20/5 và người thay thế hiện thời là Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi.

Trong cùng ngày, Tổng Giám đốc Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh HoSE - Lê Hải Trà đã bị buộc thôi việc, sau khi bị kỷ luật Đảng vài hôm trước đó. Người thay thế ông Trà là bà Trần Anh Đào- Phó Tổng Giám đốc HoSE.

Hay trước đó, hôm 29/4, Phó vụ trưởng Vụ Giám sát thị trường chứng khoán thuộc Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, ông Nguyễn Hùng, cũng bị Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an khởi tố và thực hiện lệnh bắt tạm giam với cáo buộc ‘cố ý làm lộ bí mật công tác’.

PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh, nhận định thêm:

“Việc thao túng chứng khoán ở các thị trường có bề dầy phát triển rất khó, bởi vì chính phủ quản lý rất chặt, đồng thời theo dõi rất kỹ, nếu như có hiện tượng thao túng, họ sẽ xem xét ngay. Cơ quan quản lý các nước mà phát hiện ra thì mức độ xử lý rất nặng, thậm chí có thể kết án chung thân. Chỉ có những nước có thị trường chứng khoán mới hình thành, có luật pháp cũng như nhận thức của các nhà đầu tư chưa sâu, thì mới dễ thực hiện hành vi thao túng. Việt Nam hiện nay là một thị trường mà chúng ta vẫn đánh giá là non trẻ, lý do dù thành lập đã 20 năm nhưng so với các thị trường như Anh, Mỹ lên đến hàng trăm năm, thì rõ ràng chưa là gì cả.”

Điều thứ hai theo PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh, thị trường chứng khoán của Việt Nam dù đã hoạt động được 20 năm, nhưng quy định pháp lý, nhận thức của nhà đầu tư trên thị trường hiện nay chưa cao.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.