Hà Nội sẽ trở thành trung tâm khoa học hàng đầu Đông Nam Á?
2020.07.16
Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ, đưa ra nhận định vừa nêu khi chủ trì buổi làm việc về sự phối hợp của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội và Bộ Khoa học và Công nghệ hôm 14 tháng 7 năm 2020.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Dũng, người có hơn 40 năm công tác trong lĩnh vực giáo dục đại học tại Việt Nam, khi trả lời Đài Á Châu Tự Do hôm 16 tháng 7 năm 2020, nhận định liên quan việc này:
“Tôi không biết ông Huệ nói ‘sẽ’ là bao lâu? Là 10 năm, 100 năm hay 1.000 năm... Chứ trong thời gian ngắn hạn trước mắt thì không có cơ sở nào để mà ngành khoa học nói chung của Hà Nội, có thể vượt ví dụ là Singapore... Chỉ một số ngành nào đó thì có thể, ví dụ như toán. Chứ còn nói chung thì không có hy vọng gì, ông Huệ là người lạc quan quá mức, hoặc là ông chỉ nói chuyện đùa vui.”
Trong thời gian ngắn hạn trước mắt thì không có cơ sở nào để mà ngành khoa học nói chung của Hà Nội, có thể vượt ví dụ là Singapore...
-PGS. TS. Hoàng Dũng
Còn Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, thuộc Viện ISEAS-Yusof Ishak - Singapore, nói với Đài Á Châu Tự Do hôm 16 tháng 7 năm 2020, rằng nhận định này là không có cơ sở, ông đưa ra so sánh với Singapore, dù theo ông quy mô quốc gia cũng như dân số của Singapore thấp hơn Việt Nam nhiều:
“Ông Bí thư này đang nói một cái việc không đúng, không có cơ sở gì cả. Singapore cũng có một số công ty mang tính khoa học... nhưng là khoa học ứng dụng. Còn Việt Nam thì chưa bao giờ là trung tâm khoa học cả, tất cả các thông số về công trình nghiên cứu, số lượng các nhà khoa học, chất lượng các nhà khoa học thì hai bên khác nhau xa.... trong khi Singapore là nước bé, tổng số người làm việc chỉ 5 triệu trong khi Việt Nam chính mươi mấy triệu. Tỷ lệ nhà khoa học trên dân số của Việt Nam hiện rất thấp, Hà Nội càng rất thấp... cho nên không thể nói như thế được, tôi rất ngạc nhiên về cái đấy.”
Tại buổi làm việc với Bộ Khoa học và Công nghệ, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cho rằng, cần có các nhiệm vụ tập trung xây dựng Hà Nội thành trung tâm khoa học với tiềm lực mạnh về nghiên cứu. Ông Huệ nêu lên những điểm cần thảo luận, trong đó tập trung vào cơ chế chính sách khoa học công nghệ mang tính đột phá phù hợp với đặc thù Thủ đô.
Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng, một nhà khoa học người Việt tại đại học Liège, Vương quốc Bỉ, từng có nhiều năm hợp tác trong lãnh vực đào tạo tại Việt Nam, cho Đài Á Châu Tự Do biết ý kiến của mình, hôm 16 tháng 7 năm 2020:
“Việt Nam mình thấy mấy nhà lãnh đạo hay nói vậy, trước đây thì nói rằng muốn Hà Nội thành cái Paris của Đông Nam Á... bây giờ lại thêm chuyện Hà Nội thành trung tâm khoa học của Đông Nam Á. Tôi thấy cái này nói cho vui thôi, chứ đâu có cơ gì mà nói như vậy. Đâu có một trung tâm nghiên cứu nào ở Hà Nội mà nổi trội đâu? Chỉ có Viện Nghiên cứu Toán học ở Hà Nội là tương đối đắt giá, nhưng muốn thành trung tâm khoa học đâu chỉ toán học, mà còn có những ngành khoa học khác, phải có điều kiện sinh hoạt rộng mở, cởi mở, để đón nhận nhân tài. Tôi biết nhiều sinh viên đi du học, thì rất đông trong số đó không chịu đi về phục vụ tại Hà Nội, cũng như Việt Nam nói chung.
Lý do theo Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng, là vì điều kiện đón nhận nhân tài, để họ có thể phát huy khả năng của họ không có, môi trường chưa rộng mở và tinh thần khoa học chưa được thể hiện sáng tỏ. Ông nói tiếp:
“Khoa học chỉ có thể xây dựng trên môi trường trung thực, tôn trọng sự thật, riêng cái này Việt Nam nói chung và đặc biệt Hà Nội chưa có gì sáng tỏ. Cho nên nói thật, tôi nghe như vậy thì tôi cũng rất là mong mỏi, là ông Huệ có thể làm cái gì đó cụ thể hơn, để sớm trở thành hiện thực. Chứ bây giờ tôi thấy nó hoàn toàn tù mù, và không có cơ sở để tôi có thể tin tưởng nó trở thành hiện thực trong một ngày không xa.”
Theo cơ sở dữ liệu của Thomson-Reuters được Viện Thông tin quốc tế ISI trích dẫn, về năng suất nghiên cứu quốc gia, tức số lượng công bố quốc tế trên một triệu dân, thì năm qua Việt Nam thấp hơn Thái Lan 6,5 lần và Malaysia 9.5 lần. Singapore dẫn đầu khu vực về năng suất nghiên cứu quốc gia, cao hơn Việt Nam 170 lần và Indonesia 530 lần. Việt Nam chỉ cao hơn Indonesia và Philippines 3 lần.
Theo ISI, cho tới nay, tổng số công bố quốc tế của cả Việt Nam vẫn còn ít hơn một trường đại học Thái Lan như Chulalongkorn hay Mahidol. Ngoài ra, trong khi các tác giả trong nước của Thái Lan chiếm gần 80%, thì các công bố quốc tế của tác giả trong nước ở Việt nam chỉ là 38%. Trong đó, toán học và vật lý lý thuyết thường là hai lãnh vực có nhiều công bố quốc tế nhất của Việt Nam.
Nếu so sánh trên quy mô quốc gia, Việt Nam còn kém xa các nước trong khu vực, thì sao Hà Nội có thể thành Trung tâm khoa học của Đông Nam Á được?
Khoa học chỉ có thể xây dựng trên môi trường trung thực, tôn trọng sự thật, riêng cái này Việt Nam nói chung và đặc biệt Hà Nội chưa có gì sáng tỏ.
-GS. Nguyễn Đăng Hưng
Tuy nhiên Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cho rằng, muốn phát triển tiềm lực khoa học công nghệ của Hà Nội, cần tập trung vào các giải pháp đồng bộ tài chính, đầu tư và huy động nguồn lực xã hội, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư phát triển khoa học công nghệ; các giải pháp thu hút đào tạo đội ngũ nhân lực và tri thức về khoa học công nghệ... Ông cho rằng, cần chú trọng đào tạo, để Hà Nội trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo của cả nước.
Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng nhận định thêm:
“Chất lượng đại học của Việt Nam tụt hậu là do Việt Nam đi lạc đường. Người ta không đào tạo con em người Việt theo hướng tự do, đa chiều để họ có thể có đầu óc phản biện và có được tinh thần độc lập. Phải như vậy họ mới có thể sáng tạo và phát minh. Cho nên phải cải tiến môi trường và tư duy giáo dục của nhà chức trách Việt Nam và ban Tuyên giáo Việt Nam. Anh phải làm thế nào để bỏ đi việc dùng trường học làm cơ sở để tuyên truyền chính trị.”
Lý giải nhận định của mình, ông Vương Đình Huệ cho rằng, nhìn vào tiềm lực, Hà Nội có 124 trường đại học, 113 viện nghiên cứu, 14 phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia với hàng nghìn doanh nghiệp khoa học và công nghệ tiềm năng. Dù ghi nhận những đóng góp của khoa học và công nghệ vào phát triển, nhưng ông Huệ cho rằng chưa tương xứng với tiềm lực vốn có. Vì vậy ông Huệ muốn Hà Nội trở thành hình mẫu hợp tác giữa địa phương với Bộ Khoa học và Công nghệ để thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng.
Tuy nhiên khi trả lời RFA Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho rằng, khoảng cách giữa thủ đô Hà Nội và các thành phố phát triển hiện nay đang còn rất xa. Vì vậy đòi hỏi phải cố gắng rất nhiều. Muốn đáp ứng mục tiêu như vậy, theo ông phải có những giải pháp đột phá cụ thể. Ông cho rằng, cần phải có nghiên cứu sâu hơn, để có những biện pháp cụ thể.