Thêm thanh tra chuyên ngành: vấn đề tinh giảm và hiệu quả!
2022.11.14
Dự án Luật Thanh tra sửa đổi vừa được Quốc hội Việt Nam biểu quyết thông qua hôm 14/11/2022.
Cụ thể, sau khi sửa đổi, Điều 18 Luật Thanh tra quy định, thanh tra tổng cục, cục là cơ quan của tổng cục, cục thuộc bộ thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành trong phạm vi quản lý nhà nước mà tổng cục, cục được giao phụ trách…
Luật cũng quy định Thanh tra tổng cục, cục được thành lập trong ba trường hợp: theo quy định của luật; theo quy định của điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; và được thành lập tại tổng cục, cục thuộc bộ có phạm vi đối tượng quản lý Nhà nước chuyên ngành…
Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường từ năm 2002 đến năm 2007, khi trả lời RFA hôm 14/11, nhận định:
“Câu chuyện thanh thanh tra nên để ở cấp nào cũng đã được thảo luận nhiều lần, tôi không đồng thuận với nhiều ý kiến cho rằng đều phải giảm cả. Tất nhiên trong quá trình thanh tra, tôi vẫn thường hay nói là phải cải cách, tức là cái gì cần giảm thì cương quyết giảm, cái gì cần tăng cũng vẫn phải tăng, miễn là việc tăng đó thực sự cần thiết. Thành ra ở cấp này, cấp kia nếu thấy công cuộc chống tham nhũng cần đến thanh tra, đóng vai trò quan trọng trong hệ thống đó, thì không nhất thiết cứ phải dẹp đi hết.”
Trong quá trình thanh tra, tôi vẫn thường hay nói là phải cải cách, tức là cái gì cần giảm thì cương quyết giảm, cái gì cần tăng cũng vẫn phải tăng, miễn là việc tăng đó thực sự cần thiết.
-Giáo sư Đặng Hùng Võ
Theo ông Võ, lĩnh vực thanh tra ở Việt Nam đã ở quá nhiều cấp, cấp dưới cơ sở cũng có. Tuy nhiên luật pháp đã có quy định không được cùng một lúc nhiều cấp thanh tra đến yêu cầu thanh tra doanh nghiệp. Ông nói tiếp:
“Tôi cho rằng việc thanh tra một doanh nghiệp cần có các quy định rất cụ thể, khi nào thì thanh tra, thanh tra phải làm gì và kết luận thanh tra như thế nào? Cái đó thuộc phạm vi được gọi là quy chế hoạt động của thanh tra. Nói cách khác, quy chế đó không cho phép thanh tra quá nhiều đối với các doanh nghiệp, phải có nghĩa chứ không phải theo cách làm tùy tiện, làm cho doanh nghiệp khó làm việc.”
Vào tháng 6 năm 2022, có nhiều ý kiến của các đại biểu Quốc hội được truyền thông Nhà nước đăng tải đề nghị bỏ thanh tra cấp cơ sở như cấp huyện, vì cho rằng nhu cầu thanh tra ở cấp này ít, trình độ nghiệp vụ hạn chế, nếu bỏ thì giảm được hơn 1.400 công chức, tiết kiệm ngân sách… Thì nay lại cho phép thêm Tổng cục và Cục thuộc Bộ lập cơ quan thanh tra.
Chủ một doanh nghiệp (giấu tên) kinh doanh ở Sài Gòn khi trả lời RFA liên quan vấn đề này, cho biết:
“Thật sự mà nói thanh tra cấp cơ sở theo như tôi biết gần như là đến cho có lệ, chủ yếu xem ‘thái độ’ của doanh nghiệp, ‘thái độ’ của đối tượng bị thanh tra như thế nào? Ngoại trừ những trường hợp nghiêm trọng bị bung bét ra quá nhiều, có tầm ảnh hưởng xấu đến xã hội, thì đúng là doanh nghiệp chịu chết bó tay, phải chấp nhận sai phạm của mình. Còn bình thường nếu mà có thanh tra thì cũng chỉ là chiếu lệ, họ sẽ xem ‘thái độ’ của doanh nghiệp thế nào để làm việc.”
Trong khi mới đây vào tháng 8 năm 2022, Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam đã yêu cầu phải tiếp tục tinh giản biên chế cán bộ, công chức và viên chức. Cụ thể, theo yêu cầu này, toàn hệ thống chính trị của Việt Nam sẽ phải tinh giản ít nhất 5% biên chế cán bộ, công chức và ít nhất 10% biên chế viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước.
Vậy cho phép lập thêm cơ quan thanh tra có đi ngược với yêu cầu tinh giảm biên chế này? Liên quan vấn đề này Giáo sư Đặng Hùng Võ nhận định:
“Chính phủ Việt Nam cũng khá cương quyết về chuyện tinh giản biên chế, thế nhưng tôi vẫn chưa nhìn thấy tính khả thi của việc tinh giản lần này. Bởi vì dù lần này xem lại tổ chức, đưa nhiều Tổng cục xuống thành một hai Cục, các cơ quan Nhà nước phải giảm khoảng 10 % biên chế… nhưng tôi vẫn cho rằng Việt Nam giải quyết vấn đề này chỉ dựa trên những con số hình thức, chứ chưa đụng được vào nội dung. Tức là thứ nhất phải có quy hoạch cụ thể, hệ thống tổ chức ở Việt Nam có những bộ phận nào rất cần thiết, không có không được. Thứ hai, đưa người và các tổ chức đó cần phải có tiêu chí, chứ không phải chỉ giao cho từng tổ chức tỷ lệ giảm.”
Chính vì thế Giáo sư Đặng Hùng Võ cho rằng, Việt Nam phải nhìn vào bản chất, nhìn vào nội dung, chứ đừng đưa ra các tiêu chí hình thức, không giải quyết được vấn đề.
Chính phủ Việt Nam cũng khá cương quyết về chuyện tinh giản biên chế, thế nhưng tôi vẫn chưa nhìn thấy tính khả thi của việc tinh giản lần này.
-Giáo sư Đặng Hùng Võ
Tinh giản biên chế là cụm từ được nói đến nhiều từ hơn mười năm qua, khi Chính phủ ban hành Nghị quyết về chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước đến năm 2020 và hàng năm thường được các lãnh đạo Đảng và Nhà nước lập đi lập lại, yêu cầu thực hiện như một cách tuyên truyền cho uy tín của nhà cầm quyền. Nhiều người cho rằng, các yêu cầu tinh giản biên chế thường chỉ là ‘màn trình diễn’ hàng năm?
Nhà báo Nguyễn Vũ Bình, từng công tác tại Tạp chí Cộng sản, khi trả lời RFA liên quan vấn đề tinh giản biên chế, cho biết ý kiến:
“Theo tôi nghĩ thì không có tiến triển gì hơn, vì không có một cách thức gì đặc biệt để thực hiện. Không thấy ai nói đến cách thức thực hiện đặc biệt và có tính khả thi. Cứ nói năm này giảm bao nhiêu %, năm sau giảm bao nhiêu % thì cũng như trước thôi. Bao giờ họ cũng nói như vậy, nhưng phải có quyết tâm, phải nói cách thức làm như thế nào để cho người ta thấy tính khả thi, thì mới thực hiện được. Chứ còn nói thì năm nào cũng như năm nào thôi, cũng có thể là giảm một ít nhưng không đạt chỉ tiêu. Nhiều năm trước cũng nói giảm bao nhiêu % mà cuối cùng có được đâu. Cho nên gọi là trình diễn thì cũng đúng, vì nó không có một cái gì khác biệt với những chỉ tiêu trước đây.”
Ông Bình cho rằng, nếu bộ máy hành chính tinh giản như các nước dân chủ thì người dân có không gian để phát biểu, để đấu tranh dễ dàng hơn rất nhiều. Nhưng vì Đảng Cộng sản vẫn để nguyên ban bệ, hệ thống như thế, chỉ lược bớt nên nó vẫn còn nặng nề. Theo ông Bình, dù tốn kém nhưng Đảng vẫn phải duy trì để bảo vệ chế độ.
Theo Bộ Nội vụ, tổng biên chế công chức năm 2021 của các cơ quan, tổ chức hành chính Nhà nước, không bao gồm biên chế của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và cán bộ, công chức cấp xã, hiệp hội… là 249.650 biên chế.