Sự tồn vong của Việt Nam: hiện đại hoá quân đội
2022.02.28
Các lệnh trừng phạt của Mỹ, Châu Âu và Nhật khiến Quân đội Việt Nam có thể gặp khủng hoảng về thiết bị, phụ tùng và vũ khí cho các phương tiện chiến đấu chủ lực, vì hầu hết đều mua từ Nga. Mặt khác, nó đẩy nhanh quá trình thế giới bị phân thành hai khối Trung - Mỹ, với mạng lưới tài chính, chuỗi cung ứng, nền tảng kỹ thuật và thị trường tương đối biệt lập.
Việt Nam sẽ phải tính toán cách thức lựa chọn của mình nếu hai khối như thế hình thành. Cách thức lựa chọn càng trở nên quan trọng trong bối cảnh thay đổi gần như cách mạng của kỹ thuật quân sự trên thế giới ngày nay.
Công nghệ cao và Cải cách quân đội ở Trung Quốc
Trước 2016, Trung Quốc tổ chức quân đội theo hai nhánh. Nhánh thứ nhất tổ chức thành các quân khu, phân chia theo vùng địa lý. Nhánh thứ hai là tổ chức thành các đơn vị vũ trang chủ lực (các quân đoàn, sư đoàn thuộc các binh chủng khác nhau, trực thuộc Bộ Quốc phòng).
Yếu tố địa lý rất quan trọng trong chiến tranh truyền thống. Thắng thua trong cuộc chiến nhiều khi được quyết định bởi việc xác định đâu là địa điểm chiến lược, đâu là thứ yếu. Trong chiến tranh công nghệ cao, yếu tố địa lý vẫn quan trọng nhưng không còn vai trò chiến lược, quyết định thắng thua. Tính chất “chiến lược" và “thứ yếu" của địa lý bị vũ khí công nghệ cao hoá giải nhanh chóng.
Tổ chức quân đội theo quân khu cũng làm phát sinh tinh thần lãnh địa, cát cứ của các lãnh đạo quân khu, vốn được chuyển giao quyền lực theo các quan hệ trên dưới trong địa bàn.
Nhánh tổ chức thứ hai, tức tổ chức quân đội thành các quân đoàn, sư đoàn theo từng quân chủng (hải quân, không quân, lục quân). Các quân chủng này luôn hoạt động riêng rẽ, hoặc có “hiệp đồng binh chủng" thì cũng chỉ là tham gia chung trong một trận đánh hoặc chiến dịch một cách rời rạc.
Lục quân và hải quân (cũng như thuỷ quân) vốn xuất hiện từ lâu trong lịch sử và hoạt động độc lập. Từ thế chiến thứ hai, cùng với sự ra đời của không quân trước đó, với sự phát triển của công nghệ viễn thông, các binh chủng này bắt đầu phối hợp “hiệp đồng” với nhau nhưng vẫn hoạt động rời rạc như những lực lượng đơn lẻ.
Nhưng các công nghệ mới ra đời từ cuối thế kỷ 20 đến nay đã giúp cho tất cả các phương tiện chiến tranh, máy bay, tàu ngầm, chiến hạm, tên lửa, tăng thiết giáp… có thể liên hợp (integration) với nhau trong một mạng lưới thống nhất.
Cuộc cách mạng của công nghệ đã làm cho từng phương tiện chiến tranh đó, khi được liên hợp trong một mạng lưới, có những khả năng chiến đấu không thể có được khi hoạt động rời rạc.
Đối diện với sự tiến bộ này của công nghệ, cũng như sự tích hợp các công nghệ mới này các phương tiện chiến tranh chủ lực nói trên, Trung Quốc từ 2016 đã thực hiện một cuộc cách mạng về tổ chức quân đội.
Họ đã xoá bỏ cả hai nhánh tổ chức trực thuộc Bộ Quốc phòng là các quân khu và các đơn vị tác chiến chủ lực. Họ tái cấu trúc quân đội theo một cơ cấu sao cho các phương tiện chiến tranh tích hợp công nghệ cao có thể phát huy hiệu quả, trong bối cảnh Trung Quốc. Họ phân chia quân đội thành ba tầng: trên đỉnh tháp là “Quân uỷ Trung ương" (trực thuộc Cộng sản Đảng), lớp giữa là các binh chủng và cuối cùng là các đơn vị tác chiến. Bộ Quốc phòng cũng như Bộ Tổng tham mưu sẽ chỉ còn chức năng thứ yếu (như “ngoại giao quốc phòng"). Và quan trọng nhất, họ xây dựng một thành tố xuyên thấm qua cả ba tầng cấu trúc nói trên, là "Bộ chỉ huy tác chiến liên hợp". Mô hình "tác chiến liên hợp" này cũng được tổ chức cả trong cơ quan truyền thông của quân đội, phục vụ cho "dư luận chiến".
Nếu cần đánh giá về cuộc cải cách quân sự của Tập Cận Bình năm 2016 trong một từ, thì đó là “tốc độ". Tập đã quyết đoán và nhanh không thua gì Quan Vân Trường chém đầu Hoa Hùng khi ly rượu tiễn của Tào Tháo còn chưa nguội.
“Hà Nội không vội được đâu"
Dù Trung Quốc đã cải cách quân sự triệt để từ 2016, Sách trắng quốc phòng năm 2019 của Việt Nam chỉ dành vài trang nói về “khoa học công nghệ" một cách chung chung, không nói gì cụ thể về những thay đổi có tính cách mạng trong quân sự trên thế giới đang diễn ra và ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh quốc gia. Các ý niệm liên quan tới tư duy “tác chiến liên hợp” cũng không xuất hiện trong sách này. Nội dung về quân sự trong các văn kiện Đảng mới nhất cũng vậy.
Quân đội Việt Nam hiện nay vẫn tổ chức theo cách cũ, từ thời Võ Nguyên Giáp, bên trên là Bộ Quốc phòng, bên dưới là hai nhánh: quân khu và các quân đoàn chủ lực. Các binh chủng được tổ chức như những lực lượng độc lập, tuy có thể hiệp đồng tác chiến khi cần thiết.
Khi chưa làm chủ được công nghệ cao ở mức độ có thể triển khai tác chiến liên hợp, cách tổ chức nói trên vẫn là hợp lý nhất. Nhưng cách tổ chức đó chỉ phù hợp với chiến tranh thế kỉ 20.
Sự chênh lệch về đẳng cấp sức mạnh, giữa nguyên lý “hiệp đồng binh chủng” giữa các lực lượng rời rạc với nguyên lý “tác chiến liên hợp” giữa các binh chủng trong một thể thống nhất nhờ tiến bộ của công nghệ cao, cũng tương đương với sự chênh lệch giữa súng thần công bắn ra mảnh sành và pháo bắn đi viên đạn phát nổ, giữa chiến thuyền chèo tay và chiến hạm động cơ, khi nhà Nguyễn đối diện với Pháp thế kỉ 19.
Trong bối cảnh các đội quân tiên tiến nhất, trong đó có Trung Quốc, đã tái cấu trúc để phát huy tối đa sức mạnh của tác chiến liên hợp dựa trên công nghệ cao, nếu Việt Nam không hiện đại hoá quân đội, nguy cơ tồn vong của dân tộc sẽ là vấn đề cốt tử trong tương lai, dù chưa ai biết chính xác “tương lai" ấy là khi nào.
Trăm mối tơ vò
Quân đội Việt Nam có mục đích phòng thủ, không tấn công. Điều này đúng. Có mấy câu hỏi đặt ra đối với Việt Nam để thực hiện mục đích này.
Hiện đại hoá quân đội, trong trường hợp Việt Nam, sẽ tăng thêm nguồn lực cho quân đội, và mất nguồn lực cho các lĩnh vực khác. Trong khi đó, Việt Nam có đầu tư cho quân sự bao nhiêu đi nữa cũng không thể chịu đựng một cuộc tấn công từ Trung Quốc. Vì vậy ngoài sức mạnh quân sự, cần thêm sức mạnh kinh tế chính trị.
Ở Mỹ, chiến xa tự hành là phát minh của Bộ Quốc phòng, nhưng phía dân sự nhanh chóng học tập để phát minh xe tự lái với người mở đường Tesla. Ở tầm mức hiện nay, Việt Nam không làm được như thế mà cần một bàn tay vừa đủ nguồn lực vừa đủ năng lực để thực thi, bằng cách phối hợp hai mặt kinh tế và quân sự. Việt Nam đủ khả năng tổ chức để phối hợp nguồn lực ít ỏi của mình, bằng cách gắn kết cả hai mặt kinh tế và kỹ thuật quân sự hay không?
Để hiện đại hoá quân đội, Việt Nam cần công nghệ cao. Khi đã có công nghệ cao, Việt Nam cần thêm lãnh tụ chính trị đủ khả năng thay đổi cấu trúc của một bộ máy quân sự có “truyền thống lịch sử" gần 80 năm.
Xét riêng về công nghệ cao, Việt Nam có thể học được nó từ đâu? Qua các kênh nào? Như thế nào?
Xin Trung Quốc công nghệ cao dùng cho quân sự cũng có nghĩa là trao cho họ khả năng khoá vòi nước trong toilet của chiến hạm Việt Nam từ xa. Và chưa chắc Trung Quốc đã muốn cho Việt Nam.
Xin Hoa Kỳ? Nhật Bản? Châu Âu? Rào cản lớn nhất là chính Việt Nam. Từ nhiều năm trước, có nhiều chuyên gia đã nói Việt Nam cần “Đối mới 2.0”. Đổi mới 2.0 không đơn giản là vấn đề kinh tế. Nó gắn liền với cách tổ chức thể chế. Với thể chế chính trị của mình, Việt Nam là “đồng minh tự nhiên” của Trung Quốc. Nếu giỏi ngoại giao thì có thể mua được từng thiết bị rời rạc của hệ thống, tức là mua cũng vô ích, nhưng không chắc sẽ mua được trọn gói. Và giả sử được mua trọn gói thì có đủ tiền để mua và duy trì hay không?
Việt Nam tự tổ chức để xây dựng năng lực kỹ thuật “tác chiến liên hợp" từng bước một? Đây là điều lý tưởng, nhưng hai chục năm nay, Việt Nam chưa từng thành công ở một dự án kỹ thuật nào cả.
Kỹ thuật không chỉ là kỹ thuật. Nó gắn liền với cách thức tổ chức để sáng tạo, tiếp thu và vận hành nó. Riêng trong trường hợp Trung Quốc, để áp dụng công nghệ cao vào quân sự, xây dựng năng lực tác chiến liên hợp, Tập Cận Bình phải tái cấu trúc quân đội, mà để tái cấu trúc quân đội, ông Tập phải giành hai năm để thực thi chiến dịch chính trị “đả hồ diệt ruồi". Chưa rõ trường hợp Việt Nam thế nào, trong trường hợp Trung Quốc, không “đả hổ diệt ruồi" thì không cải cách quân đội một cách ngoạn mục như Tập đã làm được. (Tôi chỉ nói Tập Cận Bình đã thay đổi triệt để, nhưng không muốn nói cách tái cấu trúc của Tập là đúng hoàn toàn, khi gần như xoá sổ vai trò của Bộ Quốc phòng và Bộ Tổng Tham mưu, đặt hết quyền điều hành quân đội vào tay tổ chức Đảng.)
Có quá nhiều bài toán ở tầm chiến lược mà Việt Nam muốn giải được thì phải có lãnh đạo đủ tầm, có những “Team" gồm nhiều tướng tài và chuyên gia giỏi để nghiên cứu, hỗ trợ, xử lý tất cả các vấn đề chính trị, kinh tế, đối ngoại, tổ chức, kỹ thuật… cùng một lúc.
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do.