Sự hung hăng của Trung Quốc đẩy Việt Nam vào “vòng tay” của Hoa Kỳ

Đinh Bá Trung
2021.04.10
Sự hung hăng của Trung Quốc đẩy Việt Nam vào “vòng tay” của Hoa Kỳ Hình minh hoạ. Các em học sinh Việt Nam vẫy cờ Việt Nam và cờ Mỹ ở Hà Nội nhân chuyến thăm của Tổng thống Donald Trump đến Việt Nam hôm 27/2/2019
AFP

Việt Nam chuyển hướng từ Trung Quốc sang Mỹ

Quan hệ giữa Việt Nam với Trung Quốc dường như ngày càng nguội lạnh đi. Hồi tháng 10 năm ngoái, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã đi thăm 4 nước ASEAN, rồi tháng 1 năm nay ông Vương Nghị đi thăm thêm 4 nước ASEAN khác, chỉ trừ Singapore và Việt Nam.

Đầu tháng 4 này, Trung Quốc cũng đã mời ngoại trưởng của 4 nước ASEAN đến hội đàm tại Bắc Kinh. Cụ thể, có Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishnan, Ngoại trưởng Malaysia Hishammuddin Hussein, Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi và Ngoại trưởng Philippines Teddy Locsin. Trong tất cả các lần gặp này, đều không thấy Trung Quốc đề cập tới Việt Nam. Trái ngược với sự nguội lạnh này là sự nồng ấm trong quan hệ Việt - Mỹ. Việt Nam cùng với Singapore là hai trường hợp được nhắc tên cụ thể trong Hướng dẫn Chiến lược An ninh Quốc gia của chính quyền Biden hồi đầu tháng 3.

Tuy nhiên, quan hệ Việt - Mỹ vẫn còn nhiều trở ngại. Một trong những trở ngại đó chính là vấn đề thâm hụt thương mại giữa Hà Nội với Washington.

Cựu đại sứ Mỹ tại Hà Nội Ted Osius cho rằng, cựu Tổng thống Trump thường bị “ám ảnh bởi vấn đề thâm hụt thương mại”. Đây là một trong   ba vấn đề duy nhất mà ông Trump nêu ra trong cuộc đón tiếp Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc tại Nhà Trắng năm 2017 mà ông Osius là một trong những người có mặt.

Năm 2019, ông Trump lại tiết lộ nỗi ám ảnh của mình khi tuyên bố rằng Việt Nam lợi dụng chúng tôi thậm chí còn tệ hơn cả Trung Quốc”. Do đó, không có gì ngạc nhiên khi chỉ một tháng trước khi rời nhiệm sở, Trump đã dán nhãn cho Việt Nam là nước thao túng tiền tệ”, trong khi có nhiều tin đồn rằng ông ta sẽ áp thuế đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ. Những động thái này đã đe dọa hủy hoại mối quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam, vốn được coi là chìa khóa đối với chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Washington nhằm chống lại ưu thế của Trung Quốc ở khu vực Đông Nam Á.

000_1DY5E3.jpg
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Donald Trump ở Hà Nội hôm 27/2/2019. AFP

Sau đó, ngày 15/1, Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) thông báo rằng cơ quan này không khuyến nghị áp thuế đối với Việt Nam, dù tuyên bố các hành động của Hà Nội là "vô lý". Quyết định này đã giúp cả Việt Nam và Tổng thống Joe Biden (người hiện đang ở vị trí tốt để có thể làm sâu sắc hơn mối quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam) tránh được một viên đạn”.

Mối đe doạ mang tên Trung Quốc

Không giống như nhiều quốc gia trên thế giới, Việt Nam đã có một năm 2020 rất thành công: khống chế đại dịch COVID-19, thể hiện thành công vai trò Chủ tịch ASEAN và chủ trì lễ ký Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện Khu vực (RCEP). Nền kinh tế Việt Nam thậm chí còn ghi nhận mức tăng trưởng 2,91% trong năm 2020.

Tuy nhiên, không phải tất cả đều khả quan. Đã xảy ra một loạt diễn biến cho thấy mối quan hệ Trung-Việt vẫn còn rất khó khăn và có thể sẽ xấu hơn nữa. Hầu hết người Việt Nam coi cuộc kháng chiến chống lại sự bành trướng của Trung Quốc chỉ là sự tiếp nối của cuộc xung đột kéo dài hàng ngàn năm qua. Sự thận trọng của người Việt Nam đối với Bắc Kinh giờ đây còn thể hiện ở những mối quan ngại bình thường hơn: bản chất "độc hại" của hàng hóa Trung Quốc và bản chất bóc lột của các doanh nghiệp Trung Quốc.

Các đập thủy điện của Trung Quốc trên dòng sông Mekong cùng với tác động của biến đổi khí hậu đã cướp đi sự trù phú của dòng sông này và năm 2016 đã khiến Việt Nam phải hứng chịu đợt hạn hán tồi tệ nhất trong 90 năm qua. Năm 2019, việc Trung Quốc xây dựng các con đập đã đẩy nước mặn xâm nhập vào sông Mekong, gây thiệt hại cho việc trồng lúa của Việt Nam. Việt Nam cũng đang rất quan ngại khi nhìn sang Campuchia, nước láng giềng thân thiện một thời. Sự xâm phạm quá mức của Trung Quốc ở Biển Đông, sông Mekong và Campuchia có nguy cơ thúc đẩy tâm lý chống Trung Quốc của người Việt Nam đến mức Hà Nội sẽ không có lựa chọn nào khác ngoài việc xích lại gần Washington - nơi mà đa số người Việt giữ quan điểm tích cực đối với Mỹ sẽ ủng hộ.

Hà Nội dường như nhận ra nhiều vấn đề. Washington và Hà Nội thực tế đã là đối tác chiến lược về mọi mặt, nhưng Việt Nam có thể đóng vai trò lớn hơn trong chính sách đối ngoại của Mỹ bằng cách tiếp nhận nhiều hơn các chuyến thăm cảng của tàu Hải quân Mỹ và chấp nhận các gói viện trợ quốc phòng của Mỹ.

Gợi ý chính sách cho chính quyền Mỹ

Câu chuyện của Việt Nam cho thấy sự “xoay trục” hay là chuyển hướng chính sách từ Trung Quốc sang Mỹ ở Đông Nam Á, mà Việt Nam là trường hợp điển hình, cho dù Việt Nam là láng giềng thân thiết với Trung Quốc và cùng thể chế cộng sản giống như Trung Quốc.

Sự kiện Đá Ba Đầu gần đây lại nhắc nhở thế giới về tham vọng của Trung Quốc đối với khu vực Đông Nam Á. Hiện nhiều quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam đang “bâng khuâng” giữa việc chọn bên nào, Bắc Kinh hay Washington cho tương lai của mình. Mỹ có rất nhiều ưu điểm,  đặc biệt là cái ô an ninh của Mỹ, cùng với việc Đông Nam Á không lo lắng trước sự xâm lược lãnh thổ từ Mỹ, thế nhưng vấn đề ưu tiên nhất của các quốc gia Đông Nam Á luôn là phát triển kinh tế, chính vì điều này mà các quốc gia Đông Nam Á luôn phải “hướng về Trung Quốc” cho dù các tham vọng lãnh thổ của Trung Quốc khiến các quốc gia Đông Nam Á phải lo ngại.

Nhiều chuyên gia đã đưa khuyến nghị cho chính quyền Mỹ cần phải tăng cường sự hiện diện về quân sự ở khu vực biển Đông để đối trọng và kìm chế các hành vi hung hăng của Trung Quốc. Nhưng cũng chính biện pháp này sẽ đưa đến các rủi ro cho một nguy cơ của đụng độ quân sự Mỹ - Trung trên khu vực biển Đông. Vì vậy, biện pháp khác và hữu hiệu hơn việc tạo ra căng thẳng và đối đầu quân sự giữa các bên, đó là chính quyền Mỹ có thể sử dụng biện pháp kinh tế.

000_Was8943980.jpg
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Phó tổng thống Mỹ Joe Biden ở Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 7/7/2015. AFP

Để có thể cân bằng địa chính trị tại khu vực biển Đông, chính quyền Biden cần sử dụng các công cụ kinh tế và áp dụng cách tiếp cận ba mũi nhọn.

Đầu tiên, Mỹ cần đưa ra giải pháp thay thế cho các dự án cơ sở hạ tầng đắt đỏ và tài chính kiểu săn mồi” của Trung Quốc trong sáng kiến Vành đai và con đường” bằng cách hợp tác với các nước thuộc nhóm Bộ tứ”. Chính quyền Biden cần tận dụng Tổ chức tài chính phát triển quốc tế mới thành lập và các tổ chức tài trợ đa phương như Ngân hàng phát triển châu Á và Tổ chức tài chính quốc tế để tài trợ cho các dự án phát triển và hạ tầng ở Đông Nam Á. Bằng cách áp dụng mô hình được sử dụng để sản xuất vaccine chống COVID-19 cho Đông Nam Á, theo đó Mỹ sẽ chia sẻ công nghệ và Nhật Bản sẽ tài trợ, thì Mỹ có thể giảm chi phí cho ngân khố.

Thứ hai, lệnh hành pháp do Biden ký để rà soát chuỗi cung ứng cần mở rộng ưu tiên dịch chuyển các nhà máy ra khỏi Trung Quốc và sang các nước ở Đông Nam Á như Việt Nam, Thái Lan và Philippines. Nền kinh tế Việt Nam và Thái Lan đã tận dụng thành công  chiến tranh thương mại Mỹ-Trung và nhanh chóng tiếp nhận các nhà máy và ngành công nghiệp di dời khỏi Trung Quốc khi các công ty này tìm cách né tránh thuế quan. Việt Nam, Thái Lan và các nước khác trong khu vực có thể tiếp nhận các chuỗi cung ứng mới.

Thứ ba, chính quyền Biden cần tái gia nhập Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). CPTPP đã đưa Mỹ vào cấu trúc thương mại châu Á. Nếu không có Mỹ trong CPTPP và với việc Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) do Trung Quốc đứng đầu được phê chuẩn, vai trò bá chủ khu vực của Trung Quốc sẽ được củng cố và vai trò của Mỹ trong khu vực giảm xuống mức thấp nhất. Hơn nữa, nếu thị trường Mỹ là một phần của CPTPP thì các nền kinh tế Đông Nam Á sẽ tăng gấp đôi tổng sản phẩm quốc nội, với mức tăng trưởng trên 10% như Việt Nam chẳng hạn.

Trong tương lai, các công cụ kinh tế như viện trợ, chuỗi cung ứng, hiệp định thương mại và các loại cà rốt” khác cho Đông Nam Á sẽ là giải pháp lâu dài, hiệu quả hơn cho tranh chấp Biển Đông so với đối đầu quân sự.

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.

Nhận xét

Liên Hiệp Châu Âu
10/04/2021 20:42

Trên thế gưới hầu hết các cường quốc đều có nền văn minh và sự phát triển tốt đẹp, tôn trọng và hòa đồng. Duy chỉ có Trung quốc khác hẳng thế giới hiện đại và văn minh ngày nay khi Trung quốc cứ nuôi tư tưởng đại hán nước lớn, dân đông, có nền kinh tế hy vọng sắp vượt qua Mỹ nên Trung quốc cứ nghĩ rằng thế giới chắc sợ Trung quốc , không muốn động chạm gì đến Trung quốc và muốn kề cạnh với Trung quốc. Nên Trung quốc luôn chơi với thế giới kiểu mèo vờn chuột. Cụ thể đối với các nước nhỏ, Trung quốc vừa đấm vừa xoa, vừa hù dọa và hù dọa thật mạnh cừa dỗ ngọt, đối với các cường quốc, Trung quốc tìm cách ru ngủ để các cường quốc im hơi lặng tiếng để Trung quốc thôn tính dần từng nơi trên thế giới cho đến khi thừa sức áp đặt toàn cầu. Mộng của các quan chức Trung quốc khi dduwowdj bầu vào vị trí lãnh đạo đều phải hứa mỗi ngày, mỗi tháng, Trung quốc quyết tâm tìm mọi cách mở rộng lãnh thổ bằng cách xâm chiếm nhưng không đổ máu, hù dọa là chủ yếu và đem tàu gọi là dân sự tới lãnh thổ nước khác kím chuyện núp gió nằm ì ở đó lâu ngày sẽ lấy cớ tuyên bố chủ quyền. Tư tưởng của các quan chức Trung quốc là như vậy đó.

Anonymous
11/04/2021 13:06

Một lý do để tác giả "gợi ý" cho Mỹ gia nhập CPTPP, là: "nếu thị trường Mỹ là một phần của CPTPP thì các nền kinh tế Đông Nam Á sẽ tăng gấp đôi tổng sản phẩm quốc nội, với mức tăng trưởng trên 10% như Việt Nam chẳng hạn", theo tôi, là không có cơ sở, không có lôgich.

Xưa kia thời Obama, Mỹ muốn có TPP, coi như một "hàng không mãu hạm" chống TQ bành trướng. Còn nay, khi Trung Quốc đã là thành viên, thì Mỹ nên đứng ngoài, vừa bảo vệ được thị trường trong nước, có lợi về kinh tế cho nước Mỹ hơn, mà vẫn có thể tự do hợp tác song phương, ký Hiệp định FTA với bất cứ nước nào.

Tác giả lo Mỹ không gia nhập CPTTP, Trung quốc sẽ "làm bá chủ khu vực", và "vai trò của Mỹ sẽ giảm xuống mức thấp nhất", nhưng đồng thời tác giả lại thấy "sự hung hăng của Trung Quốc đẩy Việt Nam vào “vòng tay” của Hoa Kỳ" - thì thấy, nỗi lo Mỹ không vào CPTTP của tác giả là thừa!
Vì TQ sẽ không bao giờ hết hung hăng để độc chiếm Biển Đông. Vào "vòng tay" của Hoa Kỳ,
Trớ trêu, hài hước nhất là bị đẩy vào "vòng tay" Hoa Kỳ, ở VN, đấy sẽ là... sự lãnh đạo tài tình của Đảng.
Đảng quăng vinh, bác vãi đại.

thềm sơn hà
11/04/2021 14:32

Trung Cộng sẽ không bao giờ dám gây ra chiến tranh với Hoa Kỳ ở Biển Đông. Khả năng của lực lượng quân sự TC vẫn còn yếu kém so với Mỹ.
Chỉ cần hải quân và tuần duyên HK tuần tiễu thường trực ở Biển Đông.
Tuy nhiên Mỹ phải cần có hải cảng cận kề để dễ dàng trong việc điều động chiến hạm, chỉ có hai căn cứ là Cam Ranh và Subic Bay thỏa mãn nhu cầu này.
Chưa thấy Phi đề cập đến việc cho phép Mỹ trở lại Subic Bay.
Do vậy Việt Nam phải chủ động đàm phán để lưc lượng HK sử dụng Cam Ranh.

Người dân Asean
11/04/2021 20:40

Asean và toàn thế giới hãy luôn cảnh giác với Trung quốc vì Trung quốc không tốt lành gì với ai đâu. Trung quốc luôn nuôi mộng và tư tưởng đại hán, muốn bá chủ toàn cầu chứ không muốn nước nào ngang hàng với Trung quốc. Trung quốc chơi trò chơi bỉ ổi, chờ cơ hội và chờ sơ hở của nhân dân thế giới là Trung quốc lợi dụng ngay. Hiên nay trong quan hệ đối tác, Trung quốc tìm mọi cách để nhiều nước ngày càng lâm nợ Trung quốc vì Trung quốc biết rằng chỉ có cho lâm nợ, Trung quốc mới điều khiển nước đó được. Khi nước nào đó lâm nợ Trung quốc, Trung quốc sẽ đưa ra 2 điều kiện: một là trả hết nợ cho Trung quốc; hai là để lãnh thổ cho Trung quốc chọn vị trí trọng yếu thuê 99 năm đến thời hạn 60 năm, Trung quốc tiếp tục thuê 99 năm tiếp theo và nước lâm nợ phải tuân thủ mọi chỉ đạo của Trung quốc. Đó là không phản đối việc làm sai trái của Trung quôc đồng thời lên tiếng công khai ủng hộ mọi quan điểm của Trung quốc.