Scandal khinh khí cầu – Giọt nước tràn ly

Bình luận của Tô Hiệu
2023.02.07
Scandal khinh khí cầu – Giọt nước tràn ly Kinh khí cầu của Trung Quốc được chụp hôm 1/2/2023 và công bố hôm 2/2/2023 trên bầu trời bang Montana, Mỹ.
AFP

Xem cách phản ứng của Mỹ đối với hành động “lỡ trớn” về ngoại giao của Trung Quốc, khỏi phải thắc mắc, tại sao tháng 7 năm ngoái, Ngoại trưởng Antony Blinken “cancel” (bỏ) chuyến thăm Việt Nam, dẫu ông đã đi qua “cửa ngõ” của Hà Nội. Với Trung Quốc, Mỹ còn sát ván đến như thế, thì một Việt Nam dẫu còn nặng duyên nợ, nhưng vẫn ỉ eo trong quan hệ… Mỹ có thể cho “đi tàu suốt” cũng là điều có thể hiểu được.

_______________

Sáng 5/2/2023, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố “có quyền” đưa ra những biện pháp cần thiết để bảo vệ “quyền lợi chính đáng” của họ. Tuyên bố này đáp lại việc ngày 4/2, một máy bay chiến đấu quân đội Mỹ đã bắn hạ khinh khí cầu được cho là phương tiện do thám của Trung Quốc khi nó dạt ra tới ngoài khơi bờ biển của bang South Carolina. Sau khi khinh khí cầu bị bắn hạ, dưới một đoạn video ngắn trên trang web của Đài Truyền hình Nhà nước Trung Quốc, có thể đọc những dòng sau đây: “Kể từ bây giờ, chúng ta sẽ đáp trả họ điều tương tự bằng cách tấn công hoặc đánh chìm mọi chiến đấu cơ, tầu chiến của Mỹ thâm nhập vào vùng biển Trung Quốc”. Hiện giờ, báo chí Bắc Kinh đưa tin chừng mực về vụ này. Có khả năng Trung Quốc lo ngại phản ứng của những kẻ theo chủ nghĩa dân tộc, cực kỳ nhạy cảm trước sự kiện có thể được coi là “mất thể diện”, cũng như lo ngại về những gì mà Hải Quân Mỹ có thể phát hiện ra trong những mảnh vỡ của quả khinh khí cầu bí hiểm mà Mỹ vừa thu được. (1)

Xưa nay, các quốc gia, nhất là các nước lớn do thám nhau là “chuyện thường ngày ở huyện”, nhưng người ta không tiến hành công khai. Thực thi các vụ do thám một cách trắng trợn như cho “balloon” bay vào không phận nước khác, giữa ban ngày ban mặt, như Trung Quốc vừa tiến hành từ cuối tháng trước đến nay đối với Mỹ, thì đúng là chuyện hy hữu. Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã buộc phải đứng ra “sorry” (xin lỗi) cho thấy hành tung lộ rõ đến mức không thể chối cãi. Điều hơi lạ là báo chí “lề phải” của Việt Nam được phép đưa tin Trung Quốc do thám trên đất Mỹ khá sớm và rất ồn ào (Chủ yếu theo nguồn của phương Tây). Có thể mấy tờ báo này uống “thuốc liều” chăng (2)? Không chỉ công bố các hoạt động bất hợp pháp của Trung Quốc trên không phận Mỹ, mà còn dám đưa tin hôm 2/2, Bộ Quốc phòng Canada thông báo đã phát hiện một “khinh khí cầu do thám tầm cao”, và đang theo dõi “sự cố thứ hai có thể xảy ra”. Cũng theo báo chí trong nước, sự cố khinh khí cầu gián điệp của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) không chỉ gây chấn động ở Mỹ mà còn khiến Canada bất bình. Hôm cuối tuần qua (3/2) phía Canada đã triệu Đại sứ Tùng Bồi Vũ (Cong Peiwu) của Trung Quốc về vụ việc. (3)

Nhận định về vụ khinh khí cầu Trung Quốc bị bắn rơi khi xâm phạm không phận Mỹ, bài viết trên nbcnews.com cho rằng, những nỗ lực của Ngoại trưởng Antony Blinken nhằm làm chậm lại sự tuột dốc trong quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã bị thổi bay bởi quả khí cầu của Trung Quốc. Kỳ vọng vào chuyến đi vốn đã thấp. Không bên nào hy vọng có bước đột phá trong các vấn đề chủ chốt như Đài Loan, nhân quyền hay thương mại. Ian Johnson, thành viên cao cấp của Hộ Đồng Đối ngoại Mỹ nói với truyền thông trước khi chuyến đi bị đình hoãn: “Các nhà lãnh đạo Trung Quốc và Mỹ cần chứng tỏ rằng mối quan hệ đang được quản lý và nó không vượt khỏi tầm kiểm soát”. Scandal khinh khí cầu là giọt nước tràn ly trong quan hệ Mỹ - Trung, cùng với những vấn đề khác như căng thẳng về Đài Loan, các cuộc chạm trán ở Biển Đông, các động thái pháp lý của Mỹ đối với các công ty công nghệ Trung Quốc, một Quốc hội Mỹ ngày càng diều hâu và các dự đoán cuộc tấn công của Trung Quốc vào Đài lơn sẽ diễn ra sớm hơn dự kiến (4).

Một câu hỏi mang tính thách đố nhưng chưa thấy báo chí “lề phải” ở Việt Nam tham gia. Vụ “khinh khí cầu” vừa qua là vô tình hay cố ý? Mạng xã hội bình luận nghiêng về đánh giá, Trung Quốc cố ý khiêu khích Mỹ và gây khó cho ông Ngọai trưởng trong chuyến đi được cho là để nhằm mục đích “tái thiết lập nền tảng của mối quan hệ và đưa ra một số thủ tục và cơ chế để có thể vượt qua căng thẳng”. Ngày 31/1/2023, tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), ông Jude Blanchette, Chủ tịch Freeman về Nghiên cứu Trung Quốc, đã nhấn mạnh rằng, không nên có “nhiều kỳ vọng” về bất kỳ “bước đột phá quan trọng” nào từ chuyến đi. Không phải vì ông Chủ tịch bi quan, mà chủ yếu ông đánh giá căn cứ vào các chuyển động tại khu vực Đông Á trước kế hoạch ban đầu của ông Blinken. Những nước cờ mới của Mỹ trong khu vực đương nhiên không thể lọt qua mắt Trung Quốc. Một tướng Không quân Hoa Kỳ bỗng dưng chủ động công bố các thời điểm được báo trước khi nào thì Trung Quốc sẽ “động thủ” đối với Đài Loan trong tương lai. (5)

Khó có thể cho là vô tình khi Trung Quốc đẩy “balllon” vào đất Mỹ, Canada, thậm chí cả Trung Mỹ trước một cuộc đối thoại quan trọng năm năm nay mới lặp lại. Ngoại trưởng Mike Pompeo thăm Trung Quốc tháng 10/2018 và sau đấy Pompeo đã có các phát biểu gay gắt nhắm vào Đảng Cộng sản Trung Quốc, cho rằng ĐCSTQ tập trung mọi nỗ lực vào việc thống trị thế giới và do đó cần phải bị thách thức (6). Sau vụ scandal khinh khí cầu, chắc phải mất một thời gian thì chuyến thăm Trung Quốc của Blinken mới có thể tái lập. Lâu hay mau sẽ còn tùy thuộc vào các diễn biến của vụ Mỹ bắn hạ “phương tiện bay” của Trung Quốc hôm 4/2. Nếu Trung Quốc sẽ hành động như đã đe dọa trong Tuyên bố của Bộ Ngoại giao, tức là sẽ hạ thủ các máy bay hay tàu chiến của Mỹ trên Biển Đông để trả đũa, thì chuyến đi của Blinken có thể bị “xóa sổ”. Nhưng xét tới nhu cầu khách quan của việc đôi bên đang thực sự muốn xác lập trở lại nền tảng mối bang giao, khi quan hệ song phương hầu như đã chạm đáy, thì cả Trung Quốc lẫn Mỹ khó có thể đẩy căng thẳng lên cao hơn nữa.

Kỳ vọng chung đối với chuyến công du Bắc Kinh của Blinken, nếu vẫn diễn ra trong tương lai gần, là tạo cơ sở để Hoa Kỳ và Trung Quốc rồi sẽ giao lưu nhiều hơn trong năm 2023 nhằm cùng nhau xử lý những bất đồng, tránh gây xung đột trực tiếp. Ít nhất, ba trong nhiều vấn đề nằm trong nghị trình của chuyến thăm có kết nối với “nền ngoại giao cây tre” của Việt Nam. Thứ nhất, đó là quan điểm đối với cuộc chiến tranh xâm lược của Nga chống lại Ukraine. Việt Nam không thể duy trì mãi lập trường kỳ quặc: Trước Liên hợp quốc thì tuyên bố mình không chọn bên, chọn lẽ phải, chính nghĩa, nhưng khi bỏ phiếu, lại xếp hàng cùng Trung Quốc, Bắc Triều Tiên. Thứ hai, đó là thái độ đối với chính sách “một Trung Quốc” trong vấn đề Đài Loan. “Cho ăn kẹo”, Chủ tịch Vương Đình Huệ cũng không dám hành động như bà Pelosi hay tân Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy đã và sẽ đi thăm Đài Loan. Đài Bắc luôn sử dụng những nguồn lực kinh tế của hòn đảo để đổi lấy lợi ích chính trị từ Việt Nam. Còn Hà Nội thì luôn phải dè chừng trong quan hệ với Đài Loan để không chọc giận Trung Quốc. Thứ ba, phải tìm ra phương cách để đối phó với tình hình Biển Đông ngày càng phức tạp do chính sách “tằm ăn dâu” của Bắc Kinh. (7)

Nhưng có lẽ Trung Quốc “nóng mặt” hơn cả là các thỏa thuận vừa đạt được giữa Manila và Washington về việc Philippines sẽ cho phép Hoa Kỳ tiếp cận thêm bốn địa điểm nữa theo Thỏa thuận Tăng cường Hợp tác Quốc phòng (EDCA) từ 2014, cho phép huấn luyện chung, bố trí thiết bị và xây dựng các cơ sở như đường băng, kho chứa nhiên liệu và nhà ở quân sự. Với việc công bố thỏa thuận này, hai bên đã nâng tổng số địa điểm EDCA lên chín cơ sở cả thảy. Chuyên gia Đông Nam Á Gregory Poling tại CSIS ở Washington cho biết các địa điểm sẽ nằm trong “khu vực chiến lược” và có khả năng bao gồm các cơ sở hải quân và có thể cả các cơ sở thủy quân lục chiến. Trong số năm đồng minh theo hiệp ước của Hoa Kỳ tại Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (Úc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Philippines và Thái Lan) thì Philippines nằm gần Đài Loan nhất, vùng đất Luzon ở cực bắc của nước này chỉ cách đó 200 km. Các chuyên gia cho biết Luzon rất được quân đội Mỹ quan tâm vì là một địa điểm tiềm năng cho các hệ thống rốc-két, phi đạn và pháo có thể được sử dụng để chống lại một cuộc xâm lược đổ bộ vào Đài Loan. EDCA là ưu tiên của chính quyền Biden và là một phần trong nỗ lực chiến lược của Mỹ trong khu vực. (8)

Theo dõi sự “quay xe” của Philippines đối với Trung Quốc, giới quan sát thấy nổi lên hai xu hướng ngược nhau về chính sách giữa Pilippines và Việt Nam, đặc biệt trong chính sách đối ngoại (9). Đối với Phlippines, chuyến thăm của Tổng thống Marcos Jr. đến Bắc Kinh (4/1/2023) được đánh giá là phép thử chính sách đối ngoại độc lập của ông Marcos Jr. theo đuổi từ khi lên nắm quyền. Chuyến thăm diễn ra hơn một tháng sau khi Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris thăm Philippines và có những “cam kết vững chắc” với Manila như là đồng minh quan trọng trong khu vực (10). Trong khi đó, sau các cuộc hội kiến với ông Tập ở Bắc Kinh (1/11/2022), TBT Nguyễn Phú Trọng chỉ tập trung xử lý các vấn đề trên thượng tầng Ba Đình, để mặc cho quan hệ Việt – Mỹ gần như đóng băng. Nhân đây, nên nhìn nhận cách phản ứng của Mỹ đối với hành động “lỡ trớn” về ngoại giao của Trung Quốc. Khỏi phải thắc mắc, tại sao tháng 7 năm ngoái, Ngoại trưởng Antony Blinken “cancel” chuyến thăm Việt Nam, dẫu ông đã đi qua “cửa ngõ” của Hà Nội. Với Trung Quốc, Mỹ còn sát ván đến như thế, thì một Việt Nam dẫu còn nặng duyên nợ, nhưng vẫn ỉ eo trong quan hệ… Mỹ có thể cho “đi tàu suốt” cũng là điều có thể hiểu được.

__________

Tham khảo:

1. https://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20230205-v%E1%BB%A5-khinh-kh%C3%AD-c%E1%BA%A7u-trung-qu%E1%BB%91c-s%E1%BA%B5n-s%C3%A0ng-b%E1%BA%AFn-h%E1%BA%A1-t%E1%BA%A7u-chi%E1%BA%BFn-v%C3%A0-m%C3%A1y-bay-m%E1%BB%B9-trong-v%C3%B9ng-bi%E1%BB%83n-%C4%91%E1%BB%83-%C4%91%C3%A1p-tr%E1%BA%A3

2. https://vietnamnet.vn/my-trien-khai-f-22-theo-doi-vat-the-nghi-la-khi-cau-do-tham-cua-trung-quoc-2106258.html 

3. https://trithucvn.org/the-gioi/canada-trieu-tap-dai-su-trung-quoc-vi-vu-khinh-khi-cau-gian-diep.html

4. https://www.nbcnews.com/news/world/blinken-beijing-trip-suspected-chinese-spy-balloon-us-rcna68959

5. https://www.csis.org/analysis/previewing-secretary-blinkens-china-visit

6. https://www.bbc.com/vietnamese/world-50244899

7. https://www.bbc.com/vietnamese/forum-64437561

8. https://www.bbc.com/vietnamese/articles/c04pe34p0v5o

9. https://thanhnien.vn/philippines-dang-quay-xe-trong-quan-he-doi-ngoai-1851508478.htm 

10. https://www.vietnamplus.vn/pho-tong-thong-my-tham-philippines-cai-dat-lai-quan-he-dong-minh/831897.vnp

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.

Nhận xét

Duy Hữu, USA
08/02/2023 07:15

Gió đã đổi chiều, sóng đã đổi hướng. Thế giới tự do và Hoa Kỳ đã đổi hướng, đã đổi chiều, đã đổi chiêu.

Con thuyền Việt Nam muốn thuận buồm, xuôi gió, vượt sóng gió, tiến tới tương lai... độc lập + tự do + hạnh phúc...
Hay muốn ngược sóng gió, chết chìm, chết chùm, với giặc Tàu Cộng và Việt Cộng, cờ đỏ búa liềm, độc tài, độc đảng, độc quyền ?