Chẳng cần gì, chỉ cần đường
2024.09.28
GS.TS Hoàng Văn Hoa (nguyên Viện trưởng Viện đào tạo quốc tế, Trường Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội) kể: “Từ những năm 1995 - 2005, khi nghiên cứu về giảm nghèo cho đồng bào các dân tộc vùng miền núi phía Bắc, các chuyên gia đã đề xuất: đối với khu vực này không đặt nặng vấn đề tăng trưởng kinh tế, mà cả nước có thể nuôi nhân dân vùng này để họ trồng rừng và bảo vệ rừng. Cụ Hoàng Đức Nghi lúc đó là Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc và Miền núi rất tâm đắc quan điểm này. Rốt cuộc cũng chẳng ai thực hiện.
Đúng là về lý thuyết, kiến nghị này không được thực hiện. Trong các khoản thuế phí và đóng góp định kỳ cũng như đột xuất của hơn trăm triệu dân Việt Nam, không có khoản nào tên là “Phí nuôi dưỡng người dân miền núi” cả.
Nếu có một khoản phí như thế thì lâu nay chúng ta-cả Nhà nước và dân-đã tiết kiệm được hơn rất nhiều.
Nhưng, người dân miền núi thực sự cần được cả nước nuôi, hay cần điều gì khác?
Phá rừng thì chết, không phá thì đói
Cho đến tận bây giờ, người miền núi vẫn hàng ngày vào rừng đặt bẫy chim và thú, xuống suối bẫy cá, trèo cây lấy mật ong, hái phong lan, đào cây thuốc, chặt gỗ, chặt vầu, luồng, tre thuê, hái măng… Bắp lúa trồng được bao nhiêu ăn bấy nhiêu, thiếu ăn có Nhà nước cấp gạo.
Rừng nguyên sinh bị phá thì Nhà nước… trồng rừng sản xuất!
Rốt cuộc cả Nhà nước và dân miền núi đều bị mắc vào một cái vòng luẩn quẩn vô tận: Không phá rừng thì dân đói. Mà phá rừng thì dân chết.
Mấy chục năm trước giải pháp trồng rừng sản xuất được các địa phương đón nhận như một vị cứu tinh. Quả thật nó đã tạo được nguồn thu khá dồi dào cho cả đời sống người dân miền núi lẫn nền kinh tế địa phương. Nhưng sau vài chục năm liên tiếp phủ kín vô vàn cánh rừng nguyên sinh bằng những vườn cây tràm, keo, bạch đàn, bồ đề, cao su…, thiệt hại ngày càng lớn về người và của do thiên tai đã khiến các lãnh đạo địa phương phải chùn lại để suy nghĩ.
Nhà nước kêu gọi trồng rừng gỗ lớn, phục hồi rừng giàu, hướng đến bán các sản phẩm giá trị cao từ rừng… Thế nhưng đó là câu chuyện của ít nhất ba mươi năm. Trong ngắn hạn, người dân miền núi vẫn còn bị tắc nghẽn giữa mong muốn có đời sống kinh tế thảnh thơi như người miền xuôi và khó khăn trùng điệp của vùng đất quê hương.
Chỉ cần đường
Nhiều năm trước, vô tình một lần tôi được ăn gạo nương, đúng thứ gạo nương được truyện cổ tích của nhiều dân tộc thiểu số mô tả: to đẹp như con ong, mẩy óng, vừa dẻo vừa giòn, một va chạm xúc giác đặc biệt mà nhiều loại gạo danh tiếng khác của miền xuôi không có.
Rồi trên một bản xa tít người dân tộc Thái trắng Sơn La, tôi được đãi bữa xôi sáng do chính tay những phụ nữ dân tộc Thái đồ lên với thứ lá rừng nào đó chỉ họ biết. Gạo nếp lần này không có gì đặc biệt, chỉ là giống nếp bình thường người dân vẫn trồng. Nhưng thứ lá rừng kia khiến mâm xôi xanh biếc và thơm nồng ngai ngái, một mùi thơm quyến rũ lạ lùng. Nó không bốc lên ngào ngạt mà như ẩn như hiện, không giống mùi hương liệu mà là mùi của ban mai giữa thiên nhiên tràn trề tươi mới.
Ngay cả chén chẩm chéo để chấm xôi cũng đặc biệt trong sự đơn giản. Nó được giã tay với muối hột, ớt trái chín đỏ và ớt còn xanh, cùng với lá ớt rừng. Vị cay, the, thơm nồng, chút mặn mòi quyện lấy miếng xôi nguyên vị, sao mà ngon thấu đến tận tế bào.
Và trong một đêm uống rượu cần với người Re nơi miền núi tít tắp Quảng Ngãi, người dân chỉ cho tôi vài “bí quyết”: rượu ủ bằng men lá và ủ bằng nguyên hạt thóc chứ không phải bằng gạo đã xay giã trắng. Hương vị của nó là thứ mà người ta chỉ cần uống một lần trong đời rồi sẽ mãi không quên: vẫn là cái mùi thơm ngai ngái đặc biệt của lá cây, ban đầu thì nhạt như nước suối nhưng vị hậu ngọt và cay thơm tưởng như thoang thoảng mà sâu không tưởng, dụ hoặc uống mãi uống hoài, cho đến khi cơn say lan dịu dàng mà không thể ngăn cản từ bên trong ra thả thân ta ngả nhẹ uống mảnh chiếu trải trên nhà sàn khi tay vẫn đang mải vít ống cần. Rồi cứ thế ngủ thiếp đi trong hơi lửa ấm và khí núi lành lạnh xen lẫn, thẳng tròn một giấc đến tận sáng hôm sau bừng dậy khỏe khoắn, sáng tươi, không hề mỏi mệt, không hề nhức đầu.
Có vô số đặc sản của miền núi, từ miền núi, do người dân miền núi tự tay sản xuất và chế biến sẽ giúp người dân miền núi sống tốt ngay tại bản làng giữa thung lũng của mình, nhất là khi Internet giúp bổ sung những kiến thức cần thiết để kinh doanh và kết nối với người tiêu dùng.
Cho nên từ vài năm nay, các địa phương bắt đầu chú ý đến sản phẩm OCOP. Nó là một chương trình quốc gia, nghĩa là “Mỗi xã một sản phẩm”. Điểm sáng rực của OCOP là phát huy được sự phong phú đa sắc của các sản vật nông nghiệp và phi nông nghiệp trên khắp dải đất (quá dài) của Việt Nam, đồng thời cũng hạn chế được tính bất ổn, manh mún, chất lượng không đồng đều của chúng.
Về lý thuyết, chính phủ kiểm soát và bảo đảm chất lượng của sản phẩm OCOP khi bán ra thị trường.
Với sự phát triển của thương mại điện tử, một nông dân ủ rượu ngô men lá ở Na Hang (Tuyên Quang) có thể bán thẳng sản phẩm cho người dùng ở tận Cà Mau. Một chị dân tộc Cor ở miền núi Trà Bồng (Quảng Ngãi) có thể trở thành đối tác của doanh nghiệp để bán thẳng tinh dầu gừng gió đến khách hàng Hà Nội. Dân Lào Cai Yên Bái bán thịt trâu gác bếp cho dân nhậu Hà Nội, Sài Gòn. Có hàng ngàn mặt hàng đặc sản nho nhỏ, sản lượng thấp, chất lượng và số lượng thay đổi theo mùa, khu trú nhưng đặc sắc ở khắp các làng xã nông thôn, miền núi, hải đảo. Hiện nay đã có đến gần 10.000 loại sản phẩm OCOP khắp cả nước.
Đó là một hướng đi sáng sủa và phù hợp với xu thế, phù hợp lối sống của người Việt vốn thích ăn uống, thích món lạ, thích sản phẩm nguyên chất từ thiên nhiên.
Đã có 20 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn quốc tế. Một trong số đó là chè/trà shan tuyết của người Dao đỏ ở Hà Giang, giá bán nhiều triệu đồng một ký.
Có lẽ không ngoa ngôn cho lắm khi nói bây giờ, với internet, người miền núi chẳng cần gì, chỉ cần đường.
Đường giao thông là yếu huyệt của miền núi. Ước mơ lớn nhất của người miền núi là có những con đường giao thông thông suốt và an toàn. Chỉ cần có đường, miền núi sẽ trở thành một mảnh của thiên đàng.
Nhưng địa hình miền núi quá khó khăn, thời tiết thất thường và ngày càng cực đoan. Ngân sách Nhà nước cấp thiếu hụt. Nạn tham nhũng và bệnh thành tích khiến hệ thống giao thông miền núi bị rút ruột nhiều nhất, khiến những con đường, chiếc cầu làm ra có chất lượng rất xấu, xi măng sắt thép mà mỏng manh như giấy. Nên suốt nhiều chục năm nay, ước mơ của đồng bào cứ như đốm lửa trên núi, nhìn thấy, nghe thấy mãi (trên tivi) nhưng không biết bao giờ mới chạm được tay vào.
Không có đường thì rừng núi sẽ biến thành nhà ngục xanh của người bản địa. Không có đường thì không có điện, không có giao thương, không có trường học, không có kiến thức. Người miền núi không được học hành, ít nhất là không học thông viết thạo quốc ngữ thì dù có muốn bán sức đi làm những công việc rẻ mạt nhất ở thành thị cũng không có cửa. Sẽ dễ dàng làm những việc phạm pháp như bán ma túy, trồng thuốc phiện, cần sa. Sản vật địa phương dù rất hiếm quý cũng chỉ có thể bán thô cho vài thương lái cò con với giá rẻ mạt, mà cả người sản xuất lẫn thương lái đa phần đều không hiểu hết, không đánh giá hết giá trị.
Đừng chỉ mê mẩn miền núi qua những góc ảnh đẹp như tiên cảnh nhưng rỗng bụng như ruộng bậc thang nữa. Hãy để người dân miền núi bán vẻ đẹp đó để lấy tiền.
Lại càng đừng đối xử với miền núi như những dân tộc thấp kém ngơ ngác luôn luôn cần cứu trợ và từ thiện quanh năm, từ hạt gạo cho đến manh quần tấm áo cũ. Người miền núi cường tráng và giàu tiềm năng, giàu nội lực hơn cái cách họ bị người dưới xuôi đánh giá nhiều lắm. Hãy làm những con đường không cần quá to rộng nhưng an toàn và thông suốt đến các thôn bản, rồi những đứa con của thiên nhiên sẽ chứng tỏ cho thấy họ giàu có và mạnh mẽ thế nào.
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do.
* Nguyễn Nhơn là nhà báo Việt Nam hiện đang sống ở Thái Lan. Nhà báo Nguyễn Nhơn quan tâm đến tình hình đất nước và viết nhiều bài về các vấn đề chính trị và xã hội trong nước.