Đối với TBT Tô Lâm, ưu tiên số một là duy trì chế độ
2024.09.09
Trong Phần 1 bài viết lưu ý về “tính hợp lý” của chế độ toàn trị và, nó không thể sụp đổ, thậm chí trong các cuộc khủng hoảng kế vị, nếu không có những biến cố lớn từ bên ngoài… Với những ưu thế về quyền lực, tân Tổng bí thư Tô Lâm đang khẳng định tính chính danh của mình trước hết trong nội bộ Đảng, nhưng việc xác định tính chính danh cho Đảng, cho chế độ trước nhân dân thông qua bầu cử thực chất sẽ là không thể. Trong thời khắc chuyển giao quyền lực ưu tiên số một vẫn là duy trì chế độ.
Phần 2
ƯU TIÊN SỐ MỘT - DUY TRÌ CHẾ ĐỘ
Việc khẳng định tính chính danh trên trường quốc tế là ‘nước cờ’ tiếp theo, khôn ngoan và khó đoán định đối với nhà lãnh đạo đảng CS toàn trị. Việc thăm chính thức Trung Quốc của ông tân Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm vào ngày 18/8/2024, nghĩa là chỉ hai tuần sau khi được BCH TƯ Đảng bầu, khiến cho các nhà quan sát chính trị chú ý. Nó, cũng như mọi lần, luôn được tuyên truyền là thành công tốt đẹp,[1] nhưng mang nhiều ý nghĩa, chẳng hạn, không chỉ tiếp tục chính sách “ngoại giao cây tre” mà còn về quan hệ kinh tế, địa chính trị trong bối cảnh thế giới phức tạp, khó lường, trong đó có cuộc cạnh tranh Trung - Mỹ. Để ‘cân bằng’, có tin ‘chưa chính thức’ từ truyền thông rằng ông Tô Lâm sẽ thăm Hoa Kỳ vào tháng 9/2024 trong dịp kỳ họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ở New York…
Và, rồi sau đó, theo ông Tổng thư ký Quốc hội, Cơ quan này sẽ tiến hành bầu chức danh chủ tịch nước vào kỳ họp tháng 10/2024, hé lộ khả năng ông Tô Lâm sẽ thôi kiêm nhiệm chức danh chủ tịch nước vào dịp Hội nghị BCHTW lần thứ 10 được nhóm họp, như thông lệ, trước kỳ họp Quốc hội… Điều này có nghĩa là nguyên tắc tập thể, mặc dù yếu đi” dưới thời cố Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, nhưng dường như vẫn sẽ vận hành, khác biệt với Đảng CS Trung Quốc, để duy trì chế độ. Hãy chờ xem sự thể thế nào. Tuy nhiên, theo tôi, sự tương đồng ý thức hệ với “cộng đồng chia sẻ tương lai” sẽ là yếu tố ảnh hưởng nhất đối với Đảng CS Việt Nam.
Có thể thấy, trong thời gian tương đối ngắn, tân Tổng bí thư Tô Lâm, về cơ bản, bước đầu hoàn tất bộ máy lãnh đạo đảng và chính phủ cấp trung ương. Giống như người tiền nhiệm, ông Tô Lâm luôn nhấn mạnh công tác nhân sự Đảng và, rằng trong Hội nghị TƯ 10, dự kiến nhóm họp vào tháng 10, sẽ tiếp tục kiện toàn nhân sự lãnh đạo cấp cao, sau đó là chuẩn bị nhân sự cho các đại hội cấp địa phương vào năm 2025 hoàn tất trước Đại hội 14 dự kiến tổ chức vào đầu năm 2026. Trong công tác nhân sự Đảng CS xu hướng tăng cường quyền lực cho “phái lực lượng vũ trang” (công an và quân đội) sẽ tiếp tục được ưu tiên. Hiện thời trong Bộ Chính trị có năm uỷ viên có nguồn gốc công an và ba uỷ viên xuất thân từ quân đội. Họ sẽ tiếp tục chia sẻ, dù mang tính hình thức, quyền lực trong nguyên tắc tập thể lãnh đạo khi phương án nhất thể hoá hai chức danh cao nhất của đảng và nhà nước vẫn còn bỏ ngỏ.
Trong chế độ đảng cộng sản toàn trị tổng bí thư có quyền lực tuyệt đối khi ông ấy đứng đầu các tổ chức quyền lực nhất của đảng như Quân uỷ Trung ương, Hội đồng quốc phòng – an ninh, Ban chỉ đạo cải cách tư pháp (nếu tổng bí thư kiêm chủ tịch nước); Ban chỉ đạo TƯ phòng chống tham nhũng, tiêu cực… Ngoài ra, dưới thời ông Trọng, tổng bí thư còn từng giữ chức vụ quan trọng khác như Ủy viên Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương… Bởi vậy, về thực chất, ông ấy có thể chỉ đạo trực tiếp Bộ Công an và, ông Tô Lâm ‘thuận tiện’ để chỉ kế thừa, quyền lực được nhân lên và cụ thể hoá trong vận hành… Tuy nhiên, kể cả khi nắm giữ quyền lực tuyệt đối thì việc bảo vệ, duy trì quyền lực luôn là thách thức đối với tân Tổng bí thư Tô Lâm.
Trước hết, trong bối cảnh tham nhũng nghiêm trọng và mang tính hệ thống hiện nay thì việc thanh lọc, lựa chọn, bổ nhiệm luôn là vấn đề nan giải vì niềm tin nội bộ giữa những người ‘đồng chí’ không còn ‘như xưa’ khi nền tảng tư tưởng bị lung lay dữ dội. Điều này lý giải vì sao ông Tô Lâm phải đưa những người đồng nghiệp an ninh và đồng hương vào các vị trí chủ chốt trong guồng máy lãnh đạo. Nhưng liệu có ai dám đảm bảo những quan chức được bổ nhiệm, ‘thân cận’ về mặt hình thức, là ‘trong sạch’ hay chí ít ‘có nhúng chàm’ nhưng sẽ ‘rửa tay’ để hối cải. Trong lịch sử toàn trị cho thấy những cuộc mặc cả kế nhiệm với việc bảo toàn cho những người tiền nhiệm và gia đình họ, chẳng hạn, cố Tổng thống Eilsin với Putin và, không loại trừ những ‘tin đồn’ về trường hợp cố Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là ‘sai’ sự thật?! Gần đây, trên kênh YouTube Nhân Việt Quốc Tế TV đã phải ‘lên tiếng’ vì ‘phản biện’ status Facebook của cựu Đại biểu Quốc hội Nguyễn Sĩ Dũng[2] ca ngợi ‘nhân cách’ của cựu thủ tướng Dũng khiến dư luận chú ý.
Hơn thế, vấn đề lớn nhất hiện nay đối với việc kiểm soát quyền lực, cả về nguyên lý và thực tiễn, là ai hay tổ chức nào trong chế độ có thể giám sát tha hoá quyền lực đối với bộ máy với sức mạnh vô đối của “công an và quân đội” về trước mắt và trong trung hạn?
Câu hỏi này đã từng được đặt ra với Đảng CS Trung Quốc dưới thời Tập Cận Bình, như một bài học thực tế: Đảng có thể bị đe doạ khi bạo lực vũ trang, an ninh lấn lướt hệ tư tưởng. Như đã biết, một sự kiện đình đám xảy ra trước thềm Đại hội 18 của ĐCS TQ năm 2012 là việc loại bỏ ông Chu Vĩnh Khang (sinh1942). Ông ta từng là Bộ trưởng Bộ Công an, từng giữ chức trong Ban thường vụ bộ chính trị lần thứ 17 và chủ nhiệm Ủy ban Chính trị - Pháp luật trung ương từ năm 2007 đến năm 2012. Trên cương vị đó, Chu giám sát các lực lượng an ninh và các cơ quan thực thi pháp luật của Trung Quốc. Lý do được đưa ra là trong thời gian còn đương chức, Chu Vĩnh Khang đã dính líu đến nhiều vụ tham nhũng, lạm dụng quyền hành và bị cáo buộc là một trong những thủ phạm chính trong cuộc đàn áp môn khí công Pháp Luân Công. Dư luận khi đó đồn đoán rằng Tập Cận Bình ngăn ngừa nguy cơ lộng quyền hay bị tiếm quyền khi Chu Vĩnh Khang được cho là đồng minh thân cận của Bạc Hy Lai (sinh năm 1949), cựu ủy viên Bộ Chính trị và bí thư Thành ủy Trùng Khánh, bị cách chức vì các bê bối chính trị và tham nhũng, nhưng thực chất là đấu đá, tranh giành quyền lực[3]. Năm 2023 - 2024 đánh dấu cuộc thanh trừng của Tập đối với các quan chức Bộ quốc phòng, trước hết là các tướng lĩnh chỉ huy của Lực lượng Tên lửa và đỉnh cao là ông Bộ trưởng quốc phòng Lý Thượng Phúc (sinh năm 1958), cựu Ủy viên Quân ủy Trung uơng, cựu Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Trung Quốc. Tháng 8/2023 ông ta đã bị miễn nhiệm chức Bộ trưởng Quốc phòng và Ủy viên Quốc vụ. Đến tháng 6 /2024, Lý Thượng Phúc cùng với Ngụy Phượng Hòa, cựu bộ trưởng tiền nhiệm, bị khai trừ khỏi Đảng và chuyển sang cơ quan kiểm sát khởi tố vì nghi ngờ phạm tội đưa và nhận hối lộ.[4]
Tóm lại, kết luận có thể của phần hai này là ưu tiên số một là bảo vệ và duy trì chế độ toàn trị nhưng đồng thời cũng sẽ là thách thức số một theo nghịch lý quyền lực. Trước mắt, Hội nghị Trung ương 10 vào tháng 10/2024 hay Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 14 vào đầu năm 2026, theo tôi, không phải là những rào cản không thể vượt qua đối với tân Tổng Bí thư kiêm chủ tịch nước Tô Lâm, tuy nhiên, thách thức thực sự sẽ là việc ông ấy sẽ sử dụng ‘chiếc nhẫn’ quyền lực tuyệt đối thế nào?
_____________
Tham khảo
- https://dangcongsan.vn/thoi-su/chuyen-tham-trung-quoc-cua-tong-bi-thu-chu-tich-nuoc-to-lam-da-thanh-cong-tot-dep-675737.html
- https://www.youtube.com/watch?v=yhWSXD-PVGc
- https://vi.wikipedia.org/wiki/Bạc_Hy_Lai
- https://vi.wikipedia.org/wiki/Lý_Thượng_Phúc
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do