Việt - Nhật nâng cấp quan hệ trong mối lo ngại Trung Quốc

Bình luận của Hà Lệ Chi
2023.11.29
Việt - Nhật nâng cấp quan hệ trong mối lo ngại Trung Quốc Chủ tịch Võ Văn Thưởng và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida tại Tokyo hôm 27/11/2023
AFP

Việt - Nhật nâng cấp quan hệ

Mới đây, Chủ tịch nước Việt Nam Võ Văn Thưởng đã có chuyến thăm Nhật Bản từ ngày 27-30/11 (1). Ngày 27/11 Việt - Nhật đã có Tuyên bố chung (2), theo đó, hai bên đã quyết định nâng cấp quan hệ lên cấp cao nhất là “Đối tác Chiến lược Toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới”.

Nhiều ý kiến gọi mối quan hệ này là “một liên minh chiến lược, là minh chứng cho thấy tầm quan trọng toàn cầu ngày càng tăng của Việt Nam”, đồng thời cũng đề cập đến chất xúc tác Trung Quốc” trong tiến triển quan trọng của mối quan hệ Hà Nội-Tokyo lần này.

Lợi ích kinh tế song phương

Nhật Bản có lợi ích kinh tế đáng kể ở Việt Nam, khi là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ ba và là đối tác thương mại lớn thứ tư của Việt Nam, với thương mại song phương đạt mức ấn tượng 50 tỷ USD vào năm 2022 (3). Liên minh chiến lược Việt-Nhật được hình thành là minh chứng cho thấy tầm quan trọng toàn cầu ngày càng tăng của Việt Nam, đặc biệt khi các khoản đầu tư nước ngoài đang được chuyển hướng từ Trung Quốc sang Việt Nam do xung đột thương mại ngày càng gia tăng. Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nhấn mạnh tầm quan trọng của diễn biến này, tạo tiền đề cho một chương mới trong quan hệ Việt Nam - Nhật Bản.

Với chiến lược mang tên ngoại giao cây tre” – là sự kết hợp giữa nguyên tắc và tính linh hoạt để thúc đẩy một đường lối ngoại giao đa phương hóa và đa dạng hóa, Việt Nam mong muốn tăng cường hợp tác, tiếp thu công nghệ từ Nhật Bản để thúc đẩy nâng cấp ngành công nghiệp sản xuất của Việt Nam. Nhật Bản có vai trò rất quan trọng đối với nền kinh tế Việt Nam: là nhà cung cấp viện trợ phát triển chính thức (ODA) lớn nhất, đối tác lao động lớn thứ hai, nguồn đầu tư lớn thứ ba, thị trường du lịch nước ngoài và đối tác thương mại lớn thứ tư của Việt Nam.

Nhật Bản thì hy vọng sẽ chuyển một phần chuỗi công nghiệp và cung ứng sang Việt Nam, đặc biệt là chuỗi cung ứng khoáng sản quan trọng như đất hiếm, đồng thời xây dựng Việt Nam trở thành cơ sở sản xuất đất hiếm quan trọng thông qua chuyển giao công nghệ và đào tạo nhân sự. Ngoài ra, Nhật Bản đang tích cực thúc đẩy Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (IPEF), bao gồm các nước ASEAN, trong đó Việt Nam giữ một vai trò quan trọng.

Không chỉ phát triển quan hệ trong lĩnh vực kinh tế - thương mại, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Thủ tướng Kishida Fumio đã nhất trí mở rộng hợp tác trên nhiều lĩnh vực từ thương mại, biến đổi khí hậu, kinh tế và an ninh để đạt được một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở”.

Thời điểm nâng cấp quan hệ

Quan hệ Việt - Nhật đã phát triển từ rất lâu, nhưng tại sao Việt - Nhật lại chọn thời điểm này để nâng cấp quan hệ? Có lẽ một số lý do sau đây sẽ giải đáp được vấn đề này:

Thứ nhất, năm nay đánh dấu kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt - Nhật, cũng như 50 năm thiết lập quan hệ hữu nghị và hợp tác Nhật Bản-ASEAN. Chuyến thăm của nhà lãnh đạo Việt Nam có thể xem là việc thúc đẩy quan hệ song phương trong sự tương tác đa phương giữa Nhật Bản và các nước ASEAN. Hội nghị thượng đỉnh đặc biệt Nhật Bản-ASEAN (được tổ chức tại Tokyo vào giữa tháng 12 tới) sẽ đưa ra một tầm nhìn mới để tăng cường quan hệ hai bên.

Thứ hai, Việt Nam và Mỹ đã nâng cấp quan hệ song phương lên "Đối tác Chiến lược Toàn diện" vào tháng 9 vừa qua. Cũng có thể hiểu việc nâng cấp quan hệ này cũng mang nhiều hàm ý khi Nhật Bản cũng là một đồng minh quan trọng của Mỹ ở châu Á. Việt-Nhật nâng cấp quan hệ sau khi Việt-Mỹ có bước tiến quan trọng tương tự với những thỏa thuận hợp tác quan trọng về chất bán dẫn và khoáng sản. Xu hướng kết giao liên minh chiến lược” này phản ánh rõ ràng sự định hướng thành công của Việt Nam trong nền chính trị toàn cầu.

000_346F847.jpg
Chủ tịch Võ Văn Thưởng phát biểu tại quốc hội Nhật Bản hôm 29/11/2023. AFP

Cùng nhau đối phó với mối đe doạ chung

Trong Tuyên bố chung của hai bên có nhắc: “ Hai nhà lãnh đạo bày tỏ quan ngại về tình hình ở Biển Đông và tái khẳng định tầm quan trọng của việc tránh có các hành động đơn phương nhằm thay đổi nguyên trạng bằng vũ lực hoặc cưỡng ép, và làm gia tăng căng thẳng.

Hai nhà lãnh đạo khẳng định tầm quan trọng của duy trì hòa bình, an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không và các hoạt động kinh tế hợp pháp không bị cản trở trên Biển Đông, tự kiềm chế, và giải quyết hòa bình các tranh chấp phù hợp với Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS), đồng thời tái khẳng định UNCLOS là cơ sở pháp lý quốc tế toàn diện nhất về biển.

Hai nhà lãnh đạo cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực hiện đầy đủ và hiệu quả toàn bộ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và ghi nhận tiến triển trong quá trình đàm phán Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Hai nhà lãnh đạo cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của một COC hiệu quả và thực chất, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS và không phương hại tới quyền của bất kỳ bên nào.’’ (4)

Tuyên bố như trên cho thấy mối lo ngại của hai bên trước các động thái bá quyền ngày càng tăng của Trung Quốc trên biển. Việt Nam đang có những tranh chấp với Trung Quốc ở Biển Đông. Nhật Bản cũng có những tranh chấp với Trung Quốc tại Biển Hoa Đông. Gần đây, Trung Quốc đã luôn có các hành vi đe doạ, cưỡng bức nhiều quốc gia trên cả Biển Đông và Biển Hoa Đông. Chính vì vậy, điều này đã như một chất xúc tác dẫn tới việc Hà Nội-Tokyo nâng cấp quan hệ, trong đó hai bên tăng cường hợp tác an ninh, bao gồm hợp tác về thiết bị quốc phòng và chuyển giao công nghệ, thảo luận về chương trình viện trợ mới của Nhật Bản cho quân đội các nước đang phát triển có cùng quan điểm trong khu vực…, trong bối cảnh quan ngại về Trung Quốc.

Nhật Bản đang nhanh chóng phát triển mối quan hệ chặt chẽ hơn với Việt Nam, một quốc gia Đông Nam Á có vai trò kinh tế và an ninh quan trọng trong khu vực trong bối cảnh phải đối mặt với sự trỗi dậy và cạnh tranh của Trung Quốc cũng như sự cạnh tranh của nước này với Mỹ và các quốc gia phương Tây khác.

Với tầm nhìn rõ ràng là nhắm đến Trung Quốc, Nhật Bản đã triển khai một chương trình mới cung cấp thiết bị quốc phòng cho các quốc gia có cùng chí hướng, được gọi là chương trình Hỗ trợ An ninh Chính thức (OSA), dành riêng hai tỷ yên (13 triệu USD) cho năm tài chính đến tháng 3/2024 (5). Tờ Nikkei Asia còn cho rằng: Việc Việt-Nhật nhất trí hợp tác chặt chẽ hơn về an ninh có thể liên quan đến OSA -chương trình viện trợ quốc phòng mới của Tokyo, trong bối cảnh Hà Nội ngày càng lo ngại về việc Trung Quốc tiếp tục củng cố hoạt động quân sự trên biển. Việt-Nhật hướng tới hợp tác sâu sắc hơn ngoài khuôn khổ OSA. Tàu sân bay trực thăng JS Izumo (tàu lớn nhất trong hạm đội Lực lượng Phòng vệ biển Nhật Bản) đã cập cảng Cam Ranh của Việt Nam vào tháng 6/2023. Thủ tướng Kishida và Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã đồng ý trên cơ sở này xây dựng nền tảng để mở rộng hoạt động đào tạo chung và thúc đẩy chia sẻ thông tin giữa lực lượng bảo vệ bờ biển của hai nước”. (6)

Trung Quốc có mối liên kết chặt chẽ với Việt Nam về mặt kinh tế, nhưng Bắc Kinh cũng đặt ra mối đe dọa an ninh với Hà Nội do tranh chấp chủ quyền lãnh thổ ở Biển Đông, khiến Việt Nam khác biệt với các nước láng giềng Campuchia và Lào, vốn đang xích lại gần Trung Quốc hơn thông qua sáng kiến cơ sở hạ tầng Vành đai và Con đường” (BRI) của Bắc Kinh. Chính việc Bắc Kinh quân sự hóa trên biển đã thúc đẩy Hà Nội tăng cường mối quan hệ với Tokyo và Washington.

____________

Tham khảo:

1. https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/chu-tich-nuoc-vo-van-thuong-tham-chinh-thuc-nhat-ban-119231126111655537.htm

2. https://tuoitre.vn/tuyen-bo-chung-viet-nam-nhat-ban-ve-nang-cap-len-doi-tac-chien-luoc-toan-dien-20231127223625395.htm

3. https://vneconomy.vn/trien-vong-quan-he-thuong-mai-viet-nam-nhat-ban.htm

4. https://tuoitre.vn/tuyen-bo-chung-viet-nam-nhat-ban-ve-nang-cap-len-doi-tac-chien-luoc-toan-dien-20231127223625395.htm

5. https://english.kyodonews.net/news/2023/11/a5b5238dba0f-japan-vietnam-agree-to-deepen-security-cooperation-amid-chinas-rise.html

6. https://asia.nikkei.com/Politics/International-relations/Japan-and-Vietnam-upgrade-security-ties-with-eye-on-China

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do

* Tác giả Hà Lệ Chi là một nhà nghiên cứu độc lập, đã tốt nghiệp ngành quan hệ quốc tế ở Úc. Hà Lệ Chi đã có thời gian làm việc tại Bộ Ngoại giao Việt Nam. hiện tác giả đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam. 

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.