Hòa Bình: Chủ vườn khổ sở nạn kích giun bán cho Trung Quốc

RFA
2023.09.25
Hòa Bình: Chủ vườn khổ sở nạn kích giun bán cho Trung Quốc Vườn cam Cao Phong.
RFA

Tình trạng giun tặc dùng máy kích điện tận diệt giun tại các tỉnh phía Bắc để bán cho thương lái Trung Quốc được truyền thông trong nước cho hay ngày càng rầm rộ. Phóng viên RFA có mặt tại Thị trấn Cao Phong, huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình và ghi nhận ý kiến các chủ vườn cây ăn quả tại đây để tìm hiểu rõ hơn vấn nạn này.

Trao đổi với phóng viên RFA vào ngày đầu tháng 9, nhiều chủ vườn không muốn nêu tên (vì lý do an toàn) nói rõ hơn về tình trạng kích giun tại đây:

"Hiện giờ thu mua giun từ Trung Quốc, thuê người Việt Nam kích tất cả các loại giun, vào đánh tất cả các vườn cam. Có những vườn cam bây giờ bị phá hủy hoàn toàn do giun, bị kích nhiều lần chứ không phải một lần, nếu kích một lần chưa hỏng. Họ toàn kích vào gốc cây cam chứ không kích vào đất trắng thế nên phần rễ cây cam bị xung điện, cháy hoàn toàn hệ thống rễ tơ."

"Cam, chuối, tất cả các loại cây trồng nó vào kích là hỏng hết bộ rễ."

Nhu cầu giun đất khô ở Trung Quốc trong những năm gần đây tăng mạnh do giun đất được coi là nguyên liệu trong y học cổ truyền chữa nhiều căn bệnh phổ biến liên quan tới tim mạch, gan, phổi, xương khớp.

Theo chia sẻ của người chủ vườn cam Cao Phong, tình trạng kích giun thường được nhóm giun tặc tiến hành kín đáo vào khoảng nửa đêm đến tầm ba giờ sáng. Bên cạnh đó, người dân cho hay sự việc không chỉ mới diễn ra gần đây mà đã có từ trước:

"Hiện tượng này xảy ra tầm độ 3-4 năm nay rồi nhưng không phải bây giờ mới xuất hiện. Nhưng trước đây họ đánh kích giun chưa hiện đại, bây giờ nó đưa tất cả các máy lớn và bí mật đi về khuya đêm để người dân yên ngủ. Thứ hai nữa là thời tiết mưa thì họ mới đi kích mạnh, còn nắng họ không kích vì mưa người dân không vào trong đồi nên người ta tới kích trộm."

Được biết, số giun kích được sẽ được đưa cho các lò sấy tại các địa phương ở Việt Nam và chuyển sang Trung Quốc với giá thành phẩm giao động từ 500 ngàn đồng đến một triệu đồng một ký.

"Tôi có những người bạn kích giun mà tôi không nói được. Họ sẽ nhập sang cửa khẩu Lạng Sơn, có những ngày nó nói chuyện với tôi mỗi một ngày nhập hàng tấn giun khô vì không phải mỗi Cao Phong mà tất cả nhiều huyện trên tỉnh Hòa Bình và nhiều tỉnh trên miền Bắc nhập về một nơi mua về rồi sấy, xong lại nhập về một đầu mối về Lạng Sơn để qua cửa khẩu."

Untitled-1.jpg

Vào mùa mưa từ khoảng tháng 4-5 đến tháng 9-10 tại miền Bắc, giun chui lên mặt đất nhiều, giun tặc hoạt động càng mạnh, vì vậy nhiều người dân đã phải tự bảo vệ vườn tược của mình bằng nhiều cách:

"Hàng tối cứ rủ nhau đi rình, nó cũng sợ nhiều, có nhà còn lắp cả cam (camera) để theo dõi."

Tuy nhiên, nhiều chủ vườn cho hay dù người dân hay cơ quan chức năng có phát hiện được giun tặc hay cơ sở sấy giun thì vẫn không có biện pháp nào xử lý mà phải đành lòng thả họ ra sau khi tịch thu máy xung điện.

"Tất cả các lò giun và đầu nậu sấy giun đến vùng Cao Phong này đêm đến họ đi xe thu mua của người dân và đầu tư máy, tức người dân có bắt được thì họ lại đầu tư cho, coi như mất một máy thì họ đầu tư mười máy để họ thu mua giun.

Vừa rồi một số người dân ở Cao Phong phát hiện được kích giun, quây một số thanh niên để bắt họ nhưng họ chạy mất, chỉ thu được dụng cụ kích giun. Khi thu được họ quay lại phá hoại mùa màng của người dân, đập ống nước, phá lều, lán, thậm chí còn chặt cây để phá hoại.

Người dân không thể nào quản lý được hết và chính quyền chưa có chế tài để xử phạt, người dân bắt được phải thả nó ra. Chưa có hình thức thích đáng để bắt tặc giun."

Báo Đại đoàn kết vào ngày 30/8/2023 có bài báo cho hay cơ quan Công an huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình trước đó đã phát hiện và bắt giữ hai xe chở giun đất, thu giữ hơn 100 kg giun đất tươi. Tuy nhiên, tối ngày 27/8 đã thả người và phương tiện do chưa có chế tài xử lý cụ thể.

Dù vậy, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hòa Bình trong văn bản gửi cơ quan chức năng tỉnh vào cuối tháng 8 cũng nêu rõ: “Hiện nay, chưa có quy định cụ thể cũng như chế tài xử lý đối với hành vi dùng kích điện khai thác giun đất. Song, căn cứ Điều 15 Nghị định 91/2019/NĐ-CP, trường hợp làm biến dạng địa hình hoặc làm suy giảm chất lượng đất thì hình thức và mức xử phạt từ 2 triệu đến 150 triệu đồng tùy diện tích đất bị hủy hoại.”

Dù mức phạt được nói lên đến hàng trăm triệu như vừa nêu, nhưng tình trạng kích điện giun được nhiều chủ vườn cho hay vẫn không thuyên giảm. Họ chẳng biết làm gì hơn ngoài mong mỏi:

"Muốn nhà chức trách vào cuộc để chế tài bắt được những người kích giun, nhà máy sấy khô cấm triệt để để không ảnh hưởng đến cây trồng bà con."

Một chủ vườn khác lại cho rằng, bên cạnh những chế tài từ phía nhà nước, các cơ quan chức năng vẫn cần phải tuyên truyền để người dân hiểu rõ hơn về tác hại việc kích giun gây ra cho ngành nông nghiệp:

"Người dân đi kích thật ra mà nói văn hóa thấp chỉ biết lợi nhuận đồng tiền. Cả ngày đi làm công chỉ được 250-300 (ngàn đồng) mà đi kích một tối người ta có thể có 2-3 triệu nên lợi nhuận đó người ta rất tham, làm như không biết tác hại sản xuất của nhà nông."

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.