Bao giờ nỗ lực cải tạo những dòng sông ô nhiễm ở Hà Nội đạt hiệu quả?
2023.08.08
"Đây là sông Kim Ngưu, đen ngòm hôi thối lắm vì cả một cái cống của thành phố chảy ra đây. Ô nhiễm. Các xác chết chim, cò, có khi những con lợn chết đi họ cũng ném xuống đây. Tất cả đều dồn về đây."
"Nắng nóng nước cạn một ít nữa, còn một tí dưới lòng thôi nhưng mùi càng cô đọng lại, bốc mùi ác nữa."
"Mùi quá nặng, mùi kinh lắm. Tí nữa nếu có mấy hạt mưa xuống thì kinh lắm, không đứng nổi đây."
"Khoảng ba bốn ngày không mưa thì thấy mùi rõ rệt ngay, mưa rồi thì coi như nước thoát được."
Vừa rồi là chia sẻ của những người dân sinh sống và làm việc tại các sông Tô Lịch, Kim Ngưu và Lừ, ba trong số bảy con sông trong nội thành Hà Nội có tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng được ví là những “dòng sông chết”.
Đây là sông Kim Ngưu, đen ngòm hôi thối lắm vì cả một cái cống của thành phố chảy ra đây.
Tình trạng ô nhiễm tại những dòng sông này ảnh hưởng nặng nề đến cuộc sống người dân sống gần đây:
"Cuộc sống bà con nói chung ở khu vực này không buôn bán, làm ăn được. Tôi ở sâu trong ngõ cách năm, bảy nhà mà vẫn còn bị mùi, gió lùa đưa vào. Còn ở trước mặt đây thì chịu, người ta phải đóng cửa suốt."
"Nói thật chúng tôi vì cuộc sống sinh nhai nên mình phải đi và cũng phải chịu, chứ tất nhiên không ai muốn ra đây."
Lãnh đạo thành phố Hà Nội trong nhiều năm gần đây đã có những dự án cải thiện ô nhiễm tại những con sông lớn tại đây với hai giai đoạn.
Trong đó bao gồm cải tạo hệ thống thoát nước khu vực nội thành, cải tạo kè và công trình hạ tầng kỹ thuật dọc các sông Tô Lịch, Kim Ngưu, Lừ, Sét; cải tạo nạo vét hồ nội thành; đưa vào vận hành các nhà máy xử lý nước thải đầu tư gồm Kim Liên, Trúc Bạch, Bảy Mẫu và Yên Sở.
"Cũng đỡ nhiều. Bây giờ còn chảy được, ví dụ mưa nhiều còn thoát được, trước đây chưa cải tạo còn không thoát được nước. Mùi thôi thối không bao giờ hết được, tất nhiên kinh khủng rồi."
Tuy nhiên, không phải dự án nào cũng cải thiện được ít nhiều tình hình ô nhiễm tại các con sông, như chia sẻ của những người dân sau:
"Ăn thua gì, chỉ được một thời gian thôi. Thấy nói cải tạo bao nhiêu lần rồi thế mà cải tạo được đâu."
"Nói chung là mấy năm nay chưa thấy cải tạo, chỉ kè dưới này. Bây giờ môi trường người ta chỉ đi vớt rác rưởi để nó thông nhưng không ăn thua. Bây giờ nhiều nhà cao tầng dân cư đông cống đều chảy ra đây hết. Sông nước bây giờ là cống rãnh các khu dân cư đổ ra, cống ngầm, nước sinh hoạt rất nhiều."
"Thật ra chưa thấy thay đổi. Sông nào tôi không biết chứ sông này cũng làm chứ chưa thay đổi được nhiều. Ví dụ quay hai bên này xong làm đường, nước thời gian đầu có thông thoáng, rồi đâu cũng vào đó.
Thực ra ở trong dân là các cơ quan, xí nghiệp, các phân xưởng thải ra nước hóa chất, nước thải sinh hoạt, không danh từ nào để mà tả được nước này, không còn thiếu vị gì ở dưới."
Sông nào tôi không biết chứ sông này cũng làm chứ chưa thay đổi được nhiều. Ví dụ quay hai bên này xong làm đường, nước thời gian đầu có thông thoáng, rồi đâu cũng vào đó.
Nhiều người dân không khỏi tiếc nuối khi nhớ về dòng sông nơi mình sinh sống trước khi bị ô nhiễm nặng nề:
"Trước đây thời kỳ chúng tôi mới đến đây còn có mấy con rùa sống. Bây giờ rùa cũng chắc chết lâu rồi. Không con gì sinh sống được."
"Ngày xưa chưa đô thị hóa nhiều thì chưa có cái kè này, lòng sông còn nhỏ nhưng có bèo bọt sống được thì nước lại trong, không hôi thối. Giờ kè thế này không bèo nào sống nổi."
Truyền thông nhà nước vào ngày 27/7 đưa tin cho hay lãnh đạo Hà Nội trong thời gian tới sẽ tiếp tục giao Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện đề án “Phục hồi chất lượng môi trường và phát triển hệ thống 4 sông nội đô Tô Lịch, Kim Ngưu, Lừ, Sét”.
Bên cạnh đó, cơ quan chức năng thủ đô cũng sẽ thường xuyên kiểm soát chặt chẽ các nguồn nước thải xả vào lưu vực sông, tăng cường kiểm tra, giám sát và thanh tra, xử lý các trường hợp vi phạm cũng như các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Đây cũng là mong mỏi của người dân:
"Mong muốn làm sao để nguồn nước này không bốc mùi lên để bà con sống hai bên bờ sông này đỡ đi."
"Hàng năm phải nạo vét lại thì dòng chảy thuận hòa hơn, không bị ứ."