Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn bị tuyên án 24 năm tù trong vụ án thứ ba
Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty AIC - vừa bị tuyên án vắng mặt 24 năm tù trong vụ án xảy ra tại Trung tâm Công nghệ sinh học (CNSH) TPHCM, Công ty AIC gây thiệt hại cho nhà nước gần 95 tỷ đồng.
Theo truyền thông Nhà nước, bà Nhàn bị 12 năm tù về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” và 12 năm tù về tội “Đưa hối lộ”. Tổng hợp hai bản án trước đây, buộc bị cáo Nhàn chấp hành chung 30 năm tù.
Đây là vụ án thứ ba bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn bị xét xử vắng mặt. Tháng 5/2023, bà Nhàn bị TAND cấp cao tại Hà Nội tuyên phạt 30 năm tù, về các tội “Vi phạm quy định đấu thầu”, “Đưa hối lộ”, xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai. Tháng 2/2024, bà Nhàn bị TAND cấp cao Hà Nội tuyên phạt 10 năm tù, về tội danh vi phạm đấu thầu xảy ra tại Bệnh viện Sản nhi tỉnh Quảng Ninh.
Cùng bị xét xử vắng mặt như bà Nhàn còn có ba người khác gồm: ông Trần Mạnh Hà (cựu Phó Tổng giám đốc AIC) bị phạt 19 năm tù chung cho hai tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” và “Đưa hối lộ”; Trần Đăng Tuấn (Trưởng văn phòng đại diện AIC tại TPHCM) bị phạt 18 năm tù chung cho hai tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” và “Đưa hối lộ”; Đỗ Vân Trường (Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Mopha) bị phạt bốn năm tù về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”.
Hai cựu lãnh đạo TPHCM là ông Dương Hoa Xô (cựu Giám đốc TTCNSH) bị 15 năm tù về tội “Nhận hối lộ”; Trần Thị Bình Minh (cựu Phó Giám đốc Sở KH&ĐT TPHCM) bị tuyên phạt 7 năm 6 tháng tù về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Các bị cáo còn lại bị tuyên án từ ba năm sáu tháng đến tám năm tù về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” và tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Trong phần luận tội hôm nay, các luật sư của bà Nhàn đã yêu cầu đình chỉ vụ án vì hiện không biết bà Nhàn ở đâu.
Theo các luật sư, bà Nhàn đã xuất cảnh ngày 19/6/2021 mà không bị áp dụng bất kỳ hạn chế nào như tạm hoãn xuất cảnh, cấm đi khỏi nơi cư trú.
Vì vậy, luật sư cho rằng không có căn cứ để khẳng định bị cáo Nhàn biết được việc mình bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử. Theo luật sư, cần thiết nhận định tình trạng của bị cáo Nhàn là không biết rõ đang ở đâu chứ không phải bỏ trốn.
Đại diện VKS phát biểu tại phiên xét xử rằng quan điểm cho rằng bị cáo Nhàn và các bị cáo đang bỏ trốn không còn tồn tại hay đã chết là không có căn cứ. Trường hợp nếu đủ căn cứ, cơ quan tố tụng sẽ không điều tra, truy tố, xét xử mà sẽ có các thủ tục khác theo đúng quy định pháp luật.