PC08 đang xác minh khiếu nại của thanh niên tố bị gậy CSGT va vào mắt đi cấp cứu

RFA
2023.08.23
PC08 đang xác minh khiếu nại của thanh niên tố bị gậy CSGT va vào mắt đi cấp cứu Anh N. với thương tích trên mắt
kenh14.vn

Phòng Cảnh sát Giao thông Đường bộ- Đường sắt (PC08) Thành phố Hồ Chí Minh đang xác minh làm rõ vụ nam thanh niên tố bị chấn thương sau khi va vào gậy cảnh sát giao thông.

Lãnh đạo PC08 cho truyền thông hay trong ngày 23/8 rằng trong trường hợp xác minh phát hiện cán bộ cảnh sát vi phạm quy trình công tác hoặc có hành vi dùng gậy điều khiển giao thông đánh vào mặt anh N. thì đơn vị sẽ xử lý nghiêm theo quy định.

Trước đó, hôm 16/8, anh N. đã gửi đơn khiếu nại đến Phòng PC08 và Thanh tra Công an TP.HCM đề nghị làm rõ vụ việc, anh bị CSGT dùng gậy đánh vào mặt, gây chấn thương mắt nghiêm trọng xảy ra vào trưa 13/8 tại Xa lộ Hà Nội, đoạn gần ngã tư Bình Thái, TP Thủ Đức.

Anh N. trong đơn khiếu nại cho biết, hiện tại mắt trái anh bị chấn thương nặng, thị giác chỉ hồi phục 30%.

Qua đơn khiếu nại của anh N., lãnh đạo Phòng PC08 cho biết đã xem qua báo cáo từ Đội CSGT Rạch Chiếc về diễn biến sự việc xảy ra trong ngày 13/8.

Theo báo cáo, khoảng 11h55 ngày 13/8, tổ công tác có mặt tại trụ điện T72L (xa lộ Hà Nội, phường Bình Thọ, TP Thủ Đức) để thực hiện xử lý chuyên đề tốc độ.

Đến 15h57, thông qua máy ghi hình tốc độ, đội phát hiện xe máy mang BKS 63C1-393.55 vi phạm tốc độ (66/60 km/h), đoạn đường cho phép 60km/h, do anh Đ.N.N. 22 tuổi, ngụ tỉnh Tiền Giang, cầm lái. Ngay lập tức CSGT ra hiệu dừng phương tiện nhưng người cầm lái phương tiện không chấp hành và tăng ga bỏ chạy.

Người vi phạm tiếp tục lao vào một CSGT khác để chạy qua chốt kiểm soát xử lý vi phạm tốc độ. Lúc này CSGT tránh né vào lề đường và không xác định được có va chạm giữa người vi phạm với gậy của chỉ huy giao thông hay không. Sau đó người vi phạm lái xe đi.

Khoảng 20 phút sau, người điều khiển phương tiện quay lại nhờ tổ công tác đưa đi cấp cứu do mắt bị thương. Tổ công tác đã tổ chức cho người hỗ trợ đưa nam thanh niên đến Bệnh viện đa khoa khu vực Thủ Đức để sơ cứu.

Liên quan vụ việc, sáng cùng ngày, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, anh N. cho biết trong chiều 15/8, có một người mặc thường phục (xưng là cảnh sát giao thông Đội Rạch Chiếc) đến bệnh viện mắt nơi anh đang điều trị. Trong quá trình trao đổi, người này nói đã xem camera an ninh và xác nhận được một cảnh sát giao thông cầm gậy "va" vào anh. 

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.

Nhận xét

hotapchuong
23/08/2023 16:15

Chuyện va chạm giữa “cây gậy công lý” và người điều khiển xe máy vẫn thường xảy ra trên đường phố. Vấn đề là hầu hết người dân đều không nhận ra lỗi, mà cứ đổ cho cảnh sát giao thông đánh người gây thương tích.
Chuyện mới xảy ra là một thí dụ cho cách xử lý kém hiểu biết của người dân, làm dư luận hiểu nhầm tư cách của người công an nhân dân, đáng bị lên án và phạt vạ.
Theo tường trình (một chiều) của anh Đ.N.N. (22 tuổi, quê Tiền Giang), trưa ngày 13 Tháng Tám, anh chạy xe máy trên xa lộ Hà Nội (hướng đi cầu Rạch Chiếc). Khi chạy cách ngã tư Bình Thái khoảng 100 mét thì gặp một tổ cảnh sát giao thông gồm khoảng 5 – 6 cán bộ mặc sắc phục đang làm nhiệm vụ gì đó.
Nhiều người cho biết, thường thì cảnh sát giao thông tụm năm túm ba trên đường lộ chỉ để “kiếm bánh mì” thôi, chứ chẳng làm gì khác. Bởi thế mấy cái chốt như thế này thường được người dân gọi là “chốt nộp bánh mì”.
Chắc cũng vì muốn kiếm thêm vài ổ bánh mì vừa cho sếp, vừa cho đội, nên gặp anh N. đang chạy tới, một cảnh sát đưa “cây gậy công lý” ra vẫy anh vào, lấy cớ kiểm tra giấy tờ xe, mặc dù anh N. cho biết, anh không vi phạm các lỗi như “phóng xe, vượt ẩu, lạng lách, đánh võng, lưu thông không đúng làn đường, v.v…”.
Người bình thường thì thấy “cây gậy công lý” thì nhũn như con chi chi, vội vàng tấp vào lề hỏi thăm anh cảnh sát xem “có điều gì dạy bảo” không, thì đâu bị “sứt đầu, mẻ trán”. Thế nhưng anh N. lại “phớt tỉnh ăng lê”. Anh N. kể:
“Ban đầu tôi chạy trong làn dành cho xe máy thì một cán bộ cảnh sát giao thông vẫy vào. Tôi chưa dừng lại thì cùng lúc đó có một cán bộ cảnh sát giao thông khác dùng gậy điều khiển giao thông ‘tác động’ vào mắt kính bên trái tôi đang đeo làm vỡ mắt kính, tôi cảm nhận lực đánh rất mạnh”.
Anh Đ.N.N. tại Bệnh viện Mắt – Ảnh: NVCC
Sau khi chạy qua “chốt nộp bánh mì” chừng hơn 50 mét, anh mới thấy mắt trái đau buốt và máu chảy ròng ròng xuống mặt. Anh quay ngược lại chốt này yêu cầu cảnh sát ở đấy chở đi bệnh viện cấp cứu, nhưng có lẽ nhiệm vụ kiếm bánh mì quan trọng hơn việc cứu người, nên các anh trai cảnh sát ở đấy ngó… lơ! Anh N. kể lại:
“Tôi hỏi lúc nãy anh nào vừa đánh em, chở em đi bệnh viện, giờ mắt em chảy máu không chạy xe được thì các anh đều trả lời không biết. Lúc đó, có khoảng 6 -7 anh cảnh sát và có xe công vụ nhưng không ai hỗ trợ đưa tôi đi. Các anh nói tôi đậu xe qua một bên và tự kêu xe ôm chở tôi đến bệnh viện”.
Nhiều người đánh giá cao câu trả lời “không biết ai đánh” của đội cảnh sát giao thông này. Chuyện “bảo vệ đồng chí, đồng đội” là một đức tính quý báu của cán bộ, đảng viên, không dại gì trả lời thiệt để “thế lực thù địch” có cớ đánh phá.
Khi anh N. tiếp tục yêu cầu nhóm cảnh sát giao thông chở đi bệnh viện, có một anh cảnh sát, có lẽ thấy máu mắt của anh N. chảy ra nhiều quá, không giúp lại mang tiếng “ác” nên gọi một anh xe ôm dựng xe ngồi gần đó vào giúp. Người xe ôm này để chiếc xe của anh ta lại, gần khu vực nhóm cảnh sát giao thông kiếm bánh mì, rồi lái xe gắn máy của anh N. chở anh đến Bệnh viện Mắt Sài Gòn cấp cứu.
Tại bệnh viện, anh N. được bác sĩ khám mắt, kết quả anh bị rách giác mạc, đứt mống mắt… nguy cơ dẫn đến mất thị lực và hư mắt, trường hợp xấu là phải gắn mắt giả. Sau đó, anh được mổ cấp cứu.
Đến ngày 18 Tháng Tám, anh N. được về nhà tiếp tục uống thuốc điều trị. Bác sĩ cho biết, mắt của anh có khả năng phục hồi và theo anh đến nay đã phục hồi được 30% thị giác. Còn muốn phục hồi 100% thì chắc… khó!
Thế nên anh N. viết đơn gởi Trưởng phòng PC08 và Thanh tra Công an TP.HCM, tố cáo cán bộ đội Cảnh sát Giao thông Rạch Chiếc vung gậy đánh anh, khiến anh phải mang thương tật suốt đời.
Đương nhiên, Phòng PC08 và Thanh tra Công an TP.HCM phải “xác minh”, rồi phải chờ báo cáo của đội xem sự việc xảy ra như thế nào. Chứ cứ theo lời tố cáo một chiều của nạn nhân, thì chẳng lẽ bắt công an vào tù hết sao?
Đừng bao giờ “ngu dại” đưa mặt vào “cây gậy công lý” của công an, hậu quả rất thảm khốc – Ảnh: NVCC
“Bước đầu”, cơ quan chức năng cũng đã “xác minh” được một số vấn đề chính. Những cán bộ công an gương mẫu làm nhiệm vụ tại “chốt nộp bánh mì” cho biết, do anh N. chạy xe vi phạm tốc độ cách chốt chừng 100 mét. Họ có “bắn tốc độ” hay có bằng chứng gì không thì chưa biết, nhưng lãnh đạo công an thành phố tin cán bộ mình chỉ biết nói “sự thật” thôi.
“Sự thật” được cán bộ công an ghi nhận rằng, do anh N. phóng xe quá tốc độ cho phép, nên một anh cảnh sát đẹp trai phong độ bước ra ngoài, dùng gậy đưa ra phía trước ra hiệu cho anh N. dừng lại. Tuy nhiên, anh N. không chấp hành lệnh, mà cố tình bỏ chạy.
Do đang chạy xe với tốc độ cao, nguyên cái mặt của anh N. đưa vào ngay tầm “chiếc gậy công lý” của anh cảnh sát lúc đó đang đưa ra. Hậu quả là con mắt trái của anh N. “va chạm” khá mạnh với đầu cây gậy, khiến mắt kính trái vỡ vụn, một vài mảnh vỡ ghim vào mắt anh N.
Theo tường trình của mấy anh cảnh sát, anh N. tự đưa mặt “tác động” vào gậy, và do đầu “chiếc gậy công lý” này cứng quá nên mới xảy ra cớ sự đáng tiếc. Các anh còn nói muốn bao nhiêu người đi đường làm chứng mấy ảnh cũng có để “bảo chứng” cho lời tường trình này.
Vì những phân tích trên, nhiều người đoán rằng kết luận của Trưởng phòng PC08 và Thanh tra Công an TP.HCM chỉ có thể là: “Đội Cảnh sát Giao thông Rạch Chiếc hoàn toàn không có lỗi trong chuyện này. Lỗi của anh N. là không chấp hành mệnh lệnh của cảnh sát, lại còn cố tình đưa mặt vào ‘cây gậy công lý’ để ăn vạ, làm mất uy tín lực lượng công an nhân dân, nên phải phạt để làm gương”.
Đây cũng là tấm gương cho người dân điều khiển phương tiện giao thông trên đường. Nếu gặp cảnh sát giao thông lập chốt, đừng nên để mấy anh giơ gậy ra lệnh dừng xe, mà nên chủ động dừng lại. Không cần mấy anh cảnh sát ghi biên bản, cũng nên xin lỗi, và đề nghị được nộp phạt bằng tiền mặt “ngay và luôn” để mấy anh dễ mua bánh mì.
Cứ sống “hồn nhiên như thằng điên” như thế thì làm gì có chuyện cái này “tác động” vào cái kia gây chảy máu!