Malaysia phản đối việc Việt Nam mở rộng bãi Thuyền Chài ở Trường Sa

2024.11.04
Malaysia phản đối việc Việt Nam mở rộng bãi Thuyền Chài ở Trường Sa Bãi Thuyền Chài thuộc quần đảo Trường Sa ở Biển Đông hôm 11/5/2024
CSIS/AMTI/MAXAR Technologies

Bộ Ngoại giao Malaysia gửi thư khiếu nại tới Bộ Ngoại giao Việt Nam vào đầu tháng Mười năm nay, cáo buộc Hà Nội mở rộng bãi Thuyền Chài ở Biển Đông mà cả hai nước đều tuyên bố chủ quyền. Cho đến nay, Việt Nam chưa phản hồi lá thư này của Malaysia. Reuters hôm 4/11 dẫn hai nguồn tin là quan chức chính phủ yêu cầu giấu tên vì vấn đề nhạy cảm. 

Theo đánh giá của Reuters, các hoạt động leo thang xung đột trên Biển Đông phần lớn đều liên quan đến Trung Quốc. Tuy nhiên, lá thư khiếu nại của Malaysia gửi tới Việt Nam là một động thái leo thang song phương hiếm hoi ở Biển Đông mà không liên quan đến quốc gia khổng lồ ở phía bắc Biển Đông.

Lá thư này đã khiếu nại việc Việt Nam mở rộng nhân tạo bãi Thuyền Chài (Rạn san hô Barque Canada.) Bãi Thuyền Chài là một đảo nhỏ ở quần đảo Trường Sa, nơi Việt Nam đã xây dựng nhiều cơ sở hạ tầng. Chương trình Minh bạch Hàng hải Châu Á (AMTI)  thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), một tổ chức nghiên cứu tại Washington DC, đã công bố các hoạt động cải tạo đảo nhân tạo của Việt Nam ngày 7 tháng Sáu năm 2024. 

Vào cuối tháng Mười, Đài Á Châu Tự Do đưa tin Việt Nam đang xây dựng một đường băng trên bãi Thuyền Chài. Theo bản tin của Reuters, một trong những quan chức cho biết, bức thư được gửi đi trước những bản tin trên. Lá thư cũng chỉ phê phán việc mở rộng đảo nhỏ chứ không chỉ trích việc xây dựng cơ sở hạ tầng. 

Reuters cho biết Bộ Ngoại giao Việt Nam và Bộ Ngoại giao Malaysia đều không trả lời yêu cầu bình luận. 

Biển Đông tồn tại ba nhóm tranh chấp. Một là tranh chấp chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa giữa Việt Nam, Trung Quốc và Đài Loan. Hai là tranh chấp chủ quyền đối với Trường Sa giữa Trung Quốc, Đài Loan, Malaysia, Việt Nam, Brunei và Philippines. Nhóm tranh chấp thứ ba liên quan đến đường chữ U mà Trung Quốc tuyên bố trên Biển Đông, chồng lấn với phần lớn vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của các quốc gia ven biển khác xung quanh vùng biển rộng lớn này ở Đông Nam Á. 

 

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.