Chủ tịch nước Tô Lâm đặc xá khoảng 3.800 phạm nhân, không có tù chính trị
Việt Nam đã tha tù trước thời hạn cho hơn 92.000 tù nhân trong chín lần kể từ năm 2009, tuy nhiên luôn loại trừ các tù nhân chính trị.
Văn phòng Chủ tịch nước sáng 30/9 công bố Quyết định đặc xá năm 2024 của Chủ tịch nước Tô Lâm nêu rõ, đặc xá cho 3.763 phạm nhân đang chấp hành án phạt tù và 2 người đang được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù, có đủ điều kiện được hưởng đặc xá năm 2024.
Theo thông báo chính thức, những người bị kết án vì các tội danh liên quan đến an ninh quốc gia như "tuyên truyền chống Nhà nước," "âm mưu lật đổ" chính quyền cộng sản hoặc "khủng bố"... đều không đủ điều kiện để được trả tự do, mặc dù, có quy định trường hợp đặc biệt đặc xá để "đối nội, đối ngoại" theo quyết định của Chủ tịch nước.
TTXVN cho hay, có khoảng 20 người nước ngoài được tha tù trước thời hạn trong đợt này, bao gồm chín người Trung Quốc, hai người quốc tịch Hoa Kỳ...
Trong số 20 người được đặc xá lần này có các tội danh đa dạng, liên quan đến giết người, buôn lậu, tổ chức đánh bạc, tổ chức cho người ở lại Việt Nam phi pháp…
Họ dự kiến sẽ được trả tự do vào ngày 1/10 trong một động thái muộn màng sau Ngày Quốc khánh 2 tháng 9 của Việt Nam.
Phóng viên RFA gửi email đề nghị Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội cho biết thông tin về hai trường hợp công dân Mỹ được trả tự do, tuy nhiên chưa nhận được ngay phản hồi.
Không đặc xá cho tù chính trị
Quyết định đặc xá được đưa ra sau khi hai tù nhân lương tâm nổi tiếng được trả tự do trước thời hạn vào giữa tháng 9, ngay trước khi Chủ tịch nước kiêm Tổng bí thư Tô Lâm có chuyến làm việc tại Hoa Kỳ.
Một người là bà Hoàng Thị Minh Hồng, nhà hoạt động vì môi trường đang thụ án ba năm tù ba vì tội danh trốn thuế liên quan đến nhóm vận động vì môi trường CHANGE của bà.
Nhà bất đồng chính kiến Trần Huỳnh Duy Thức ra tù sớm tám tháng so với bản án 16 năm tù vì bị cáo buộc hoạt động nhằm lật đổ chế độ.
Luật sư Nguyễn Văn Đài, người đang tị nạn chính trị tại Đức cho hay, ông không nằm trong diện được đặc xá hay giảm án, tuy nhiên, hồi tháng 6/2018 công an bất ngờ vào đọc lệnh "tạm đình chỉ thi hành án cho đi nước ngoài theo diện nhân đạo".
Ông được trả tự do sớm gần 13 năm so với bản án 15 năm tù với tội danh "hoạt động nhằm lật đổ chính quyền".
Ông Đài khẳng định, việc quy định các tội danh không được đặc xá trong đó có nhóm tội về an ninh quốc gia, đi ngược lại với các tuyên bố của chính quyền là đối xử với các tù nhân đều bình đẳng như nhau bất kể tội danh.
Ông nói với RFA hôm 20/9:
"Trong quá trình thi hành án phạt tù đấy thì tất cả phạm nhân đều phải thi hành án đều được xếp loại trung bình, khá hay tốt, khi họ đã thi hành án và chấp hành bản án như nhau thì họ phải được đối xử bình đẳng như nhau, như là vấn đề giảm án hay đặc xá.
Ở đây, khi họ đã tách những người liên quan đến an ninh quốc gia ra khỏi diện đặc xá thì đó là sự phân biệt bất bình đẳng, sự phân biệt đối xử không công bằng ở đây."
Nhà báo tự do Nguyễn Văn Hải (có bút hiệu là Điếu Cày) hồi tháng 10 năm 2014 được đưa thẳng từ trại giam ở Nghệ An lên máy bay sang Mỹ để tị nạn chính trị.
Ông được "tạm ngưng thi hành" bản án 12 năm dù bị xếp loại "cải tạo kém" và "không nhận tội".
Mặc dù các quy định trong Luật Đặc xá (thông qua năm 2018) đều rõ ràng, tuy nhiên, mỗi năm Hội đồng tư vấn đặc xá do Chủ tịch nước bổ nhiệm lại có các hướng dẫn thi hành đặc xá khác nhau.
Theo nhà báo hiện đang sống ở tiểu bang California, các văn bản vô hình này tạo rào cản cho những người tù tiếp cận Luật Đặc xá và tạo điều kiện cho việc chạy án, nhận hối lộ. Còn đối với những nhà hoạt động mang án chính trị, ông Hải khẳng định:
"...tù chính trị lúc nào cũng nói: 'Ăn ngủ, chung đủ, rồi về'. Cái đó là xác định rồi, không có chuyện giảm án hay đặc xá gì liên quan đến tù chính trị. Trừ các trường hợp như tụi anh cộng đồng quốc tế lên án dữ quá thì nó phải nhả ra".