Nhóm công tác của LHQ: Việt Nam bắt giữ tùy tiện có hệ thống, điển hình là ông Phạm Chí Dũng!
2024.10.30
Mô hình bắt giữ tùy tiện tại Việt Nam đang trở thành một vấn đề hệ thống, có thể vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, theo một cơ quan thuộc cơ chế nhân quyền của Liên Hiệp quốc (LHQ).
Nhóm công tác của LHQ về vấn đề Bắt giữ Tùy tiện (WGAD) vừa công bố văn bản khẳng định việc chính quyền giam giữ nhà báo Phạm Chí Dũng là tùy tiện, đồng thời đề nghị một chuyến thăm quốc gia đến Việt Nam sau lần cuối cùng cách đây 30 năm.
Một nhóm năm chuyên gia của LHQ có nhiệm vụ điều tra các trường hợp tước đoạt tự do một cách tùy tiện hoặc không phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế, đưa ra kết luận trên trong bản ý kiến được thông qua tại phiên họp thứ 100 vào ngày 30/8.
Đến ngày 29/10 Văn phòng Cao uỷ Nhân quyền của LHQ công bố cho báo giới sau khi không được Chính phủ Việt Nam phản hồi.
Tiến sĩ kinh tế Phạm Chí Dũng, sinh năm 1966, là Chủ tịch của Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam. Ông bị bắt giữ vào tháng 11/2019 và đến tháng 1/2021 bị tuyên án 15 năm tù với cáo buộc “tuyên truyền chống Nhà nước.”
Theo WGAD, việc cơ quan an ninh bắt giữ ông Dũng thiếu cơ sở pháp lý, có nhiều vi phạm trong quá trình tố tụng và xét xử, khẳng định rằng việc cầm tù ông là do các hoạt động bày tỏ quan điểm chính trị và bất đồng chính kiến của ông.
Nhóm công tác cho rằng chính quyền cần có biện pháp khắc phục thích hợp là trả tự do cho ông Dũng, trao cho ông quyền được bồi thường và các khoản đền bù khác theo luật pháp quốc tế.
Cơ quan này lưu ý họ nhận được nhiều báo cáo tương tự liên quan đến việc tước đoạt quyền tự do tùy tiện của con người, đặc biệt là những người bảo vệ nhân quyền ở quốc gia độc đảng.
Nhiều trường hợp trong số này tuân theo mô hình bắt giữ quen thuộc như không tuân thủ các quy tắc quốc tế, giam giữ trong thời gian dài mà bị hạn chế hoặc không được tiếp cận với luật sư, biệt giam, truy tố theo các tội hình sự được diễn đạt mơ hồ chỉ vì thực thi quyền con người một cách ôn hoà, xét xử kín và nhanh chóng mà quy trình xử án không được giám sát, mức án nặng nề so với hành vi và bị cách ly với thế giới bên ngoài.
Nhóm công tác lo ngại rằng mô hình này cho thấy một vấn đề mang tính hệ thống với việc giam giữ tùy tiện tại Việt Nam, nếu tình trạng này tiếp diễn, có thể dẫn đến vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế.
Phóng viên gửi email cho Bộ Ngoại giao Việt Nam với đề nghị bình luận về ý kiến của WGAD nhưng chưa nhận được phản hồi.