Tạp chí Mỹ khuyên khách du lịch không nên đến Vịnh Hạ Long vì quá nhiều rác
Một tạp chí chuyên về du lịch của Mỹ mới đây đã xếp Vịnh Hạ Long - di sản thiên nhiên thế giới của Việt Nam – vào danh sách No List là danh sách khuyên khách du lịch nên xem xét lại quyết định đến thăm một nơi nào đó trên thế giới. Lý do được đưa ra là Vịnh Hạ Long quá đông khách và có quá nhiều rác.
Danh sách No List 2024 của tạp chí Fodor’s Travel tập trung vào ba yếu tố chính là: quá tải khách du lịch, xả rác và chất lượng nước, tính hiệu quả.
Nhận xét về Vịnh Hạ Long, tạp chí này viết: “Tình trạng quá đông khách du lịch và ô nhiễm biển đang đặt sức ép lên hệ thống môi sinh (của Vịnh Hạ Long) trong nhiều thập niên qua. Số du khách đến Vịnh hạ Long trong năm 2022 đã là hơn bảy triệu người và dự kiến có thể vào khoảng tám triệu rưỡi người vào năm 2023.”
Truyền thông Nhà nước cho biết, dù đã cấm việc sử dụng đồ nhựa một lần trên thuyền du ngoạn Vịnh Hạ Long từ năm 2019 nhưng khách tham quan trên tàu ở Vịnh Hạ Long vẫn được cung cấp những nước chai nước nhỏ.
Khách đến thăm Vịnh Hạ Long gần đây thường phàn nàn về vấn đề rác thải là các hộp xốp và vệt dầu nhờn trôi trên mặt nước của Vịnh.
Báo Tiền Phong dẫn lời một nhà nghiên cứu ô nhiễm biển, trực tiếp làm việc ở Việt Nam hơn năm năm qua cho biết, ngoài vấn đề quá tải khách, việc quản lý cũng không tốt trong xử lý chất thải hiệu quả.
Fodor’s Travel cho biết hiện TP Hạ Long chỉ có khả năng xử lý 40% lượng nước thải.
Cũng theo Tiền Phong, rác thải được tạo ra hàng ngày từ các hoạt động du lịch, không chỉ ảnh hưởng đến trải nghiệm du lịch mà còn ảnh hưởng đến hệ sinh thái vốn đang bị "tổn thương" bởi biến đổi khí hậu. Đã từng có 234 loại rạn san hô trong vịnh, nhưng hiện chỉ còn lại một nửa.
Vịnh Hạ Long được UNESCO công nhận là di sản thế giới vào năm 1994 và nổi tiếng bởi cảnh quan độc đáo với 1.600 hòn đảo và các núi đá vôi. Vịnh cũng nổi tiếng bởi những du thuyền cho khách đi thăm Vịnh mỗi ngày. Tuy nhiên, theo nhận định của một số chuyên gia được báo Nhà nước dẫn lời, lượng tàu quá lớn cũng góp phần gây ô nhiễm cho di sản thiên nhiên này.